2. Tổ tiên ta từ xưa vẫn thường dạy con cháu phải biết Thương người như thể thương thân. Nhưng có người cho rằng: trong cuộc sống đang ngày càng hiện đại hóa như bây giờ thì truyền thống ấy đang ngày càng hiện đại hóa như bây giờ thì truyền thống ấy đang mai một đi. Tâm hồn con người đã trở nên chai cứng, thờ ơ trước những hoàn cảnh khó khăn. Và câu nói “Tôi chẳng muốn chuốc lấy phiền toái” đã trở thành câu cửa miệng của nhiều người để bào chữa cho sự thờ ơ mà họ dành cho người khác. Liệu có phải do các “băng nhóm giang hồ”, những kẻ nghiện ngập, những tên sát nhân, trộm cắp mà con người mất lòng tin, không biết thật giả mà giúp. Sự thật có phải như vậy?
Trước hết, tôi cũng muốn tìm hiểu đôi chút về khái niệm. Việc sử dụng từ “như thể” ở giữa câu chính là phép so sánh ngang bằng gắn kết hai vế “thương người” và “thương thân”. Thương người, cõ lẽ ai trong chúng ta cũng biết, đó là tình cảm xuất phát từ trái tim khi chứng kiến cảnh người khác gặp khó khăn hoạn nạn. Và cũng từ trái tim, lòng thương người ấy hối thúc ta nên làm một việc gì đó có thể giúp họ. Quay lại câu nói, ta trở về với vế sau: “thương thân”. Thân là mình. Như vậy, có nghĩa là thương mình, thương chính bản thân mình. Tóm lại, câu tục ngữ khuyên con người phải yêu thương người khác như yêu chính bản thân mình vậy.
Vì sao chúng ta lại phải Thương người như thể thương thân? Theo tôi, việc chúng ta yêu thương một ai đó không hề theo một quy luật, một quan hệ logic nào cả. Vì sự yêu thương luôn xuất phát từ trái tim, mà đã như vậy thì sao có thể trả lời câu hỏi “vì sao… phải?”. Bởi vì mỗi người sinh ra đều có một trái tim. Trái tim đập và chúng ta yêu thương lẫn nhau. Nhưng nếu phải trả lời tôi sẽ nói rằng bởi vì chúng ta là con người. Ta được sinh ra để cần nhau, để yêu thương nhau. Người xa lạ hay người thân quen, người già hay người trẻ, nam hay nữ, bất kì là ai thì họ cũng là đồng loại của ta. Họ có tất cả những gì ta có. Vậy vì sao ta phải thương thân? Bạn hãy thử trả lời câu hỏi này trước đã. Liệu bạn có biết rằng mình chính là người yêu thương mình nhất? Sự thật là không ai hiểu chúng ta hơn chính mình. Này nhé, bạn bị ốm, mệt mỏi và đau nữa. Bác sĩ biết bệnh của bạn nhưng họ có biết bạn đau như thế nào, vào lúc nào hay không? Bố mẹ, anh chị em túc trực, trông nom bên cạnh liệu có biết, có thấu hiểu nỗi đau của bạn. Câu nói “Bố mẹ biết con đau lắm phải không?” chỉ là lời động viên mà thôi. Vì nỗi đau là cảm giác của chính bạn, như thế người thương mình nhất chính là người hiểu mình nhất và còn ai khác ngoài chính bạn kia chứ? Yêu thương bản thân mình cũng chính là khiến cho mình thấy hạnh phúc hơn, tự tin hơn. Thương người như thương mình, có như vậy, ta mới tìm thấy hạnh phúc thực sự bởi vì hạnh phúc, “người” cũng hạnh phúc, cả thế giới đều hạnh phúc. Phải “thương người như thể thương thân” vì “cho và nhận”. Đôi khi giúp đỡ một ai đó, cho đi thứ gì đó còn khiến bạn thấy hạnh phúc hơn so với việc được nhận một đồ vật yêu thích. Niềm vui mà bạn đem đến cho họ chắc chắn sẽ quý giá hơn nhiều thứ vật chất tầm thường. Yêu thương người khác, yêu như chính bản thân cũng sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn, vui vẻ hơn.
Thương người là hành động mang tình thương, sụ động cảm, nhân ái đến với người khác. Nó thể hiện sự giúp đỡ tương thân tương ái giữa những con người với nhau. Nó cũng giống như câu lá lành đùm lá rách. Thương thân là thương chính bản thân mình, cái này thì thường là bản năng của con người chúng ta. Chính vì thế ma khi con người quá yêu bản thân mình sẽ dẫn đến “ích kỉ” và “vị kỉ”. Vì vậy câu tục ngữ trên có ý nghĩa là hãy biết thương người như thể thương bản thân mình vậy. Chúng ta thường nghĩ đến những cái tốt cho bản thân mình thì cũng nên nghĩ đến những điều tốt cho những người khác. Đó chính là ý mà ông cha ta muốn khuyên ta vậy.
Tình Thương người như thể thương thân ấy còn không có giới hạn. Nó vượt qua mọi khoảng cách không gian và thời gian. Nó không chỉ là tình thương giữa những con người cùng đất nước nữa mà nó là tình thương giữa dân tộc các nước với nhau. Chẳng thế mà Bác Hồ của chúng ta đi bôn ba sang chính cái nước xâm lược và chính thương người như thể thương thân Bác mới nhận ra rằng nhân dân chính quốc cũng khổ cực như nhân dân mình.
Qua đây ta thấy ông cha ta đã để lại một bài học quý giá về đạo đức con người. Có thể nói Thương người như thể thương thân chính là cơ sở để xuất phát quyết định đến hành động giúp đỡ của mỗi người. Từ đó cũng có thể xác định được một con người có tâm có đức hay không. Dẫu biết con người chúng ta thường nghĩ đến bản thân mình nhiều hơn nhưng mỗi chúng ta hãy xây dựng bồi đắp tâm hồn mình để giúp đỡ người khác và tránh xa thói xấu ích kỉ.
Phải chăng truyền thống Thương người như thể thương thân đã bị mai một dần? Cũng có nhiều ý kiến cho rằng ngày nay, công nghệ thông tin rất phát triển, con người ta có thể tự “bước đi” mà không cần tới sự giúp đỡ của người khác. Vì thế, họ dần trở nên xa cách, vô cảm với cuộc sống xung quanh. Giờ đây khi những khu nhà cao tầng, biệt thự cứ “mọc” ngày một nhiều thì cũng là lúc con người ta thờ ơ với nhau. Hằng ngày, đi làm và trở về, họ tự nhốt mình trong “tổ chim ưng”. Cứ thế những bức tường gạch đã ngăn các gia đình, sống cùng khu nhà mà họ chẳng hiểu gì về nhau. Tuy nhiên, một vài người lại cho rằng, chúng ta không còn yêu thương nhau cũng vì những băng đảng, trộm cướp. Hay nói cách khác họ sợ lòng thương của mình bị lợi dụng đến mức chính họ bị liên lụy, phải gánh chịu hậu quả. Bố mẹ thường dạy con cái phải thận trọng, đừng vội tin người. Nhưng đó chỉ là sự biện bạch mà thôi. Nếu như ta thực sự thương người như chính thể thương thân mình thì những người kia có bị dồn đến mức đường cùng, quẫn bách mà làm càn hay không? Ví như gặp một người bỗng phá sản trở thành kẻ vô gia cư, bạn có thương họ, có đưa tay ra giúp họ không? Trả lời câu hỏi ấy, người nói có, kẻ nói không. Với những người không thương họ, ta có thể tạm bỏ qua, nhưng những người nói có thì sao? Những người ấy có thật sự thương người ta không. Họ đứng từ xa nhìn và không giúp ích gì hoặc không làm gì. Đấy có phải là thương? Đấy chỉ là dừng ở mức độ thương hại. Bạn có thể đến, tặng người khó khăn một chút gì đó có giá trị hay cho người đó chút tiền lẻ để mua thức ăn. Tôi từng nghe một câu chuyện: Một người đàn ông trẻ đi qua mặt một lão ăn mày. Mặc dù thời tiết rất lạnh nhưng ông lão mặc chỉ độc một chiếc áo mỏng. Sự xót xa hối thúc anh ta làm một việc gì đó để giúp ông lão. Nhưng dù khắp nơi trên người cũng không có gì để cho ông. Tiền không, đồng hồ không, ngay cả chiếc khăn tay cũng chẳng có. Anh bối rối nắm lấy tay ông lão nghèo khổ, làm ấm bàn tay lạnh giá của ông bằng sự thông cảm. Trong chúng ta, liệu ai đã làm một việc cao đẹp như vậy? Tôi tin là chắc ai đã từng làm một việc cao đẹp như vậy. Kẻ xấu ngày một nhiều, lòng tốt cũng bị lợi dụng khiến cho sự tin tưởng của mỗi chúng ta cũng giảm đi đôi phần. Và sự e ngại, tính toán nhiều khi cũng ngăn chúng ta đem sự ấm áp tới cho người khác. Xin hỏi trái tim của bạn có còn đập nữa hay không?
Phần trên tôi đã đề cập tới truyền thống Thương người như thể thương thân. Nhưng quan trọng hơn là làm thế nào để duy trì truyền thống Thương người như thể thương thân trước hết chúng ta phải lọc sạch tâm hồn: Phải có niềm tin vào cuộc sống. Không tin vào những gì tốt đẹp, ta làm sao có thể yêu thương nó được? Bạn có biết niềm tin có ý nghĩa to lớn thế nào không? Một cái dây đeo cổ tay hay chiếc áo may mắn chẳng hề có sức mạnh đặc biệt nào nhưng niềm tin nó đem lại cho bạn lại vô cùng to lớn. Nếu không tin người ta cần mình thì sao có thể yêu thương họ? Có thể bây giờ bạn không tin nhưng hãy mạnh dạn thay đổi suy nghĩ của mình. Vì ta là con người, vì ta sinh ra là của nhau. Đừng băn khoan suy nghĩ, hãy xây dựng niềm tin cho mình. Chúng ta hãy tin rằng: giúp người khác là cách thể hiện tình Thương người như thể thương thân. Luôn tươi cười, mọi người cũng sẽ cười với bạn và mọi chuyện, khởi đầu luôn suôn sẻ, đừng tự khép lòng mình, hãy trở nên thân thiện, gần gũi người khác. Như thế là bước đầu bạn tử tế với họ từ những việc nhỏ nhặt như giúp một bà cụ qua đường, giúp đỡ một người ăn xin… Những cử chỉ đó khiến không chỉ người được giúp mà chính bản thân cũng thấy hạnh phúc hơn. “Người trao tặng đóa hồng sẽ nhận lại được mùi hương”, đó là thương người như thể thương thân, là hạnh phúc, là làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn. Bạn có thể yêu thương người khác như yêu chính bản thân mình bằng cách đó, còn chần chừ gì nữa nào? Hãy mở rộng lòng mình thôi!
Những câu ca dao tục ngữ, những câu chuyện cổ được người xưa viết ra để giáo dục thế hệ trẻ phải biết yêu thương lẫn nhau, ca ngợi những người biết “thương người như thể thương thân” vì những người đó sẽ được xã hội kính nể, quí trọng. Ngược lại, đối với những kẻ chỉ biết lợi dụng, thờ ơ, dửng dưng khi người khác gặp nạn sẽ bị phê phán nghiêm khắc, sau này khi những kẻ đó gặp nạn sẽ không được ai giúp đỡ.
Văn học Việt Nam rất sâu sắc, nhất là đối với truyền thống Thương người như thể thương thân, khuyên mọi người phải giữ gìn thật kĩ truyền thống này. về phần mình, em sẽ luôn yêu thương mọi người xung quanh, giúp đỡ mọi người để góp phần xây dựng đất nước, giữ gìn và phát triển kho tàng văn học Việt Nam.