Bài thơ cuả tác giả Trần Quốc Minh có một nhan đề được rút hẳn vào trong một từ MẸ! Trong trường hợp này, bài thơ có thể rơi vào hai khả năng: Hoặc nói những lời triết lí chung chung, hoặc chỉ đi vào khai thác một ấn tượng chi tiết, cụ thể về mẹ. Chỉ có trường hợp thứ hai này mới có thể đem lại một ấn tượng xúc động cho người đọc. Bài thơ Mẹ bắt đầu đi từ lời ru của mẹ. Lời ru đi qua hai thời gian và không gian khác nhau: trưa hè và đêm hè. Hai câu thơ 6-8 mở đầu được xây dựng trên một phép đối lập giữa một bên là tiếng ve đã lặng vì mệt mỏi bởi cái nắng oi bức của buổi trưa hè và một bên là tiếng ru đầu võng ân cần, nhẫn nại của mẹ. Cái nắng oi bức đã làm cho loại ve vốn được tiếng là “ kêu không biết mệt” mà cũng phải chịu im, chịu khuất phục. Nhưng đối với người mẹ, mặc dù mệt, hẳn thế, nhờ lòng thương con mà mẹ đã chẳng quản ngại. Tiếng ru vẫn bay len từ cánh võng. Câu thơ “ Kẽo cà tiếng võng mẹ ngồi mẹ ru” như thể chùng giãn, chậm rãi, tạc được cái dáng hình lặng lẽ, nhẫn nại, bền bỉ, nặng tình yêu thương của mẹ.
Tiếp theo là vẻ đẹp của lời ru: “ Lời ru có gió mùa thu”. Gió mùa thu tức là gió lành, gió mát. Hiểu theo nghĩa tả thực, nhờ bàn tay mẹ quạt mới có thể tạo ra những ngọn gió mát lành ấy được. Nhưng câu thơ bỗng làm ta nhớ đến giai điệu ru vỗ đằm sâu của một người mẹ miền nam trong bài Ru con- Dân ca Nam Bộ: “ Gió mùa thu - Mẹ ru con ngủ - Năm canh chầy...”. Trong lời ca này, người mẹ cũng đã thức một đêm vì thương con và vì cả những nỗi niềm khác nữa. Hẳn khi viết về cái gió mùa thu trên kia, nhà thơ muốn gợi cho người đọc nhớ đến những hình bóng mẹ thật lớn lao và cảm động hiện lên trong những áng ca dao cổ tích tự ngàn đời. Người mẹ trong những vần thơ của Trần Quốc Minh cũng đã thức bền bỉ hơn cả những ngôi sao không khi nào ngủ. Ngôi sao rhúc làm đẹp cho đêm. Người mẹ thức làm đẹp cho giấc ngủ ngoan lành của bé. Tứ thơ đến đây cũng có thể gói lại được rồi. Nhà thơ đã chọn hình ảnh ngọn gió để ví với hình ảnh người mẹ, đương nhiên gió đây là gió mùa thu, gió lành, gió mát: “ Mẹ là ngọn gió của con suốt đời”. Sức khái quát của câu thơ thật chắc chắn nhờ vào một hình ảnh dung dị, gần gũi. Câu thơ không chỉ nói về công lao vô bờ của Mẹ mà còn bày tỏ rất chân thành con đối với Mẹ!