Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.
Núi cao biển rộng mênh mông.
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!
Đây là lời hát ru của bà, của mẹ trên cánh võng đong đưagiữa trưa hè nóng bức hay trong những đêm đông giá rét. Am điệu của lời ca giống như lời tâm tình thủ thỉ, thiết tha, sâu lắng. Lời ru thường gắn liền với những quan hệ tình cảm gia đình và xã hội. Trên đời này, không có bài hát ru nào mà mối quan hệ giữa người nghe và người hát lại gần gũi, ấm áp, thiêng liêng như ở bài này.Để khẳng định công cha, nghĩa mẹ, ca dao thường lấy những hình ảnh lớn lao, vĩnh hằng của thiên nhiên để so sánh. Trong văn chương phương Đông, vai trò của người cha thường được ví với trời, với núi; vai trò của người mẹ ví với đất hoặc ví với biển trong các cặp biểu tượng truyền thống (cha – trời, mẹ - đất, cha – núi, mẹ - biển). Những hình ảnh ước lệ đẹp đẽ ấy lại được miêu tả bổ sung bằng những định ngữ chỉ mức độ (núi ngất trời – núi cao, biển rộng mênh mông). Bởi vì chỉ có những hình ảnh lớn lao, kì vĩ ấy mới diễn tả nổi công ơn của cha mẹ. Núi ngất trời, biển rộng mênh mông không thể nào đo được, cũng như công cha nghĩa mẹ đối với các con kể sao cho xiết! Công cha sánh đôi với nghĩa mẹ cũng là cách nói đối xứng truyền thống trong ca dao – dân ca. Nhờ nghệ thuật so sánh tài tình mà lời giáo huấn khô khan về chữ hiếu đã biến thành lời ru ngọt ngào, êm ái. Vì thế mà khái niệm trừu tượng về công cha, nghĩa mẹ cũng trở nên cụ thể, sinh động và thấm thía hơn.Công cha, nghĩa mẹ được đúc kết lại ở Cù lao chín chữ. (Cách nói đảo ngược của Chín chữ cù lao - thành ngữ thường được dùng để nhắc đến công ơn cha mẹ). Lời nhắn nhủ chan chứa ân tình về công cha, nghĩa mẹ, về đạo làm con dần dần thấm qua dòng sữa ngọt ngào, qua lời ru êm ái, cứ từng ngày, từng ngay nuôi dưỡng tâm hồn và nhan cách của mỗi chúng ta.