Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Cần phải làm gì để xây dựng gia đình việt nam trước những biến đổi đó? (đề xuất cá nhân về cách giải quyết) 

từ những dẫn chứng cụ thể ( có nguồn trích rỏ ràng , đáng tin cậy )hãy phân tích những biến đổi của gia đình việt nam trong thời kì quá độ lên CNXH ? cần phải  làm gì để xây dựng gia đình việt nam trước những biến đổi đó ? ( đề xuất cá nhân về cách giải quyết ) 

1 trả lời
Hỏi chi tiết
267
1
0
dogfish ✔
16/07/2021 13:35:54
+5đ tặng

Gia đình có vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân mà còn với việc giữ gìn, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc qua các thế hệ, là một trong những nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới và phát triển bền vững đất nước.

 

 Hướng tới phát triển gia đình trong bối cảnh mới, một số vấn đề đặt ra trong xây dựng gia đình cần tiếp tục xem xét, làm cơ sở cho việc xây dựng các chiến lược, chính sách về gia đình phù hợp thời gian tới.

Một số vấn đề gia đình được đặt ra hiện nay

Hiện nay, khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền ở nước ta còn lớn, bất bình đẳng thu nhập dân cư có xu hướng gia tăng; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao; tệ nạn xã hội nhiều nơi diễn biến phức tạp; bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em có nơi chưa được quan tâm đúng mức, còn xảy ra nhiều vụ bạo lực gia đình, bạo hành, xâm hại trẻ em gây bức xúc xã hội; đời sống của người yếu thế còn nhiều khó khăn... Trong 10 năm qua việc thực hiện các tiêu chí xây dựng gia đình được thể hiện như sau:

Tiêu chí gia đình ít con

Các gia đình Việt Nam coi trọng giá trị của con cái (bao gồm giá trị xã hội, kinh tế, an sinh và tâm lý - tình cảm). Một trong những giá trị quan trọng của con cái là “lưới an sinh” của cha mẹ khi về già (“trẻ cậy cha, già cậy con”, con cái là “của để dành”), nhất là trong bối cảnh các dịch vụ xã hội chăm sóc người cao tuổi còn chưa phát triển, mức độ tích lũy tài sản bảo đảm khi về già thấp. Đạo hiếu là một truyền thống văn hóa tốt đẹp đang tiếp tục được giữ gìn. Con cái và cha mẹ hỗ trợ nhau trên ba khía cạnh chính, là tài chính, việc nhà và tình cảm.

Gia đình Việt Nam hiện nay có quy mô ngày càng nhỏ, trung bình 3, 4 người, cho thấy xu hướng hạt nhân hóa gia đình khá rõ nét, số lượng gia đình đơn thân tăng. Thực tế này đặt ra những yêu cầu mới về vai trò chăm sóc và xây dựng gia đình bảo đảm sự gắn kết xã hội.

Tâm lý muốn sinh con trai vẫn phổ biến ở một số nhóm đối tượng có học vấn thấp, đặc biệt ở một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng - nơi chịu ảnh hưởng mạnh của Nho giáo. Điều này đòi hỏi các chính sách truyền thông và can thiệp cần hướng tới các nhóm cụ thể.

Giá trị an sinh của con cái giảm đi ở các nhóm học vấn cao, ở đô thị, khu vực có mức sống tốt nhưng nhìn chung truyền thống của gia đình Việt Nam vốn quy trách nhiệm chăm sóc cha mẹ lúc về già thuộc về con trai, nên những người mong muốn có con chăm sóc sẽ là nhóm mong muốn có con trai. Do đó, để thay đổi nhận thức của người dân về giá trị an sinh xã hội của con cái cần cải thiện điều kiện an sinh xã hội cho nhóm dân số cao tuổi.

Tiêu chí gia đình no ấm

Thời gian qua, mức sống của gia đình Việt Nam trên các khía cạnh nhà ở, thu nhập, chi tiêu ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, còn có sự chênh lệch giữa các nhóm, các vùng, giữa thành thị và nông thôn. Thực tế này đòi hỏi xây dựng tầm nhìn thúc đẩy kinh tế, khát vọng làm giàu của gia đình để tạo ra hệ thống an sinh xã hội nhiều lớp, tăng khả năng chống chịu rủi ro, bảo đảm không gian an toàn cho gia đình.

Gia đình đang là nguồn lực quan trọng, chia sẻ gánh nặng an sinh xã hội với Nhà nước. Hiện chính sách an sinh xã hội của Nhà nước chủ yếu tập trung vào các đối tượng là gia đình có công, hộ nghèo, hộ người dân tộc thiểu số, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật...

Hiện nay, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế tự nguyện của đối tượng nông dân, lao động khu vực phi chính thức còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập còn thấp; niềm tin về hiệu quả mức đóng - hưởng của bảo hiểm xã hội chưa cao; quyền lợi của bảo hiểm chưa hấp dẫn cũng là các rào cản cho việc tham gia hiện nay. Điều này đặt ra yêu cầu về sự hỗ trợ của Nhà nước cho nông dân và lao động khu vực phi chính thức nhằm khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm, bảo đảm an sinh xã hội lúc tuổi già.  

Tiêu chí tiến bộ

Tiêu chí này thể hiện qua giáo dục gia đình và thực hiện bình đẳng giới. Hiện nay, giáo dục con cái trong gia đình vẫn chủ yếu hướng tới các giá trị truyền thống cốt lõi, như trung thực, hiếu thảo, thương yêu, tiết kiệm… với phương pháp giáo dục truyền thống, như nêu gương, khuyên nhủ... Tuy nhiên, trong bối cảnh bùng nổ thông tin, không gian mạng và không gian xã hội đang biến đổi mạnh mẽ, nhiều gia đình còn lúng túng trong xác định nội dung và phương pháp giáo dục con cái. Vai trò giáo dục của cha mẹ cũng có sự thay đổi theo hướng bình đẳng hơn. Vị thế của con cái đã dần tăng lên, tỷ lệ trẻ vị thành niên được tham gia quyết định những việc liên quan tới bản thân khá cao. Tuy nhiên, mối quan hệ cha mẹ - con cái về cơ bản vẫn tuân thủ tôn ti trật tự truyền thống, cha mẹ vẫn là người quyết định các công việc liên quan đến con cái. Điều này dẫn đến hiện tượng thiếu tôn trọng quyền của con hoặc có những hành vi đối xử vi phạm quyền tự do thân thể của trẻ em.

Phát huy vai trò giáo dục trong gia đình là rất cần thiết, tạo nền tảng xây dựng trẻ em thành nhân tố hòa nhập xã hội hiện đại, thành những công dân có ích. Việc giáo dục con cái là trách nhiệm chung nên cần sự tham gia tích cực của các thành viên trong gia đình (không chỉ là trách nhiệm của người mẹ, người vợ). Bên cạnh đó, cần có thêm các dịch vụ hỗ trợ giáo dục, tư vấn trước, trong và sau hôn nhân, hỗ trợ gia đình về phương pháp, nội dung giáo dục mới phù hợp với sự thay đổi những giá trị và lối sống hiện đại trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Gia đình Việt Nam đề cao giá trị chung thủy, yêu thương, chia sẻ, bình đẳng trong hôn nhân. Tuy nhiên, bất bình đẳng giới và định kiến giới trong các quan hệ gia đình và xã hội vẫn tồn tại. Hệ quả là dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, phụ nữ vừa đi làm vừa đảm nhiệm vai trò chăm sóc và nội trợ, mức độ đại diện của phụ nữ trong hệ thống lãnh đạo, quản lý còn thấp, tình trạng phân biệt giới trong chi trả tiền lương/tiền công còn diễn ra… Định kiến giới về vai trò phụ nữ trong gia đình và xã hội là một lực cản đối với cơ hội phát triển của phụ nữ. Thực tế này đòi hỏi những nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để thúc đẩy bình đẳng giới thời gian tới.

Tiêu chí hạnh phúc

Thiết chế gia đình đang có xu hướng lỏng lẻo hơn, thể hiện qua mức độ tăng dần của tỷ lệ ly hôn, chung sống không kết hôn, độc thân, không sinh con,...  Có hiện tượng một bộ phận thanh niên không muốn lập gia đình, ngại sinh con là do không muốn ràng buộc vào cuộc sống có nhiều thách thức của gia đình, muốn có cuộc sống cá nhân tự do, thoải mái. Thực tế này yêu cầu cần có những chính sách và dịch vụ xã hội bảo đảm sự tiếp cận công bằng, bình đẳng giữa các hình thức gia đình.

Tiêu chí văn minh

Thách thức lớn nhất đối với gia đình Việt Nam những năm 20 của thế kỷ XXI là làm thế nào vừa tiếp thu những giá trị nhân văn mới trong xu thế hội nhập quốc tế, vừa giữ gìn và phát huy được những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển lâu dài của đất nước.

Các quan điểm chỉ đạo của Đảng, chính sách, phát luật của Nhà nước trong nhiều năm qua nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình điển hình, tiêu biểu, tạo ra phong trào xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; biểu dương kịp thời và nhân rộng các mô hình gia đình vượt khó vươn lên, gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, gia đình trẻ hạnh phúc, gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Hiện nay, nước ta bước vào thời kỳ già hóa dân số. Số người cao tuổi ngày càng tăng trong bối cảnh mức sinh giảm, hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi hiện còn hạn chế, lực lượng chăm sóc truyền thống là phụ nữ ngày càng tham gia nhiều vào thị trường lao động. Điều này đặt ra yêu cầu xây dựng các chiến lược quốc gia toàn diện chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và văn hóa hiện nay.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2018 có khoảng 3,1 triệu người cao tuổi được nhận lương hưu và bảo hiểm xã hội (chiếm khoảng 27,4% tổng số dân cao tuổi). Khoảng 2,8 triệu người cao tuổi (chiếm 24,7% tổng số dân cao tuổi) nhận trợ cấp xã hội hằng tháng. Do đó, cả trợ cấp xã hội và lương hưu có thể chi trả cho khoảng một nửa số người cao tuổi dưới dạng một số hình thức hỗ trợ hằng tháng. Khoảng 50% người cao tuổi còn lại phải sống dựa vào gia đình và tự hỗ trợ bản thân.

Khu vực tư nhân đang có vai trò tăng lên trong cung cấp dịch vụ hỗ trợ người cao tuổi nhưng chủ yếu cho nhóm có thu nhập cao. Vì thế, gia đình hiện đang đóng vai trò chủ đạo, quan trọng trong chăm sóc toàn diện cho người cao tuổi. Hình thức chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng mang lại hiệu quả kinh tế, không làm thay đổi môi trường sống của người cao tuổi, có sự kết nối với gia đình và cộng đồng quen thuộc, cho phép người cao tuổi vẫn có sự tự chủ, độc lập. Vì thế, cần gìn giữ và phát huy tính cộng đồng trong hiện đại hóa, coi đây là môi trường sống và hỗ trợ quan trọng với dân số cao tuổi. Đồng thời, cung cấp những hỗ trợ tài chính, dịch vụ chăm sóc ngắn hạn và dài hạn tại nhà, bao gồm cả chăm sóc chính thức và phi chính thức cho người cao tuổi. Chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng không có nghĩa là tiếp tục giao trách nhiệm chăm sóc hoàn toàn cho gia đình, mà Nhà nước, cộng đồng, các tổ chức đoàn thể cung cấp các chính sách, dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi tại gia đình, tại cộng đồng. 

Những thách thức của quá trình già hóa dân số là một động lực để xem xét vai trò của người cao tuổi. Với tuổi thọ cao hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn, ngày càng có nhiều người cao tuổi khỏe mạnh và vẫn có nhu cầu cống hiến, đóng góp, làm việc, không đơn thuần vì mục đích kinh tế, mà cả duy trì sự minh mẫn, khỏe mạnh. Người cao tuổi đã và đang có những đóng góp về xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị cho xã hội bằng nhiều cách, với tư cách là người chăm sóc và giáo dục thế hệ trẻ, người gìn giữ truyền thống, người lãnh đạo cộng đồng, hình mẫu,... Điều này cũng cho phép người cao tuổi phát huy tốt hơn vai trò trong kinh tế, giáo dục, văn hóa tại cộng đồng, trở thành một nguồn lực tinh thần và kinh tế quan trọng của xã hội.

Một số khuyến nghị trong xây dựng chiến lược gia đình trong giai đoạn 2021 - 2030

Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cùng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra các điều kiện, cơ hội thuận lợi để các gia đình tiếp cận kiến thức, giá trị tốt đẹp của các dân tộc, các nền văn hóa khác, kỹ năng tổ chức cuộc sống trong xã hội hiện đại, song cũng tiềm ẩn những thách thức về chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi, việc cân bằng giữa công việc và gia đình, suy giảm quan hệ liên thế hệ, mối quan hệ giữa vợ và chồng cũng đối mặt với nhiều khó khăn cả từ hệ thống chính sách, dịch vụ hỗ trợ và đặc biệt là sự phát triển chưa đồng đều của các nhóm xã hội ở các địa phương, các đặc điểm cá nhân và gia đình, văn hóa khác nhau... Thực tiễn trên đặt ra yêu cầu cần tiếp tục giữ gìn giá trị gia đình, đồng thời đặt gia đình trong mối quan hệ tương tác với các thiết chế xã hội khác, như kinh tế, văn hóa, chính trị…, thúc đẩy vai trò và sự tham gia của gia đình vào quá trình phát triển xã hội bền vững.

Để thực hiện được mục tiêu trên, một số khuyến nghị được đề xuất là:

Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Tổ chức đánh giá, tổng kết chính sách về gia đình, trên cơ sở đó cung cấp các luận cứ khoa học và đề xuất xây dựng các chiến lược, chính sách mới phù hợp với đặc điểm gia đình hiện nay, đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2030. Chiến lược phát triển gia đình giai đoạn 2021 - 2030 nên sớm được xây dựng để cùng nhịp với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược bình đẳng giới... Rà soát và bổ sung một số văn bản pháp luật với những định hướng mới phù hợp với bối cảnh xã hội và những vấn đề đang nảy sinh.

Thứ hai, thúc đẩy giáo dục gia đình và các dịch vụ hỗ trợ gia đình.

Chú trọng giáo dục gia đình. Tránh sự phân biệt giới trong việc dạy dỗ con cái. Cần thay đổi định kiến hay khuôn mẫu giới bắt đầu từ chính các công việc nhà hằng ngày trong gia đình, từ sự dạy dỗ hay phân công công việc của cha mẹ dành cho con cái.

Bố mẹ cần xác định tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức và lối sống trong gia đình, quan tâm tạo dựng môi trường gia đình, xây dựng nền nếp, truyền thống đạo đức gia đình, lối sống lành mạnh, tình cảm yêu thương, chia sẻ, quan tâm, lắng nghe và tôn trọng con cái. Một môi trường gia đình tốt sẽ giúp trẻ em có nền tảng đạo đức, lối sống tốt.

Giáo dục trước hôn nhân nhằm cung cấp cho những người trưởng thành kiến thức cần thiết về tình bạn, tình yêu, tình dục, sức khỏe sinh sản, Luật Hôn nhân và Gia đình, điều kiện kết hôn, lựa chọn bạn đời, quan hệ vợ chồng,... Xây dựng mối quan hệ mới giữa cha mẹ và con cái trên cơ sở tiếp thu những giá trị nhân văn mới và kế thừa những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống. Có các biện pháp hỗ trợ, trang bị kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ trong việc giáo dục, định hướng lối sống phù hợp cho trẻ vị thành niên cũng như trong ứng xử giữa các thế hệ của gia đình nhằm giảm thiểu khoảng cách bất đồng giữa các thế hệ. Hỗ trợ để các bậc cha mẹ có phương pháp, biện pháp, nội dung giáo dục phù hợp với sự thay đổi những giá trị mới của gia đình trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Có nhận thức đầy đủ về hệ thống dịch vụ công thuộc lĩnh vực gia đình, xây dựng danh mục dịch vụ công và cơ chế quản lý đối với từng loại hình dịch vụ công thuộc lĩnh vực gia đình. Nghiên cứu và triển khai những dịch vụ gia đình cần thiết để hỗ trợ cho công việc nội trợ và chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ sắp xếp và tổ chức cuộc sống gia đình của người di cư lao động nhằm bảo đảm sự ổn định, an toàn của cuộc sống gia đình. Xây dựng môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, kiên quyết đấu tranh chống những tệ nạn xã hội, tham nhũng, lãng phí và lối sống thực dụng, tôn thờ đồng tiền làm ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách trẻ em.

Thứ ba, sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội trong định hướng giá trị và xây dựng phẩm chất đạo đức, lối sống cho trẻ em.

Gia đình cần phối hợp chặt chẽ hơn với nhà trường trong việc quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ em. Thông qua quan hệ chặt chẽ với nhà trường, gia đình có thể nắm bắt rõ tình hình con cái, can thiệp giáo dục kịp thời khi con cái có biểu hiện sai lệch về lối sống, đạo đức, hạn chế những tác động tiêu cực từ phía xã hội, đồng thời khen thưởng và động viên khi con cái có thành tích học tập, rèn luyện tốt, tạo thêm động lực cho trẻ phát huy những điểm mạnh, sở trường. Khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, hiệu quả giáo dục sẽ cao hơn nếu bố mẹ của trẻ tham gia vào các hoạt động học tập của trẻ và có những hỗ trợ tích cực về mặt tinh thần, qua đó giúp trẻ phát triển hơn về tinh thần, đạo đức.

Trong môi trường xã hội, cần xác định các nội dung giáo dục đạo đức, lối sống là một trong những bộ môn chính trong chương trình giáo dục từ cấp mẫu giáo trở lên. Đồng thời, cải thiện chương trình giáo dục về đạo đức, lối sống trong trường học theo hướng tăng cường các nội dung và đa dạng hóa hình thức giảng dạy có tính thực tế giúp thay đổi nhận thức và hành vi nhiều hơn.

Thứ tư, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình.

Công nghiệp hóa cần tạo cơ hội công bằng để tất cả các hộ gia đình ở mọi vùng, miền, tất cả các dân tộc, khu vực thành thị và nông thôn, nhóm hộ giàu và hộ nghèo đều có thể tham gia vào quá trình phát triển. Quan điểm này cũng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng toàn diện mà Việt Nam đang hướng tới, đó là “không ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển.

Cần nắm bắt đúng xu hướng biến đổi chức năng kinh tế của gia đình để có những chính sách phù hợp, thúc đẩy những yếu tố tích cực và giảm thiểu những yếu tố tác động tiêu cực tới chức năng kinh tế gia đình.

Nhà nước thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội lấy gia đình là trọng tâm, đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế gia đình. Khuyến khích các thành viên trong gia đình hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh cũng như trong cuộc sống nhằm duy trì giá trị truyền thống gắn kết giữa các thành viên trong gia đình Việt Nam. 

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về bình đẳng giới.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ phụ nữ tự thoát khỏi các định kiến xã hội từ cộng đồng và từ chính bản thân, hướng phụ nữ tới những giá trị được tôn trọng, được hạnh phúc, được thể hiện bản thân, đồng thời đóng góp tốt cho xã hội.

Xây dựng môi trường làm việc thân thiện, có hệ thống dịch vụ hỗ trợ (ví dụ như hệ thống nhà trẻ chăm sóc ban ngày…), giúp phụ nữ sẵn sàng và thuận lợi hơn trong tham gia xã hội.

Thứ sáu, phổ biến kết quả nghiên cứu nhằm giữ gìn, phát huy và định hướng dư luận xã hội cho các giá trị gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; xây dựng nội hàm mới cho mục tiêu xây dựng gia đình trong thời kỳ mới, hướng tới xây dựng, phát triển gia đình Việt Nam thịnh vượng, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Tổng hợp Đại học mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500K