Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Phân tích cái tôi của Nguyễn Công Trứ trong bài Bài Ca Ngất Ngưởng. Liên hệ với cách sống của thanh niên hiện nay

2 trả lời
Hỏi chi tiết
3.885
5
0
doan man
12/09/2018 13:39:19

Nguyễn Công Trứ, cái tên thật sự quen thuộc và gần gũi mà từ xưa đến nay vẫn được bao người dân Việt Nam nhắc đến như một sự biết ơn trân trọng về công lao khai phá ra hai vùng đất trù phú: Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình). Song không vì thế mà ta có thể quên đi một Nguyễn Công Trứ, nghệ sĩ tài hoa, một nhân cách đã khẳng định được cái bản ngã của chính mình, để từ đó định hình nên một tính cách, một bản lĩnh trong cuộc sống và sáng tạo nghệ thuật. “Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ sẽ cho ta thấy rõ cái bản lĩnh riêng không thể trộn lẫn ấy của ông.

Theo “Từ điển Tiếng Việt’’, ngất ngưởng được hiểu là ở thế không vững lắc lư, nghiêng ngả như chực ngã. Tuy nhiên hai chữ ngất ngưởng trong bài thơ này của Nguyễn Công Trứ cần được hiểu theo một cách khác, ở đây ngất ngưởng cần hiểu gắn với một cách sống, một thái độ sống. Có như vậy ta mới có thể hiểu được về con người Nguyễn Công Trứ - một con người có lối sống khác người, bất chấp mọi thế lực ở đời, một lối sống được khẳng định bằng chính tài năng tuyệt vời.

Toàn bộ bài thơ không chỉ là sự cắt nghĩa lí giải về cái sự ngất ngưởng của chính mình, mà nó còn được xem như là một lời tự thuật về cuộc đời, là niềm tự hào về con người có công dài, tiền tài, đồng thời cho ta thấy một phong cách lối sống tài tử phóng khoáng của Nguyễn Công Trứ.

Mở đầu bài thơ là lời khẳng định về quan niệm sống của một đấng làm trai:

Vũ trụ nội mạc phi phận sự.

(Mọi việc trong vũ trụ chẳng có việc nào không là phận sự của ta).

Câu thơ vang lên chắc nịch, khẳng định một cách mạnh mẽ và tự hào về quan niệm làm trai của Nguyễn Công Trứ. Đây là một quan niệm cho thấy Nguyễn Công Trứ luôn luôn ý thức được về bản thân mình, đồng thời luôn xác định được vị trí của mình trong cuộc đời. Điều này có được từ một kẻ sĩ có tài. Tuyên ngôn này của Nguyễn Công Trứ đã được khẳng định như một chân lí và trở đi trở lại như một mệnh đề quen thuộc trong thơ ông.

Vũ trụ giai ngô phận sự

(Những việc trong vũ trụ đều thuộc phận sự của ta - Nợ tang bồng).

Hay trong bài Gánh trung hiếu, Nguyễn Công trứ cũng đã khẳng định:

Vũ trụ chức phận nộ

(Việc trong vũ trụ là chức phận của ta)

Nói như vậy để ta khẳng định rằng Nguyễn Công Trứ luôn luôn xác định cho mình một quan niệm sống tích cực, đồng thời càng cho thấy rõ sự tự ý thức về bản thân của chính tác giả.

Chính vì luôn luôn có ý thức về vị trí của chính mình trong trời đất mà Nguyễn Công Trứ không ngại ngùng khẳng định về chí làm trai, tác giả lần lượt chứng minh cho người đọc thấy được tài năng và bản ngã của chính mình:

Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng

Khi thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.

Nguyễn Công Trứ đã tự xưng danh, đồng thời khẳng định tài bộ (tài năng lớn, nhiều mặt) của bản thân với những thực danh: Thủ khoa, tham tán, Tổng đốc Đông. Câu thơ được ngắt nhịp ngắn đều, chậm rãi cùng với việc sử dụng điệp từ khi tạo nên một lối nói khẳng định đầy sự tự hào.

Tuy nhiên hiện lên trong bài thơ không chỉ là một Nguyễn Công Trứ thiên tài, mà còn là một Nguyễn Công Trứ có tài kinh bang tế thế:

Lúc bình Tây, cờ đại tướng,

Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.

Như vậy đến đây chúng ta có đầy đủ cơ sở để khẳng định một con người có tài năng thực sự và luôn luôn ý thức được về tài năng của chính bản thân mình. Đây cũng chính là sự khẳng định bản ngã của Nguyễn Công Trứ, là một phần trong phẩm chất mà ông tự hào gọi là tay ngất ngưởng. Để từ đó ta có thể hiểu ngất ngưởng theo một nghĩa tích cực, trong đó có sự khẳng định bản ngã của chính mình.

Một Nguyễn Công Trứ có tài, có thực danh như vậy, ấy mà khi trờ về đời thường lại là một tay ngạo nghễ giễu đời:

Đô môn giải tổ chi niên

Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.

Cho nên ông không ngại ngùng bày tỏ một cách sống thật khác người, khác đời:

Kìa núi nọ phau phau mây trắng

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi

Gót tiên theo đủng đinh một đôi dì

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.

Là một nhà nho, từng là một danh tướng, từng xông pha trận mạc ấy vậy mà lại sống cuộc sống bình dị nên dạng từ bi. Tuy nhiên cái lối sống ấy của Nguyễn Công Trứ lại chẳng bình thường một chút nào: đi vãng cảnh chùa mà: “gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì” phải chăng ông đang bất chấp cuộc sống, đang giễu cợt sự đời, có lẽ hiểu biết như vậy còn phiến diện. Bởi sinh thời Nguyễn Công Trứ là một người biết chơi theo quan niệm sống hết mình và chơi cũng hết mình. Trong trần hoàn mấy mặt làng chơi... Biết mùi chơi chưa dễ mấy người hay ông từng tuyên bố Nếu không chơi thiệt ấy ai bù... Vậy cũng có thể hiểu đây là một lối sống phóng túng, không chịu gò bó. Câu thơ được Nguyễn Công Trứ miêu tả bằng nụ cười hóm hỉnh, nhiều tự hào của tác giả, phải chăng là cười cho sự khen chê của thiên hạ, có lẽ là cả hai điều đó, bởi một điều thật đơn giản.

Được mất dương dương người thái thượng

Khen chê phơi phới ngọn đông phong

Với Nguyễn Công Trứ một khi đã thoát khỏi vòng danh lợi thì những chuyện được mất, khen chê ở đời xin bỏ ngoài tai, như ngọn gió đông thổi qua mà thôi. Điều này chỉ có được khi người ta có bản lĩnh tự tin về tài năng của mình. Đó cũng chính là cái ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ trong đó chứa đựng hạt nhân của phong cách sống phóng túng, hiếm thấy của ông. Chính vì vậy mà ông có được cuộc sống thanh cao vui vẻ:

Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng

Không Phật, không Tiên, không vướng tục.

Câu thơ được ngắt nhịp hai, kết hợp với lối diễn đạt trùng điệp tạo cho câu thơ chậm rãi, qua đó lột tả được phong thái ung dung yêu đời, thanh cao của nhà nho Nguyễn Công Trứ.

Thái độ sống như vậy của ông có được từ con người luôn tự tin vào bản thân mình, luôn ý thức được bản thân.

Sự phô bày bản ngã được bộc lộ rõ nét một cách cực độ ở khổ thơ cuối:

Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú

Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo xơ chung

Trong triều ai ngất ngưởng như ông!

Nguyễn Công Trứ đã tự khẳng định mình là con người trung thần, làm tròn đạo vua tôi, điều này góp phần khẳng định thêm quan niệm về chí làm trai của tác giả ở đầu bài thơ. Bằng lối so sánh với những bậc anh hùng như Nhạc Phi, Hàn Kì, Phú Bật... của đời Hán, Tống bên Trung Quốc. Tác giả đã khẳng định tài năng và công lao của mình một cách đĩnh đạc hào hùng. Cũng có thể xem đó là những lời nói đầy tự hào về bản thân của chính tác giả. Để từ đó Nguyễn Công Trứ ngạo nghễ tuyên bố:

Trong triều ai ngất ngưởng như ông!

Như vậy đến đây hẳn chúng ta đã hiểu cái ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ. Đó chẳng phải là cái gì khác mà chính là thái độ, cách sống của một nhà nho tài tử. Nguyễn Công Trứ có được điều đó xuất phát từ tài năng, thực danh, từ sự làm tròn bổn phận. Vậy cái ngất ngưởng của ông không phải tiêu cực mà sự khẳng định bản thân của mình, là bản lĩnh dám sống ở đời, và một phong cách sống tài hoa tài tử.

Cùng với những bài thơ khác như Đi thi tự vịnh, Chí làm trai, Nợ tang bồng, Gánh trung hiếu... Bài thơ Bài ca ngất ngưởng đã một lần nữa vẽ rõ nét chân dung của nhà thơ. Đây chính là phong cách sống, phong cách nghệ thuật của con người và của thơ Nguyễn Công Trứ - phong thái ngất ngưởng.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
0
0
Quỳnh Anh Đỗ
12/09/2018 19:26:14

Nếu như Chí anh hùng tràn đầy khí phách của người tuổi trẻ, thì Bài ca ngất ngưởng, được viết lúc ông đã thành danh, là bài thơ tổng kết về cuộc đời và khẳng định cái tôi (bản ngã) của cụ Thượng Trứ.

Nếu như trong nền văn học trước ông, người ta thường thấy các tác giả nói về “cái ta”, “chúng ta” tức là nói những cái chung chung. Nhưng khi đến với thơ của Nguyễn Công Trứ người đọc bắt gặp “cái tôi”, đó là cái tôi “ngông”, cái tôi ngất ngưởng với chính bản thân, với đời. Để làm rõ được cái tôi ngông của mình, nhà thơ đã chọn thể hát nói bằng chữ Nôm, là một trong những thể thơ tài tử của dân tộc tương đối tự do, viết ra không phải để đọc mà để ngâm nga, hát xướng. Người thể hiện có thể theo đà cảm xúc mà luyến láy cho phù hợp. Bài thơ vì vậy mà đầy âm sắc, nhạc điệu.

Trước hết đi vào nội dung bài thơ,cần hiểu được nghĩa của từ
“ngất ngưởng”. Theo từ điển Tiếng Việt: ngất ngưởng là từ chỉ chỗ cheo leo dễ đổ, dễ rơi. Nhưng đặt vào văn cảnh của bài thơ, ngất ngưởng lại được hiểu là một con người khác đời, một cách sống khác đời và bất chấp mọi người. Ngay ở đoạn đầu bài thơ đã tác giả đã viết:

“Vũ trụ nội mạc phi phận sự,

Ông Hi Văn Tài bộ đã vào lồng

Khi Thủ khoa, khi Tham tám, khi Tổng đốc Đông

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng”

Tác giả khẳng định luôn, mọi việc của trời đất, chẳng có việc nào không phải phận sự của ta. Nhưng lại có sự đối lập giữa phận sự mang tầm vóc to lớn với cảnh “vào lồng” gợi ra sự tù túng, eo hẹp. Tuy nhiên, giữa quang cảnh ấy, ông “Hi Văn Tài” vẫn khẳng định tài năng của mình bằng con đường thi cử, làm quan. Khẳng định cái tôi hiên ngang của mình giữa đất trời.

Không chỉ dừng lại ở đây, tác giả còn cho người đọc hiểu rõ hơn về cái ngất ngưởng không giống ai của mình “Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng”. Theo sổ sách ghi lại: lúc về hưu ông thường cưỡi bò vàng có đeo nhạc ngựa (thiên hạ cưỡi ngựa, riêng Nguyễn Công Trứ cưỡi bò). Ông còn đem theo một mo cau buộc chỗ đuôi bò và nói để che miệng thế gian. Đúng là khác đời, khác người mà chỉ có Nguyễn Công Trứ mới dám làm như vậy. Nếu như người đời cưỡi ngựa thì ông cưỡi bò, đeo nhạc ngựa và ung dung trong tư thế:

“Tay kiếm nên cung mà nên dạng từ bi

Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì

Bụt cũng bật cười ông ngất ngưởng”

Xưa kia vốn là một danh tướng(tay kiêm cung) đầu đội trời, chân đạp đất, thế nhưng cuộc sống này rất bình dị, từ bi hiền lành. Hình ảnh ông bụt được hiện lên, làm cho sự ngất ngưởng trong phong cách sống của ông càng khác đời, mơ mơ, thực thực. Cung cách sống không chỉ được hiện lên mà tác giả còn thể hiện rõ quan điểm của mình về được mất và sự lạc quan, bình thản trước cuộc đời “ Được mất dương dương người Tái Thượng” giống như trong chuyện mất ngựa (Tái ông thất mã), Nguyễn Công Trứ quan niện được mất là lẽ đương nhiên ở đời vì thế không có gì phải vội vàng hốt hoảng. Cũng như khen chê là chuyện bình thường, có gì mà phải bi quan sầu muộn, hãy phơi phới như ngọn đông phong. Vì thế, phải sống đúng với con người thật của mình, làm những điều mình cho là đúng, là thích, là cá nhân, “ngất ngưởng” khác đời.

Nhưng trong bối cảnh thực tế lúc bấy giờ, một xã hội hà khắc, lắm tục lệ, nghi lễ gò bó con người, vì thế khi quan niệm sống “ngất ngưởng” khác người, khác đời của Nguyễn Công Trứ là một thách thức cũng như có những ánh mắt nhìn lại thường của người đời. Tuy nhiên, nếu người đọc khi đi vào tìm hiểu sâu sẽ thấy sự khát khao mãnh liệt muốn khẳng định cái tôi của chính mình. Dường như ông muốn phản kháng lại cái xã hội bóp nghẹt sự sống của con người. Là người ý thức được tài năng, phẩm giá của bản thân nên trong bài ông đã tự ví mình với bao danh tướng từ đời Hán đến đời Tống “Chẳng Thái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú”. Thế nhưng, trước cảnh nước nhà, ông luôn đau đáu, hướng về nước nhà với một tấm lòng thủy chung: “ Nghĩa vua tôi cho trọn vẹn sơ chung.” Câu thơ thể hiện một niềm cảm động và vang lên như một lời thề son sắt.

Kết thúc bài thơ, tác giả buông một câu lấp lửng “Trong triều ai ngất ngưởng như ông!” Câu thơ hiện lên vừa khẳng định, vừa thể hiện sự ca ngợi, tự hào, lời tự bạch của ông, hay lời nhận xét của người đời, hay đó chính là một lời chế giễu đầy ẩn ý. Như vậy, người đọc có thể thấy được cái tôi của chính tác giả được thể hiện trong cách “sống ngất” ngưởng của ông. Nhưng có thể thấy được rằng, Nguyễn Công Trứ là một người có thực tài, danh thực mới đĩnh đạc tự xếp vị thế mình trong lịch sử và phải “vẹn đạo vua tôi”. Từ “tay ngất ngưởng”, “Ông ngất ngưởng” để người đọc nhận ra được khí chất tài hoa của ông, một phong cách sống tài hoa, tài tử, không vướng tục cũng không thoát li, để từ đó tạo nên cái tôi của mình rất Nguyễn Công Trứ.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Ngữ văn Lớp 11 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư