Khi nói nói đến hai chữ trung thực thì hầu như mọi người trong chúng ta ai ai cũng muốn thực hiện tốt. Vì sự trung thực nói lên bản chất căn bản đạo đức của con người. Lòng trung thực ghét sự gian dối xấu xa, nói lên sự quả cảm của một con người : “ cây ngay không sợ chết đứng”, nói lên sự công bằng xã hội…vâng! lòng trung thực cao đẹp và sáng trong vô cùng..
Nhưng than ôi ! xã hội ngày nay có được mấy ai sống một cách trung thực.
Nhan nhãn trước mắt ta, báo chí đưa tin hằng ngày xăng thì đồng hồ điện tử “ không chính xác “, hàng gian , hàng giả đầy rẫy. Thị trường thì cảnh “lường cân tráo đấu” như thành một thông lệ. Bác sĩ ra toa thì thêm nhiều loại thuốc ( mặc dù có những loại không cần thiết trong điều trị) để có huê hồng cao. Thợ thuyền thi công bát nháo không chất lượng, kiểm tra thì qua loa chiếu lệ ( vì lỡ nhận phong bì ) v. v….
Những người trong xã hội ngày nay còn một ít lòng tự trọng trong người cùng cố sống sao cho trong sáng và chứng tỏ cho mọi ngừơi xung quanh rằng mình trung thực, nhưng hình như sự trung thực trở thành lập dị, vì chỉ có một số người ít ỏi trung thực trong một xã hội giả trá, lọc lừa..
Ví dụ khi đến ngã tư bạn dừng lại khi đèn đỏ là điều tất nhiên nhưng lúc đó mọi người xung quanh bạn đã vượt đèn đỏ vì không có anh cảnh sát giao thông. Lúc đó bạn cảm thấy mình không giống ai, mình thể hiện sự trung thực lẻ loi chắng ai thèm để ý tới.
Rồi cách ăn, cách sống bạn có dám trung thực không. Tất cả những diễn biến xảy ra trong xã hội hôm nay đều phải cần lớp vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài để gây lòng tin, để mà mắt thiên hạ. Trung thực để được ích gì hay gây phiền hà cho những người xung quanh ta.
Trong xã hội hiện thực hôm nay mọi người chỉ nghĩ đến cái tôi và điều lợi cho riêng mình , họ không cần sự trung thực, họ sống sao cho trọn vẹn cả đôi bên, họ đem lợi cho cả hai mặc dù không trung thực.
Có ai trong chúng ta có ai dám khẳng định là tôi sống trung thực và mãi mãi là một con người trung thực suốt đời không. Sống trung thực để được gì và đánh mất cái gì ? trung thực để mọi người ngưỡng mộ, chiêm bái, hay bị trù dập, bị sa thải, bị thiệt thòi, bị thất bại… và bạn sợ đánh mất lương tâm à ! lương tâm ngày nay hình như chỉ có trên sách giáo khoa, trong kinh kệ, trong tuồng tích răn đời mà không thấy được ở xã hội.
Nói như thế không phải tôi khuyên bạn sống không trung thực, sống gian dối giả trá. Bạn hãy dừng lại và suy nghĩ chọn một hướng đi cho mình, mà ở đó không đánh mất lương tâm, đánh mất danh dự và lòng tự trọng.
Sự trung thực phải chăng là một chừng mực nào đó và ta chỉ áp dụng một cách rất chừng mực mà thôi. Trung thực mọi lúc , mọi nơi, mọi hoàn hoàn cảnh coi chừng hoàn toàn bị thua thiệt mà thôi, mặc dù bạn vẫn ngẩn cao đầu nhưng chưa chắc mọi người xung quanh dám sống thực với bạn để rồi một ngày nào đó bạn sẽ trung thực đến mức độ không tha thứ một ai sai trái. Bạn sẽ cô độc trong hào quang trung thực.
Như vây theo quạn niệm của tôi là bạn chỉ trung thực trong một xã hội mà mọi người đều trung thực. Trung thực trong một xã hội gian trá là lạc hậu và thua thiệt mà thôi.
Khẳng định một lần nữa trung thực là đức tinh tốt đẹp. Nhưng đừng nên trung thực một cách vô ý thức, mọi lúc mọi nơi.