Đề 3
Trong những khuyết tật của nhân cách thì nóng giận, nóng nảy cũng là một tính xấu. Mất bình tĩnh, phản ứng gay gắt, dữ dội trong giao tiếp, ứng xử là nóng nảy.
Trước sự việc, vụ việc, kẻ có tính nóng nảy thường đỏ mặt tía tai, cử chỉ hung hăng, to tiếng, có lúc dùng những lời chửi mắng thô tục, áp chế, đe dọa,... lúc đối thoại, lúc tranh giành hơn thiệt.
Kẻ nóng nảy thường hiếu thắng, hay giận dữ, thiếu tỉnh táo, không phân biệt được lí và tình. Mọi xung đột, mọi chuyện ẩu đả thường do kẻ nóng nảy, nóng tính gây ra. Lúc thì làm trò cười cho thiên hạ. Lúc thì gây ra đổ máu, chết người. Hổ tướng Trương Phi thời Tam Quốc, tính nóng như lửa. Do nóng nảy mà đã bị thuộc hạ giết chết. Các vụ án mạng xảy ra mà báo chí đã từng nêu lên, tuy có nhiều nguyên nhân sâu xa, nhưng thủ phạm đều do những kẻ nông nổi, sa đọa, mất hết tính người gây ra! Bạo lực học đường làm các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo, các nhà quản lí giáo dục buồn phiền đều do tính bồng bột, hiếu thắng, nóng nảy của một số học sinh hư dẫn đến. Mọi bạo lực, xung đột xảy ra ở các sân bóng đều có nguyên nhân từ những kẻ hiếu thắng, nóng nảy, càn quấy. Khán giá có văn hóa, cầu thủ có văn hóa, tất không hành động đáng chê như thế.
Nóng nảy do thiếu bình tĩnh, thiếu sự tự kiềm chế để làm chủ bản thân. Có nhà tâm lí học cho rằng nóng nảy mang tính di truyền, bản năng. Rượu cũng là chất kích thích làm cho tính nóng nảy bốc lên như lửa đổ thêm dầu, vậy mới có câu: "Rượu vào lời ra ". Sửa chữa tính nóng nảy không dễ gì một sớm một chiều mà làm cho "cái đầu bớt nóng”. Phải kiên trì tu dưỡng suốt đời.
Quan hệ với người có tính nóng nảy, ta cần phải thận trọng. Nếu "sếp’’ nóng nảy thì nhân viên phải biết nín nhịn, nhẫn nhục, tế nhị tìm cách “thoát hiểm’’. Câu tục ngữ: "Tránh voi chẳng xẩu mặt nào ” là một lời khuyên chí lí. Trong giao tiếp hằng ngày, nếu "đụng” phải kẻ nóng nảy thì ta cần tránh lí sự, không cần tranh giành được thua với họ, mà nên nhẹ nhàng, khôn khéo lảng tránh. Muốn giữ mặt mày cho sạch thì phải biết “tránh xa con trâu lấm!”.
Lửa còn có thể dùng nước để giập tắt. Nhưng có dùng nước đá để chườm cũng khó làm cho những cái đầu “hốc lửa ” ấy hạ nhiệt, hoặc dịu lại!
Nóng nảy là một tính xấu, dễ làm mất tình người, làm hỏng việc. Kẻ nóng nảy bị đồng loại dè chừng, cười chê và xa lánh.
Tập ăn nói nhẹ nhàng, sống khiêm tốn, lễ phép, biết bình tĩnh, tự kiềm chế trong giao tiếp ứng xử sẽ làm giảm dược, hạn chế được tính nóng nảy.
Tuổi trẻ phải biết sống khiêm nhường, ôn hòa, không nóng nảy.