Thuân lợi
Vùng Ðông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam gồm TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Ðồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An có diện tích tự nhiên chiếm 8,4% diện tích tự nhiên cả nước, dân số chiếm 15,6% dân số cả nước. Vùng có cửa ngõ phía tây tiếp giáp với Cam-pu-chia và các nước Thái-lan, Ma-lai-xi-a thông qua mạng đường bộ xuyên Á; cửa ngõ phía đông liên hệ với các nước trên thế giới thông qua hệ thống cảng biển Sài Gòn, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thị Vải tạo thành hành lang Ðông - Tây, nơi diễn ra nhiều hoạt động kinh tế sôi động, đã và đang có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Hệ thống kết cấu hạ tầng khá hoàn chỉnh như: hệ thống các trục giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không nối với các vùng trong cả nước, với khu vực Ðông - Nam Á và các nước khác.
Ngoài ra, vùng còn là nơi tập trung trữ lượng dầu mỏ lớn nhất cả nước, còn 16 vạn ha đất chưa sử dụng. Vùng có lực lượng lao động không chỉ từ nguồn lao động trong vùng mà còn từ các tỉnh khác đến, có trình độ chuyên môn cao, năng động, thích ứng với cơ chế kinh tế thị trường hơn so với các vùng khác; trong vùng còn tập trung nhiều trường đại học, dạy nghề; có lực lượng trí thức đông đảo và tâm huyết. Tốc độ đô thị hóa trong vùng khá cao và nhanh so với cả nước. TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, thương mại lớn nhất, là nơi hội tụ nền văn hóa của nhiều dân tộc trong nước và là động lực lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước và nhất là khu vực phía nam.