Một là, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Hiện nay, hầu hết mọi người đều thừa nhận toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là một xu thế tất yếu. Xu thế này đã được dự báo - đề cập trong một số tác phẩm của các nhà khoa học, trong đó, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã có những luận giải sâu sắc và toàn diện. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Mác và Ăngghen nhấn mạnh tới tính chất thế giới trong quá trình sản xuất, lưu thông của các nền kinh tế và theo đó, sự phụ thuộc phổ biến giữa các dân tộc về nhiều mặt, cả trong đời sống tinh thần. Dự báo của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác về xu thế phát triển của toàn cầu hóa kinh tế đã thực sự trở thành một xu thế phát triển khách quan vào thập niên 80 của thế kỷ XX, với một số nội dung và những nét đặc thù mới do sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại.
Hiện nay, toàn cầu hóa với những biểu hiện chủ yếu như: thị trường được mở rộng, giao lưu hàng hóa ngày càng thông thoáng, sự trao đổi hàng hóa trong phạm vi khu vực và quốc tế, giữa các quốc gia, dân tộc; sự ra đời nhiều hình thức đầu tư, liên kết và hợp tác sản xuất. Toàn cầu hóa dẫn đến thế giới gắn bó chặt chẽ lẫn nhau và được gọi là hội nhập quốc tế. Hội nhập quốc tế là quá trình liên kết, gắn kết giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ với nhau thông qua việc tham gia các tổ chức, thiết chế, cơ chế, hoạt động hợp tác quốc tế vì mục tiêu phát triển của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong thời đại ngày nay, có thể thấy quá trình hội nhập quốc tế đã phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực, diễn ra trên nhiều cấp độ, sâu sắc và toàn diện.
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã tạo ra diện mạo mới của bức tranh toàn cảnh thế giới, vừa có sự hợp tác vừa cạnh tranh với nhau vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Qua đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng thương mại, hợp tác lao động, thu hút đầu tư, du lịch, văn hóa, giáo dục... tạo cơ hội để các tầng lớp nhân dân tiếp cận tri thức và giá trị tốt đẹp của nhân loại. Mặt khác, trong môi trường toàn cầu hóa - hội nhập quốc tế, các biến động bất lợi cũng tác động không nhỏ đến đời sống xã hội. Các rủi ro, bất ổn về kinh tế, an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội... gây những biến đổi đến đạo đức và lối sống trong xã hội.
Hai là, phát triển kinh tế thị trường.
Mô hình kinh tế thị trường là bậc thang cao của kinh tế kinh tế hàng hoá. Kinh tế thị trường khẳng định được ưu thế của mình. Nó tạo ra động lực cạnh tranh phát triển và mở rộng quan hệ giữa các quốc gia, trước hết là các quan hệ kinh tế, sau đó tới các quan hệ khác như chính trị, văn hóa... Hệ thống kinh tế thị trường càng phát triển theo hướng mở và đó là môi trường thuận lợi cho quá trình tự nhiên xích lại gần nhau của các cộng đồng dân cư, các thể chế toàn thế giới.
Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương khai thác lợi thế nền kinh tế thị trường phục vụ mục tiêu cao cả vì hạnh phúc của toàn dân - kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế hiện đại và hội nhập quốc tế, có sự quản lý của Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Kinh tế thị trường luôn tồn tại hai mặt đối lập, vừa có ảnh hưởng tích cực, vừa có ảnh hưởng tiêu cực đối với đạo đức, lối sống. Dưới tác động rất lớn của nền kinh tế thị trường, con người với những biểu hiện mang tính tích cực như: Tính quyết đoán, năng động, sáng tạo. Bên cạnh những tác động tích cực, kinh tế thị trường có xu hướng vận động tự phát dưới sự tác động của các quy luật thị trường nên dễ nảy sinh những hiện tượng tiêu cực. Sự phân hóa xã hội diễn ra một cách nhanh chóng, sâu sắc, từ đó làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn xã hội. Mặt khác, cơ chế thị trường đề cao giá trị đồng tiền, lối sống thực dụng, chủ nghĩa cá nhân… đã và sẽ gây hệ lụy tiêu cực đến đạo đức của xã hội.
Trong điều kiện nền kinh tế thị trường chưa được hoàn thiện, Việt Nam đã và đang chứng kiến những biến đổi, “xáo động” lớn của kinh tế và tất yếu về xã hội, gây “đảo lộn” về cấu trúc xã hội với tính đa dạng của các giai cấp, tầng lớp, các nhóm lợi ích, vị thế, lứa tuổi, thế hệ, đi kèm theo những khác biệt về xu hướng, định hướng giá trị và lựa chọn giá trị, trong đó có cả giá trị về đạo đức, lối sống.
Ba là, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo nhận thức chung, nhân loại đã trải qua bốn cuộc cách mạng trong lĩnh vực khoa học - công nghệ. Mỗi cuộc cách mạng ấy đã làm đảo lộn cấu trúc kinh tế và toàn bộ đời sống xã hội. Hiện nay, thế gới đang chứng kiến một cuộc cách mạng mới - Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được mô tả như là sự ra đời của một loạt các công nghệ mới, kết hợp tất cả các kiến thức trong lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số, sinh học và ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một mặt tác động trực tiếp vào đời sống xã hội và con người, làm tăng tuổi thọ, sức khoẻ, thể lực, trí lực nối dài và gia tăng gấp nhiều lần năng lực trí tuệ và sức mạnh cơ bắp. Bằng cách gián tiếp hơn, nhưng lại mạnh mẽ hơn, nhanh chóng và sâu rộng hơn, nó tác động đến con người và xã hội thông qua công nghệ. Trong Cách mạng công nghiệp hiện nay, những sản phẩm mới, công nghệ mới được tạo ra với tốc độ nhanh, mang tính cách mạng và được đưa vào sản xuất, tạo nên những thay đổi to tớn, những biến đổi trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ thay đổi chính con người. Nó sẽ làm thay đổi bản sắc văn hóa, cả sự riêng tư, ý thức về sự sở hữu, phương thức tiêu dùng, thời gian dành cho công việc, giải trí và cách thức phát triển sự nghiệp, trau dồi kỹ năng, gặp gỡ mọi người và củng cố các mối quan hệ. Một trong những thách thức mang tính cá thể lớn nhất mà các công nghệ thông tin mang lại là sự riêng tư. Thông tin về cá nhân sẽ dễ dàng để tra cứu và tìm kiếm. Tương tự, các cuộc cách mạng diễn ra trong lĩnh vực công nghệ sinh học và trí thông minh nhân tạo giúp định nghĩa lại con người là gì bằng cách hạ thấp những giới hạn hiện tại về tuổi thọ, sức khỏe, nhận thức và năng lực. Từ đó, buộc chúng ta phải định hình lại những ranh giới về đạo đức, lối sống trong xã hội.
Bốn là, sự hội nhập, giao lưu văn hóa.
Hội nhập, giao lưu về văn hóa là quá trình trao đổi, chia sẻ, hợp tác những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần với các nước trong khu vực và trên thế giới. Quá trình này có thể làm biến đổi, loại bỏ những cái cũ, lạc hậu, lỗi thời để thay thế bằng các giá trị mới phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Mặt khác, nó cũng tạo ra không ít sự thách thức đối với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống văn hóa trong xã hội Việt Nam được hình thành hàng ngàn năm như: Ý thức tự cường, tinh thần đoàn kết dân tộc, lòng nhân ái, khoan dung, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống… vừa là cơ sở vừa là thành tố cơ bản hình thành nên bản sắc văn hóa của dân tộc và luôn phát huy có hiệu quả trong suốt chiều dài lịch sử người Việt. Tuy nhiên, quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa đã và sẽ làm mai một dần đi một số giá trị văn hóa dân tộc và xác lập một số giá trị mới. Trong sự tiếp biến văn hóa, các chuẩn mực hành vi, những giá trị xã hội bị xáo trộn và gây nên xung đột giữa các giai tầng xã hội. Người lớn tuổi ngày càng suy giảm khả năng thích nghi với cái hiện đại. Trong khi đó, tuổi trẻ vốn năng động, nhạy cảm với cái mới, cái lạ, có khả năng và hào hứng tiếp thu nhanh chóng những quan niệm mới, lối sống mới.