So sánh vai trò người cha với cái nóc (nhà mái nhọn) thật là cụ thế và chí lí. Nhà trở thành mái ấm gia đình, che được mưa nắng, chống đỡ được gió bão. Nóc có vững thì nhà mới bền. Nhà dột từ nóc. Con có cha sẽ được sống và trưởng thành trong yên vui hạnh phúc. Con có cha như nhà có nóc là vậy. Sẽ bất hạnh và đau khổ vô cùng khi con mồ côi cha, hoặc vì lí do nào đó vắng bóng cha. Người con phải sống trong tình cảnh thiếu thốn tình phụ - tử, không được chăm sóc, bị hẫng hụt nhiều bề. Vì thế, dân gian còn nói: "Con không cha như nhà không nóc".
Cũng như tre già măng mọc, thế hệ con sẽ thay thế đời cha. Nhưng nếu con bất hiếu, chỉ biết làm mỏng ăn dày, hoặc làm nhiều điều bất lương... thì cha mẹ mang tiếng nhục với thiên hạ. Vì thế sinh con, nuôi dưỡng, dạy bảo con, người cha, người mẹ nào cũng mong con khôn lớn, giỏi giang. Tự hào khi con hơn cha: "Con hơn cha là nhà có phúc". "Con hơn cha" nghĩa là con đức độ hơn, tài giỏi hơn, thành đạt hơn, giàu có hơn cha. "Nhà có phúc" là gia đình trở nên tốt lành, yên vui, sung sướng. Có tổ ấm, phúc dày thì mới có "Con hơn cha".
Câu tục ngữ "Con hơn cha là nhà có phúc" không chỉ nhắc nhở các bậc cha mẹ phải lo chăm sóc nuôi dạy con cái trở nên người con hiếu thảo, người công dân có tài, có đức mà còn nói lên niềm mong ước, hi vọng của cha mẹ đối với con cái. Đồng thời, câu tục ngữ còn giáo dục mỗi chúng ta phải biết nỗ lực học tập, bồi dưỡng nhân cách văn hóa, để phát huy mọi truyền thống của gia đình, của mẹ cha.
Hai câu tục ngữ đều nói về mối quan hệ gia đình giữa cha và con. Vai trò của cha và nghĩa vụ của con được đúc kết thành chân lí, nêu cao bài học xây dựng gia phong, hình thành gia đình văn hóa mới.
Xã hội Việt Nam đã có nhiều đổi thay. Vai trò người mẹ trong gia đình không hề nhẹ hơn vai trò người cha. Nhưng câu tục ngữ: "Con có cha như nhà có nóc" vẫn nguyên giá trị.
Thế kỉ XXI là thế kỉ trí tuệ. Tuổi trẻ chúng ta hãy vươn lên chiếm lấy đỉnh cao khoa học kĩ thuật, thực hiện mơ ước nghìn đời của cha ông: "Con hơn cha là nhà có phúc".