Trong xã hội hiện nay, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, mối quan hệ giữa người với người ngày càng phức tạp, tâm lý ganh ghét, đố kỵ càng trở nên phổ biến. Tính đố kỵ là thù ghét những ai có điều gì đó hơn mình. Từ đó nảy sinh thái độ đố kỵ. Thái độ đố kỵ là tỏ ra khó chịu khi thấy người khác được hơn mình. Khi đi học, ghen ghét với người học giỏi hơn mình, tại cơ quan đố kỵ với người giỏi chuyên môn, được tín nhiệm, đạt nhiều danh hiệu cao quý hơn mình. Chính cái khó chịu, bực bội trong lòng ấy là nguyên nhân của sự đố kỵ. Trong công việc, khi có chút quyền lợi cũng là lúc nảy sinh thái độ hơn thiệt, đụng chạm quyền lợi với người này người kia. Nếu không phải là người có tâm trong sáng, lúc đó tâm đố kỵ sẽ xuất hiện. Sự nguy hiểm của tính đố kỵ chính là ở chỗ ác tâm, mang lòng thù ghét, thậm chí nghĩ ra cách làm hại người khác để thỏa mãn thù hận của mình..
Tính đố kỵ nằm sẵn trong mỗi con người, không phân biệt lứa tuổi, giới tính, bình dân hay trí thức. Đàn ông hay đàn bà đều có, nhưng ta thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn. Phụ nữ dễ nhiễm phải con quỷ ghen tị, bởi do có thể họ thường chịu nhiều thiệt thòi hơn. Những người đàn ông ác tâm, nóng nảy thường nói chuyện với nhau bằng chân, tay. Còn cuộc chiến của phụ nữ lại ngấm ngầm, dai dẳng, lắm mưu mô nhiều thủ đoạn. Nhiều khi ghen ghét đố kỵ tới mức tìm mọi cách hãm hại người khác để rồi tự biến thành những con người hèn kém, độc ác. Âu đó cũng coi như họ tự tước đoạt hạnh phúc của chính bản thân họ vậy.
Thông thường, nếu yêu nhau, vun đắp cho nhau thì cuộc sống vô cùng êm ả, bình dị. Nhưng nếu rắp tâm hại người thì luôn phải vắt óc tinh toán mưu đồ, bộ dạng già nua, thần sắc thất kinh lo sợ bị lật tẩy. Cuộc sống trôi qua trong bức xúc, hậm hực, ngột ngạt, nặng nề chẳng khác nào giữa chốn địa ngục. Nhiều khi bộc lộ ra ngoài bằng đâm bị thóc, chọc bị gạo... Ngược lại, hễ bị người nào đó rắp tâm hãm hại mình bằng cách này hay cách khác, thì cuộc sống trôi qua cũng buồn phiền, chán nản. Nếu không có nhận thức, thiếu hiểu biết sẽ dễ mất niềm tin vào cuộc sống, xã hội ảnh hưởng tới học tập, công tác.
Ganh ghét, đố kỵ hầu như thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc, mọi lĩnh vực và mọi mặt trong cuộc sống. Nó cũng đa dạng về sắc thái, giàu có về cung bậc. Khi ai đó bàn luận về một người nào đó vừa đẹp, vừa tài năng lại vừa hạnh phúc, thì sẽ có ngay kẻ phán rằng, hạnh phúc đó là tạm thời, giả tạo. Và rồi, là tìm hiểu, moi móc, rêu rao khiếm khuyết của họ. Không hiểu người được hạnh phúc có tước đoạt đi của họ miếng cơm manh áo nào không, mà họ phải đố kỵ đến thế. Không hiểu sự đố kỵ có sức hấp dẫn thế nào, khiến nhiều người dễ dàng biến mình thành kẻ hèn kém, tiểu nhân, biến những mối quan hệ đang yên lành trở thành thù hận, ganh ghét như vậy. Có lẽ, người ta thích đạp người khác xuống để che đi sự kém cỏi của mình, để khỏa lấp những “thiệt thòi” mà họ cho rằng số phận không ưu ái đối với họ. Chúng ta vẫn biết “gieo tính cách, gặt số phận”. Không ai tin rằng số phận sẽ mỉm cười với những ai luôn đi gây mầm ghen ghét hận thù. Thực chất đố kỵ không giúp ai tạo ra một kết quả nào. Khi đố kỵ ai đó, gièm pha hay kéo bầy đàn vào nhằm hạ uy tín, danh dự người khác, danh dự, uy tín của người đó không hề được tăng thêm. Cuộc sống của họ cũng không hề tốt hơn. Đồng nghiệp cũng chẳng quý hơn khi chiến thắng trong cuộc chiến gièm pha đối thủ. Có chăng chỉ thỏa mãn nhất thời thói ích kỷ bản thân.
Lòng ghen ghét, đố kỵ có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Người có tính ganh ghét, đố kỵ bao giờ cũng căng thẳng về tâm thần, tổn hại về sức khỏe. Họ sẽ bị chứng bệnh “stress” hành hạ. Trong 14 điều răn, Đức Thích Ca Mâu Ni đã từng dạy chúng sinh: “Khổ tâm lớn nhất của đời người là sự ganh ghét, đố kỵ. Sai lầm lớn nhất của đời người là tự đánh mất chính mình”. Một nhà văn người Pháp cũng nhận định: “Người có tính ganh tỵ khổ sở hơn bất cứ một người bất hạnh nào. Bởi vì hạnh phúc của người khác càng lớn bao nhiêu thì nỗi bất hạnh trong anh ta sẽ nhân lên bấy nhiêu lần”.
Sự ganh ghét, đố kỵ phá hoại mối quan hệ giữa người với người. Vì ganh ghét, đố kỵ mà hòa khí bị rạn nứt, đổ vỡ, sức mạnh đoàn kết và sự hợp tác của tập thể bị tổn thương. Lòng ganh ghét, đố kỵ còn cản trở con người phát triển tài năng. Trong một tập thể chỉ cần phảng phất chút lòng ganh ghét, đố kỵ là nội bộ lủng củng, mất đoàn kết, mọi người không sao sống thân thiện, thoải mái, chân tình với nhau, nhân tài sẽ không có môi trường thuận lợi để phát huy tác dụng.
Nguyên nhân của người có thói đố kị là do thiếu tự tin, mặc cảm, tự ti mà lại sẵn lòng tự cao, tự đại. Có thể còn do lối sống cô độc, ít giao tiếp và thói quen hay chỉ trích, đả kích người khác. Một số do cuộc sống thiếu tình cảm hoặc thường xuyên gặp thất bại trong cuộc sống. Hoặc cảm thấy người khác sung sướng, hạnh phúc, may mắn hơn mình. Những con người này không có nhận thức đúng về sự vật, hiện tượng xung quanh. Do đó mù quáng, nặng nề, mất bình tĩnh, bất công với bản thân. Từ đó họ không có cơ hội nhân hậu với cuộc đời và với chính mình, dễ phát sinh kẻ thù trong cuộc sống. Những người này có thể dễ dàng trở thành tội phạm.
Sự ghen ghét, đố kỵ là một trong những tội lỗi nguy hiểm bị xã hội tẩy chay: tính tự phụ, sự cáu giận, sự lười biếng, lòng tham, thói phàm ăn và dục vọng. Nhưng lòng đố kỵ vẫn len lỏi để tồn tại trong xã hội hiện đại.
Nếu những công dân bình thường ngưỡng mộ những nhân vật kiệt xuất và mong muốn, phấn đấu được như họ thì những kẻ có tâm đố kỵ ném ánh mắt ghen tị về những nhân vật kiệt xuất, thèm muốn được như họ nhưng không phấn đấu theo hướng tích cực mà muốn đạp đổ họ. Tác giả A. Balters cho rằng về bản chất, lòng đố kỵ là cuộc chiến của chúng ta với chính bản thân. "Chúng ta chỉ có thể vượt qua sự đố kỵ bằng cách thay vì mải mê nhìn theo người khác thì hãy nhìn lại mình. Mỗi người cần phải bằng lòng với bản thân trong giới hạn khả năng cho phép. Đó là cách hiệu quả nhất để xoá bỏ lòng ghen tị". Còn theo nhà tâm lý Haubl "Sự đố kỵ hình thành nên một tầm nhìn chật hẹp. Chúng ta cần phải thay đổi cách nhìn để đạt được những thứ trong tầm tay".
Những người bị hành hạ bởi tính đố kỵ đều ảnh hưởng xấu đến cuộc sống. Nó không chỉ thúc đẩy con người thực hiện các hành vi dại dột, mà còn gặm nhấm sức khỏe của người đó. Là một người có tính đố kỵ sẽ có rất ít thời gian để nhận ra và hưởng thụ nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Trước hết, lòng ghen tị phá hoại mối quan hệ giữa người và người, cản trở con người phát triển tài năng, đồng thời sức mạnh đoàn kết và tinh thần hợp tác ngày càng suy yếu. Sau nữa, chính tinh thần và thể chất của bản thân người có tính ghen tị bị tổn hại, bị chìm ngập trong các cảm xúc tiêu cực: buồn bực, lo lắng, căm ghét, cảm giác tự ti khiến bạn mệt mõi cả thể xác lẫn tinh thần. Nhà văn Balzac từng nói: “Người có tính ghen tị đau khổ hơn bất cứ một người bất hạnh nào, bởi hạnh phúc của người khác cộng với sự bất hạnh của mình làm cho ta đau khổ gấp nhiều lần”. Nhà lý luận phê bình văn học Vương Trí Nhàn nói rằng “người Việt cứ nghĩ ai nói ra cái xấu của mình thì là kẻ thù, và gạt đi cho bằng được. Mà như thế là tự chặt đi con đường nhận diện bản thân, thế giới, lúc nào cũng dương dương tự đắc”...
Nhiều người thừa nhận khi nói đến cái xấu, cái khiếm khuyết của người khác, dù là nói rất chân thành, nói đúng nơi đúng lúc... thì nhiều khi vẫn bị “người ta” ngấm ngầm oán trách, thậm chí tìm cách trả đũa, nặng hơn nữa là trả thù.
Vậy nên, hãy tập cạnh tranh một cách lành mạnh, chính đáng. Nếu có thể so bì, ấm ức thì tại sao không biến những cái đó thành nghị lực để phấn đấu vươn lên? Tại sao không biết biến niềm kiêu hãnh của người khác thành liều thuốc kích thích cho chính mình?
Sự ghen ghét luôn là một đặc tính của con người. Nó không phải phát sinh từ xã hội hiện đại, mà có từ rất xa xưa. Loài người là những con vật xã hội xây dựng hình ảnh cái tôi bằng cách phân biệt với người khác. "Chừng nào con người còn so sánh lẫn nhau thì còn có sự đố kỵ". (S. Neckel) Tính đố kỵ, ganh ghét từ xa xưa đã có. Trong truyện “Tam quốc diễn nghĩa” Chu Du vì ghen tức Gia Cát Lượng tài trí hơn mình đã bao lần đang tâm hãm hại mà không được, cuối cùng vì uất hận hộc máu mồm mà chết. Đó chính là một điển hình về lòng ganh ghét, đố kỵ.
Chúng ta đừng vì sự ganh ghét, đố kỵ mà chán nản, buồn phiền, ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật. Cũng không vì vậy mà thù oán, làm tổn thương, hại họa tới người khác. Như thế chỉ tỏ ra ta là người yếu thế và tổn hại đến nhân cách. Chúng ta cần tỏ ra là người có ước mơ, hoài bão cao thượng và phấn đấu đạt cho kỳ được điều đó bằng các hành động đúng đắn.