Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Trong lịch sử hàng nghìn năm giữ nước của dân tộc ta, những cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm bằng nghệ thuật “đánh nhanh, thắng nhanh” không nhiều. Cuộc chiến tranh chống quân Thanh (1788-1789) là một trong những số ít đó. Trong cuộc chiến tranh này, Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ đã nêu một kỳ tích: với binh lực 10 vạn, vận dụng nghệ thuật “đánh nhanh, thắng nhanh”, bằng một trận quyết chiến chiến lược đã đánh tan 29 vạn quân địch trong thời gian chưa đầy 40 ngày, kể từ lúc khởi binh đến khi kết thúc chiến tranh (22-12-1788/ 30-1-1789). Có thể khái quát nét đặc sắc của nghệ thuật “đánh nhanh, thắng nhanh” trong cuộc chiến chống quân Thanh ở những nội dung cơ bản sau.
Thứ nhất, nắm chắc ý định chiến lược của địch, sớm phát hiện sai lầm và khoét sâu sai lầm của chúng; đồng thời, tích cực tạo thời cơ và triệt để tận dụng thời cơ để kết thúc chiến tranh trong thời gian ngắn. Khi chuẩn bị tiến hành xâm lược nước ta, vua Càn Long nhà Thanh đã giao cho Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị và quân đội của mình một chỉ dụ (thực chất là phương hướng chiến lược tiến hành chiến tranh), đại ý: tiến binh từ từ, không gấp vội. Trước tiên, truyền hịch để gây thanh thế; tiếp đến, sai quân đội bù nhìn nhà Lê (do Lê Chiêu Thống chỉ huy) đánh nhau với quân Tây Sơn của Nguyễn Huệ. Nếu quân đội Tây Sơn rút lui thì huy động quân nhà Lê truy đuổi, đại quân Thanh theo sau tiếp ứng. Trường hợp, dân Việt ủng hộ quân đội Tây Sơn, Nguyễn Huệ không chịu rút quân, thì phải đợi thủy quân của hai tỉnh Phúc Kiến và Quảng Châu vượt biển đánh vào Thuận Hóa và Quảng Nam trước, sau đó lục quân do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy mới tiến công vào nước ta theo hướng biên giới đất liền. Khi đó, cả hai mặt, đằng trước, đằng sau Nguyễn Huệ đều bị đánh, tất phải quy phục.
Đây là phương châm chiến lược chiến tranh hết sức quỷ quyệt của nhà Thanh nhằm hướng tới hai mục đích: một là, dùng người Việt đánh người Việt và hai là, dùng binh một cách an nhàn mà chiếm được toàn bộ nước ta. Mặc dù vậy, chiến lược đó của vua Càn Long lại chủ quan, phiến diện, thiếu căn cứ khoa học, chỉ dựa vào phán đoán: nhân dân Đại Việt đa số sẽ ủng hộ Lê Chiêu Thống (theo quan điểm phong kiến được coi là “chính triều”) chống lại quân Tây Sơn (được coi là “giặc cỏ”). Vì thế, nó không đánh giá đúng thực lực của quân đội Tây Sơn - một đội quân chiến đấu vì chính nghĩa, được nhân dân ủng hộ. Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị lại còn chủ quan hơn bậc quân vương của hắn, tuy không tin đội quân của Lê Chiêu Thống đánh bại được quân đội Tây Sơn, nhưng với 29 vạn quân hùng, tướng mạnh trong tay, hắn tin là quân Thanh sẽ đè bẹp được quân Tây Sơn có quân số ước đoán độ vài vạn. Vì thế, hắn không chịu dừng chân ở biên giới để thực hiện từng bước chỉ dụ của Càn Long mà khẩn thiết đề nghị cho quân bộ tiến công ngay, nhanh chóng chiếm lấy Thăng Long. Trước “nhiệt huyết” của cấp dưới, Càn Long vốn sẵn là kẻ kiêu căng, đã “đánh mất” sự tính toán thận trọng như trong chỉ dụ và chấp thuận đề nghị của Tôn Sĩ Nghị, lệnh cho tiến công xâm lược nước ta chỉ với lục quân mà không có thủy quân như kế hoạch chiến lược ban đầu.
Bằng nhãn quan của một thiên tài quân sự, Nguyễn Huệ đã phát hiện ngay ra sai lầm chiến lược của đối phương, đó là sự “chủ quan khinh địch”... Do đó, ông đã khoét sâu vào sai lầm đó và nhanh chóng nắm thời cơ chiến lược có lợi cho mình: bí mật hành binh thần tốc từ Phú Xuân ra Bắc Hà; tranh thủ thời gian giữa những chặng nghỉ trên đường hành quân để thực hiện những việc đã trù liệu: ban chiếu chiến đấu chống ngoại xâm, tuyển thêm quân, viết thư “ trá hàng” gửi Tôn Sĩ Nghị, v.v. Đây là những yếu tố chính trị, quân sự cần thiết, được thực hiện xuất phát từ điều kiện cụ thể của chiến tranh; qua đó, thể hiện phẩm chất của một vị thống soái, Anh hùng giải phóng dân tộc, không chỉ thiên tài về quân sự. Tất cả toát lên cái nhìn toàn diện của Vua Quang Trung về tiến hành chiến tranh chống xâm lược trong điều kiện quân ta ít, quân địch nhiều, đất nước đang trong bối cảnh phân ly... Thiên tài quân sự Nguyễn Huệ đã khoét sâu cái yếu chí mạng của quân xâm lược, phát huy sức mạnh tiềm tàng của dân tộc bằng sự phối hợp tài tình các nhân tố: bí mật, bất ngờ, lực lượng, thế trận... của nghệ thuật quân sự toàn dân đánh giặc; đã tiến hành một trận quyết chiến chiến lược toàn thắng, kết thúc chiến tranh trong thời gian cực ngắn.
Thứ hai, vạch ra phương châm tác chiến chiến lược sáng suốt. Để thắng quân địch có ưu thế về lực lượng, Nguyễn Huệ đã vạch ra một phương châm tác chiến chiến lược sáng suốt: không đưa đại quân lên biên giới quyết chiến với giặc. Bởi vì, địa hình, địa vật nơi biên giới (khi đó) không thuận lợi cho việc hành quân, tập kết lực lượng chủ lực và đảm bảo hậu cần để tiến hành những chiến dịch lớn đại phá hàng chục vạn quân địch. Vả lại, giặc không chỉ có 29 vạn quân từ nước chúng tiến sang, mà trong nước ta còn có hàng vạn “chú khách” sẵn sàng biến thành địch quân và hàng vạn ngụy quân của Lê Chiêu Thống hiện diện trên đất Bắc Hà. Chúng sẽ quấy rối hậu phương và đánh vào sau lưng quân Tây Sơn. Hơn thế, cùng lúc đánh vào nhiều đạo quân địch xuất phát từ nhiều điểm, nhiều hướng khác nhau là vô cùng khó. Phải đánh địch vào lúc chúng đang lúng túng hội sư hoặc khi xuất hiện tư tưởng chủ quan, lơ là, chểnh mảng trong phòng bị... do đã chiếm được mục tiêu chính một cách dễ dàng. Đây là cách dụng binh khôn ngoan nhất. Nắm chắc nơi hội sư, hội tụ lực lượng của địch là kinh thành Thăng Long và một số điểm xung quanh kinh đô (vì đây là mục tiêu chủ yếu của chúng), phương lược mà Quang Trung-Nguyễn Huệ vạch sẵn cho quân Tây Sơn ở Bắc Hà là: không được quyết chiến với giặc ngay, phải vừa đánh vừa lui nhằm vừa tiêu hao sinh lực địch, vừa ngăn không cho chúng mở rộng địa bàn tác chiến; lui để mở đường cho giặc tiến vào Thăng Long; còn lui đến chỗ nào, lúc nào để có thể chặn đứng địch lại thì các tướng sĩ trấn giữ Bắc Hà được toàn quyền chủ động. Và Tam Điệp-Biện Sơn chính là địa điểm xác đáng mà Ngô Thời Nhậm và Ngô Văn Sở lựa chọn để chặn giặc, không cho chúng tiến xa hơn nữa. Bằng tầm nhìn chiến lược sâu, rộng, thiên tài quân sự Nguyễn Huệ đã đánh giá đúng những điều kiện khách quan về địch, về ta, tạo thời cơ cho một cuộc tiến công bất ngờ, trên thế chủ động, khiến cho thế và lực của quân dân Đại Việt được tăng lên gấp bội; đẩy địch vào thế hoàn toàn bị động. Thành công lớn nhất của Nguyễn Huệ trong chỉ đạo chiến lược là đã chủ động chuyển hóa thế trận và lực lượng chiến lược. So với địch, quân Tây Sơn từ thế yếu về tương quan lực lượng lúc ban đầu, đã từng bước giành ưu thế chiến lược trong thời gian cực ngắn. Do đó, Nguyễn Huệ đã hoàn toàn nắm trong tay quyền chủ động chiến lược.
Thứ ba, tiến công thần tốc, tiêu diệt địch bằng trận quyết chiến chiến lược, nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Với lực lượng ít hơn địch, Nguyễn Huệ đã hết sức sáng suốt khi lựa chọn cách đánh sở trường mà quân Tây Sơn đã nhiều lần thực hiện và giành thắng lợi trong các cuộc giao chiến với quân chúa Nguyễn ở Đàng Trong, quân chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Đấy là: bí mật, bất ngờ, bao vây tiến công địch từ nhiều hướng; tập trung lực lượng trên hướng chủ yếu; đồng thời, triển khai lực lượng trên nhiều hướng khác, tạo thế áp đảo, tiến công mãnh liệt vào các mục tiêu then chốt trong hệ thống phòng ngự của quân Thanh tại khu vực Thăng Long, phá vỡ thế trận của giặc, làm cho chúng hết sức hoang mang và lâm vào thế không kịp ứng phó, đi đến bị tiêu diệt hoàn toàn. Điều đó được thể hiện rõ trong việc chia quân làm 5 đạo. Đạo quân thứ nhất do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy, đánh vào mặt trận chính của quân Thanh, trên hướng từ phía Nam vào kinh thành Thăng Long, với mục tiêu chính là căn cứ Ngọc Hồi. Đạo quân thứ hai do Đô đốc Bảo chỉ huy, tiến theo đường Minh Sơn (Ứng Hòa, Hà Tây cũ) ra làng Đại Áng ở phía Tây-Nam đồn Ngọc Hồi. Đạo quân thứ ba do Đô đốc Đông chỉ huy, theo con đường Chương Đức (Chương Mỹ) tiến theo hướng Sơn Tây, rồi rẽ sang Nhân Mục đánh vào Khương Thượng-Đống Đa, vào cung Tây Long. Đạo quân thứ tư do Đô đốc Tuyết chỉ huy, đi đường thủy vào Lục Đầu, tiêu diệt quân Thanh và quân Lê-ngụy ở Hải Dương, rồi tiến lên uy hiếp sườn phía Đông kinh thành Thăng Long. Đạo quân thứ năm do Đô đốc Lộc chỉ huy, cũng đi đường thủy, đến sông Lục Đầu sẽ nhanh chóng tiến công chiếm Phượng Nhãn, Lạng Giang, Yên Thế… nhằm chặn đường rút lui của địch. Trên cơ sở đó, kế hoạch tác chiến chiến lược của Nguyễn Huệ là đồng thời tiến công vào toàn bộ đội hình phòng ngự chiến lược của địch; trong đó, hướng đánh của đạo quân thứ nhất là hướng tiến công chủ yếu (có trận then chốt quyết định); hướng đánh của đạo quân thứ hai là hướng tiến công quan trọng, phối hợp với hướng tiến công chủ yếu; hướng đánh của đạo quân thứ ba là hướng chia cắt, thọc sâu; hướng đánh của đạo quân thứ tư là hướng vu hồi chiến lược; và hướng của đạo quân thứ năm là hướng bao vây chiến lược, cắt đường rút lui của địch. Thực tế chiến cuộc diễn ra sau đó cho thấy, Hoàng đế Quang Trung đã đạt được kết quả to lớn trong việc tổ chức, sử dụng lực lượng hợp lý, tạo ra thế trận hoàn chỉnh, phá vỡ thế phòng ngự chiến lược của địch một cách hết sức tài tình, bằng cách kết hợp tiêu diệt địch một cách có trọng điểm với đánh tan rã từng lực lượng lớn quân địch, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.
Nét đặc sắc trong nghệ thuật “đánh nhanh, thắng nhanh” của người Anh hùng “áo vải cờ đào” Quang Trung - Nguyễn Huệ trong cuộc chiến tranh chống quân Thanh (1788-1789) đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn (4-1975) kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam; rất cần được tiếp tục nghiên cứu.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |