Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Trường THPT Nguyễn Sinh Cung: Đề thi học kì II môn Ngữ Văn 11 năm học 2017 - 2018: Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

9 trả lời
Hỏi chi tiết
2.233
1
0
Linh Nhi
28/04/2018 20:21:00
Câu 1 Phần làm văn
Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hoá, “một thế giới phẳng”, kỉ nguyên của kĩ thuật số, khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão, con người nỗ lực không mệt mỏi để phát minh ra những sáng chế, những công cụ phục vụ, đáp ứng nhu cầu vô tận của nhân loại.
Facebook tải những thông điệp, thông tin đến hàng triệu người trên khắp hành tinh. Nó gần giống như một cuốn nhật kí sinh động ghi lại những cảm xúc, ấn tượng, tình cảm, sẻ chia trong cuộc đời thường nhật. Nó khiến cho chúng ta có thể biết được tâm trạng, cảm xúc của những người xung quanh mình mà không cần gặp gỡ. Chỉ cần một status là chúng ta có thể kiểm soát và hiểu được người khác đang nghĩ gì. Thật đơn giản và tiện ích. Như vậy, facebbok là một tiện ích, một mạng xã hội năng động liên tục mang đến cho người trẻ những trải nghiệm cùng công cụ kết bạn, giao lưu, nói chuyện, tìm kiếm thông tin vô cùng thú vị.
Bên cạnh đó, facebook giúp tìm kiếm việc làm, kinh doanh, đó là một kênh quảng cáo toàn cầu hiệu quả. Nó giúp các hội, đoàn, các đội tình nguyện hoạt động từ thiện, nhân đạo, vì môi trường,… Nó có thể cứu những phận đời, giúp đỡ, an ủi người bất hạnh. Nó có thể giúp người ta cách thức làm kinh doanh. Nó có thể trở thành những lớp học online thú vị, là nơi trao đổi bài vở, kiến thức,… Và còn vô vàn tiện ích khác nữa nảy sinh và đáp ứng những nhu cầu đa dạng, sự thông minh của con người trên khắp hành tinh.
Chính vì vậy, facebbook có sức hút mãnh liệt với mọi người, nhất là giới trẻ, khi mà nhu cầu giao tiếp, giao lưu, chia sẻ, khám phá, hiểu biết, trải nghiệm,… ở họ vô cùng lớn.
Tuy nhiên facebook lại là mạng lưới dễ gây nghiện đối với người dùng nếu như không biết kiểm soát thời gian, kiểm soát bản thân. Facebook có những thứ mà chúng ta không thể tìm thấy ở bên ngoài. Nhất là đối với nhiều bạn thích phô ra cho mọi người thấy thì facebook chính là một công cụ hữu ích để làm việc này. Chỉ cần một đăng bài, hình ảnh của bạn đã được hiện lên mạng và được nhiều người biết. Bạn chờ một nút like, một nút comment hay một nút share. Như thế cũng khiến cho bản thân bạn thấy vui. Tuy nhiên chính điều này sẽ cuốn bạn vào thế giới mạng ảo nhanh chóng nhất. Và nghiện facebook là một trong những cái khó có thể dứt bỏ ra, vì nó đã trở thành thói quen cần phải làm hằng ngày, check in thường xuyên.
Nhiều bạn trẻ hiện nay đã dành thời gian quá nhiều để lướt facebook mỗi ngày: đi học cũng facebook, đi làm cũng facebook, đi chơi với bạn bè cũng facebook, ngồi với bố mẹ cũng facebook... Hình như thiếu đi facebook nhiều người cảm thấy tẻ nhạt và vô vị. Có nhiều người nói rằng facebook cũng giống như ăn cơm, không thể thiếu.
Tuổi trẻ cần nhận thức rõ mặt lợi, hại của facebook để không là tín đồ ngu muội của facebook mà là người sử dụng một cách thông minh, hiệu quả. Cần hướng tới cái tích cực, trong sáng, lành mạnh, cái đẹp, cái có ích. Đừng lên facebook quá nhiều, chỉ dùng một cách có mức độ khi cần thiết, không kết bạn dễ dãi, không đưa lên facebook những nội dung xấu, hay những điều vụn vặt, vô nghĩa lí. Phải thận trọng với những nội dung mình đưa lên, tuyệt đối không xúc phạm người khác, làm ảnh hưởng xấu đến người khác. Không để lộ mình quá nhiều, đừng coi nó như nhật kí mà cái gì cũng đưa vào đó. Phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, không nói tục, chửi bậy,viết tắt, viết kí hiệu, xuyên tạc tiếng Việt, lạm dụng tiếng nước ngoài, “sáng tạo” những chữ dở Tây dở ta,….Đừng phí hoài thời gian quý báu của đời mình vào những bình luận dông dài. Phải tỉnh táo nhận biết đúng sai, phải trải, tránh mọi cạm bẫy, không a dua theo kiểu “tâm lí đám đông”.
Hãy biết lên tiếng khi cần thiết và hãy học cách im lặng. Hãy sống tích cực với cuộc đời thực, mở lòng với cuộc sống xung quanh. Nhà trường và xã hội cần tạo ra những sân chơi hấp dẫn thu hút giới trẻ vào đó để họ không chỉ biết “ôm” facebook. Bởi vậy mỗi chúng ta, không kể lứa tuổi nào cũng cần có nhận thức đúng đắn về việc chơi facebook hiện nay.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
0
0
Phần I
1. Trên toàn cảnh đoạn thơ trên là bút pháp tả thực của Hàn Mặc Tử về một miền quê xanh tươi tràn đầy sức sống, và đó cũng chính là lòng ham sống, lòng yêu đời của thi nhân. Vì nếu không ham sống, không yêu đời thì làm sao có thể tả được một khung cảnh bình dị mà đắm say lòng người đến thế.
0
2
2. Bốn câu thơ trên có tính chất tạo hình như một bức tranh có ba chiều: chiểu rộng, chiều cao, lẫn chiều sáu. Đó là nỗi nhớ giúp tác giả hình dung ra trước mắt mình một cảnh tượng sống động. Bức tranh thôn Vĩ được phác họa bằng mấy nét xinh xắn.Ánh nắng ban mai chiếu xuống những hàng cau, “nắng mới lên” đem lại cảm giác trong lành, bình yên; những hàng cau đứng thẳng tắp, hình ảnh rất quen, nét đặc trưng của thôn Vĩ
0
0
3. trong câu đầu tiên tg đã sd câu hỏi tu từ: "Sao anh...Vĩ".
+ Thủ pháp phân thân trong thơ trữ tình
+ nó vừa là lời gọi thiết tha, lời trách móc nhẹ nhag
=> PTBĐ : Biểu cảm
0
0
4.
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Cái đẹp được tả từ ánh nắng ban mai “nắng mới”, ánh sáng tinh khiết nhẹ nhàng buổi sớm soi rọi xuống những “hàng cau” xanh mướt như đón lấy những tia nắng đầu tiên đó. Tất cả như được phủ kín với ánh sáng, một thử ánh sáng tinh khôi, dưới ánh sáng đó tất cả vạn vật như rực lên sức sống đang tuôn trào.
0
0
Phần II
1. Trên xe buýt: “Cậu đang làm gì thế?”, “Tớ đang online Yahoo”.
Giờ ra chơi: “Cô đang làm gì thế?” – “Cô đang đọc báo trên mạng”.
Và 00 giờ: “Chị đang làm gì mà vẫn còn thức?”- “Chị đang lướt Facebook”.
Có thể nói, ngày nay, các mạng xã hội như: Facebook, Wechat... đã phủ sóng khắp toàn cầu. Người ta vẫn đang sử dụng mạng xã hội mọi lúc, mọi nơi, thậm chí bất cứ khi nào họ rảnh là lôi chiếc điện thoại ra lướt mạng như một thói quen mà phớt lờ sự thật: Mạng xã hội là con dao hai lưỡi. Nó đem lại cho ta rất nhiều lợi ích nhưng cũng không ít tác hại.
Nhưng mạng xã hội là gì mà lại được nhiều người, thậm chí cả bạn và tôi đều yêu thích sử dụng đến vậy?
Mạng xã hội là khái niệm chỉ chung các dịch vụ kết nối thành viên, bạn bè qua Internet. Các dịch vụ, ứng dụng này cho phép người dùng chia sẻ thông tin qua tin nhắn, thậm chí gọi điện trực tuyến. Có thể nói, mạng xã hội là một trong những sản phẩm khoa học trí tuệ của con người trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay.
Vậy mạng xã hội đem lại lợi ích gì cho bạn và tôi? Xuất phát từ tính năng của mình, trước tiên, mạng xã hội trước hết là phương tiện truyền thông vô cùng đắc lực.
Với người truyền tải thông tin, mạng xã hội cho phép các thành viên đăng tải nhiều tin tức như một bài báo, một bản tin về thời tiết, một hội thảo, hay cuộc triển lãm nào đó. Thậm chí với mạng xã hội, người ta còn có thể quảng cáo cho sản phẩm của mình, từ những lượt like (thích) hay share (chia sẻ).
Sản phẩm dễ dàng được lan tỏa tự nhiên, nhanh chóng tới mọi ngóc ngách của mạng xã hội, rồi đến với người tiêu dùng. Mặt khác, với người tiếp nhận, họ chẳng những nắm bắt được toàn bộ thông tin phong phú, đa dạng mà còn có thể học tập, chắt lọc kiến thức từ những gì được đăng tải.
Nếu từng dùng mạng xã hội, chắc chắn bạn đã ít nhất một lần bất ngờ, thích thú vì một trạng thái chia sẻ cách ứng xử trong cuộc sống, một vài kinh nghiệm trong thi cử mà bạn vô tình đọc qua nhưng lại bất chợt giúp bạn trong trường học và trường đời.
Nhưng điều đáng nói là mọi thông tin với cả người truyền và nhận đều được xử lý, cập nhật một cách nhanh chóng và rất thời sự. Nhờ đó mà ta có thế chia sẻ hay biết được kịp thời những tin tức vô cùng nóng hổi.
Ví dụ, bạn ở căn phòng bé nhỏ của mình tại Hà Nội nhưng với mạng xã hội, lại có thể xót xa, bức xúc khi thấy cá tôm ở Vũng Áng đang chết hàng loạt do ô nhiễm.
Với lợi ích vượt bậc của mình, mạng xã hội đang trở thành phương tiện truyền thông thực sự sinh động, phong phú, hấp dẫn và bộc lộ khả năng hoàn toàn có thể thay thế vị trí của nhiều kênh thông tin khác trong tương lai.
Tuy nhiên, sẽ là chưa đủ nếu nhắc đến lợi ích của mạng xã hội mà bỏ qua chức năng giải trí. Mạng xã hội giúp bạn thư giãn bằng các bản nhạc, câu nói, clip hài hước và giúp bạn tạm quên đi buồn lo từ cuộc sống bằng các trò chơi vô cùng thú vị.
Bạn cũng có thể nói chuyện phiếm, tán gẫu với bạn bè qua các tin nhắn, bình luận. Nhưng nếu bạn vẫn thấy nhàm chán ư? Mạng xã hội cho bạn sống lại những khoảnh khắc nhắng nhít, hồn nhiên bằng việc đăng tải các bức ảnh selfie.
Hơn thế nữa, tính năng mà mọi ứng dụng xã hội đều có là giao lưu, kết bạn, mở rộng quan hệ với bạn bè, đối tác mà khoảng cách địa lý không còn là trở ngại. Còn gì tuyệt hơn nếu bạn được trò chuyện với thần tượng của mình hay một MC nổi tiếng?
Mạng xã hội có nhiều lợi ích, song có lẽ bạn sẽ đồng tình nếu tôi chọn một từ cho lợi ích chung nhất và quan trọng nhất: đó là tự do, tự do thể hiện cảm xúc, tự do trò chuyện, tự do mua sắm, tự do hẹn hò, kết hôn...
Mạng xã hội có thật nhiều ích lợi, vậy nên, hay không sử dụng mạng xã hội?
Nhưng dù thế nào, người ta cũng không thể phủ nhận rằng mạng xã hội cũng có không ít tác hại. Trước hết là về mặt thể chất của con người. Nếu dùng liên tục trong thời gian dài, ánh sáng nhân tạo và bức xạ từ màn hình vi tính, điện thoại sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực cho cả mắt và não bộ.
Mạng xã hội còn cướp đi thời gian vận động, tập luyện thể dục thể thao của con người, hậu quả là càng ngày chúng ta càng tăng nguy cơ mắc các bệnh về xương, hay béo phì, tiểu đường...
Chẳng những gây hại về sức khỏe, sản phẩm công nghệ này còn tác động tiêu cực về mặt tinh thần của con người, đặc biệt là giới trẻ. Do nguồn thông tin trên mạng không có ai giám sát, kiểm duyệt nên còn tràn lan rất nhiều thông tin sai lệch, văn hóa phẩm đồi trụy, trong khi giới trẻ còn chưa đủ nhận thức để sàng lọc thông tin, dễ dẫn đến nhận thức lệch lạc, kéo theo đó là hành độn sai lầm như: giết người, nghiện hút, mại dâm...
Đã không còn quá xa lạ với những trường hợp con giết cha, cháu giết bà hay trẻ vị thành niên có thai trước hôn nhân cũng chỉ vì tò mò, học đòi những thứ trên mạng xã hội.
Nhưng chưa hết, mạng xã hội còn giết thời gian giao lưu, khám phá thế giới bên ngoài của giới trẻ. Từ đó, nó khiến con người rơi vào tình trạng “sống ảo” và thiếu đi những kỹ năng mềm. Họ trở nên rụt rè, thiếu tự tin, đặc biệt là không có trải nghiệm, kĩ năng thực tế.
Lúc này, mạng xã hội chính là một con sâu gặm nhấm sức khỏe, tinh thần của những chủ nhân tương lai của đất nước trong âm thầm, lặng lẽ phá hủy tương lai của cả một dân tộc. Một lần nữa, nên hay không sử dụng mạng xã hội?
Mạng xã hội không tốt cũng chẳng xấu, nó chính là chính bản thân nó thôi. Nên hay không, phụ thuộc vào cách mà ta sử dụng nó.
Qua đây, mỗi chúng ta cần rút ra bài học cho riêng mình, cần trau dồi một vốn kiến thức để biết sắp xếp thời gian hợp lý, chắt lọc cho mình những thông tin đúng đắn; rèn cho mình một bản lĩnh và tìm cho mình một mục đích sống để gạt sang một bên mọi cám dỗ tầm thường mà đến với hoài bão. Hãy là một người dùng thông thái: Mạng xã hội không thể là ông chủ của bạn, chính bạn phải là người điều khiển mạng xã hội.
1
0
2. Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay ?
Gió và mây để gợi buồn vì nó trôi nổi, lang thang thì nay lại càng buồn hơn gió đi theo đường gió, mây đi theo đường mây, gió và mây xa nhau; không thể là bạn đồng hành, không thể gặp gỡ và sự xa cách của nhà thơ đối với người yêu có thể là vĩnh viễn. Phải chăng đây là cảm giác của nhà thơ trong xa cách nhớ thương, và đây cũng là mặc cảm của những con người xưa trong cuộc sống. Nỗi buồn về sự chia li, tiễn biệt đọng lại trong lòng người phảng phất buồn và mang một nỗi niềm xao xác. Chúng ta không còn thấy giọng tươi mát đầy sức sống ở đoạn trước nữa, chúng ta gặp lại Hàn Mặc Tử - một tâm hồn đau buồn, u uất:
0
0
Linh Nhi
29/04/2018 08:06:41
Câu 2 Phần làm văn
Huế đẹp và thơ. Núi sông diễm lệ. Con gái Huế xinh tươi và đa tình. Nếp sống thanh lịch của miền núi Ngự sông Hương đã trở thành ấn tượng và cảm mến sâu sắc đối với bao người gần xa:
"Đã đôi lần đến với Huế mộng mơ
Tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt..."
Thơ ca viết về Huế có nhiều bài hay. Tiêu biểu là bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử (1912 - 1940), nhà thơ lỗi lạc trong phong trào "Thơ mới". Bài thơ có ba khổ thớ thất ngôn nói về cảnh sắc và cô gái Vĩ Dạ trong hoài niệm với bao cảm xúc bâng khuâng, man mác, thẫn thờ.
Vĩ Dạ, một làng cổ xinh đẹp nằm bên bờ Hương Giang thuộc cố đô Huế, qua hồn thơ Hàn Mặc Tử mà trở nên gần gũi yêu thương đối với nhiều người trong bảy mươi năm qua. Đây là khổ thơ thứ hai của bài "Đây thôn Vĩ Dạ":
"Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Khổ thơ thứ nhất nói về cảnh vật thôn Vĩ khi "nắng mai lên"... Ở khổ thơ thứ hai, Hàn Mặc Tử nhớ đến một miền sông nước mênh mang, bao la, một không gian nghệ thuật nhiều thương nhớ và lưu luyến. Có gió, nhưng “ gió theo lối gió". Cũng có mây, nhưng "mây đường mây". Mây gió đôi đường, đôi ngả:
"Gió theo lối ,gió/mây đường mây".
Cách ngắt nhịp 4/3, với hai vế tiểu đối, gợi tả một không gian gió, mây chia xa, như một nghịch cảnh đầy ám ảnh. Chữ "gió" và "mây" được điệp lại hai lần trong mỗi vế tiểu đối đã gợi lên một bầu trời thoáng đãng, mênh mông. Thi nhân đã và đang sống trong cảnh ngộ chia li và xa cách nên mới cảm thấy gió mây đôi ngả đôi đường như tình và lòng người bấy nay. Ngoại cảnh gió mây chính là tâm cảnh Hàn Mặc Tử.
Không có một bóng người xuất hiện trước cảnh gió mây ấy. Mà chỉ có "Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay". Cảnh vật mang theo bao nỗi niềm. Sông Hương lững lờ trôi xuôi êm đềm, trong tâm tưởng thi nhân đã hoá thành "dòng nước buồn thiu", càng thêm mơ hồ, xa vắng. "Buồn thiu" là buồn héo hon cả gan ruột, một nổi buồn day dứt triền miên, cứ thấm sâu mãi vào hồn người. Hai tiếng “buồn thiu” là cách nói của bà con xứ Huế. Bờ bãi đôi bờ sông cũng vắng vẻ, chỉ nhìn thấy "hoa bắp lay". Chữ “ lay" gợi tả hoa bắp đung đưa trong làn gió. Hoa bắp, hoa bình dị của đồng nội cũng mang tình người và hồn người.
Hai câu thơ thất ngôn với bốn thi liệu (gió, mây, dòng nước, hoa bắp) đã hội tụ hồn vía cảnh sắc thôn Vĩ. Hình như đó là cảnh chiều hôm? Hàn Mặc Tử tả ít mà gợi nhiều, tượng trưng mà ấn tượng. Ngoại cảnh thì chia lìa, buồn lặng lẽ biểu hiện một tâm cảnh: thấm thía nỗi buồn xa vắng, cô đơn.
Hai câu thơ tiếp theo gợi nhớ một cảnh sắc thơ mộng, cảnh đêm trăng trên Hương Giang ngày nào. "Dòng nước buồn thiu" đã biến hoá kì diệu thành "sông trăng" thơ mộng:
"Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?".
Đây là hai câu thơ tuyệt bút của Hàn Mặc Tử được nhiều người ngợi ca, kết tinh rực rỡ bút pháp nghệ thuật tài hoa lãng mạn. Một vần lưng tài tình. Chữ "đó" cuối câu 3 bắt vần với chữ "có" đầu câu 4, âm điệu vần thơ cất lên như một tiếng khẽ hỏi thầm "có chở trăng về kịp tối nay?". "Thuyền ai" phiếm chỉ gợi lên bao ngỡ ngàng bâng khuâng, tưởng như quen mà lạ, gần đó mà xa xôi. Con thuyền mồ côi nằm trên bến đợi "sông trăng" là một nét vẽ thơ mộng và độc đáo. Đã có "Thuyền ai đậu bến Cô Tô" hiện lên trong ánh trăng tà và tiếng quạ kêu sương trong thơ Trương Kế đời Đường. Đã có "Sông xuân đâu chẳng sáng ngời trăng" trong "Xuân giang hoa nguyệt dạ" của Trương Nhược Hư, 1300 năm về trước. Lại có cảnh "Gió trăng chứa một thuyền đầy" (Nguyễn Công Trứ). Còn có "Trăng sông Trà như tấm gương soi dòng nước bạc” (Cao Bá Quát) Qua đó, ta thấy hình tượng "sông trăng" là mới mẻ, sáng tạo. Cả hai câu thơ của Hàn Mặc Tử, câu thơ nào cũng có trăng. Ánh trăng tỏa sáng dòng sông, con thuyền và bến đò. Con thuyền không chở người (vì người xa cách chia li) mà chỉ "chở trăng về". Phải "về kịp tối nay" vì đã cách xa và mong đợi sau nhiều năm tháng. Con thuyền tình của ước vọng nhưng đã thành vô vọng! Bến sông trăng trở nên vắng lặng vì "thuyền ai" chỉ là con thuyền mồ côi.
Sau cảnh gió, mây, là con thuyền, bến đợi và sông trăng, cảnh đẹp một cách mộng ảo. Cả ba hình ảnh ấy đều biểu hiện một nỗi niềm, một tâm trạng cô đơn, thương nhớ đôi với cảnh và người nơi thôn Vĩ. Như ta đã biết, thời trai trẻ, Hàn Mặc Tử đã từng học ở Huế từng có một mối tình đơn phương với một thiếu nữ thôn Vĩ, mang tên một loài hoa. Với chàng thi sĩ tài hoa, đa tình và bất hạnh, đang sống trong cô đơn và bệnh tật, nhớ Vĩ Dạ là nhớ cảnh cũ người xưa. Cảnh "gió theo lối gió, mây đường mây", cảnh "thuyền ai đậu bến sông trăng đó" là cảnh đẹp mà buồn. Buồn vì chia lìa, xa vắng, lẻ loi và vô vọng.
Khổ thơ trên đây, mỗi câu, mỗi chữ, mỗi vần thơ đều thấm đẫm tình thương nhớ và một nỗi "buồn thiu" lẻ loi, vần thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Thơ Hàn Mặc Tử, đúng là thơ trữ tình hướng nội "tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này"...
1
0
Linh Nhi
29/04/2018 08:09:21
Câu 1 phần làm văn
Facebook là một trong những mạng xã hội ảo lớn nhất thế giới hiện nay. Tính đến thời điểm tháng 8/2012, có gần 7 triệu tài khoản người sử dụng đã được lập tại Việt Nam. Với hơn 80 triệu dân và cấu trúc dân số trẻ, Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ tăng trưởng người sử dụng Facebook cao nhất thế giới.
Thế mạnh của mạng xã hội này là khả năng giúp người dùng kết nối bạn bè, phát triển các mối quan hệ xã hội, chia sẻ những suy nghĩ cá nhân và nội dung trên mạng. Với tính tương tác cao, Facebook rất dễ gây “nghiện” nơi người dùng, và ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho không gian ảo này.
Những công dụng tốt của Facebook đã nhiều lần được nhắc đến, nhưng liệu chúng ta đã thật sự quan tâm đến những ảnh hưởng về văn hóa của mạng xã hội này đối với giới trẻ Việt Nam ? Đối với những người làm trong ngành giáo dục, chúng ta hiểu rằng các bạn trẻ trong quá trình hình thành nhân cách rất dễ bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài, ví dụ như nhà trường, ba mẹ, người thân, bạn bè, và môi trường xung quanh. Báo chí và các phương tiện truyền thông cũng đóng một vai trò to lớn là tấm màng lọc văn hóa, giúp góp phần định hướng phát triển tư tưởng cho giới trẻ. Nhưng với sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông số và mạng xã hội như hiện nay, người dùng không chỉ đón nhận thông tin từ các kênh truyền thông chính thống mà còn có khá nhiều sự lựa chọn khác.
Trong thế giới số, mỗi người sử dụng đều có thể tạo ra nội dung, và mức độ ảnh hưởng của nội dung sẽ còn tùy theo mức độ kết nối của họ trên mạng. Với khoảng vài ngàn người bạn trên mạng, những hoạt động của họ có thể xem tương tự như một tờ báo thu nhỏ, với những nội dung hấp dẫn có thể đạt sức lan tỏa đến chóng mặt trên mạng.
Facebook, nếu những nội dung xấu trên mạng nhận được sự ủng hộ lớn, nếu mỗi cái like là một “phiếu bầu của niềm tin”, thì liệu các bạn trẻ có còn đủ tỉnh táo để phân biệt đúng sai và kiểm chứng tính xác thực của thông tin, hay sẽ hùa theo “tâm lý đám đông” và nghiễm nhiên cho những điều đó là đúng ? Và nếu bạn đi hỏi những người am hiểu về công nghệ thông tin thì tất cả những “sự ủng hộ to lớn trong cộng đồng mạng” như trên đều có thể sản xuất được, điều đó có khác gì với một hoạt động lừa đảo có tổ chức theo diện rộng, với điểm khác là trên mạng chứ không phải trong đời sống hàng ngày ?
Chúng ta hay nhắc đến sự xâm lược về văn hóa của nước ngoài, nhưng liệu chúng ta đã thật sự quan tâm đến những vấn đề cấp bách về văn hóa ngay trong cộng đồng của mình ? Những công dụng tốt của cộng đồng mạng là không thể chối bỏ, nhưng những mảng tối cũng cần phải bị bộc lộ, phân tích và tìm cách khắc phục. Chúng ta không thể (và không nên) chống lại sự phát triển của công nghệ internet, cũng không thể cấm giới trẻ sử dụng facebook, nhưng khi nhận ra được những tác động to lớn về văn hóa từ không gian ảo này, chúng ta sẽ có thể quan tâm và định hướng phát triển cho con em chúng ta tốt hơn.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Ngữ văn Lớp 11 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư