Khởi đầu từ năm 1912, giáo sĩ người Pháp Léopold Michel Cadière đã khẳng định trong cuộc hội thảo về văn hóa VN tại Paris rằng công lao phát minh ra chữ quốc ngữ thuộc về giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes (1591-1660). Chính luận điểm của một học giả có uy tín như Cadière đã được nhiều thế hệ học giả, nhà nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa VN mặc nhiên chấp nhận.
Đến năm 1950, GS Dương Quảng Hàm viết sách VN văn học sử yếu cũng đánh giá Rhodes có công nhất, là người đầu tiên đem in những cuốn sách bằng chữ quốc ngữ. Giai đoạn 1985 - 1991, các nhà nghiên cứu như GS-TS Lê Văn Hảo, Vũ Ngọc Phan, GS Nguyễn Văn Hoàn… cũng nhận định Rhodes là người đầu tiên đã học hỏi nghiên cứu các cung giọng trong tiếng Việt để hoàn thiện sự phiên âm tiếng Việt bằng chữ cái Latin, có công đầu trong việc nghiên cứu, có vai trò đặc biệt “mà không ai có thể tranh chấp được”… Năm 1994, đề tài khoa học cấp nhà nước Chữ quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ 20 do Hoàng Tiến chủ biên cũng tiếp tục đánh giá Rhodes “là đại diện và giữ công đầu” trong việc khai sinh chữ quốc ngữ.