Bình đẳng giới ở Việt Nam, thành tựu và thách thức trong giai đoạn hiện nay
11:00 AM 22/10/2018
(LĐXH) - Bình đẳng giới là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước dành sự ưu tiên đặc biệt. Những nỗ lực trong việc thực hiện bình đẳng giới của Việt Nam đã mang lại nhiều thành tựu to lớn được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần sự vào cuộc của chính quyền, sự tham gia của toàn dân để khắc phục.
- 1. Bình đẳng giới, vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt
Bình đẳng giới là một trong những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật và trong các Công ước Quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Theo Khoản 3, Điều 5 Luật Bình đẳng giới thì: “ Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.”
Có thể nói, mục tiêu bình đẳng giới hiện là mối lưu tâm hàng đầu của các quốc gia nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung. Ngay từ thời điểm năm 1955, Liên hợp quốc đã thống nhất quan điểm và thông qua Chương trình hành động giới, lồng ghép giới tại Hội nghị quốc tế về phụ nữ, lần thứ tư tại Bắc Kinh (Trung Quốc); vào năm 1979 tiếp tục thông qua Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ và mục tiêu thiên niên kỷ thứ ba cũng nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng đã quyết định đặt ra nhiều ngày lễ quốc tế, nhiều sự kiện trọng đại vì mục tiêu bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Điều này cho thấy sự ưu tiên đặc biệt của cộng đồng quốc tế về vấn đề bình đẳng giới.
Việt Nam là một trong những quốc gia sớm dành cho công tác bình đẳng giới những ưu tiên nhất định. Cụ thể, trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, Hiến pháp năm 1946, tại Điều 9 đã đề cập thẳng đến quyền bình đẳng nam nữ: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông trên mọi phương diện”. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong di chúc, Người cũng trăn trở về vai trò và vị trí của người phụ nữ: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng có thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ”. Và vấn đề này đã được thể chế hóa thành các văn bản Luật như Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 hay ban hành các chương trình hành động như: Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 – 2020, Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020... để đảm bảo quyền lợi cho người phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục, y tế và ngay chính trong gia đình của họ.