Sự thành lập nước Phù Nam: truyền thuyết và thực tế
Về sự thành lập nước Phu Nam, đến nay các nhà khoa học đã tìm được những bằng chứng cả về văn hoá dân gian lẫn khảo cổ học để đưa ra những đoán định chính xác về hoàn cảnh cũng như thời điểm thành lập nước Phù Nam.
Thư tịch cổ Trung Hoa là những nguồn tư liệu cho chúng ta biết nhất về truyền thuyết lập nước Phù Nam. Từ Tấn Thư đến Nam Tề thư, rồi Lương thư có chép truyền thuyết lập nước của Phù Nam. Tuy có khác nhau về chi tiết nhưng đều thống nhất ở một điểm: nhà nước Phù Nam ra đời là kết quả của cuộc hôn nhân giữa một chàng trai Ấn Độ tên là Hỗn Điền (hay Hỗn Hội) với một người con gái bản địa, đã được tôn lên làm vua là Liễu Diệp.
Vào khoảng những năm 50 của thế kỉ XX, một nhà nữ dân tộc học người Pháp đã tiến hành khảo cứu thực địa, phát hiện và công bố 5 truyện kể dân gian về sự thành lập nước Phù Nam[2]. Năm dị bản truyện dân gian tuy có khác nhau đôi chút nhưng đều có chung một cốt lõi: Prah Thong dùng kế li gián chiếm đất của vua Chăm, lên ngôi vua, lập ra dòng giống mặt trời (Adityayamsa) Prah Bat Atychavongsa, lập ra nước Kon Kampuchia Thidey. Prah Thong khi còn là hoàng tử hay lúc lên ngôi đều lấy vợ Rắn.
Như vậy, ở đây đã có sự phù hợp nhất định giữa truyện kể dân gian với nguồn thư tịch cổ Trung Hoa. Tuy nhiên, nếu so với nguồn tư liệu dân gian, thì thư tịch cổ Trung Hoa đã trình bày sự thành lập nước Phù Nam một cách hợp lí hơn. Nhưng điều băn khoăn là tên người và sự tích có vẻ như vẫn còn nửa thực, nửa hư.
Sự hoài nghi này sau đó đã được khẳng định bằng một tấm bia Chămpa (Bia Mĩ Sơn (3) - 658) có viết về một sự kiện khác, dựa vào một nguồn tư liệu khác về sự thành lập nước Phù Nam: “Ở nước này, Kaundinya, bò mộng của những người Bà La Môn đã cắm cây lao mà ông đã nhận được của người con gái Bà La Môn kiệt xuất là Asvathaman, con của Drona. Người con gái của vua các Naga, xuất thân… người sáng lập trên thế gian dòng giống mang tên Sôma; điều kì thú là nàng đã hòa nhập tình trạng đó, sống trong một nơi cư trú của người trần… Bò mộng của các Munis, tên gọi là Kaundinya đã cưới nàng để hoàn tất lễ nghi”.
Văn bia mang đậm dấu ấn của tập tục Hinđu giáo Ấn Độ. Trong một mức độ đã có sự phù hợp giữa tên của các nhân vật trong văn bia với thư tịch cổ Trung Hoa. Hồn Điền (hay Hỗn Hội) chuyển âm sang tiếng Phạn chính là Kaundinya, còn Liễu Diệp được đoán là Sôma.
Tóm lại, dù còn những băn khoăn nhất định, nhưng đối chiếu các tài liệu có được, giới nghiên cứu đã thống nhất đi đến khẳng định sự thành lập vương quốc Phù Nam là kết quả của một cuộc hôn nhân giữa một chàng trai Ấn Độ Bà La Môn kiệt xuất Hỗn Điền - Kaundinya với một người con gái bản địa “trẻ, khỏe mạnh, đã được tôn lên làm vua Liễu Diệp – Sôma”. Sự kết đôi này đã làm thành một đôi vương giả đẹp đẽ, mở đầu cho vương triều Phù Nam.
Theo Phạm Tầm (sứ giả Trung Quốc), Vương quốc Phù Nam tồn tại trải 13 đời vua.
Tùy thư, sử của nhà Tùy (589 - 618) chép tiếp sự kiện năm 616, Phù Nam còn sai sứ sang tiến công “lễ vật rất hậu, sau đó là dứt”. Tân Đường thư, sử nhà Đường (618 - 907) còn ghi đến thời Vũ Đức (618 - 626) và Trinh Quán (627 - 649), Phù Nam vẫn cử sứ sang cống.
Dựa trên niên đại các đời vua, nhất là những vua có niên đại đáng tin cậy, tính ngược lại cho phép chúng ta đoán định được thời điểm lập nước Phù Nam là ở khoảng đầu thế kỉ I CN. Và mốc sụp đổ, kết thúc sự tồn tại của Phù Nam là khoảng năm 649.
v Quá trình phát triển của Vương quốc Phù Nam (I - VII)
Quá trình phát triển của Vương quốc Phù Nam trong hơn 6 thế kỉ có thể chi làm 3 giai đoạn chính:
- Giai đoạn hình thành: đầu thế kỉ I – đầu thế kỉ III.
- Giai đoạn phát triển: đầu thế kỉ III – thế kỉ V.
- Giai đoạn suy vong và sụp đổ: thế kỉ VI – nửa đầu thế kỉ VII.