“Ông lão vườn chim” trích trong truyện ngắn “Giấc mơ ông lão vườn chim” của nhà văn Anh Đức. Từ cảnh vật đến con người, từ giọng điệu đến cách ứng xử đều thấm đẫm màu sắc Nam Bộ, thể hiện một phong cách kể chuyên trầm tĩnh, thiết tha.
Gấp trang văn lại, ta vẫn còn nghe một tiếng nói dữ dội, quyết liệt, tiếng nói của một con người đã đổ nhiều máu và nước mắt: “Tao đã già, nhưng chưa đến nỗi đâu. Tao sẽ cho tụi bay biết tay !...”. “Tao” là ông Tư vườn chim. “Tụi bây” là Mỹ - Ngụy, lũ giặc đang đốt rừng, tàn phá quê hương.
Ông Tư vườn chim, nhân vật chính của truyện. Đã ngoài 60 tuổi, gần 40 năm gắn bó với vườn chim tại góc rừng U Minh hạ, miền giáp biển Hòn Đá Bạc, một nơi “thuỷ đã tận, sơn đã cũng”. Chẳng có họ tên quê quán. Cuộc đời ông trôi dạt kiếm sống. Cái tên ông Tư vườn chim mà bà con quanh vùng gọi ông cho thấy một con người đã nếm trải nhiều bất hạnh, cay đắng.
Ông Tư quắc thước, khắc khổ. Da “đen đúa”, luôn ở trần, đầu buộc khăn xước.
Cái quần ông mặc, chẳng ngắn mà cũng chẳng dài. Tấm lưng “đen thủi và nhăn nheo”. Ngoại hình ấy cho thấy ông lão quá nghèo khổ, trải qua nhiều nắng gió vất vả.
Ông Tư vườn chim đã mang biết bao nỗi đau, nỗi hận ở đời. Cái vườn chim của vợ chồng ông với bao công sức mồ hôi và hy vọng chỉ trong nháy mắt đã bị tên hội đồng bên Phong Thạnh cướp trắng tay ! Vợ chết. Chỉ mấy tháng sau, đứa con trai độc nhất của ông đi bộ bội hy sinh trong trận xẻo Rô. Con dâu ông bị lũ ác ôn, tay sai của Mĩ - Diệm bắt được khi chị đi tiếp tế cho anh em cán bộ. Chúng đã mổ bụng chị tại vườn chim ! Nỗi đau khổ của ông Tư không thể nào nói hết.
Từ thân phận làm thuê, bị áp bức, ông Tư đã trở thành người “quản thủ” vườn chim. Ông được hồi sinh, được đổi đời. Vườn chim của ông Tư là chỗ đi về, là nơi nương tựa của cán bộ thời bí mật, là nơi lui tới của anh em giải phóng. Ông Tư yêu rừng, yêu dòng kinh bằng tình yêu máu thịt. Ông yêu vườn chim bao nhiêu thì ông gắn bó với cách mạng bấy nhiêu ! Vì đã trải qua nhiều cực nhọc, nên nguồn vui của ông Tư rất đơn sơ, bình dị: “Tình ông đối với vườn chim này là một, và tình ông đối với bộ đội giải phóng là hai”. Trái tim ông Tư đã khắc sâu một lời nguyền cao cả thiêng liêng: “Cái chi tao vứt bỏ được chớ cái vườn chim nầy với mấy thằng bộ đội thì tao không dứt ra được đâu !”. Với ông Tư thì vườn chim là nguồn sinh sống, tiếng chim hót sớm chiều là nguồn vui của ông ; bộ đội Giải phóng là con cháu ông, đang đêm ngày đánh giặc để bảo vệ quê hương, bảo vệ rừng tràm, dòng kinh, vườn chim,... thế thì ông dứt bỏ sao được?
Trên cái nền bức tranh rửng tràm vừa bị bom Mỹ tàn phá đốt cháy, đầy khói lửa, ông Tư xuất hiện với chiếc cuốc trong tay, với cái nhìn không chắp mắt, với lời nói đanh sắc như một nhát chém, Anh Đức đã gợi cho ta thấy một lão nông Nam Bộ mạnh mẽ, ngang tàng, mang nỗi đau của “cơn đau rừng” dám gan góc thách thức mọi âm mưu dã man, tàn bạo của lũ giặc !
Ông Tư đau đớn nhớ lại những tang tóc trong đời mình. Đứng trong đêm tối mịt mùng, nhìn trân trân lên bầu trời, ông coi việc lũ giặc đốt rừng là một đêm tối “tai biến nhất” - đã xảy ra trong đời ! Trong khói lửa, vườn chim xao xác ; cò, diệc bay loạn xạ. Đàn chim “nửa muốn đậu xuống, nửa muốn bay lìa khỏi cụm rừng”. Ông lão đứng trong bóng đêm nhập nhoạng “đưa hai bàn tay nứt nẻ, dính đầy tro bụi, sờ sờ bấu bấu lên ngực”. Nỗi đau như nén xuống bỗng trào lên. Ông Tư buột miệng kêu rên rỉ: “Trời ơi !”. Sao không đau đớn được? Trong ngót 40 năm trời, bên mái chòi ông ngủ không có lúc nào ngừng nghỉ tiếng chim kêu, tiếng chim vỗ cánh đi về... Tiếng chim “như tiếng khánh, làm rộn rịp cả cụm rừng và vui vẻ bầu trời”.
Nhà văn Anh Đức đã miêu tả tâm lý ông Tư về nỗi đau đớn quặn thắt ruột gan “cơn đau rừng”, chỉ ra nguyên nhân sâu xa về tình yêu rừng tràm, yêu vườn chim, yêu các chú giải phóng, lòng căm thù ngùn ngụt đối với giặc Mỹ xâm lược đang đốt rừng, đang bắn giết và tàn phá quê hương. Cảnh rừng tràm và vườn chim bị giặc Mỹ đốt phá đã “cày vào lòng ông nỗi đau xót và phẫn nộ lặng thầm, mỗi lúc một nghiến ngấu, mỗi lúc một sục sôi...”.
Thương xót rừng cháy, đàn chim tan tác vỡ tổ, ông Tư vừa căm thù giặc vừa lo. Ông lo đường tiến quân của bộ đội qua sông Trẹm “bấy lâu kín đáo thế, nay đột nhiên bị chúng thả bom dầu đốt”. Không chịu bó tay trước hành động tàn ác của giặc, ông Tư đã chỉ huy đội cứu rừng lăn xả vào dập tắt lửa khói, ông “đá hất cán cuốc, vung cao lưỡi cuốc lên” và hô lớn “Thôi đi về ! đi về !”. Ông dặn đội cứu rừng đến hừng đông đem dao phảng để chặt rễ cây, để cứu rừng !
Nhiệm vụ cứu rừng đối với ông Tư là “vấn đề sống chết”, là sự “trông cậy”, là niềm “tin tưởng” của bộ đội và bà con làng xã đối với ông. Như một người lính trước giờ xuất kích, ông Tư nắm chặt hai bàn tay lại, như hạ quyết tâm gầm gừ muốn thét thật to: “... Tao sẽ cho tụi bay biết tay. Rừng nầy là của tao, dòng kinh này là của tao, cả vườn chim này, tất cả đều là của tụi tao hết !”.
Đó là sự thách thức đối với kẻ thì ! Đó là lời thề quyết chiến ! Và đó cũng là khát vọng về độc lập, tự do và thống nhất đất nước của người nông dân Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ.
Tình yêu rừng tràm, yêu vườn chim của ông Tư cũng là tình yêu làng xóm quê hương. Vì thế ông đã đem xương máu và cả cuộc đời của mình, của gia đình mình gắn bó với cách mạng. Ông Tư vườn chim tượng trưng cho bao phẩm chất cao đẹp của người nông dân Nam Bộ: giàu lòng yêu nước, chất phác, bộc trực, dũng mãnh và hiên ngang trong chiến đấu. Qua “Ông lão vườn chim”, nhà văn Anh Đức đã dựng nên một tượng đài hùng vĩ về người nông dân Nam Bộ thời đánh Mỹ, đem đến cho chúng ta nhiều ngưỡng mộ về một “dáng đứng “ anh hùng !