Người chiến sĩ cộng sản kiên trung
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng chí Tố Hữu (tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, bí danh là Lành) được thừa hưởng đầy đủ phẩm chất chiến sĩ cách mạng và giá trị văn hóa truyền thống xứ Huế. Sớm mồ côi mẹ, 13 tuổi, ông vào học tại Trường Quốc học Huế. Đây cũng là cái nôi bồi dưỡng tâm hồn thi nhân và hun đúc lý tưởng cách mạng. Tố Hữu tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản và trở thành người lãnh đạo Đoàn thanh niên Dân chủ ở Huế khi vừa 16 tuổi. Năm 1937, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời chàng thanh niên ưu tú, mở ra con đường cách mạng của người cộng sản kiên trung. Bài thơ Từ ấy ra đời trong thời điểm này như khúc ca vui bởi sự gặp gỡ của khát vọng tuổi trẻ và chân lý cách mạng sáng ngời. Những năm tháng bị thực dân Pháp bắt giam ở Huế, rồi sau đó đày ra Lao Bảo, rồi Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn,... đến trại tập trung Đắk Lay (Kon Tum), càng hun đúc ý chí và quyết tâm sắt son với Đảng. Tháng 4-1942, đồng chí vượt ngục về Huế, sau đó ra Hà Nội, bí mật vào Thanh Hóa gây dựng lại cơ sở cách mạng…
Được Đảng giao nhiều trọng trách, như Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Phó Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên Huế; Trưởng Ban Tuyên truyền do Tổng Bí thư Trường Chinh phụ trách…, đồng chí đã đi qua những chặng đường cam go, khốc liệt và vinh quang của dân tộc, dưới ngọn cờ của Đảng. Từ năm 1980, đồng chí được bầu là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đối ngoại của Đảng và Nhà nước; đại biểu Quốc hội khóa VII, rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng. Tháng 3-1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng; từ tháng 6-1986, được giao nhiệm vụ phụ trách công tác tư tưởng và văn hóa của Đảng...
Trong 82 năm cuộc đời, đồng chí đã có gần 70 năm không ngừng nghỉ hoạt động cách mạng. Với tư cách là nhà lãnh đạo, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, nhà thơ, ông đã truyền cảm hứng lạc quan, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng gian khổ, anh dũng mà vẻ vang của dân tộc. Trong dặm dài hai cuộc trường kỳ kháng chiến, ông luôn có mặt ở những chiến tuyến như một chiến sĩ xung phong. Cùng đồng chí, đồng bào không quản gian lao từ nơi địa đầu Việt Bắc đến khắp dải Trường Sơn, để viết nên những câu thơ hùng tráng có sức lay động mạnh mẽ, góp phần thổi bùng ngọn lửa anh hùng cách mạng. Đất nước thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ mới, vừa nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là thời điểm bắt đầu một cuộc đấu tranh vất vả, cực nhọc không kém, đưa đất nước từ đói nghèo đến ấm no, từ tụt hậu lên tiên tiến. Ở vai trò nào, đồng chí Tố Hữu cũng luôn thể hiện là người dám chịu trách nhiệm, góp phần vào những quyết định táo bạo, đầy sáng tạo, xóa bỏ cơ chế đã không còn thích hợp để đón vận hội mới