THEO QUAN ĐIỂM CỦA ANH (CHỊ) TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY CỦA VIỆT NAM GIẢI PHÁP CƠ BẢN NÀO ĐỂ PHÁT HUY TỐT NHẤT VAI TRÒ CỦA KHKT ĐỐI VỚI TTKT
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Theo Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2018 tại các khoản 1, 2, 16 đã quy định: “Khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy”. “Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm”. “Đổi mới sáng tạo là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa”. KHCN và ĐMST là chìa khóa để chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế (TTKT) từ chủ yếu dựa vào các yếu tố vốn, lao động và tài nguyên sang chủ yếu dựa vào năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP). Có thể chỉ ra vai trò của KHCN và ĐMST trong đổi mới mô hình TTKT như sau:
Thứ nhất, KHCN và ĐMST là yếu tố quyết định TTKT trong dài hạn
Đã có nhiều nghiên cứu của các nhà kinh tế về vai trò của KHCN và ĐMST đối với TTKT. Từ giữa thế kỷ XIX, C.Mác dự báo: đến thời đại công nghiệp thì việc sản sinh ra sự giàu có chủ yếu không phụ thuộc vào thời gian lao động, mà phụ thuộc vào kỹ thuật công nghệ của sản xuất. Robert Solow cho rằng: tất cả các tăng trưởng bình quân đầu người trong dài hạn đều thu được nhờ tiến bộ kỹ thuật. Kuznets khẳng định: công nghệ kỹ thuật là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình TTKT bền vững. Samuelson đã đưa ra nhận xét: khoảng 1/3 mức tăng sản lượng ở Mỹ là do tác động của vốn và lao động, 2/3 còn lại là một số dư có thể quy ra cho giáo dục, đổi mới, hiệu quả kinh tế theo quy mô, tiến bộ KH và các yếu tố khác.
Sở dĩ KHCN và ĐMST là yếu tố quyết định TTKT trong dài hạn vì: khác với các yếu tố đầu vào như vốn, lao động và tài nguyên là có giới hạn, nguồn lực KHCN và ĐMST dường như không có giới hạn. Bởi khi trao vốn, lao động, tài nguyên cho cá nhân khác sử dụng thì chủ thể sở hữu không thể tiếp tục sử dụng các nguồn lực đó (có giới hạn). Trong khi với nguồn lực KH,CN và ĐMST, khi trao cho người khác sử dụng, chủ thể sở hữu vẫn không mất đi quyền sử dụng nguồn lực đó, và càng có nhiều người sử dụng thì chi phí để tạo ra nguồn lực đó càng tiến gần tới không. Vì thế, có thể hiểu nguồn lực KHCN và ĐMST là không có giới hạn. Nó trở thành yếu tố quyết định TTKT trong dài hạn, là chìa khóa để vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình (tuy nhiên không nên hiểu là tuyệt đối, vì nguồn lực KHCN và ĐMST là sản phẩm của hoạt động của bộ não người, trong những thời đại lịch sử nhất định).
Thứ hai, KHCN và ĐMST là chìa khóa chuyển đổi mô hình TTKT từ chiều rộng sang chiều sâu
KHCN và ĐMST là phương tiện để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực khác. Với nguồn lực tài nguyên thiên nhiên: KHCN và ĐMST làm cho việc phát hiện, khai thác trở nên dễ dàng hơn, tăng hiệu quả sử dụng, tìm ra nhiều nguồn năng lượng mới thay thế cho cho nguồn năng lượng truyền thống đang bị cạn kiệt dần. Với nguồn lực lao động: KHCN và ĐMST làm thay đổi căn bản phương thức lao động của con người, chuyển từ lao động thể lực (chân tay, giản đơn) sang lao động trí lực (lao động có chuyên môn kỹ thuật, lao động phức tạp), giúp năng suất lao động tăng lên nhiều lần. Với nguồn lực vốn: thông qua quá trình hiện đại hóa các tổ chức trung gian tài chính, các hệ thống thông tin liên lạc, đặc biệt là cuộc cách mạng số đã và sẽ làm cho các giao dịch ngân hàng trở nên nhanh chóng, dễ dàng, tiện lợi, an toàn, chính xác, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh. Với vai trò đặc biệt này, KHCN và ĐMST là chìa khóa để chuyển đổi mô hình TTKT theo chiều rộng sang theo chiều sâu.
2. Thực trạng vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua.
Những năm qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển KHCN và ĐMST, do đó đã có bước tiến đáng kể trong bảng xếp hạng chỉ số ĐMST toàn cầu. Theo công bố của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2019, xếp hạng chỉ số ĐMST toàn cầu của Việt Nam tiếp tục cải thiện lên vị trí thứ 42/129 nền kinh tế, tăng 3 bậc so với năm 2018, 17 bậc so với năm 2016 và 34 bậc so với năm 2012. Kết quả này đưa Việt Nam lên xếp thứ nhất trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 3 trong ASEAN (sau Singapore và Malaysia). Đặc biệt có hai chỉ số liên quan đến đầu vào và đầu ra của KHCN và ĐMST có những bước nhảy vọt, cụ thể là: chỉ số Tổng chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) tăng 5 bậc và chỉ số Sản phẩm dựa trên tri thức và công nghệ tăng 8 bậc so với năm 2018(1).
Kết quả điều tra của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) năm 2018 cho thấy, có khoảng 30% doanh nghiệp có hoạt động ĐMST và khoảng 4 nghìn công ty khởi nghiệp sáng tạo đang hoạt động(2). Riêng trong ngành Công Thương, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia hoạt động đổi mới công nghệ ngày càng cao. Năm 2017, có 49,8% công nghệ được đổi mới so với nội tại doanh nghiệp, 47,8% so với thị trường và 2,4% so với thế giới. Trong lĩnh vực ĐMST, có hơn 80% doanh nghiệp lớn tham gia thực hiện đổi mới sản phẩm hoặc quy trình, gần 50% mở rộng lĩnh vực sản xuất - kinh doanh; với các các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ số tương ứng là khoảng 50% và 17-18%. Điều đó chứng tỏ các doanh nghiệp ngày càng quan tâm nhiều hơn tới hoạt động R&D. Báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2017 cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã chi khoảng 1,6% doanh thu hằng năm cho R&D. Nhiều tập đoàn/doanh nghiệp đã thành lập quỹ phát triển KH&CN để đẩy mạnh các hoạt động KHCN và ĐMST(3).
Số lượng công bố quốc tế trong 5 năm qua của Việt Nam tăng khá nhanh (khoảng 2,5 lần), từ 4.484 bài năm 2015 lên 11.061 bài năm 2019, với tốc độ tăng đạt 25,5%/năm. Số bài báo quốc tế thuộc Scopus công bố hằng năm cũng tăng nhanh từ 1.764 bài năm 2009 lên 8.243 bài năm 2018.
Sự phát triển mạnh mẽ của KHCN và ĐMST ở nước ta những năm qua đã có tác động tích cực đến đổi mới mô hình TTKT, thể hiện qua:
Thứ nhất, KHCN và ĐMST đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực khác:
(i) Nâng cao hiệu quả sử dụng lao động. Giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam là 3,45%/năm; sang giai đoạn 2011-2015 tăng lên 4,35%/năm và giai đoạn 2016-2019 đạt 5,75 %/năm. Tính chung 10 năm 2007-2016, NSLĐ theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011) của Việt Nam tăng trung bình 4,2%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của Singapore 1,5%/năm; Malaysia 1,9%/năm; Thái Lan 2,5%/năm; Indonesia 3,5%/năm; Philippines 2,8%/năm(4).
(ii) Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Giai đoạn 2006-2010, ICOR của nền kinh tế là 6,96 lần, sang giai đoạn 2011-2015 đã giảm xuống còn 6,25 lần và giai đoạn 2016-2019 là 6,17 lần(5).
(iii) Nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên thiên nhiên. Giai đoạn 2010-2018, ngành Than nhờ đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ đã tăng sản lượng bình quân 9,4%/năm. Trong đó, tỷ lệ khai thác bằng cơ giới tăng vượt bậc, từ 3,3% năm 2010 lên 13,1% năm 2018. Đặc biệt, thông qua Dự án KH&CN cấp nhà nước: “Nghiên cứu chế tạo thiết bị, công nghệ thi công đào giếng và trục tải giếng đứng ứng dụng cho mỏ than hầm lò Núi Béo”, lần đầu tiên Việt Nam đã tiếp cận và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới, giúp tăng tính chủ động, giảm chi phí tư vấn, thiết kế khoảng 30% so với chi phí thuê nước ngoài; góp phần nội địa hóa 2/3 giá trị, giảm 17-20% chi phí nhập khẩu thiết bị.
Ngành nông nghiệp: KH&CN đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Năng suất một số vật nuôi, cây trồng đạt mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới: lúa đứng đầu ASEAN; cá tra, hồ tiêu đứng đầu thế giới; cà phê, cao su đứng thứ hai thế giới(6).
Thứ hai, KHCN và ĐMST đã thúc đẩy chuyển đổi mô hình TTKT theo hướng tăng dựa vào TFP, giảm dựa vào tăng vốn và lao động
Từ năm 2011 đến nay, tốc độ tăng TFP của Việt Nam cao hơn nhiều so với những năm trước đó. Ngược lại, tốc độ tăng của vốn và lao động giảm đi. Cụ thể là: tốc độ tăng TFP giai đoạn 2011-2018 là 2,06%, cao gấp gần 4 lần so với giai đoạn 2006-2010 là 0,54%; tốc độ tăng vốn giảm mạnh từ 13,3% giai đoạn 2006-2010 xuống 7,97% giai đoạn 2011-2018 và tốc độ tăng của lao động giảm từ 2,77% giai đoạn 2006-2010 xuống 1,27% giai đoạn 2011-2018.
Tốc độ tăng TFP nhanh chóng trong giai đoạn 2011-2018 đã thúc đẩy chuyển đổi mô hình TTKT của Việt Nam thời kỳ này, giảm dần sự phụ thuộc vào yếu tố vốn và lao động. Giai đoạn 2001-2010, đóng góp của tăng vốn và lao động vào tăng trưởng GDP của Việt Nam là 73,6%; đến giai đoạn 2011-2015 giảm xuống còn 69,8%; giai đoạn 2016-2019 tiếp tục giảm còn 59,7%. Đóng góp của nhân tố tăng TFP vào tăng trưởng GDP ngày càng tăng lên. Nếu như giai đoạn 2001-2010, tỷ trọng này chỉ là 26,4%, sang giai đoạn 2011-2015 đã tăng lên 33,6% và giai đoạn 2016-2019 là 44,5%, vượt khá xa so với mục tiêu đề ra là trong khoảng 30-35%.
3. Khó khăn, thách thức và một số khuyến nghị
KHCN và ĐMST tại Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc trong những năm qua, góp phần tích cực vào đổi mới mô hình TTKT. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu giai đoạn 2021-2030 là căn bản chuyển sang mô hình TTKT theo chiều sâu thì KHCN và ĐMST của Việt Nam đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức, đó là:
Một là, trình độ công nghệ thấp, không đồng bộ, chậm đổi mới. Hiện phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp dân doanh đang sử dụng công nghệ tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới, trong đó 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc những năm 1960-1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% thiết bị là đồ tân trang(7). Chỉ số kinh tế tri thức (KEI - Knowledge Economic Index) của Việt Nam là 3,51, trong đó chỉ số sáng tạo là 2,72, thấp hơn nhiều so với Singapore (8,44), Malaysia (6,07), Thái Lan (5,52). Theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), tới năm 2018, tỷ lệ bằng sáng chế và ứng dụng Việt Nam tuy đã có sự cải thiện đáng kể (xếp hạng 51), cao hơn Philippines (hạng 55), Bangladesh (hạng 102), nhưng vẫn thấp hơn nhiều Singapore (hạng 25), Indonesia (hạng 35), Malaysia (hạng 38), Thái Lan (hạng 40)(8).
Hai là, hoạt động R&D trong các doanh nghiệp còn tương đối ít, sự gắn kết giữa các tổ chức R&D với các trường đại học và các doanh nghiệp lỏng lẻo. Theo báo cáo nhiệm vụ cấp nhà nước năm 2018 về “Nghiên cứu phân tích NSLĐ của Việt Nam thông qua khảo sát đánh giá thực trạng NSLĐ của doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế” cho thấy: tỷ lệ doanh nghiệp có R&D trong ngành sản xuất thiết bị điện là 17,0%; ngành sản xuất hóa chất, sản phẩm hóa chất là 15,0%; ngành sản xuất chế biến thực phẩm 9,0%; ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa 7,0%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan 6,0% và ngành dệt là 5,0%. Tỷ lệ nhân sự có hoạt động R&D tương ứng với các ngành trên lại càng nhỏ bé hơn, lần lượt là: 0,4%; 1,4%; 0,4%; 0,5%; 0,03%; 0,07%. Các trường đại học thiên về đào tạo hơn nghiên cứu, hoặc nếu có nghiên cứu thì tính ứng dụng không cao. Còn thiếu sự kết nối hiệu quả giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và khu vực kinh doanh, dịch vụ công.
Ba là, đầu tư cho hoạt động KHCN và ĐMST thấp, cơ cấu không phù hợp, hiệu quả sử dụng thấp. Tỷ lệ đầu tư cho KHCN và ĐMST từ ngân sách nhà nước (NSNN) giảm dần từ năm 2000 đến nay. Bình quân giai đoạn 2000-2010 đạt 1,85%/năm tổng chi NSNN, giai đoạn 2011-2018, tỷ lệ này chỉ đạt 1,4%/năm. Trong khi Luật quy định phải chi 2% NSNN cho KHCN. Tỷ lệ chi cho R&D trên GDP của Việt Nam ở mức rất thấp so với mức trung bình của thế giới. Tổng chi cả khu vực nhà nước và tư nhân cho KHCN của Việt Nam từ năm 2010 đến nay chỉ đạt khoảng 0,44% GDP, thấp hơn khá nhiều so với bình quân của thế giới là 2,23% GDP (Thái Lan 0,78%; Singapore 2,2%; Malaysia 1,3%, Trung Quốc 2,1%)(9). Cơ cấu vốn đầu tư cho KHCN và ĐMST còn nhiều bất cập. Tại các nước Đông Á, nguồn vốn từ NSNN cho hoạt động này chỉ chiếm
20-30%, còn của khu vực ngoài nhà nước là 70-80%; ở các nước OECD, cơ cấu này là gần 20% và trên 80%. Trong khi đó, cơ cấu của Việt Nam giai đoạn 2001-2010 là 70%/30%, giai đoạn 2011-2015 là 60%/40% và giai đoạn 2016-2019 là 52%/48%. Hiệu quả sử dụng kinh phí cho hoạt động KHCN và ĐMST chưa tốt. Một số địa phương sử dụng nguồn kinh phí này không đúng mục đích như chi cho hoạt động bộ máy đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Thông tin và Truyền thông; chi đối ứng dự án; chi xử lý nước thải; chi xây dựng đường dây trung thế ngầm, trạm biến áp...
Bốn là, đội ngũ cán bộ KHCN và ĐMST thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, cơ cấu chưa phù hợp. Tỷ lệ cán bộ R&D tính trên đầu người của Việt Nam tương đối thấp, từ năm 2013 tới nay hầu như không tăng, đạt khoảng 7,02% (chỉ bằng 20% trung bình EU, 7,6% Hàn Quốc, 29,8% Malaysia, 58% so với Thái Lan)(10). Tỷ lệ người trong độ tuổi học đại học (18-29 tuổi) tham gia học đại học là 28,3%, thuộc hàng thấp nhất thế giới. Trong khi đó, tỷ lệ này của Thái lan là 43%, của Malaysia là 48% và ở những nước phát triển thì còn cao hơn(11).
Năm là, thiếu cơ chế, chính sách ưu đãi, kích thích sáng tạo đối với các nhà khoa học, các cơ sở khoa học, vì thế chưa tạo ra động lực cho sáng tạo và ứng dụng KHCN. Thêm vào đó, nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương về vai trò của KHCN và ĐMST chưa đầy đủ toàn diện.
Những phân tích trên cho thấy, để phát huy vai trò của KHCN và ĐMST trong đổi mới mô hình TTKT Việt Nam trong thời gian tới, Chính phủ cần:
Thứ nhất, xây dựng chiến lược phát triển mạnh mẽ KHCN và ĐMST làm cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế, thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình TTKT, thúc đẩy R&D, khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp với phát triển công nghệ nhất là trong những ngành, lĩnh vực mới có tiềm năng, thế mạnh.
Thứ hai, phát triển KHCN và hệ thống ĐMST quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trường đại học và viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh. Xây dựng và triển khai các chương trình KHCN hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp theo hướng tạo ra kết quả nghiên cứu được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó tăng cường sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm, các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế cạnh tranh, tạo ra các công nghệ nguồn, công nghệ lõi. Tiếp tục thực hiện quá trình chuyển đổi các tổ chức KHCN công lập sang mô hình doanh nghiệp. Tăng cường vai trò điều phối mang tính chiến lược của Bộ KHCN, đồng thời, một số ít cơ quan như NAFOSTED sẽ đóng vai trò tích cực ở cấp thực hiện trong việc hợp lý hoá số lượng các cơ quan nghiên cứu nhà nước.
Thứ ba, đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư cho hoạt động KHCN và ĐMST. Tiếp tục hoàn thiện chính sách đầu tư NSNN cho hoạt động KHCN và ĐMST theo hướng tránh phân bổ chồng chéo, trùng lắp, tránh đầu tư dàn trải và bảo đảm sử dụng hiệu quả; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong quản lý, sử dụng kinh phí NSNN cho KHCN và ĐMST, tránh sử dụng sai mục đích, lãng phí, thất thoát; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với kết quả nghiên cứu KHCN; sớm xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành và chất lượng về thực hiện nhiệm vụ được giao của các đơn vị KHCN; khuyến khích các doanh nghiệp thành lập và tăng quy mô các quỹ phát triển KHCN, thúc đẩy, khuyến khích khu vực tư nhân và doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ cho KHCN và ĐMST.
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực KHCN và ĐMST cả về số lượng và chất lượng. Xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ KHCN, nhất là các chuyên gia giỏi, có nhiều đóng góp. Tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất để cán bộ KHCN phát triển tài năng và được hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình. Nâng cao năng lực, trình độ và phẩm chất của cán bộ quản lý KHCN ở các ngành, các cấp. Có chính sách trọng dụng đặc biệt đối với cán bộ KHCN đầu ngành, cán bộ KHCN được giao chủ trì nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, cán bộ KHCN trẻ tài năng. Tạo cơ hội nâng cao tay nghề, cơ hội vừa học vừa làm và học tập suốt đời cho người lao động. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào quá trình phát triển nguồn nhân lực quốc gia, nhất là doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn đa quốc gia. Có chính sách thu hút cá nhân là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KHCN và ĐMST tại Việt Nam.
Thứ năm, tiếp tục đổi mới hoạt động quản lý KHCN và ĐMST theo hướng dỡ bỏ các rào cản, giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo, đánh giá công khai, minh bạch kết quả hoạt động nghiên cứu. Xác định trúng và đúng tầm nhiệm vụ KHCN, xuất phát từ thực tiễn và giải quyết được các yêu cầu bức thiết của thực tiễn phát triển đất nước, ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp. Có cơ chế, chính sách vượt trội để tạo ra sự đột phá trong ứng dụng KHCN và ĐMST ở khu vực doanh nghiệp, dịch vụ công. Xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ giữa pháp luật về KHCN với pháp luật về thuế, đầu tư, tài chính và pháp luật liên quan để nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và từng bước phát triển công nghệ của doanh nghiệp, đồng thời tạo thuận lợi cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phù hợp với cơ chế thị trường
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |