Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Mình thích đi rừng, và cũng muốn đi rừng Nam Cát Tiên từ lâu lắm rồi. Nhưng đi rừng mà đi một mình thì vừa nguy hiểm, vừa bất bình thường, nên nhân một lần dạo Couchsurfing thấy lời rủ rê đi Nam Cát Tiên bằng xe máy của một thành viên đang làm việc ở Sài Gòn, mình nhảy vào nhập hội ngay.
Lúc đầu mình rủ thêm một bạn đồng nghiệp, bạn đồng ý đi rồi, nhưng xem thông tin, thấy mấy con vắt sợ quá, bỏ cuộc. Vậy là mình chạy xe một mình, với 10 bạn khác, mà không rủ thêm ai, vì thời gian gấp quá, và cũng muốn chạy một mình để tiện dừng chụp ảnh dọc đường.
Đây cũng là lần đầu tiên mình đi du lịch bụi với một nhóm đông người như vậy, và toàn là người xa lạ. Nhưng mà vui!
Khởi hành từ lúc 7g sáng ở ngã tư Hàng Xanh, nhưng cả nhóm đi chậm, đợi nhau lúc thì vì bị công an hốt, lúc bị lủng lốp xe, cuối cùng hơn 13g mới mò tới nơi.
Theo chỉ dẫn đọc được trên mạng, cả nhóm cứ đi thẳng, qua địa danh Đá Ba Chồng (Định Quán, Đồng Nai) một đoạn rất xa, đến khoảng cột cây số 58 thì sẽ thấy bảng hiệu chỉ dẫn rẽ trái đi vườn quốc gia Nam Cát Tiên.
Bắt đầu từ đoạn này, đường tuy đẹp, nhưng khá hẹp, và lại quanh co uốn lượn, nên những bạn đi bằng xe máy lưu ý chạy vừa phải và giữ vững tay lái.
Ghé ăn trưa mì Quảng với giá 20.000đ/ tô trước khi vào khu du lịch, để tiết kiệm tiền vì biết chắc là vào đó sẽ bị “chặt chém”. Nhân tiện đóng quỹ 400.00đ/ người và trên đường đi tiếp thì ghé chợ mua trái cây mang theo.
Trong nhóm chưa có ai đi Nam Cát Tiên, nên cũng chưa biết sẽ chọn đi những điểm nào. Thôi thì cứ tới nơi rồi tính tiếp.
Cuối cùng cũng tới bến thuyền để gửi xe (qua đêm, 10.000đ/ chiếc), đi thuyền qua bên kia, địa phận vườn quốc gia Nam Cát Tiên.
Mua vé thuyền (cũng là vé tham quan) 40.000đ/ người/ khứ hồi, đồng thời viết giấy bảo lãnh ghi rõ danh sách đoàn gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ hiện tại (nghe hơi ghê ghê, nơi rừng thiêng nước độc, có gì còn liên hệ người thân à?)
Ý kiến cá nhân mình, khu vực này đã được quy hoạch cho khách tham quan, khám phá, nhưng dịch vụ chưa chuyên nghiệp, và sản phẩm chưa cân xứng với số tiền du khách phải bỏ ra.
Ví dụ, phí tham quan Bàu Sấu (là tên gọi chung cho toàn bộ các vùng đất ngập nước rộng khoảng 137,60 km2 ở Nam Cát Tiên) là 140.000đ/ người, thuê xe tính riêng (nhưng cũng chỉ chở 9 km đầu, còn 5 km tất cả du khách đều phải đi bộ xuyên rừng), nhưng tới nơi thì có gì?
Sau gần 30 phút đi xe (tính bình quân 175.000đ/ người/ đoàn 11 người – đã được giảm) 2 tiếng đồng hồ đi bộ xuyên rừng (không có hướng dẫn viên, có thì phải trả thêm tiền) thì cả đoàn đến được Bàu Sấu. Chỉ là một hồ nước với cỏ và lục bình phủ đầy, bên dưới có cá sấu, nhưng theo lời mấy chú bộ đội canh giữ thì cá hiền lắm. Mà thật, tới cả tiếng đồng hồ cũng chỉ nghe vài người hú hét là thấy một con cá sấu nổi lên, rồi lặn mất tăm ngay.
Ví dụ khác, tour xem thú ban đêm (mà không hiểu có nhìn thấy thú không?) là 120.000đ/ người/ đoàn từ 9-20 người.
Ví dụ khác nữa, thuê xe đạp (loại Martin bình thường) là 30.000đ/ giờ hoặc 150.000đ/ ngày.
Trời ơi, nơi đại ngàn xa xôi nên “chặt chém” con người ta chăng? (Nhưng thực tế thì cũng đâu có xa xôi cách trở gì đâu!).
Cả đám đứng đọc thông tin ngay cổng, chẳng biết nên đi đâu, làm gì, tour nào thú vị vì có rất nhiều tour tham quan, chia ra thành dễ đi và khó đi như:
– Dễ đi: cây tung cổ thụ; cây si trăm thân; thác Trời, tour tham quan làng dân tộc thiểu số Đắk Lua (dân tộc Mạ và S’tiêng), ngủ đêm tại nhà dân (homestay), xem trồng dâu nuôi tằm, dệt cửi, tham quan khu thánh địa Cát Tiên – nơi bộ ngẫu tượng Linga và Yoni lớn nhất Đông Nam Á được lưu giữ.
– Khó đi: rừng cây Gỗ lớn; núi Tượng; Bàu Sấu; Hang Dơi,…
Trước khi đi, cả đám dự tính sẽ ở lều. Sau khi bàn nhau sẽ đi đâu, thì cả nhóm thống nhất đi Bàu Sấu và cắm trại ở đó. Nhưng lúc hỏi tiếp tân thì được trả lời là trễ rồi, không còn xe đi Bàu Sấu (cách đó 14 km), và cũng không còn chỗ ở hay cắm trại ở Bàu Sấu.
Hội ý lại thì cả nhóm quyết định đi mấy nơi gần gần trước, rồi sáng hôm sau sẽ đi Bàu Sấu. Tuy nhiên, chưa biết tối nay sẽ ngủ ở đâu, lều (có chỗ cắm trại gần bến đò, 300.000đ/ lều khoảng 7 người) hay ngủ phòng tập thể (50.000đ/ người), nên cả nhóm mang theo cả ba lô đi, tối tính tiếp.
Vì mang ba lô theo, nên chặng đường khám phá tự túc ban đầu vì thế mà mệt hơn.
Men theo con đường bê tông (nhưng đoạn bê tông chỉ dài chừng 4 km, còn lại là đường rừng, đất đỏ, đá và sỏi), vẫn đường này nếu đi tiếp sẽ là Bàu Sấu, làng dân tộc thiểu số DakLua…, cả nhóm thích thú khám phá rừng.
Cây tung này (không phải tùng) có gốc cây to 20 người ôm mới xuể, không rõ là bao nhiêu năm tuổi, nhưng ở rừng Nam Cát Tiên thì bạn sẽ gặp cây tung rất nhiều. Trên đường vào Bàu Sấu cũng sẽ gặp một cây tung 400 năm tuổi (kể ở bài sau).
Khi tìm thông tin về cây tung, mình mới biết thì ra trong đền Ta Prohm, Campuchia cũng có những cây tung với bộ rễ lớn bao trùm các phiến đá, tường đền.
Quay lại con đường bê tông, cả nhóm phát hiện ra vài em vắt đang bu lên tất của vài thành viên. Khi con vắt đầu tiên được phát hiện, cả nhóm đã hú hét và bu lại chụp ảnh. Nhưng tới con thứ hai trở đi thì… cả đám xem lại trang phục, kéo tất ra ngoài ống quần và bôi thuốc DEP đã chuẩn bị sẵn của một bạn trong nhóm. Nhưng vì bôi không đúng cách nên sau đó hầu như ai cũng bị vắt bu, không chỉ lên chân, mà cả trên người, vài bạn biết mùi vắt cắn.
Riêng mình cũng bị vắt không hiểu làm cách nào chui vào hông, khi thấy ngứa (nghĩa là đang bị cắn) thì dở áo lên, thấy em ấy, bình tĩnh bắt ra vứt phạch xuống đất.
Sau này mới biết, dưới gốc cây tung có rất nhiều vắt. Chắc do cây lớn, lá rụng nhiều, lại nằm trong nơi ẩm thấp, nên mới là hang ổ của vắt. Bạn nào có tham quan cây thì chỉ nên dừng chơi chút xíu rồi đi ra ngay, kẻo đứng lại là vắt ngửi thấy hơi người bu vào liền.
Tất chống vắt mà chỗ quầy tiếp tân cho thuê chỉ là loại tất vải dày mà vắt không cắn vào được tới da thịt người, nghĩa là tất chỉ chống vắt cắn, chứ không chống vắt bò lên. Mà hình như không phải rừng nào cũng có vắt, vì mình cũng có chui vào rừng thông, rừng ở Phú Quốc mùa mưa mà chưa nhìn thấy vắt bao giờ.
Tuy vắt sinh trưởng ở dưới đám lá mục, nhưng hình như bọn chúng cũng bò được lên cây, di chuyển giống như sâu đo, nhưng chủ yếu dưới đất mới nhiều. Thân chúng gồm hai đầu, một to một nhỏ. Đầu to để đứng, đầu nhỏ hút máu. Nên có bôi thuốc chống vắt, bạn nên bôi cả lên quần áo, những nơi vô ý dễ cho vắt bò vào như phần cổ, vai.
Thuốc DEP bên ngoài bán 5.000đ/ hũ, trong khu này bán 8.000đ, ngoài công dụng chống vắt, còn trị vắt cắn. Nếu bị cắn thì có thể bôi vào vết cắn cho giảm ngứa, sưng. Thật ra loài vắt chỉ đáng sợ ở thân hình gớm ghiếc thôi, chứ bị cắn thì hơi ngứa ngứa, chỉ cần dùng tay bắt ra vứt đi là được.
Cả nhóm lại đi tiếp, đích đến là thác Bến Cự gần đó.
Đáng lẽ tới đây thì đi một đoạn ngắn, bên tay phải sẽ có con đường mòn nhỏ vào thác Bến Cự, nhưng theo lời một thành viên, cả nhóm đi xa hơn để xem thác Trời vì nghe tên cứ nghĩ là đẹp, đáng để đi.
Lúc này đã hơn 15g, đường còn xa, nhưng càng đi càng chẳng nghe tiếng nước chảy, hay ít ra là tín hiệu nào đó của thác nước. Một bạn trong nhóm đề nghị đi tiếp đến 16g30 không thấy thác thì phải về, vì đường rừng càng về chiều càng nhanh tối, đường lại càng lúc càng khó đi, phải qua mấy đám bùn lầy.
Bản thân mình thì mệt, khát nước lắm, nhưng không dám uống nhiều, sợ không đi nổi, vì còn đoạn đường về nữa, nên dừng lại, bảo sẽ chờ mọi người quay lại. Nhưng vài bạn lại động viên, nói không đi nữa thì quay về, chứ đứng lại vắt bu, nguy hiểm. Vậy nên phải đi tiếp.
Cuối cùng cũng lết được tới nơi.
Cả nhóm ăn vội trái cây rồi đi ra. Từ đây phải ngược về 6 km mới tới chỗ cổng, nơi có quầy tiếp tân ở gần đó.
11 người, người đi trước, người đi sau, cuối cùng cũng ra được chỗ bến thuyền khi trời đã sụp tối. Trên đường đi mình có gặp một nhóm khách nước ngoài, gồm các cụ già chắc chuẩn bị đi tour xem thú đêm.
Vì sợ vắt, cả nhóm quyết định không ngủ lều, mà nhận phòng tập thể. Một phòng cho nam, một cho nữ, kế bên, dùng chung một nhà vệ sinh ở ngòai. Nguyên khu phòng tập thể có mỗi nhóm của mình ở.
Mọi người ai cũng muốn tắm nhanh để xem trong người còn sót lại em vắt nào không, rồi cùng nhau ăn tối. Mấy bạn nữ lanh lợi của nhóm đã hỏi nhà hàng và được giới thiệu cơm đĩa với trứng chiên và canh mì gói, giá tiền 25.000đ/ phần. Vậy cũng được.
Ăn xong mấy bạn nữ mua nước uống (12.000đ/ chai 1l rưỡi – ở chỗ quầy tiếp tân và nhà hàng đều bán đồng giá) cho chuyến đi sáng ngày hôm sau, rồi cả đám về ngủ sớm, hẹn 5g phải dậy vệ sinh cá nhân (vì chỉ có 1 nhà vệ sinh gần đó, xung quanh cũng có nhưng đi xa), để 6g đi Bàu Sấu.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |