LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Tóm tắt truyện Tấm Cám

2 trả lời
Hỏi chi tiết
19.620
9
3
NoName.1996
12/10/2016 13:21:27
Tấm Cám là một câu chuyện cổ tích Việt Nam thuộc thể loại truyện cổ tích thần kì, phản ánh những mâu thuẫn trong gia đình, cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cùng ước mơ cái thiện thắng cái ác của người Việt Nam.
Truyện có những nhân vật chính là: Tấm, Cám, Dì ghẻ, Bụt, Vua.

Tóm tắt truyện Tấm Cám,Tấm Cám,tóm tắt truyện cổ tích Tấm Cám,truyện cổ tích Tấm Cám,Nội dung truyện Tấm Cám

Tóm tắt nội dung truyện Tấm Cám:
Tấm là chị em cùng cha khác mẹ với Cám. Khi cha và mẹ qua đời, Tấm ở với mẹ con dì ghẻ. Hai mẹ con gì đối xử với Tấm rất cay nghiệt. Một hôm dì bảo Tấm và Cám đi bắt cá, ai bắt được nhiều sẽ được thưởng yếm đỏ. Tấm bắt được một giỏ cá đầy nhưng bị Cám lừa trút vào giỏ của mình. Tấm khóc. Bụt hiện ra bảo Tấm đem con cá bống còn sót lại về nuôi. Khi cá lớn, mẹ con Cám rình bắt cá làm thịt ăn. Tấm lại khóc. Bụt bảo đem xương cá bỏ vào bốn lọ rồi chôn dưới chân giường. Đến ngày vua mở hội, Bụt bảo Tấm đào bốn lọ ấy lên để lấy quần áo đẹp đi dự hội. Tấm nghe lời, quả nhiên có quần áo, ngựa đẹp và cả đôi giày thêu xinh xắn. Trên đường đi hội Tấm làm rơi một chiếc giày. Vua nhặt được, liền đem chiếc giày đó cho mọi người ướm thử, bảo rằng ai ướm vừa chân sẽ được vua lấy làm vợ. Mọi người nô nức chen nhau thử, nhưng chẳng ai ướm vừa chân cả. Đến lượt mình, Tấm mang vừa như in, liền được vua rước vào cung làm vợ. Ngày giỗ cha, Tấm về nhà soạn cỗ cúng. Mẹ con Cám lừa Tấm leo lên cây cau rồi đốn ngã cây làm Tấm chết, rồi Cám vào cung thay Tấm. Tấm chết hóa thành chim vàng anh, suốt ngày quanh quẩn bên vua, Cám liền bắt chim làm thịt ăn. Lông chim vàng anh biến thành cây xoan đào, Cám liền đốn cây xoan đào, lấy gỗ làm khung cửi. Lại đốt khung cửi rồi đem tro đổ thật xa. Từ đống tro ấy mọc lên một cây thị, trên cây có một quả thật to. Một bà lão đem quả thị đó về nhà, nâng niu vô cùng. Từ trong quả thị, Tấm chui ra, giúp đỡ bà cụ làm việc nhà. Bà cụ rình thấy, liền chạy vào ôm chầm Tấm và xé bỏ vỏ quả thị. Từ đó hai bà cháu sống với nhau rất đầm ấm. Một hôm vua vào quán nước của bà cụ, nhìn thấy miếng trầu do Tấm têm mà nhận ra vợ. Tấm theo vua trở về cung, trừng phạt mẹ con Cám, rồi sống hạnh phúc trong cung.

Nội dung chi tiết của truyện Tấm Cám:
Ngày xưa, ở nhà kia có người con tên là Tấm. Mẹ Tấm mất sớm, ít năm sau cha Tấm lấy thêm người vợ đẻ ra người con tên là Cám. Ít lâu sau cha Tấm cũng qua đời Tấm sống với người dì ghẻ và Cám.

Một hôm, mẹ Cám đưa cho Tấm và Cám mỗi đứa một cái giỏ sai đi bắt tép, đứa nào bắt được nhiều thì được thưởng cho một cái yếm đỏ. Tấm vốn chăm chỉ lại sợ dì mắng nên mải miết suốt buổi để bắt. Còn Cám do được mẹ nuông chiều, ham chơi nên chẳng bắt được. Cuối buổi, thấy giỏ Tấm nhiều tép, Cám nghĩ kế rồi nói:
"Chị Tấm ơi, chị Tấm!
Đầu chị lấm,
Chị hụp cho sâu
Kẻo về mẹ mắng!"

Tấm nghe lời em, xuống ao tắm gội. Cám thừa dịp trút hết tép của Tấm vào giỏ mình rồi chạy về nhà.
Lên bờ, thấy giỏ trống không, Tấm ôm mặt khóc nức nở. Bụt hiện lên hỏi, Tấm liền kể hết sự tình. Bụt bảo lấy con cá bống còn sót trong giỏ về nuôi dưới giếng, mỗi khi cho ăn thì gọi:
"Bống bống bang bang
Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta
Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người."

Tấm về làm theo lời Bụt dạy. Từ ngày đó, mẹ Cám thấy Tấm hay dành một bát cơm mang ra giếng sau khi ăn, liền sinh nghi sai Cám đi rình. Biết được sự thật, hôm sau mẹ Cám bảo Tấm đi chăn trâu nơi xa, ở nhà mẹ con Cám bắt cá bống của Tấm lên ăn.

Về nhà thấy không còn cá bống, Tấm lại khóc. Bụt hiện lên, Tấm kể lại đầu đuôi. Bụt bảo lấy xương cá bống bỏ vào bốn cái lọ rồi đem chôn dưới bốn chân giường Tấm nằm. Tấm nghe lời Bụt dạy làm ngay, nhưng không tìm thấy. Thấy thế gà lại nói:"Cục ta cục tác, cho ta nắm thóc, ta bới xương cho". Ít lâu sau, nhà vua mở hội. Hai mẹ con Cám cũng đi dự. Tấm muốn đi dự hội nhưng bị mẹ Cám trộn một đấu gạo với một đấu thóc bắt ở nhà nhặt cho xong, vả lại không có quần áo đẹp để đi. Tấm buồn mà khóc. Bụt tiếp tục hiện lên giúp Tấm. Bụt gọi một đàn chim sẻ xuống nhặt thóc cho Tấm trong nháy mắt, rồi bảo Tấm đào bốn cái lọ ngày trước chôn ở dưới bốn chân giường lên. Tấm đào lên thì thấy bốn cái lọ chứa đầy quần áo đẹp, một đôi hài thêu kim tuyến óng ánh, lại có một con ngựa đầy đủ yên cương. Tấm thay quần áo rồi cưỡi ngựa đi. Lúc này, trông Tấm vô cùng xinh đẹp.

Lúc qua cầu, Tấm vô ý làm rơi mất một chiếc hài xuống nước. Một lát, đoàn hộ tống nhà vua đi dự hội nhặt được chiếc hài ấy. Vua ngắm chiếc hài rồi ra lệnh: "Hễ đàn bà con gái nào dự hội ướm vừa chiếc hài này thì vua sẽ cưới làm vợ. Ai cũng tranh nhau ướm thử nhưng không vừa. Mẹ con Cám cũng vậy. Đến lượt Tấm ướm thử thì vừa như in. Nhà vua cho đem kiệu rước Tấm về cung làm vợ mình trước con mắt hằn học của mẹ con Cám.

Ngày giỗ cha, Tấm về ăn giỗ. Dì ghẻ bảo Tấm trèo cây cau, hái cau cúng cha. Đang khi Tấm ở trên ngọn cau thì ở dưới dì ghẻ lấy dao chặt cây làm Tấm té mà chết. Cám lấy quần áo Tấm mặc rồi vào cung thay Tấm. Tấm chết biến thành chim vàng anh.
Thấy Cám giặt áo cho vua, chim bảo:
"Phơi áo chồng tao, phơi lao phơi sào
Chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao"
rồi kêu oạch oạch oạch oạch và bay vào hoàng cung.

Vua thấy chim hay bay theo mình, nhớ Tấm, liền bảo chim rằng:
"Vàng ảnh vàng anh
Có phải vợ anh
Chui vào tay áo."

Dứt lời, chim bay vào tay áo vua. Từ đó, vua suốt ngày quấn quýt với chim vàng anh, khiến Cám tức tối về mách mẹ. Mẹ Cám bảo Cám bắt chim đem cho mèo ăn, chôn lông chim ngoài vườn. Chẳng bao lâu nơi đó mọc lên hai cây xoan đào, xum xuê tươi tốt. Vua thấy đẹp nên sai người mắc võng vào cây hóng mát. Mỗi khi nằm dưới bóng cây vua lại thấy hình ảnh Tấm hiện ra, nên rất quý cây. Cám được mẹ xui chặt cây xoan đào lấy gỗ đóng khung cửi. Lúc ngồi dệt vải, Cám nghe con ác trên khung cửi kêu:

"Cót ca cót két.
Lấy tranh chồng chị
Chị khoét mắt ra."

Cám hốt hoảng và nói với dì ghẻ. Nghe lời mẹ chỉ, Cám đốt khung cửi rồi đổ tro bên đường xa cung vua. Từ đống tro ấy mọc lên một cây thị, cành lá sum sê. Đến mùa, cây thị chỉ ra được một quả, nhưng mùi thơm tỏa ra khắp nơi. Một bà lão bán hàng nước đi qua thấy quả thị liền nói:

"Thị ơi thị rơi bị bà
Bà để bà ngửi, chứ bà không ăn."

Bà lão dứt lời thì quả thị rụng ngay đúng vào bị, bà lão đem về nhà. Từ đó, ngày nào đi chợ về bà cũng thấy nhà cửa ngăn nắp, cơm nước sẵn sàng. Ngạc nhiên, một hôm bà lão giả vờ đi chợ rồi quay lại rình xem. Bà thấy một cô gái xinh đẹp từ quả thị bước ra, nấu cơm, sửa soạn nhà cửa. Bà vội chạy vào nhặt cái vỏ thị, xé vụn. Từ đó hai người sống với nhau như mẹ con.

Một hôm, nhà vua đi ngang ghé hàng nước của bà. Bà lão rót nước mời vua ăn trầu. Thấy miếng trầu têm cánh phượng giống hệt trầu Tấm têm cho vua ngày xưa, nhà vua mới hỏi bà lão ai đã têm trầu. Bà lão gọi Tấm ra. Vua nhận ra vợ mình, đón Tấm trở về cung, hai người sống hạnh phúc như xưa.

Sau này, Cám thấy Tấm vẫn còn sống mà lại trắng đẹp hơn xưa nên Cám băn khoăn tự hỏi vì sao. Tấm bày cho Cám tắm với nước sôi thì sẽ đẹp. Cám hí hửng làm theo, đổ một bồn nước sôi rồi tắm sau đó chết ngay tức khắc. Tấm sai người chặt xác của Cám ra làm 8 khúc, lấy thịt làm cỗ mắm rồi gửi cho dì ghẻ ăn. Thấy Tấm có lòng tốt, dì ghẻ không nghi ngờ gì mà vẫn cứ ăn. Một con quạ chợt đậu lại bên cửa sổ, nhìn vào và hót:

"Ngon ngỏn ngòn ngon. Mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng?"

Mẹ Cám ăn gần hết mắm nhìn vào chĩnh thấy đầu lâu của con mình nên lăn đùng ra chết.

Những cái kết khác nhau của truyện Tấm Cám
Một số các ấn bản như Truyện cổ tích Việt Nam chọn lọc của Nhà xuất bản (Nhà xuất bản) Văn hóa - Văn nghệ biên soạn; cuốn "Truyện cổ tích Việt Nam" của Nhà xuất bản Văn học hay cuốn "Truyện Cổ tích Việt Nam đặc sắc" của Nhà xuất bản Văn học do Phúc Hải tuyển chọn, kết thúc của truyện là kịch tính. Cô Tấm hiền lành sau khi được trở lại cung thì trả thù mẹ con Cám. Đầu tiên cô dội nước sôi cho Cám chết còng queo, sau đó mang Cám đi muối mắm và gửi hũ mắm đó cho mẹ ghẻ ăn. Bà mẹ ghẻ ăn đến hết hũ mắm thì thấy đầu lâu của con gái hiện ra mới uất ức quá mà lăn ra chết. Nhiều người lý giải rằng đây chính là sự trỗi dậy của cô Tấm - đại diện cho lòng căm thù của dân gian đối với cái ác và khẳng định cái ác sẽ bị trừng trị thích đáng. Tuy nhiêu cũng rất nhiều ý kiến khác không ủng hộ đoạn kết này vì nó làm mất đi hình tượng cô Tấm hiền lành nết na của văn học dân gian Việt Nam.

Một số ấn bản khác từ năm 1996 như Tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam của Chu Xuân Diên - Lê Chí Quế - Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội; hay Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập 4, Nhà xuất bản Khoa học xã hội của tác giả Nguyễn Đổng Chi, kết chuyện ở đoạn Cám bị dội nước sôi mà chết, mẹ ghẻ nghe tin cũng chết theo. Đoạn muối mắm đã được cắt bỏ để giảm bớt tính kịch tính của câu chuyện. Khi Tấm Cám được đưa vào chương trình học phổ thông, trong SGK Ngữ văn lớp 10 thì đoạn kết truyện được giảm nhẹ đi tương tự.

Nhiều ấn bản khác như cuốn Truyện cổ tích Việt Nam - Mẹ kể con nghe của Nhà xuất bản Mỹ thuật; bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam cũng của Nhà xuất bản Mỹ thuật; bộ Truyện cổ tích Việt Nam dành cho thiếu nhi của Nhà xuất bản Văn Học…), truyện kết thúc khi mẹ con Cám xấu hổ bỏ đi và bị sét đánh chết - một sự trừng phạt của tự nhiên. Hoặc chỉ kết thúc đơn giản là Cô Tấm được hạnh phúc bên nhà Vua, còn mẹ con Cám đã bị trừng trị thích đáng. Cái kết này vẫn giữ được hình ảnh cô Tấm tốt bụng vị tha, đồng thời vẫn khẳng định được quan niệm của dân gian "ác giả ác báo", "lưới trời lồng lộng" làm việc ác khắc bị trừng phạt theo lẽ tự nhiên.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
2
8
Tô Hương Liên
07/04/2018 11:16:43

Đề bài: Tóm tắt truyện Tấm Cám

Bài làm

   Tấm Cám là một trong nhiều truyện tiêu biểu cho loại truyện cổ tích thần kì Việt Nam. Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Bố mẹ mất sớm, Tấm phải ở với dì ghẻ (mẹ Cám). Tấm vất vả, khổ cực, còn Cám thì được cưng chiều.

   Một hôm, Tấm và Cám cùng đi hớt tép, Cám mải rong chơi nên chiều về giỏ không. Cám đã lừa trút hết tép trong giỏ của Tâm. Tấm khóc. Bụt hiện lên bảo Tấm xem trong giỏ còn gì không. Tấm tìm thấy một con cá bống. Tấm thả cá Bống xuống giếng, mỗi ngày cho Bống ăn cơm. Mẹ con nhà Cám rình, biết được, đã lừa cho Tấm đi chăn trâu thật xa, ở nhà giết thịt cá bống. Bụt bảo Tấm tìm nhặt xương cá, bỏ vào bốn cái lọ, chôn ở bốn chân giường.

   Đến ngày hội làng, mọi người nô nức đi xem hội. Mẹ con Cám trước khi đi còn trộn thóc lẫn gạo bắt Tấm nhặt. Tấm tủi thân ngồi khóc. Bụt hiện lên, sai đàn chim sẻ nhặt giúp Tấm. Rồi bảo Tấm đào bốn cái lọ xương bống dưới chân giường lên. Trong lọ có quần áo đẹp, khăn, nón, giày... và một con ngựa hồng rất đẹp. Tấm vui sướng, tắm rửa, thay đồ, cưỡi ngựa đi xem hội.

   Khi ngựa qua cầu, chẳng may Tấm đánh rơi một chiếc giày xuống sông. Tấm mò mãi mà không được.

   Lát sau, ngựa của nhà vua qua cầu cứ hí lên không chịu đi. Vua sai quân lính xuống sông mò, thì bắt được một chiếc giày xinh đẹp. Vua truyền lệnh: hễ ai ướm giày vừa chân thì vua sẽ lấy làm vợ.

   Mọi người thi nhau ướm thử. Đến lượt Tấm, chiếc giày vừa vặn. Vua cho kiệu rước Tấm về cung. Ít lâu sau, nhân ngày giỗ bố, Tấm xin phép vua về thăm nhà. Dì ghẻ lập mưu lừa Tấm trèo cau rồi đốn gốc giết Tấm, để Cám vào cung thay chị.

   Tấm chết, biến thành Vàng Anh. Vua rất yêu chim. Mẹ con Cám giết Vàng Anh, đổ lông ra góc vườn. Nơi ấy mọc ra hai cây xoan đào. Vua rất thích hai cây xoan đào, mắc võng ngủ, không để ý gì đến Cám. Mẹ con Cám chặt hai cây xoan làm khung cửi. Khung cửi kêu tiếng người khiến Cám sợ hãi chặt khung cửi, đốt, đem tro đổ ra thật xa.

   Nơi xa ấy lại mọc ra cây thị tươi tốt. Nhưng cây thị chỉ có một quả thơm và ở trên cao. Một bà cụ đi chợ trông thấy, đọc câu: Thị ơi, thị hỡi! Thị rụng bị bà. Thị thơm bà ngửi, chứ bà không ăn. Quả thị liền rụng vào bị bà. Bà cụ đem về. Tâm ở trong quả thị chui ra, nâu cơm, nấu nước, dọn nhà dọn cửa cho bà. Bà cụ rình bắt được, xé nát vỏ quả thị đi. Từ đó Tấm sống với bà cụ như hai mẹ con.

   Một lần, nhà Vua kinh lí đi qua ghé vào quán nước, nhận được Tấm. Vua đón nàng về cung.Cám thây chị đẹp hơn xưa đem lòng ganh ghét. Tấm trả thù Cám. Mụ dì ghẻ cũng uất lên mà chết theo con.

   Truyện Tấm Cám phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội, nói lên số phận của những con người mồ côi, bất hạnh và thể hiện khát vọng chiến thắng cái ác giành và giữ hạnh phúc.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập Ngữ văn Lớp 10 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư