Ca dao Việt Nam vô cùng phong phú và đặc sắc, trong đó mảng ca dao nói về thân phận người phụ nữ cũng là một đề tài nổi bật và quen thuộc, nó thường có dạng "Thân em....." trong đó câu thơ :"Thân em như quế giữa rừng- Thơm cay ai biết ngát lừng ai hay" là một tiêu biểu.
Mở đầu câu ca dao là 2 tiếng "Thân em"- đây có thể coi là yếu tố nhận biết của ca dao than thân ngươì phụ nữ, cũng là một biện pháp cảm thán, yếu tố này có thể bắt gặp trong rất nhiều câu ca dao khác như một mô típ, một thủ pháp nghệ thuật , "thân em" đọc lên ta cảm thấy có một sự giãi bày, một niềm tự thương xót của người nói cất lên . Sau đó người phụ nữ tự ví mình "như quế giữ rừng". Cây quế là một loại có vỏ cay và thơm được dùng để làm gia vị, thuốc, hương liệu... Cây quế thơm là thế, tốt là thế nhưng lại đặt giữa rừng để rồi "Thơm cay ai biết ngát lừng ai hay" , có đẹp đẽ có tốt lành cũng chẳng để làm gì hết. Từ biện pháp so sánh tự ví mình như cây quế qua đó ẩn dụ về thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa- xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ, thân phận người phụ nữa bị rẻ rúng, bị coi thường. Người phụ nữa dẫu có đẹp về thể xác, đẹp về tâm hồn (ở trong câu ca dao này chủ yếu nói về vẻ đẹp tâm hồn) bao nhiêu thì cũng chẳng ai quan tâm. Không ai coi trọng vẻ đẹp của họ, cuộc đời họ là cuộc đời tùy tay người khác sắp đặt, may mắn thì họ sẽ được gả cho người chồng không vũ phu chứ chẳng dám mơ ước được yêu chiều, sống sung sướng gấm lụa, và ngược lại phải gả cho kẻ không ra gì thì "em" chẳng khác với người hầu , kẻ hạ.
Câu ca dao như một tiếng thở dài mà nhẹ nhàng , không khóc lóc thảm thiết nhưng phả trong đó là một nỗi ai oán , sầu muộn. Không buồn sao được khi mà cuộc đời mình không được sống theo ý muốn, luôn bị phụ thuộc vào người khác, chỉ mong có một người nhận ra được vẻ đẹp của mình cũng không có.
Niếm ai oán này có phải không chỉ có của riêng một người con gái nào đó? Đại từ phiếm chỉ "em" chung chung, điều này chứng tỏ đây không chỉ là bi kịch của một người mà là của chung nhiều người phụ nữ khác. Tránh làm sao được khi cả xã hội đều là một sự bất công, khó khăn với người phụ nữ.
Ngoài ra, ta có thể bắt gặp được rất nhiều câu thơ có nội dung, hình thức tương tự như:
"Thân em như tấm lụa đào - Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai"
"Thân em như miếng cau khô - Người thanh tham mỏng người thô tham dày"
"Thân em như giếng giữa đàng - Người thanh rửa mặt người phàm rửa chân"
"Thân em như hạt mưa sa - Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày".....
....
Trong hệ thống ca dao Việt Nam còn rất nhiều câu ca mà câu ca dao chúng ta vừa phân tích trên chỉ là một phần rất nhỏ góp phần tạo nên sự phong phú cho ca dao Việt nói chung và ca dao than thân mảng than thân phụ nữa nói riêng. Chỉ bằng một vài biện pháp nghệ thuật đơn giản và hết sức quen thuộc như: so sánh, ẩn dụ và sử dụng đại từ phiếm chỉ, dân gian đã tạo nên những câu ca dao thật ý nghĩa, đầy nhịp điệu, phản ánh được thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa đồng thời với đó là cáo xã hội cướp đi quyền sống con người. Tài năng , sản phẩm tinh thần của người xưa vẫn luôn có giá trị,có sức sống đến ngày nay và mai sau.