Lời chào hỏi là cách ứng xử giao tiếp xã hội, nhằm để duy trì mối quan hệ gắn bó, đoàn kết, tương thân tương ái giữa con người với con người trong một tập thể, cộng đồng. Thực trạng hiện nay, lời chào đã và đang dần dần mất đi vai trò của nó trong cuộc sống khi mà không ít người xem đó chỉ là hình thức, là xã giao không cần thiết. Nên tình trạng con cái về nhà không thèm hỏi cha mẹ; học sinh tới trường gặp thầy cô không chào; ra ngoài xã hội con cháu không chào người lớn tuổi... Vô hình chung, họ đang vô tình hay cố ý làm mất đi phép lịch sự tối thiểu, nét văn hóa tốt đẹp trong ứng xử thiết yếu của cuộc sống. Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên? Đó trước hết là do ý thức của con người rất kém, thiếu hiểu biết, suy nghĩ lệch lạc thực dụng ích kỉ, thiếu sự hòa đồng với mọi người xung quanh; do môi trường giáo dục gia đình – cái nôi sinh dưỡng ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển nhân cách của con người: cha mẹ ít quan tâm tới con cái, không bảo ban, dạy dỗ về tầm quan trọng của lời chào. Có thể nói, lời chào hỏi là thước đo phẩm chất, đạo đức của con người, vì vậy mỗi người cần có ý thức chào hỏi một cách có văn hóa trong cuộc sống này. Tùy từng đối tượng, hoàn cảnh khác nhau lại có những cách chào hỏi khác nhau, sao cho phù hợp. Đối với người bề trên thì lễ phép, kính trọng; đối với bạn bè cùng trang lứa thì hòa đồng, gắn bó, sẻ chia. Các bậc phụ huynh và nhà trường, xã hội cần chú trọng giáo dục con em mình về văn hóa ứng xử giao tiếp, sao cho họ nhận thức được tầm quan trọng của lời chào và lời chào là văn hóa truyền thống của cha ông ta: "Tiên học lễ - hậu học văn".Tóm lại, lời chào hỏi là một nét đẹp văn hóa ứng xử, thể hiện nhân cách, đạo đức, trình độ văn minh hiện đại của con người, xã hội. Vì vậy, mỗi người cần có ý thức giữ gìn, phát huy và luôn răn dạy những thế hệ tiếp nối cần chú trọng tới lời chào hỏi: "Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".