Không ít trong chúng ta giờ băn khoăn là mình đang đi dâu về đâu, nên phát triển bản thân theo hướng nào? Liệu mình có đủ tốt để cạnh tranh, có đủ điều kiện để làm nên trên đất nước này không? Và cũng không ít trong chúng ta có những suy nghĩ đôi khi hơi tiêu cực về hoàn cảnh hiện tại của mình khi trải qua một số mất mát, thất bại, hoặc thậm chí trách móc hoàn cảnh thiếu thốn, thiệt thòi, không cho phép chúng ta được bay cao.
Nhưng thực ra tất cả gì chúng ta cần để thành công, để hạnh phúc đều có sẵn ngay ở đây. Đôi khi chúng ta chỉ chưa tìm ra nó thôi. Thay vì tập trung vào những gì mình không có, chúng ta nên tập trung suy nghĩ và đón nhận những gì mình đang có. Và cách tốt nhất để đánh giá những gì mình có trong hiện tại là bằng cách nhìn lại quá khứ. Không chỉ quá khứ của chính mình, mà cả quá khứ, hoàn cảnh của gia đình, xã hội, và rộng hơn nữa là của đất nước mình. Qua đó, chúng ta sẽ có một cái nhìn sâu sắc hơn về con người chúng ta ngày hôm nay. Rút cho cùng, lịch sử sẽ hình thành môi trường và văn hoá chúng ta đang sống, qua đó ảnh hưởng đến tính cách, thói quen và suy nghĩ của chúng ta, và cuối cùng cũng qua suy nghĩ chúng ta mà ảnh hưởng được những cơ hội chúng ta sẽ tự tạo ra hoặc đón nhận cho mình. Vì tôi luôn tin rằng, mọi cơ hội trong cuộc sống đều đến với mình không phải vì may mắn, mà vì chính những suy nghĩ trong đầu mình đã thu hút những cơ hội đó đến với mình, hoặc chặn nó khỏi mình.
Chúng ta hãy cùng nhìn nhận và đánh giá lại quá khứ của những người Việt Nam chúng ta để hiểu biết, đánh giá về hiện tại và tương lai của mình trên đất nước này: Tất cả người Việt Nam chúng ta đều có chung một lịch sử vô cùng khó khăn. Tôi có xem bộ phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam của PBS, thật sự đau lòng và xúc động. Lần đầu tiên sự đau thương cuộc chiến tranh được lột tả dưới góc nhìn của cả hai phía. Dù là vì mục đích khác nhau, nhưng cả hai bên đều mất mát, đều đau thương, đều phải chịu những vết thương khó mà lành lại.
Trở lại cuộc sống hiện tại, tôi thấy nhiều bạn trẻ ngày nay dành quá nhiều sự chú ý đến những gì người khác có, nước khác có, mà quên đi giá trị của bản thân mình đang sở hữu trên đất nước mình đang sống. Nếu như bạn nhìn thấy những hình ảnh chết chóc, mất mát, đau thương trong chiến tranh thì bạn sẽ cảm thấy cuộc sống của chúng ta ở hiện tại quá tuyệt vời, cho dù nó không hoàn hảo và hoặc vẫn còn “thiếu thốn" đối với bạn. Bạn được sống, được học hành, bạn không sợ bị đói, bạn có nhà để ở, có cơ hội để làm việc có thu nhập… Cuộc sống tốt đẹp hiện tại bạn có chính là nhờ sự cố gắng của những người đi trước, của thế hệ ông bà, bố mẹ, những người đã nỗ lực bằng mọi giá để tặng cho bạn món quà cuộc sống vô giá của ngày hôm nay. Chúng ta luôn nên cảm thấy biết ơn về điều đó. Nếu như ý thức được điều đó một cách sâu sắc, có thể bạn sẽ bớt đi những suy nghĩ ích kỷ mà nghĩ nhiều cho những người xung quanh hơn, và cố gắng đầu tư vào bản thân để đóng góp nhiều hơn sao cho cuộc sống hôm nay và ngày mai còn tốt hơn nữa cho tất cả mọi người để sự tồn tại của bạn không trở nên vô nghĩa. Trước nhất là cho gia đình mình, những người mà chúng ta yêu thương.
Đất nước đã trải qua quá khứ quá nhiều đau thương, bao nhiêu người đã hy sinh để chúng ta có cuộc sống bình yên như hiện tại, vậy ta nên làm gì để đất nước thoát khỏi sự tụt hậu, tiến bộ nhanh hơn, hội nhập với thế giới? Chắc chắn là có thể bắt đầu từ việc làm chủ những kĩ năng quan trọng như ngoại ngữ, công nghệ thông tin, cách sử dụng mạng xã hội, cách làm việc chuyên nghiệp v.v… Cái gì bạn cảm thấy bạn giỏi hoặc có khả năng học, thì càng nên học thêm để áp dụng vào công việc, tạo giá trị cho tổ chức, công ty của mình, và qua đó mình sẽ đóng góp được vào xã hội và đất nước nói chung.
Trong quá trình tìm những kĩ năng gì mình có thể học và phát triển thêm để cống hiến tốt hơn, vô hình trung, bạn sẽ tìm thấy chính mình.
Nếu tập trung suy nghĩ như vậy ta sẽ có thêm động lực để cố gắng phát triển bản thân và bỏ qua những ý nghĩ tiêu cực, sĩ diện, hay cái nhìn thiên về cái tôi của bản thân (những suy nghĩ như “mình sẽ được cái gì từ việc này?”). Không có nghĩa là các bạn phải làm việc gì đó quá lớn lao hoặc đi làm từ thiện, mà nó có thể xuất phát từ những việc dù là rất nhỏ làm cho người khác trong môi trường bạn đang sống và làm việc. Dù việc đó có nhỏ đến mấy thì nó cũng không vô nghĩa. Khi làm được, cho được càng nhiều cho những người xung quanh thì bạn sẽ cảm thấy tâm hồn mình càng “giàu có” hơn, đồng thời cũng hiểu chính mình hơn. Đối với tôi những đóng góp nhỏ bé của mình cho xã hội chính là qua việc tôi kinh doanh để phục vụ cho khách hàng của mình được ăn, được nấu và sống một cách lành mạnh và hạnh phúc nhất!
Nhìn vào quá khứ bi thương và đầy gian nan của dân tộc để bản thân mỗi chúng ta ý thức mình được sống trong cuộc sống như ngày hôm nay và được làm chính mình giống như việc trúng xổ số độc đắc vậy, mọi thứ đều quá thuận lợi để chúng ta phát triển và cống hiến. Bất cứ ai cũng có thể khởi nghiệp, có thể học hỏi thêm những kiến thức kỹ năng mình chưa có, có thể kiếm tiền bằng rất nhiều cách. Đó là những điều chúng ta cần trân trọng, biết ơn, nhìn xã hội dưới một cái nhìn cởi mở hơn, tích cực hơn.
Suy nghĩ bản thân thiệt thòi là một suy nghĩ rất có hại.
Nó làm cho bạn càng ngày càng trở nên tiêu cực hơn và càng cảm thấy mình thiếu thốn. Trong khi nếu tập trung vào những mặt tích cực trong cuộc sống, những gì bạn có hôm nay vì những nỗ lực của hôm qua từ chính bạn, gia đình hay những thế hệ trước, bạn sẽ thấy mình có rất nhiều thuận lợi và cơ hội. Thế giới xung quanh luôn rất mở, rất nhiều cơ hội, mỗi người đến với mình dù tốt hay xấu đều có thể cho chúng ta những bài học để trở thành con người tốt hơn. Nếu suy nghĩ tích cực như vậy bạn sẽ luôn luôn giàu có trong tâm hồn và trong lý tưởng, ngày qua ngày sống đều có mục đích và không mất thời gian và năng lượng vào những gì mình đã mất hoặc không có.
Tôi thật sự sợ cách sống của không ít người trẻ bây giờ, không lý tưởng không mục đích, như một chiếc lá phất phơ trước gió. Ngày qua ngày trôi đi mà không định hình được lý tưởng sống, con đường mà mình đang đi. Sống như vậy thật sự phung phí tuổi trẻ. Thay vì trôi dạt trong hiện tại, hãy nhìn vào quá khứ với những gì đã xảy ra để xác định ngày hôm nay bạn muốn trở thành con người như thế nào, bạn sẽ làm gì để tương lai của bạn và những người xung quanh trở nên tốt đẹp hơn. Nếu suy nghĩ về những thất bại hay vấp ngã của mình trong quá khứ bạn cũng không cần cảm thấy hổ thẹn hay nhỏ bé, bởi chính vì có những trải nghiệm như vậy bạn mới rút ra được nhiều bài học để hoàn thiện mình, trở thành bản thân mình của ngày hôm nay. Ngày hôm nay bạn vẫn tồn tại, vẫn nỗ lực học hỏi để vươn lên tức là bạn đã tốt hơn bạn của ngày hôm qua, của tháng trước hay năm trước. Nên ghi nhận những điều đó để thấy rằng bản thân mình vẫn đang trưởng thành theo hướng tốt hơn.
Chúng ta cần nhìn về quá khứ không phải là để nuối tiếc mà là để rút kinh nghiệm, để trân trọng hiện tại và đưa ra mục đích của mình trong tương lai. Tôi luôn tin rằng quá khứ dù đã qua nhưng nó luôn có khả năng dự báo được tương lai. Bởi tương lai cũng được nối tiếp từ những điểm trong quá khứ đến hiện tại. Nếu không đến điểm A thì sẽ không thể đến được điểm B, điểm C. Hãy nhìn lại và nhận ra sự liên hệ của quá khứ với hiện tại và tương lai.
Hy vọng các bạn trẻ sẽ ý thức được vị trí của mình không chỉ ở thời điểm hiện tại, mà còn biết nhìn lại quá khứ, như vậy bạn sẽ có một cái nhìn rõ nét và bớt hoang mang hơn về tương lai. Nếu chúng ta muốn hiểu chúng ta là ai thì chúng ta phải hiểu chúng ta từ đâu đến. Hiểu về cội nguồn, bạn sẽ hiểu hơn mục đích sống của mình. Nghe có vẻ vĩ mô nhưng chỉ khi có cái nhìn bao quát toàn cảnh, chúng ta mới có thể nhìn thấy những điều nhỏ bé, đơn giản hơn để phấn đấu đến hàng ngày.