Thời niên thiếu, trong một lần lều chõng đi thi, Nguyền Công Trứ đa tự vịnh: Phải có danh gì với núi sông. (Đi thi tự vịnh). Đó chính là tư tưởng chủ yếu trong toàn bộ quan niệm về chí nam nhi, được ông khẳng định lần nữa trong bài hát nói Chí nam nhi: Phải có danh gì với núi sông. Lí tưởng làm trai của Nguyễn Công Trứ bao gồm hai nét chính: trách nhiệm người trai đối với xã hội và chữ “danh”. Nguyễn Công Trứ đã lí giải quan niệm về “danh” với hai thái độ: ca ngợi “danh” chân chính và đả phá hư danh. Danh là tên tuổi, tiếng tăm của con người. Đó là danh phận, gắn liền với người trai như một tất yếu:
Mà chữ danh liền với chữ thân
Thân đã có, ắt danh âu phải có.
(Nghĩa người đời)
Danh phận đó được xây dựng trên cơ sở đạo đức bản thân, theo quan niệm nho gia chính thống: hiếu nghị, cương thường:
Miền hương đảng đã khen rằng hiếu nghị:
Đạo lập thân phải giữ lấy cương thường.
(Kẻ sĩ)
Bên cạnh đó là tài năng và sự nghiệp. Ở đây, danh gắn liền với chữ công, tức sự nghiệp. Để xứng đáng là bậc trang nam tử, người trai nhất thiết phải tạo dựng sự nghiệp ở đời.
Trót sinh ra thời phải có chi chi
(Chí nam nhi)
Mà phải là sự nghiệp phi thường trong thiên hạ:
Yêu vi thiên hạ kì.
(Chí nam nhi)
Nguyễn Công Trứ còn lấy công danh làm chuẩn mực tinh thần để xác định giá trị người trai:
Không công danh thà nát với cỏ cây.
(phận sự làm trai)
Cỏ cây không có tri giác, không có linh hồn, sinh ra rồi chết đi, mục nát, không để lại chút gì. Con người khác biệt cỏ cây, có đời sống tinh thần, hướng về hành động cao cả, cho nên phải lập sự nghiệp phi thường, để lòng son chiếu rạng sử xanh:
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.
(Chí nam nhi)
Quan niệm về danh của Nguyễn Công Trứ là một quan niệm hành động, hành động để tạo sự nghiệp hiển hách, cho thỏa chí tung hoành, để danh tiếng mình mãi mãi được ca tụng. Dù còn hạn chế về mặt tư tưởng, quan niệm chữ danh trên vẫn chứa đựng một số yếu tố tích cực, có giá trị rèn luyện ý chí nghị lực cho thanh niên ngày nay.