DÀN Ý PHÂN TÍCH " CHÍ KHÍ ANH HÙNG" CHI TIẾT ĐẦY ĐỦ
I. Mở bài
- Giới thiệu Nguyễn Du và đoạn trích "Chí khí anh hùng"
Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, là một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn. "Truyện Kiều" là tác phẩm làm nên tên tuổi của ông, kể về cuộc đời và số phận lênh đênh mười lăm năm lưu lạc của người con gái tài hoa bạc mệnh Thúy Kiều. Người ta say mê Kiều không chỉ bởi tài năng của Nguyễn Du mà có lẽ trước hết là ở tấm lòng nhân đạo ông dành cho người phụ nữ tài hoa bạc mệnh. "Chí khí anh hùng" là một đoạn trích tiêu biểu trong tác phẩm đã nêu lên quan niệm của Nguyễn Du về người anh hùng.
II. Thân bài
a, Giới thiệu chung
- Đoạn trích "Chí khí anh hùng" từ câu 2213 đến câu 2230 trong "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du nói về nhân vật Từ Hải, một hình tượng nhân vật lí tưởng thể hiện ước mơ lãng mạn về một người anh hùng có những phẩm chất cao đẹp, phi thường. Bị rơi vào lầu xanh lần thứ hai, Thúy Kiều luôn sống trong tâm trạng chán chường, tuyệt vọng: "Biết thân chạy chẳng khỏi trời / Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh". Ở lầu xanh, Kiều tình cờ gặp người tri kỷ là Từ Hải và Từ Hải cứu Kiều ra khỏi lầu xanh. Từ Hải và Kiều đã có những ngày tháng hạnh phúc.Nhưng tình yêu không thể giữ chân Từ Hải được lâu. Đã đến lúc Từ Hải quyết chí ra đi để tiếp tục tạo lập sự nghiệp. Đoạn trích hiện lên một Từ Hải đầy chí khí anh hùng, mà cũng đượm chút cô đơn, trống trải giữa đời.
b, Phân tích đoạn trích "Chí khí anh hùng"
- Mở đầu đoạn trích là cuộc chia tay giữa Thúy Kiều và Từ Hải sau nửa năm chung sống. Cuộc chia ly diễn ra trong một hoàn cảnh đặc biệt "Nửa năm hương lửa đương nồng" - đó là khoảng thời gian ngắn nhưng là thời điểm đẹp nhất của tình vợ chồng thủy chung, son sắt. Từ Hải đã quyết tâm lên đường vào đúng lúc tình yêu tình vợ chồng đang độ nồng nàn nhất - một quyết định có lẽ thật khó khăn với Từ Hải ngay lúc đó. Chính hoàn cảnh thử thách ấy càng tô đậm chí khí lớn lao của Từ Hải.
- Chí khí của người anh hùng được bộc lộ qua một loạt hình ảnh ước lệ: " trượng phu"- trang nam nhi mang chí lớn; đối diện với không gian rộng lớn "bốn phương", " trời bể ", "mênh mang". Như vậy tầm vóc người anh hùng sánh ngang với vũ trụ, tầm mắt bao trùm trời đất. trời bể. Nguyễn Du miêu tả trực tiếp hoạt động "Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong" - đó là hành động mạnh mẽ, dứt khoát, ngang tàng, ngạo nghễ mà rất thanh thản, ung dung. Từ "thoắt" gợi thái độ kiên quyết, mạnh mẽ. Chí lớn Từ Hải trỗi dậy một cách mạnh mẽ. Dù yêu thương, trân trọng tình yêu với Thúy Kiều nhưng khát vọng anh hùng đã không cho phép Từ Hải lùi bước. Tương lai, sự nghiệp phía trước “mênh mang” chưa xác định nhưng với bản lĩnh kiên cường, khát vọng lớn lao ấy khiến hình ảnh ra đi của Từ Hải đẹp đẽ như những bậc trượng phu xưa.
- Hình tượng Từ Hải hiện lên với tư thế hiên ngang, chí khí lớn lao, hành động mạnh mẽ. Với bút pháp ước lệ lý tưởng hóa, Nguyễn Du đã khắc họa vẻ đẹp đạt đến độ phi thường của người anh hùng. Đó cũng là nét vẽ quen thuộc trong văn học trung đại về người anh hùng thống nhất với bút pháp miêu tả Từ Hải.
- Những câu thơ tiếp theo làm hiện lên tính cách anh hùng của Từ Hải qua cuộc đối thoại với Thúy Kiều. Trong lời Thúy Kiều nàng tỏ ước nguyện được đi theo chồng, đồng cảm tri kỷ với Từ Hải để thuyết phục: “Nàng rằng: Phận gái chữ tòng / Chàng đi thiếp cũng quyết lòng xin đi”. Trước hết về lý, nàng lấy đạo phu thê "chữ tòng" để khẳng định việc nàng đi theo Từ Hải là hợp đạo lý, bổn phận trách nhiệm. Nhưng không chỉ vậy, về tình nàng còn muốn đi cùng Từ Hải bởi tình cảm vợ chồng thủy chung, nồng nàn thắm thiết. Hai chữ "một lòng" vừa thể hiện sự thủy chung vừa là sự thấu hiểu của một người tri âm tri kỉ.
- Lời chặt chẽ, thấu tình đạt lý lời vừa thể hiện tình cảm thủy chung, hoà thuận, gắn bó sắt son với Từ Hải đồng thời thể hiện thể hiện sự đồng tình mạnh mẽ của nàng.
- Trong lời Từ Hải trước hết là thuyết phục Thúy Kiều: “Từ rằng: Tâm phúc tương tri / Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?" Nhắc tới đạo lý tri kỷ "tâm phúc tương tri" để từ chối một cách khéo léo, tế nhị, đó là thái độ tôn trọng Kiều, yêu thương Kiều, coi Kiều là tri kỷ.
- Trong lời Từ Hải không chỉ có hứa mà còn là lời hẹn thề đón kiều bằng chiến thắng "Bao giờ mười vạn tinh binh / Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường / Làm cho rõ mặt phi thường / Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia” - lời hẹn thề về một sự nghiệp lẫy lừng vang động đất trời, rực rỡ cờ hiệu. Sau khi hoàn thành sự nghiệp, chàng vẫn dành trọn tình cảm cho Thúy Kiều"
- Để Thúy Kiều có thể yên tâm hơn, Từ Hải đã khẳng định thời gian mà mình ra đi là một năm, Từ Hải đã động viên Thúy Kiều về một tương lai chiến thắng, chàng sẽ trở về trong sự hiển hách, vinh quang: “Đành lòng chờ đó ít lâu / Chầy chăng là một năm sau vội gì.” Một năm để lập được một sự nghiệp lẫy lừng - đó là khát vọng mãnh liệt của Từ Hải về một sự nghiệp lớn lao. Lời hứa hẹn ấy đã đem lại niềm tin vững chắc cho Kiều, đồng thời thể hiện tấm lòng yêu thương, trân trọng của Từ Hải dành cho Kiều. Từ Hải ra đi trước hết vì lý tưởng bản thân nhưng chàng ra đi cũng vì Kiều, tức là cũng vì ước mơ công lý để phá tan bất công ở đời.
- Những câu thơ cuối đoạn trích làm hiện lên một hình ảnh Từ Hải quyết tâm lên đường đầy mạnh mẽ dứt khoát. Hình ảnh ẩn dụ so sánh: "Quyết lời dứt áo ra đi, / Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi" khiến Từ Hải như cánh chim bay vút lên những đám mây để hưởng trọn niềm hạnh phúc vẫy vùng tự do. Hình ảnh người anh hùng đặt trong không gian rộng lớn gắn với trời cao biển rộng, ôm trùm vũ trụ bao la. Tthông thường người ta nói lời từ biệt rồi mới ra đi nhưng ở đây Nguyễn Du để Từ Hải ra đi rồi mới nói lời từ biệt khẳng định quyết tâm ra đi, khí phách anh hùng, chí khí lớn lao không gì lay chuyển được của người anh hùng Từ Hải.
c, Đánh giá
Nguyễn Du đã khắc họa tính chất anh hùng của Từ Hải qua lý tưởng tự do của người anh hùng chọc trời khuấy nước, anh hùng dọc ngang nào biết trên trời có ai, tư thế, hành động khát vọng đều đạt đến độ phi thường. Bút pháp miêu tả nhân vật nhất quán, bút pháp ước lệ lý tưởng hóa hình ảnh người anh hùng giàu chất sử thi mang vẻ đẹp chuẩn mực của văn học trung đại về người anh hùng. So với Thanh Tâm Tài Nhân, có nhiều đoạn Nguyễn Du lược bớt khi nói về Từ Hải, đoạn trích này do Nguyễn Du sáng tạo ra, không có trong "Kim Vân Kiều truyện". Nguyễn Du bỏ đi những điều khiến ta nghĩ Từ Hải chỉ như một người bình thường. Nguyễn Du thêm một vài chi tiết để Từ Hải từ người bình thường thành người phi thường.
- Nội dung: Qua đó ta thấy sự ôn trọng, khâm phục ngưỡng mộ của Nguyễn Du đối với Từ Hải. Từ Hải chính là ước mơ của Nguyễn Du về khát vọng tự do công lý. Với Nguyễn Du, người anh hùng lý tưởng là người anh hùng phải chiến thắng cái bình thường, phải có những phẩm chất phi thường về nhiều phương diện.
III. Kết bài
- Khẳng định lại giá trị đoạn trích và nếu suy nghĩ bản thân.
Đoạn trích “Chí khí anh hùng” đã xây dựng thành công hình tượng người anh hùng đầu đội trời chân đạp đất Từ Hải. Gấp trang sách lại, người đọc sẽ nhớ về một con người không chỉ là giàu tình cảm mà còn là một người anh hùng có khát vọng lớn cùng ý chí, quyết tâm đầy mạnh mẽ, quyết liệt.