2. Cảm nhận của em về 2 khổ đầu trong bài thơ Vội vàng
Bài làm:
Trong phong trào thơ mới những năm đầu thế kỉ 20, cây bút Xuân Diệu xuất hiện trên thi đàn như "một nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này" ( Hoài Thanh). Ông đã đem đến cho thơ ca đương thời một nguồn cảm xúc mới, thể hiện quan niệm sống mới mẻ với những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo. Những bài thơ của ông bao giờ cũng để lại ấn tượng sâu sắc với độc giả cả trên phương diện nội dung và nghệ thuật. "Vội vàng"( rút từ tập "Thơ thơ") là một thi phẩm như vậy. Bài thơ đã thể hiện tập trung sở trường của Xuân Diệu trong việc bộc lộ cái "tôi" và cách cảm nhận thiên nhiên, sự sống của mình, đặc biệt là qua hai khổ thơ đầu.
Ngay khi bước vào thi phẩm, ta đã không khỏi ngỡ ngàng và ấn tượng với ước muốn kì lạ của thi sĩ:
"Tôi muốn tắt nắng đi...bay đi"
Đó rõ ràng không phải là ước mơ của một người khổng lồ "ghé vai gánh đỡ cả giang sơn", cũng không phải là những ngông cuồng của tuổi trẻ, 4 câu thơ là khao khát cháy bỏng của chủ thể trữ tình muốn "tắt nắng", "buộc gió" để níu giữ hương sắc và vẻ đẹp của cuộc đời. Việc sử dụng thể ngũ ngôn ngắn gọn kết hợp với điệp ngữ "tôi muốn" và những động từ mạnh "tắt", "buộc" đã tạo ra một vẻ quyết liệt rất Xuân Diệu. Nhưng làm sao ý chí chủ quan của con người có thể thắng được quy luật bất biến của tạo hóa? Đọc kĩ câu hai và câu bốn, với điệp cấu trúc cú pháp "cho màu đừng...", "cho hương đừng..." mới thấy được sự tiếc nuối và hụt hẫng ở sau những dòng thơ tưởng chừng rất mạnh mẽ ấy. Dù vậy, ước muốn táo bạo và kì lạ của thi sĩ cũng đã hé mở một tấm lòng yêu đời đắm say, cuồng nhiệt của thi sĩ Xuân Diệu.
Nếu như khổ đầu bộc lộ một khát khao, một ước muốn tưởng chừng thật phi lí thì ở khổ thơ thứ hai, nhà thơ đã lí giải nguyên do của khát khao ấy. Con người bao giờ cũng vậy, luôn khao khát tìm kiếm hạnh phúc và vẻ đẹp của cuộc đời. Nếu như các nhà thơ mới có xu hướng thoát li trần gian, tìm đến chốn "bồng lai tiên cảnh" thì Xuân Diệu lại "đốt cảnh bồng lai và xua ai nấy về hạ giới". Bởi đối với ông, thiên đường không ở đâu xa mà nằm ngay trên mặt đất, trong tầm tay của chúng ta:
"Của ong bướm...gõ cửa"
Thi sĩ lặp lại đến năm lần cụm từ "này đây" như một nhịp kể nồng nàn đầy say mê, như một tiếng reo vui đầy kinh ngạc khi liên tiếp phát hiện ra những vẻ đẹp kì lạ mà đắm say của thiên nhiên tạo hóa. Hơn nữa, cấu trúc câu linh hoạt cùng phép liệt kê đã tạo ra một lớp sóng ngôn từ, lớp sóng cảm xúc trào dâng đến vô tận vô cùng. Bức tranh xuân tràn trề sức sống hiện lên, đầy sinh động và chân thực. Đó là cái tình tứ của "ong bướm" trong "tuần trăng mật", là cái bát ngát "xanh rì" tươi mát của hoa cỏ đồng nội, là cái nõn nà, tràn trề nhựa sống của "cành tơ phơ phất". Tất cả chìm ngập trong thanh âm ríu rít, tươi vui và đầy si mê - những "khúc tình si" của chim yến, chim anh hót mừng mùa xuân mới. Đây đó bừng lên ánh sáng tinh khôi của ánh bình minh. Xuân Diệu đã thật tài tình khi ngầm so sánh "bình minh" như một thiếu nữ yêu kiều với hàng mi dài, duyên dáng, chỉ cần khẽ chớp cũng đủ làm khuynh quốc, khuynh thành. Và hơn thế nữa, thiếu nữ ấy còn là vị "thần Vui" mỗi ngày đều đến "gõ cửa", ban phát hạnh phúc cho muôn loài, muôn vật, muôn nơi. Quả thực, đây là một bức tranh xuân tuyệt vời với đầy đủ hương thơm, màu sắc, đường nét, ánh sáng và âm thanh. Đằng sau bức tranh ấy ta thấy được một tâm hồn như đang cháy lên niềm yêu, niềm khao khát tận hưởng sự sống, một cái "tôi" đầy ham hố và cuồng nhiệt. Phải là một người có đôi mắt "xanh non và biếc rờn", Xuân Diệu mới nhận ra và tái hiện cuộc sống quen thuộc "xưa như Trái Đất" dưới một góc nhìn mới một cách sinh động, gợi cảm và trẻ trung như thế. Không giống như thơ ca xưa, thường lấy vẻ đẹp của thiên thiên làm thước đo cho vẻ đẹp của con người, Xuân Diệu đã mạnh bạo lấy con người và tuổi trẻ làm chuẩn mực cho mọi cái đẹp của cuộc sống. Có lẽ chính từ quan niệm mĩ học mới mẻ ấy mà thi nhân đã sáng tạo ra một câu thơ độc nhất vô nhị chưa từng có trong lịch sử thơ ca dân tộc:
"Thánh giêng ngon như một cặp môi gần"
Câu thơ táo bạo trong cảm nhận, trong so sáng và trong cả cách sử dụng hình ảnh. Tháng Giêng là mùa xuân, là sự khởi đầu mơn mởn của một năm, là tháng thanh tân nhất, tươi mới nhất nay đã hóa thành cặp môi gần gợi cảm của người thiếu nữ đang mong đợi, hé chờ. Từ một hình ảnh vô hình, trừu tượng, bằng phép so sánh, tháng Giêng đã được hữu hình hóa, cụ thể hóa như một biểu tượng quyến rũ của tình yêu. Thi sĩ còn táo bạo hơn nữa khi dùng chữ "ngon" đầy nhục thể. Với nhà thơ ấy, tình yêu cuộc sống luôn được huy động cả phần hồn lẫn phần xác thật triệt để và mãnh liệt.
Vậy là chỉ trong bảy câu thơ, XD đã đưa cái đẹp về với trần thế, về với con người. Trong quan niệm của thi nhân, thế giới giống như một thiên đường trên mặt đất, không ở đâu xa, không ở hư vô mà hiện hữu ở quanh ta. Thế giới ấy luôn đầy xuân và tình, vừa như một khu vườn tình ái, như một mâm tiệc với thực đơn hấp dẫn, vừa như một người tình gợi cảm. Cũng từ đây, XD ngầm gửi gắm đến độc giả một quan niệm nhân sinh sâu sắc: muốn giữ được những vẻ đẹp của cuộc đời, trước tiên phải biết cách phát hiện ra những vẻ đẹp ấy, người nghệ sĩ hơn ai hết phải biết cảm nhận thế giới bằng cả tâm hồn yêu sống và bằng việc huy động tổng lực sức mạnh của mọi giác quan để đem đến cho thơ ca sức sống bất diệt:
" Sống toàn tâm, toàn bích, sống toàn hồn
Bằng say mê. Và thức nhọn giác quan..."
Dẫu biết mùa xuân là bất tận, đang ngập tràn trong men say của mùa xuân tình ái nhưng Xuân Diệu vẫn đủ tỉnh táo, đủ thực tế để nhận ra rằng cuộc đời và tuổi trẻ của con người thật ngắn ngủi làm sao, thời gian đã trôi qua là không thể níu giữ. Vì thế mà sau những phút cuồng nhiệt, sôi nổi, giọng thơ bỗng trùng xuống, lắng lại trong suy tưởng:
"Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân"
Nhịp ngắt 3/5 với dấu chấm ở ngay giữa dòng thơ như một nốt lặng, một khoảng lặng chuyển tiếp của những xúc cảm trái ngược, tương phản. Nếu như "sung sướng" là khao khát yêu, khao khát sống thì "vội vàng một nửa" thể hiện sự hoài nghi, lo âu bởi sự ngắn ngủi của cuộc đời. Vì thế mà nhà thơ "hoài xuân", nhớ xuân, tiếc xuân ngay khi vẫn còn đang sống trong những ngày xuân tươi non: "Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua- Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già". Con người thường chỉ nhận ra giá trị thực sự của một khoảnh khắc, một vẻ đẹp nào đó khi thời gian đã trôi qua, khi ta đã đánh mất nó. Nhưng Xuân Diệu thì không thế, thi sĩ không đợi nắng hạ đến mới hối tiếc về những ngày xuân tươi đẹp. Buồn mà không bi lụy, đó là cái buồn của một tâm hồn yêu đời tha thiết. Chính cảm xúc ấy đã khơi nguồn cho lối sống "vội vàng" của thi sĩ: sống nhanh, sống mạnh, sống hết mình để tận hưởng và tận hiến, để không hoài phí thời gian và tuổi trẻ.
Tóm lại, hai khổ đầu thực sự là những dòng thơ đặc sắc cả về nội dung và hình thức, góp phần quan trọng trong thành công vang dội của thi phẩm "Vội vàng". Với lối thể hiện rất hiện đại cùng ngôn từ gợi cảm tinh tế và nhiều biện pháp tu từ đặc sắc, Xuân Diệu đã tái hiện thật sinh động và chân thực bức tranh thiên nhiên tràn đầy sức sống và xuân tình. Qua đó, ta thấy được cái "tôi" tha thiết gắn bó với trần thế và khát khao cháy bỏng được thụ hưởng hương sắc của trần gian. Bài thơ còn là lời giục giã hãy sống mãnh liệt, sống hết mình, hãy quý trọng từng giây phút của cuộc đời, nhất là năm tháng của tuổi trẻ. Đó cũng là một quan điểm sống tích cực mà chúng ta cần học tập từ thi sĩ Xuân Diệu. Thời gian trôi qua không trở lại bao giờ, con người chỉ có duy nhất một lần được sống vì thế hãy biết chớp lấy từng khoảnh khắc thời gian để làm cho mỗi giây, mỗi phút của cuộc đời mình đều trở nên ý nghĩa và có giá trị.