Các em đều có biểu hiện nôn, ói, sốt, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. Trong đó có 1 ca trung bình, 19 ca nhẹ, được lấy mẫu xét nghiệm và theo dõi sát sao tại bệnh viện quận 2.
Trước đó, ngày 29/8/2020, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã phát cảnh báo khẩn cấp nhiều người bệnh nhập viện cấp cứu do ngộ độc botulinum khi sử dụng pate Minh Chay, tiên lượng người bệnh phải điều trị máy thở kéo dài chứ không chỉ vài tuần. Nguy hiểm hơn, trong thời gian chờ phục hồi sức cơ sau điều trị, người bệnh có thể đối mặt với nguy cơ viêm phổi do thở máy lâu ngày cùng nhiều biến chứng đường hô hấp.
Tình trạng này cho thấy đây là loại ngộ độc thực phẩm không dễ điều trị. Hiện loại thuốc duy nhất dùng giải độc cho bệnh nhân ngộ độc độc tố botulinum là antitoxin botulinum, giá rất đắt đỏ, loại mua từ Thái Lan tới 8.000 USD/lọ.
Đáng lưu ý, thuốc chỉ đạt hiệu quả tốt trong vòng 7 ngày kể từ khi có biểu hiện ngộ độc, trong khi những bệnh nhân bị ngộ độc sau ăn pate Minh Chay ở Việt Nam đều đã ở giai đoạn muộn. Người sớm nhất cũng đã ăn pate trước đó 2 tuần, còn lại đều ăn trên 1 tháng, thậm chí ăn từ tháng 7 – đã quá xa so với thời gian thuốc có hiệu quả tốt nhất.
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ năm 2010-2019, Việt Nam ghi nhận 1.556 vụ ngộ độc thức ăn với hơn 47.400 người mắc, trong đó 40.190 trường hợp phải nhập viện điều trị và 271 trường hợp tử vong. Riêng năm 2020, tính đến ngày 31/5, cả nước ghi nhận 48 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 870 người mắc phải, 824 người nhập viện điều trị và 22 người tử vong. Nguyên nhân ngộ độc được xác định chủ yếu là do thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật (33%), thực phẩm bị ô nhiễm hóa chất (27%), thực phẩm chứa các chất độc tự nhiên (37,5%), thức ăn bị nhiễm thuốc trừ sâu (phun hàm lượng cao, không cách ly với ngày thu hoạch) hoặc các chất phụ gia như hàn the, màu công nghiệp, đường hóa học,… với dư lượng độc tố cao.