VIẾT BÀI LÀM VĂN SỐ 5: VĂN THUYẾT MINH
(Bài làm ở lớp)
A- GỢI Ý CÁC ĐỀ THAM KHẢO
Đề 1:Giới thiệu một danh lam thắng cảnh của đất nước, quê hương.
Gợi ý:
Đề tài thuyết minh là một danh lam thắng cảnh của quê hương đất nước. Để làm tốt đề này, HS cần có những hiểu biết cụ thể, phong phú, chuẩn xác về danh thắng được chọn giới thiệu. Từ những hiểu biết, người viết xác định mục đích giới thiệu, những nội dung cần có cho bài giới thiệu và những phương pháp sử dụng phù hợp với từng nội dung.
Bài viết cần có những ý cơ bản sau:
- Giới thiệu khái quát chung về danh thắng: tên và địa điểm, nhận xét chung về giá trị ý nghĩa,...
- Giới thiệu về quần thể kiến tạo của danh lam thắng cảnh.
- Giới thiệu về lịch sử của danh lam thắng cảnh.
- Giới thiệu về giá trị của danh lam thắng cảnh (giá trị du lịch, giá trị vănhoá,...).
- Giới thiệu về sức hấp dẫn du khách của danh lam thắng cảnh v.v...
Đề 2:Giới thiệu một loại hình ca nhạc (hay sân khấu) mà anh (chị)
yêu thích.
Gợiý:
Đềbài yêu cầu giới thiệu một loại hình ca nhạc (nhạc dân gian, nhạc cổ điển, nhạc nhẹ,...) hoặc một loại hình sân khấu (kịch nói, ca kịch,...). Người viết lựa chọn theo sở thích cá nhân và giới thiệu sao cho truyền được niềm yêu thích đó tới người đọc. Muốn vậy, người viết chỉ yêu thích không thôi chưa đủ mà phải có những kiến thức cụ thể, phong phú, chuẩn xác về loại hình ca nhạc hay sân khấu mà mình sẽ giới thiệu với bạn đọc.
Bài thuyết minh cần có những ý cơ bản sau:
- Giới thiệu chung về loại hình ca nhạc (sân khấu): loại hình gì? đặc điểm nổi bật của loại hình này là gì?
- Giới thiệu về đặc điểm cụ thể, chi tiết của loại hình. Nếu là ca nhạc thì giới thiệu đặc điểm âm nhạc, đặc điểm ca từ, đặc điểm biểu diễn,... Nếu là sân khấuthì giới thiệu đặc điểm kịch bản, đặc điểm diễn xướng, đặc điểm hoá trang, ánh sáng,...
- Giới thiệu lịch sử của loại hình ca nhạc (sân khấu): nguồn gốc xuất xứ, những bước thăng trầm, những tên tuổi tiêu biểu,...
- Giới thiệu về giá trị, ảnh hưởng của loại hình ca nhạc (sân khấu) đến đời sống xã hội đặc biệt nhấn mạnh đời sống tinh thần, ý nghĩa giáo dục những tình cảm thâm mĩ,...
Đề 3 :Giới thiệu một ngành thủ công mĩ nghệ (hoặc một đặc sản, một nét văn hoá ẩm thực) của địa phương mình.
Gợiý:
Đề bài yêu cầu giới thiệu một ngành thủ công mĩ nghệ (ngành làm gốm, ngành mây tre đan, ngành thêu ren, ngành dệt thổ cẩm,... ) hoặc một đặc sản, một nét văn hoá ẩm thực (Phở, cốm, bánh... ) của địa phương. HS lựa chọn theo đặc trưng riêng của địa phương mình, điều quan trọng là phải am hiểu cặn kẽ đối tượng mà mình giới thiệu và coi đó là niềm tự hào của bản thân. Bài thuyết minh cần có những ý cơ bản sau:
- Giới thiệu khái quát về ngành thủ công mĩ nghệ hoặc đặc sản, nét văn hoá ẩm thực (tên gọi, đặc điểm nổi bật).
- Giới thiệu các đặc điểm, tính chất cụ thể: Nếu là ngành thủ công mĩ nghệ thì giới thiệu đặc điểm lao động làm ra sản phẩm, mẫu mã sản phẩm, tính năng tác dụng của sản phẩm... Nếu là món ăn thì giới thiệu nguyên liệu, cách chế biến, đặc điểm món ăn như màu sắc, hương vị, cách thưởng thức... Nếu là một nét văn hoá ẩm thực thì giới thiệu những nét độc đáo văn hoá trong việc thưởng thức, các nghi thức ẩm thực,...
- Giới thiệu lịch sử của ngảnh thủ công mĩ nghệ hoặc đặc sản, nét văn hoá ẩm thực: ra đời từ khi nào? Trải qua những thăng trầm thời gian ra sao? Gắn với tên tuổi của ai? Có những truyền thuyết gì liên quan?...
- Giới thiệu tổng hợp về giá trị của ngành thủ công mĩ nghệ hoặc món ăn, nét văn hoá ẩm thực trong việc nâng cao vị thế của địa phương trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai.
Đề 4:Giới thiệu một lễ hội ghi lại những nét đẹp của phong tục truyền thống hoặc thểhiện khí thế sôi nổi của thời đại.
Gợi ý:
HS có thể chọn một trong hai kiểu lễ hội: kiểu lễ hội mang tính truyền thống còn giữ được những nétđẹp cổ xưa hoặc kiểu lễ hội mang tính thời đại, thể hiện khí thế sôi nổi.
Bài viết cần giới thiệu được những nét chính sau đây:
- Giới thiệu khái quát: tên lễ hội, thời điểm tổ chức lễ hội, đặc điểm chung nổi bật của lễ hội,...
- Giới thiệu lịch sử của lễ hội: có từ bao giờ? xuất phát từ đâu? trải qua một quá trình như thế nào?
- Giới thiệu quy trình tổ chức một lễ hội từ khâu chuẩn bị đến quá trình diễn ra và kết thúc.
- Giới thiệu giá trị của lễ hội trong đời sống tinh thần, văn hoá của con người,...
Chúý: Muốn cho bài giới thiệu sinh động, hấp dẫn, người viết, ngoài nắm vững đối tượng mà mình giới thiệu, còn phải kết hợp nhiều phương pháp và phải có tình yêu đối với những gì mình giới thiệu. Có như vậy, người viết mới thu hút độc giả, truyền tình yêu sang họ.