Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Đề bài: : Phân tích bài thơ "Từ ấy" của Tố Hữu
Bài làm 1
Tố Hữu là nhà thơ lớn trong thời đại chúng ta. Với ông, con đường cách mạng cũng là con đường thơ, Năm 1938,, mới 18 tuổi, nhà thơ được vinh dự trở thành người chiến sĩ cộng sản của Đảng. Bài thơ "Từ ấy" vang lên như một tiếng reo vui thể hiện niềm vui sướng tự hào của một thanh niên học sinh yêu nước bắt gặp ánh sáng chủ nghĩa Mác- Lênin.
Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn ca ngợi lí tưởng cách mạng và nói lên tình yêu giai cấp của người chiến sĩ trẻ.
Khổ thơ mở đầu cất lên như một lời hát say mê, nồng nàn. Vần thơ tràn ngập ánh sáng:
"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim".
"Từ ấy", là từ thuở ấy (9-1938), nhà thơ vui sướng, hân hoan chào đón "Mặt trời chân lí chói qua tim". Giữa những năm tháng nô lệ, lầm than, tủi nhục, người chiến sĩ trẻ cảm thấy được hồi sinh "bừng nắng hạ". "Mặt trời chân lí" là hình ảnh ẩn dụ rất sáng tạo nói về ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin. Lí tưởng cách mạng, lí tưởng cộng sản chủ nghĩa soi sáng nhận thức, mở mang tâm hồn trí tuệ, làm cho cuộc đời đầy sắc màu ý nghĩa. Lòng "tôi" và con đường cách mạng "bừng nắng hạ" chói chang, ấm áp. Trái tim "tôi" có "Mặt trời chân lí chói qua..". Ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin soi rọi vào tâm hồn. Dưới ánh sáng lí tưởng, tâm hổn đẹp biết bao, dào dạt sức sống như một vườn xuân rực rỡ trong muôn sắc màu "hoa lá", ngào ngạt "đậm hương" và "rộn tiếng chim" hót ca. Ngoài nghệ thuật sáng tạo hình ảnh ẩn dụ, so sánh, Tố Hữu đã chọn lọc một số từ có giá trị gợi tả và biểu cảm đặc sắc (bừng, chói, đậm, rộn) để ca ngợi lí tưởng và tình yêu lí tưởng. Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, nhà thơ xứ Huế có nhiều vần thơ độc đáo, đậm đà:
"Khi ta đã say mùi hương chân lí
Đời đắng cay không một chút ngọt bùi
Đời đau buồn không một tiếng cười vui
Đời đen tối phải đi tìm ánh sáng..."
("Như những con tàu" - 1938)
Có thể nói, Tố Hữu là nhà thơ viết hay nhất về lí tưởng cách mạng bằng bút pháp lãng mạn tuyệt đẹp.
Ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin thật vô cùng kì diệu. "Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng" (A-ra-gông - Pháp). Yêu nước mà bắt gặp chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản đã giác ngộ tình yêu giai cấp. Khổ thơ thứ hai nói lên sự gắn bó giữa nhà thơ, người chiến sĩ trẻ "với mọi người", "với trăm nơi", "với bao hồn khổ" với giai cấp và nhân dân lao động nghèo khổ đang bị đế quốc, phong kiên bóc lột, áp bức dã man. Các từ ngữ: "buộc", "trang trải", "gần gũi" biểu lộ sự gắn bó thiết tha với thế giới cần lao, với "khối đời" - khối công nông liên minh:
"Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời".
Người chiến sĩ trẻ, người thanh niên cộng sản trên con đường cách mạng quyết tâm chiến đấu và hi sinh để thực hiện lí tưởng cao cả, đã nhận thức một cách sâu sắc về tình yêu giai cấp: "Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời".
Hơn bao giờ hết, cái tôi đã chan hoà trong cái ta rộng lớn. Thân thiết và yêu thương, tự giác và tự nguyện, đông đảo và rộng lớn: "là con của vạn nhà", "là em của vạn kiếp phôi pha", "là anh của vạn đầu em nhỏ..". Các từ: "là", các số từ "vạn" được điệp lại ba lần làm cho lời ước nguyện thiết tha chân thành, thấm thía xúc động:
"Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ...".
Nhà thơ đã có một cách nói rất truyền cảm về tình yêu giai cấp, tình yêu nhân dân. Trái tim nhân ái cộng sản chủ nghĩa sáng bừng lên dưới "mặt trời chân lí", dưới ánh sáng của niềm tin, ánh sáng của cách mạng.
Tố Hữu đã sáng tạo nên những vần thơ giàu hình tượng và nhạc điệu để ca ngợi lí tưởng cách mạng và tình yêu giai cấp, tình yêu nhân dân. Tình cảm cao đẹp ấy được thể hiện một cách chân thành và say mê. "Từ ấy" là tiếng lòng của một hồn thơ đẹp, trẻ trung đã trở thành tiếng hát của hàng triệu con người hướng về Đảng và cách mạng. Đọc "Từ ấy" ta càng cảm thấy một cách sâu sắc lời tâm sự của Tố Hữu: "Lòng tôi vui sướng vô cùng khi cảm thấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê nin soi rọi vào tâm hồn tươi trẻ của mình".
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |