Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh

3 trả lời
Hỏi chi tiết
1.509
0
0
Kangtaeoh
12/05/2019 08:06:06
2.
Hồ Chí Minh là một cái tên mà tất cả con dân Việt Nam đều ghi tạc trong tim với một lòng yêu quý, kính trọng vô bờ bến. Trong quá trình tìm lại tự do cho dân tộc, Bác đã phải chịu rất nhiều khổ cực, gian khó, đã rất nhiều lần bị bắt giam, chuyển từ nhà tù này sang nhà tù khác, bị đánh đập, tra tấn dã man. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn ấy, ở Người vẫn ánh lên một tinh thần lạc quan, một niềm tin vào một ngày mai tươi sáng. Bài thơ "Chiều tối" nằm trong tập thơ "Nhật kí trong tù" đã thể hiện được phần nào tinh thần ấy của Người. Bài thơ chỉ đơn giản là tả lại cảnh nơi thôn dã vào một buổi chiều tối, thế nhưng ẩn chứa trong đó là một ước mơ tự do cho bản thân, ước mơ được quay trở lại quê hương để tiếp tục sứ mệnh của mình.
Bài thơ được sáng tác khi Bác bị giải từ nhà lao Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo. Bức tranh chiều tối được nhìn qua cặp mắt của người tù tay đeo gông chân vướng xiềng:
"Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không."
Dịch thơ:
"Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không."
Buổi chiều thường là lúc đoàn tụ, nhưng cũng là khi con người ta thấy vô cùng cô đơn nếu không có một chốn để về. Cánh chim mỏi sau một ngày kiếm ăn cũng đã bay về tổ của mình. Trên không trung chỉ còn lững lờ một chòm mây. Giữa thiên nhiên bao la hùng vĩ, con người và cảnh vật đều như dừng lại, chỉ có chòm mây ấy vẫn nhẹ nhàng trôi, càng làm nổi bật lên sự yên ắng, êm ả của buổi chiều tối nơi rừng núi. Chòm mây ấy cũng giống như Bác, đang trong tình cảnh tù tội, vẫn phải cô độc bước đi. Chòm mây cô đơn, lặng lẽ, Bác cũng lặng lẽ, cô đơn. Tuy thế, phải là một người có lòng yêu thiên nhiên, phải có một tâm thái ung dung, bình tĩnh, lạc quan, vượt lên mọi gông cùm về thể xác để ngắm thiên nhiên, hòa mình với thiên nhiên như thế. Thân xác mỏi rã rời vì phải đi cả ngày đường vất vả, nhưng Bác vẫn dõi mắt theo cánh chim về tổ, tầng mây lững lờ trôi lúc chiều về.
Tuy chỉ hai câu thơ bảy chữ, nhưng cũng đã khiến cho người đọc tưởng tượng ra được cảnh chiều muộn nơi rùng núi thật mênh mông, âm u, vắng vẻ, quạnh quẽ. Đồng thời, cũng nói lên niềm mong ước quay trở về với quê hương, ước mong được tự do như đám mây kia.
Trong khung cảnh thiên nhiên mênh mông, đượm nét buồn lúc chiều muộn nơi rừng núi, bỗng xuất hiện con người:
"Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng."
Dịch thơ:
"Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết, lò than đã rực hồng."
Giữa cảnh buồn của thiên nhiên như trong thơ cổ, cô sơn nữ hiện lên như một điểm sáng, làm cho cả bức tranh trở nên sinh động, vui tươi hơn. Đó chính là nét cố điển mà hiện đại trong thơ của Hồ Chí Minh. Bức tranh vừa có người, vừa có hoạt động khỏe khoắn của con người trong đó. Đó chính là nét đẹp, nét đáng quý của người dân lao động. Cô gái đang miệt mài xay ngô bên lò than rực hồng để chuẩn bị bữa tối. Ở đây, bản dịch thơ không đảm bảo được nghệ thuật của bản chữ Hán. Bác đã lặp lại hai chữ "bao túc" ở cuối câu thứ ba và đầu câu thứ tư, như những vòng xay nối tiếp nhau của cô gái, như sự tuần hoàn của thời gian, trời đã tối, tối dần. Bức tranh vừa ấm áp bởi cảnh tượng lao động khỏe khoắn của người thôn nữ lao động, vừa bởi cái ánh hồng của bếp lò. Đó chỉ là một thứ hạnh phúc bình dị, vậy mà Bác vẫn gạt bỏ hết những đau đớn, mệt mỏi về thân xác để cảm nhận được.
Nhà văn Nam Cao đã viết: "Khi người ta đau chân, người ta không còn tâm trí đâu để nghĩ đến người khác được.", để nói rằng, con người ta thường có xu hướng lo cho những đau khổ của bản thân. Thế nhưng, ở Bác Hồ – một người lúc nào cũng lo nỗi lo của dân tộc, của đất nước – vậy mà cũng vẫn luôn quan tâm đến những thứ nhỏ nhặt nhất, bình dị nhất. Đó chính là nhân cách cao đẹp của vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta.
Bài thơ "Chiều tối" là một bài thơ tiêu biểu cho nét đẹp cổ điển và hiện đại trong thơ Hồ Chí Minh. Bài thơ chỉ đơn giản là tả về phong cảnh thiên nhiên và con người nơi xóm núi khi chiều muộn, đồng thời, cũng ẩn chứa trong đó nỗi niềm ước mong được tự do, được sum họp của Người. Đồng thời, ở Bác, chúng ta vẫn luôn thấy ánh lên một vẻ đẹp của tinh thần quên mình, của một trái tim giàu lòng yêu thương luôn biết quan tâm đến những điều bình dị nhất.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
0
0
Ori
12/05/2019 08:08:22
2.
"Nhật ký trong tù" của Hồ Chí Minh được viết từ 2/8/1942 đến 10/9/1943 khi Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam một cách vô cớ, đầy đoạ khắp các nhà lao tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Trong số 133 bài thơ "Nhật ký trong tù" có một số bài ghi lại những thời khắc đáng nhớ trong ngày: Buổi sớm, Buổi trưa, Quá trưa, Chiều hôm, Chiều tối, Hoàng hôn, Nửa đêm... Mỗi bài là một nỗi niềm trong những tháng ngày "ác mộng".
"Chiều tối" (Mộ) là bài thất ngôn tứ tuyệt số 31 trong "Nhật ký trong tù". Bài thơ số 32 là bài "Đêm ngủ ở Long Tuyền". Vậy, bài "Chiều tối" ghi lại cảnh xóm núi lúc ngày tàn trên con đường từ Thiên Bảo đến Long Tuyền vào tháng 10/1942.
Đây là nguyên tác hài thơ:
"Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không,
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng''.
Một cái nhìn man mác, một thoáng ước mơ thầm kín về một mái ấm, một chỗ dừng chân...của nhà thơ trên con đường lưu đày khổ ải muôn dặm, được hé lộ qua bài thơ, đọc qua tưởng như chỉ tả cảnh chiều tối nơi xóm núi xa lạ.
Hai câu đâu tả bầu trời lúc ngày tàn. Hai nét vẽ "động" cánh chim mỏi mệt (quyện điểu) bay về rừng xa, tìm cây trú ẩn, một áng mây cô đơn, lẻ loi (cô vân) đang lửng lơ trôi (mạn mạn). Câu trúc hai câu thơ đăng đối, âm điệu thơ nhẹ, thoáng buồn. Người chiến sĩ bị lưu đày ngước mắt nhìn bầu trời, dõi theo cánh chim bay và áng mây trôi nhẹ mà lòng man mác. Rất tinh tế, nét vẽ ngoại cảnh đã thoáng hiện tâm cảnh. Câu thơ dịch của Nam Trân tuy chưa thể hiện được chữ "cô" trong "cô vân" nhưng khá hay:
"Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không".
Hai câu thơ 1, 2 mang vẻ đẹp cổ điển: tả ít mà gợi nhiều chỉ 2 nét phác họa (chim bay, mây trôi) mà gợi lên cái hồn cảnh vật, ngày tàn, màn đêm buông xuống dần, tạo vật như đang chuyển sang trạng thái nghỉ ngơi, mệt mỏi. Nghệ thuật lấy điểm vẽ điện, lấy động tả tĩnh được vận dụng sáng tạo. Nhìn chim bay, mây trôi mà cảm thấy bầu trời bao la hơn, cảnh chiều tối êm ả, tĩnh lặng hơn. Cảnh chiều tối ở xóm núi này còn mang tính ước lệ, nó mở rộng liên tưởng và cảm xúc thẩm mỹ trong tâm hồn mỗi chúng ta,...nhớ về một cánh chim bay trong "Truyện Kiều": "Chim hôm thoi thót về rừng"; nhớ đến một cánh chim bay mỏi và hình ảnh người lữ thứ trong chiều sương lạnh nhớ nhà:
"Ngàn mai gió cuốn, chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa, khách bước dồn
(Chiều hôm nhớ nhà)
Trở lại bài "Chiều tối", áng mây cô đơn lẻ loi đang lơ lửng, trôi nhẹ trên bầu trời là hình ảnh ẩn dụ về người lưu đày trên con đường khổ ải xa lắc! Ngôn ngữ thơ hàm súc, biểu cảm, vừa tả cảnh vừa tả tình, thoáng nhẹ mà đầy ấn tượng, dư ba.
Tiếp theo câu cuối 3 - 4 từ cảnh bầu trời tác giả nói về cuộc sống con người nơi núi. Thiếu nữ và lò than hồng là trung tâm của bức tranh này:
"Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng".
Một nét vẽ trẻ trung, bình dị, đáng yêu: Thiếu nữ xóm núi đang xay ngô. Ba chữ "ma bao túc" ở cuối câu ba được láy lại "bao túc ma hoàn..." ở đầu câu 4, động tác nhịp nhàng xay ngô, vừa diễn tả sự chuyển động vòng tròn của cái cối đá xay ngô thủ công. Đức tính cần mẫn của thiếu nữ xóm núi được cảm nhận và trân trọng. Nghệ thuật điệp ngữ liên hoàn đã làm cho thơ liền mạch và có về nhạc điệu. Câu thơ địch: "Cô em xóm núi xay ngô tối", với 2 chữ cô em đã làm lạc phong cách thơ Hồ Chí Minh; chữ "tối" thêm vào đã làm cho ý thơ lộ, còn đâu nữa ý tại ngôn ngoại trong bài thơ chữ Hán này?.
Sự vật như nối liếp theo dòng chảy thời gian mà xuất hiện: Khi ngô xay xong than đã rực hồng, sáng bừng lên, vô cùng ấm áp. Khi màn đêm đã bao mịt mùng, lò than đỏ rực lên, cảnh vật ấy thu hút tâm trí người tù đang bị giải đi. Buồn biết bao cảnh bếp lạnh tro tàn! ấm áp biết bao một ngọn đèn, một bếp hồng trong đêm lạnh. Hình ảnh thiếu nữ xóm núi xay ngô và lò than rực hồng tượng trưng cho một mái ấm đoàn tụ gia đình, nó đã làm vợi đi bao nỗi cô đơn tĩnh mịch. Hướng về một cảnh sinh hoạt dân dã bình dị: thiếu nữ xay ngô, dõi nhìn bếp lửa, lò than rực hồng, khi chân tay mang nặng xiềng xích, bị giải đi trong chiều tối, Bác đã tìm thấy nơi nương lựa tâm hồn mình. Hình như nỗi cô đơn, lẻ loi, lạnh lẽo bị xua tan. Một thoáng ước mơ thầm kín về một mái ấm gia đình đã đến với nhà thơ trên con đường đi đày xa xứ trong màn đêm buông xuống. Cảm hứng thơ dào dạt chất nhân bản. Cái bình dị mà đầy chất thơ. Chất thơ ấy là hồn người và tình người. Hai nét vẽ về thiếu nữ xay ngô và lò than rực hồng là hai nét vẽ bình dị, ấm áp, khoẻ và trẻ trung, làm thơ Bác có sự hoà hợp giữa màu sắc cổ điển và chất hiện đại vẻ trung bình dị.
Nhiều bài thơ khác cho thấy trên con đường khổ ải, lưu đày người chiến sĩ cách mạng trong "Nhật ký trong tù" hầu như ít cảm thấy cô đơn, tâm hồn luôn luôn gắn bó với nhịp sống, làm chủ hoàn cảnh và lạc quan yêu đời. Trong cảnh hoàng hôn gió rét căm, vượt lên gian khổ. Người xúc động hướng tới một tiếng chuông chùa, một tiếng sáo mục đồng mà mạnh bước:
"Gió sắc tựa gươm mài đá núi,
Rét như dùi nhọn chích cành cây
Chùa xa chuông giục người nhanh bước,
Trẻ dẫn trâu về tiếng sáo bay".
Nam Trân dịch
Có lúc trong cảnh bị cùm trói "Thừa cơ rét rệp xông vào đánh" mà Người vẫn "thoát ngục" tìm được một chút niềm vui nâng đỡ tâm hồn mình: "Oanh sớm, mừng nghe hót xóm gần" (Đêm ngủ ở Long Tuyền). Điều đó cho thấy, sự sống và tự do là khát vọng của Người. Thiên nhiên và con người hiện diện trong thơ Bác bằng những nét vẽ đẹp, bình dị, đáng yêu, đó là sự sống mà Bác gắn bó, mến yêu suốt đời.
"Chiều tối" - một bài thơ đáng yêu: màu sắc cổ điển hàm súc kết hợp với tính chất trẻ trung, hiện đại, bình dị. Tứ thơ vận động từ cảnh đến tình, từ trong bóng tối đến sự sống, đến ánh sáng và tương lai. Nét vẽ linh tế, thể hiện một hồn thơ "bát ngát tình". Bài thơ thấm đượm một tình yêu mênh mông đối với tạo vật và con người. Trong đoạ đầy gian khổ, tâm hồn Bác vẫn dào dạt sự sống.
0
0
Quỳnh Anh Đỗ
06/06/2019 11:24:16
2.

Một con người đưa đất nước dân tộc Việt Nam đi qua những chặng đường gian nan vất vả chọn đúng con đường đi để tiến tới giải phóng đất nước. Một con người có tình cảm dạt dào với thiên nhiên và con người. Một nhà thơ nhà văn chính luận trong thơ không chỉ có trăng, hoa, tuyết nguyệt mà còn có cả thép. Nói như thế hẳn trong chúng ta ai cũng biết đến là Hồ Chí Minh. Trong cuộc đời cách mạng Người đã phải trải qua biết bao nhiêu khó khăn nguy hiểm, thậm chí còn ở tù. Thế nhưng “thân thể ở trong lao/ tinh thần ở ngoài lao” Bác vẫn dùng những vần thơ để thể hiện sự lạc quan, tình yêu thiên nhiên cuộc sống, yêu con người của mình. Tiêu biểu trong tập thơ Nhật kí trong tù của Người phải kể đến bài thơ chiều tối.

Thiên nhiên trong thơ Bác có rất nhiều trang thái, bình minh vô cùng đẹp với hinh ảnh áng mây chuyển trắng thành hồng trong bài giải đi sớm thì hoàng hôn bóng chiều với những hình ảnh của cuộc sống cũng hiện lên vô cùng đẹp trong bài thơ này. Nếu như bị giải đi sớm Bác cũng làm thơ thì khi bị chuyển lao từ nhà lao này sang nhà lao khác trên đường đi ấy Bác cũng làm thơ. Và những bài thơ ấy như thể hiện tâm hồn của nhà thơ đối lập hẳn với những khó khăn trên đường chuyển lao.

Trước hết là hai câu thơ đầu với những hình ảnh của cánh chim nhỏ nghiêng bóng trên ánh hoàng hôn của buổi chiều, một hình ảnh miền sơn cước hiện lên cho thấy tình yêu thiên nhiên của con người ấy:

“Quyện điểu qui lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không”
(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)

Nhà thơ thì phải chuyển lao còn cảnh vật thì lại cũng đang tìm về chỗ ở. Hành trinh của cánh chim kia về tổ cũng giống như hành trình của Người chuyển về nhà lao khác. Thế nhưng chim thì được về nơi nó ở đầm ấm, an toàn còn Bác thì vẫn là một nhà lao kinh khủng nữa mà thôi. Ở đây ta vừa thấy cảnh lại vừa thấy tình. Cánh chim kia là một cánh chim mỏi sau một ngày kiếm ăn thì đến cuối ngày nó cố gắng gượng để bay về tổ ấm của mình.

Trên cái nên trời bao la ấy cánh chim trở nên nhỏ bé vô cùng. Và dường như qua cánh chim ấy nhà thơ thể hiện sự cô đơn nhỏ bé lạc lõng nơi đất khách quê người của mình. Cánh chim cũng chỉ có một và người tù cũng một mình. Chính vì thế mà nhà thơ tìm đến sự giao cảm của thiên nhiên với tâm hồn của mình. Thiên nhiên nơi đây đến áng mây cũng thể hiện sự cô đơn lạc lõng. Phải chăng buổi chiều mang đến cái tàn tạ của một ngày nên nó buồn chăng hay qua lăng kính chủ quan cô đơn của Người mà cảnh đeo sầu, mang tâm trạng. Hiểu thế nào thì cũng đúng cả vì khi người buồn thì nhìn cảnh nào cũng thấy buồn hết. Ở bản dịch chữ “cô vân” thành “chòm mây” chưa được chuẩn xác. Nói la chòm mây thì không thể lột tả hết được những ý nghĩa biểu hiện sự cô đơn của hai chữ “cô vân”. Nói tóm lại thiên nhiên chiều tối miền sơn cước trên áng mây ngàn chim nổi gợi lên sự lạc lõng cô đơn, mệt mỏi buồn chán. Có lẽ đó cũng chính là tâm trạng của nhà thơ bởi vì khi ấy Bác phải đi chuyển lao, mệt mỏi vì đường núi hiểm trở rồi lại nhớ quê hương gia đình, cảm thấy lạc lõng giữa chốn đất khách quê người. những đồng thời qua đây ta cũng thấy được Bác có một tâm hồn yêu thiên nhiên lắm thì mới chụp lại được hình ảnh bàng bạc của chiều tối nơi đây.

Sau cảnh tượng ấy thì con người xuất hiện, thường thì trong thơ xưa sau cảnh mây ngàn chim nổi xuất hiện những con người đạo sĩ thầy tu khí phách hơn người hay là những thiếu nữ xinh đẹp mình ngọc dáng ngà với một tâm trạng nào đó thì ở đây con người cũng xuất hiện nhưng lại là con người lao động bình thường:

“Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng”
(Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng)

Hình ảnh người con gái xuất hiện nhưng không phải là vẻ đẹp mình ngọc dáng xinh mà là hình ảnh của tâm hồn của đức tính tốt đẹp. Đối với Người vẻ đẹp của con người nằm trong tâm hồn trong bản tính chứ không phải là vẻ đẹp hình thể bên ngoài. Nó giống như câu “đẹp nết hơn đẹp người”.

Trước cảnh tượng chiều tối với sự bàng bạc trôi cô đơn của cánh chim, áng mây thì cuộc sống lao động của con người hiện lên. Đó là cô em xóm núi xay ngô tối. Có thể nói hình ảnh người con gái hiện lên thật sự rất chăm chỉ cần cù. Đó chính là cái đẹp của con người lao động. Xay hết lò than rực hồng, điệp vòng “ma bao túc. . bao túc ma” thể hiện vòng quay đều đặn của cối xay ngô. Ta cảm nhận được ở đây một sức sống tươi mới hẳn lên so với cánh chim, áng mây cô đơn kia. Thơ Bác bao giờ cũng thế nhìn cảnh vật buồn bã hay mang tâm trạng đồng điệu của Người nhưng đến cuối luôn hướng đến một cái nhìn tích cực về cuộc đời. Mọi thứ luôn vận chuyển theo hướng tốt, hướng đến sự sống. Chính vì thế mà ở đây ta thấy tâm hồn của Bác luôn chứa đựng những niềm yêu đời, yêu cuộc sống, yêu con người lao động. Dù trong tình cảnh khó khăn nhớ nhà nhớ quê hương nhưng Bác vẫn cố gắng vượt lên tin vào cuộc sống này. Trong câu thơ cuối ta thấy được chữ “hồng”, chữ ấy được coi là thi nhãn của bài thơ. Bởi trong cái tăm tối thì cuộc sống lao động hiện lên với hình ảnh ánh than rực hồng thể hiện sự sống. Và đó chính là cái hướng mà nhà thơ luôn nhìn nhận cuộc sống này.

Qua đây ta thấy bài thơ chỉ có bốn câu thơ thôi nhưng bức tranh thiên nhiên cảnh chiều tối hiện lên vô cùng đẹp mà buồn. Mọi sự vật đều hiện lên sự cô đơn lạc lõng, mệt mỏi. Thế nhưng thơ Bác bao giờ cũng hướng đến sự sống chính vì thế hình ảnh của những lò than rực hồng là một điểm sáng duy nhất của bài. Nó suy đi bóng tối kia để thắp lên ánh sáng hay chính là thắp sáng tâm hồn ý chí lý tưởng của người chiến sĩ cộng sản đang phải chịu cảnh lao tù khốn khổ.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Ngữ văn Lớp 11 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư