Theo tổng kết, đánh giá, khảo sát thì tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em hiện nay có xu hướng gia tăng theo từng năm, số lượng các vụ án liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian qua đều có xu hướng tăng, với diễn biến ngày càng phức tạp và hết sức khó lường của loại tội phạm này. Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an, mặc dù chỉ là phần nhỏ so với thực tế nhưng mỗi năm trung bình có 1.600 – 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, số vụ mà trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%), số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm tới 13,2%. Số liệu thống kê năm 2016 của Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an cho thấy, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội trên toàn quốc đã phát hiện 1.373 vụ xâm hại tình dục trẻ em, với 1.352 đối tượng; trong đó đã khởi tố hàng trăm vụ án hiếp dâm trẻ em (chiếm 30,1%), với 438 bị can (chiếm 32,3%); 465 vụ án giao cấu với trẻ em (chiếm 33,8%), với 461 bị can (chiếm 34,1%). Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, trong 5 năm (từ năm 2012 – 2016), tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 9.305 vụ với 10.656 bị cáo, trong đó, đưa ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm 8.674 vụ (chiếm 93,2%), với 9.873 bị cáo (chiếm 92,65%)[1].
Quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội xâm hại tình dục trẻ em
Với tinh thần chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh chống tội xâm hại tình dục trẻ em, trên cơ sở nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự trong các tội xâm hại tình dục trẻ em, các quy định về tội xâm hại tình dục trẻ em trong Bộ luật Hình sự năm 2015 thể hiện rõ nguyên tắc phân hóa trách nhiệm được thực hiện ở một bước cao hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc cá thể hóa hình phạt. Nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự được thể hiện qua việc cụ thể hóa ở mức tối đa các tình tiết định khung của từng tội phạm. Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã cụ thể hóa một số khái niệm như: “người đã thành niên” được thay bằng “người đủ 18 tuổi trở lên”; “nhiều người” được thay bằng “từ 02 người trở lên”; “nhiều lần” được thay bằng “từ 02 lần trở lên”; “gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật…” được thay bằng “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật…”. Khái niệm “hiếp dâm trẻ em” được thay bằng “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ” hoặc “giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi”. Theo đó, khái niệm “cưỡng dâm trẻ em”, “giao cấu với trẻ em”, “dâm ô với trẻ em” cũng được quy định cụ thể để bảo đảm tính thống nhất trong cách hiểu và quá trình áp dụng của các cơ quan có thẩm quyền.
Các tội xâm hại tình dục trẻ em được quy định tại Chương XIV (Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người) trong Bộ luật Hình sự năm 2015 gồm 5 Điều (Điều 142, 144, 145, 146, 147). So với Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Hình sự năm 2015 tăng thêm một điều (Điều 147) quy định về tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm.
Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015)
Tội này được quy định tại Điều 112 (tội hiếp dâm trẻ em) Bộ luật Hình sự năm 1999. Tại Bộ luật Hình sự năm 2015, tên của điều luật đã thay cụm từ “trẻ em” thành cụm từ “người dưới 16 tuổi”. Khung hình phạt cao nhất của tội này được giữ nguyên là phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Các khoản trong điều luật được rút gọn từ 5 khoản xuống còn 4 khoản, nội dung các khoản của tội này trong Bộ luật Hình sự năm 1999 không quy định chi tiết, cụ thể hóa hành vi phạm tội như nội dung các khoản của tội này trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể:
– Khoản 1 Điều 112 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: Người nào hiếp dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm”, nhưng khoản 1 Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định cụ thể về các hành vi phạm tội: Người nào thực hiện các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ; giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
– Khoản 2 Điều 112 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tính chất loạn luận; làm nạn nhân có thai; gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; tái phạm nguy hiểm, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định theo hướng cụ thể đối với từng trường hợp phạm tội là: …; gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; quy định thêm trường hợp phạm tội 02 lần trở lên; đối với 02 người trở lên;…, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
– Khoản 3 Điều 112 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức; nhiều người hiếp một người; phạm tội nhiều lần; đối với nhiều người; gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên; biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; làm nạn nhân chết hoặc tự sát, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Khoản 3 Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định thêm trường hợp phạm tội đối với người dưới 10 tuổi và đối với trường hợp gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;…, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
– Bỏ khoản 4 Điều 112 Bộ luật Hình sự năm 1999, giữ nguyên khoản 5 chuyển sang quy định tại khoản 4 Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144 Bộ luật Hình sự năm 2015)
Tội này được quy định tại Điều 114 Bộ luật Hình sự năm 1999 (tội cưỡng dâm trẻ em), Bộ luật Hình sự năm 2015 thay cụm từ “trẻ em” thành cụm từ “người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”. Khung hình phạt cao nhất của tội này được giữ nguyên là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Các khoản trong điều luật được rút gọn từ 5 khoản xuống còn 4 khoản. Cụ thể:
– Khoản 1 Điều 114 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: Người nào cưỡng dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm. Khoản 1 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình hoặc trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.
– Khoản 2 Điều 114 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tính chất loạn luân; làm nạn nhân có thai; gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; tái phạm nguy hiểm, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Khoản 2 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định theo hướng cụ thể và có tính định lượng như: …; gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; phạm tội 02 lần trở lên; đối với 02 người trở lên;…, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
– Khoản 3 Điều 114 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: nhiều người cưỡng dâm một người; phạm tội nhiều lần; đối với nhiều người; gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên; biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; làm nạn nhân chết hoặc tự sát, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Khoản 3 Điều 144 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định rút gọn, bỏ điểm b và c, bổ sung thêm nội dung tại điểm d, cụ thể: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: nhiều người cưỡng dâm một người; gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; …, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
– Khoản 4 Điều 114 Bộ luật Hình sự năm 1999 giữ nguyên và được chuyển sang quy định tại khoản 4 Điều 144 Bộ luật Hình sự năm 2015: Người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145 Bộ luật Hình sự năm 2015)
Tội này được quy định tại Điều 115 Bộ luật Hình sự năm 1999 (tội giao cấu với trẻ em). Tên của điều luật được sửa đổi, bổ sung và thay thế thành tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Nội dung của điều luật được sửa đổi, bổ sung thêm 01 khoản và được quy định theo hướng lượng hóa hành vi phạm tội, có tính chất loại trừ. Khung hình phạt cao nhất của tội này được giữ nguyên là bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Cụ thể:
– Khoản 1 Điều 115 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: Người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Khoản 1 Điều 145 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Người nào từ đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 Bộ luật Hình sự năm 2015, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
– Khoản 2 Điều 115 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: phạm tội nhiều lần; đối với nhiều người; có tính chất loạn luân; làm nạn nhân có thai; gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. Khoản 2 Điều 145 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định theo hướng lượng hóa hành vi phạm tội tại điểm a, b; bổ sung thêm nội dung tại điểm đ và quy định thêm điểm e, cụ thể: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: phạm tội 02 lần trở lên; đối với 02 người trở lên; …; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
– Khoản 3 Điều 115 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên; biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Khoản 3 Điều 145 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Khoản 4 Điều 145 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Bộ luật Hình sự năm 1999 không có quy định này.
Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015)
Tội này được quy định tại Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999 (tội dâm ô đối với trẻ em). Tên điều luật thay cụm từ “trẻ em” thành cụm từ “người dưới 16 tuổi). Về nội dung điều này trong Bộ luật Hình sự năm 2015 có sửa đổi nội dung các khoản, bổ sung thêm một số điểm trong một số khoản và quy định theo hướng lượng hóa hành vi phạm tội, quy định rõ mức độ gây tổn hại cho nạn nhân do tác động của hành vi phạm tội gây ra. Khung hình phạt cao nhất của tội này vẫn giữ nguyên là bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm, bổ sung thêm quy định một số trường hợp phạm tội. Cụ thể:
– Khoản 1 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: Người nào đã thành niên mà có hành vi dâm ô đối với trẻ em, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Khoản 1 Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
– Khoản 2 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: phạm tội nhiều lần; đối với nhiều trẻ em; đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; gây hậu quả nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm. Khoản 2 Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: phạm tội có tổ chức; phạm tội 02 lần trở lên; đối với 02 người trở lên; đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;…, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Khoản này bỏ trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại khoản 2 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999.
– Khoản 3 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặt biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bảy năm đến 12 năm. Khoản 3 Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định theo hướng cụ thể hơn: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; làm nạn nhân tự sát, thì bị phạt từ từ 07 năm đến 12 năm.
– Khoản 4 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999 được giữ nguyên và quy định tại khoản 4 Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015: Người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147 Bộ luật Hình sự năm 2015)
Đây là quy định mới được đưa vào Chương XIV Bộ luật Hình sự năm 2015, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đấu tranh, phòng ngừa tội phạm vì trên thực tế, các hình thức khiêu dâm bùng nổ và gia tăng khắp nơi dưới nhiều hình thức. Trong đó, xuất hiện cả những hiện tượng sử dụng trẻ em, người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. Hành vi này đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nạn nhân, gia đình và xã hội. Mặc dù Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định về tội dâm ô trẻ em song quy định này chưa bao quát hết các hành vi xâm hại tình dục trẻ em đã và đang diễn ra hiện nay. Hiện tượng ép buộc trẻ em phải biểu diễn các hành vi khiêu dâm, đóng phim khiêu dâm, xem những hình ảnh khiêu dâm… đang diễn ra khó kiểm soát. Do vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung thêm quy định về tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm nhằm xử lý triệt để mọi hành vi xâm phạm tình dục trẻ em là rất hợp lý, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn đấu tranh, phòng chống tội phạm và hạn chế sự gia tăng của tội phạm này. Cụ thể điều luật quy định, phạm tội trong các trường hợp: phạm tội có tổ chức; phạm tội 02 lần trở lên; đối với 02 người trở lên; đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; có mục đích thương mại; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; tái phạm nguy hiểm, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; làm nạn nhân tự sát, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Một số giải pháp góp phần tăng cường hiệu quả thực thi Bộ luật Hình sự năm 2015
Tăng cường việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự về các tội xâm hại tình dục trẻ em
Để bảo đảm thống nhất cách hiểu và áp dụng đúng quy định về các tội xâm hại tình dục trẻ em trong Bộ luật Hình sự vào công tác xét xử, rất cần được Tòa án nhân dân tối cao sớm ban hành nghị quyết hướng dẫn cụ thể như thế nào là hành vi quan hệ tình dục khác; trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân; lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu;… Đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về kỹ năng xét xử các tội xâm hại tình dục trẻ em cho các tòa án trong phạm vi toàn quốc nhằm trau rồi, nâng cao kiến thức và kỹ năng xét xử đối với các tội xâm hại tình dục trẻ em.
Các giải pháp nâng cao năng lực của các cơ quan, tổ chức
Để tăng cường hiệu quả thực thi của Bộ luật Hình sự năm 2015 nói chung và các quy định về tội xâm hại tình dục trẻ em nói riêng, Chính phủ cần đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, đặc biệt là có chương trình, hành động cụ thể về đấu tranh, phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Tiếp tục tập huấn và giới thiệu sâu rộng các quy định pháp luật của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội xâm hại tình dục trẻ em, không chỉ tập trung ở các tỉnh/thành phố mà cần phải triển khai tại các vùng sâu, vùng xa, miền núi… để mọi công dân đều nhận thức được vấn đề bảo vệ trẻ em khỏi nạn xâm hại tình dục không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước mà là trách nhiệm của cả cộng đồng, mỗi người dân đều phải có ý thức trang bị kiến thức và giúp con em mình nhận thức đầy đủ về những hậu quả nghiêm trọng của tội phạm này gây ra, để mọi người dân đều tích cực tham gia vào công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, hạn chế tình hình tội phạm này gia tăng.
Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng như công an, viện kiểm sát, tòa án với các cơ quan ban ngành khác có liên quan, các tổ chức đoàn thể, xã hội… và đặc biệt là với nhân dân trong việc phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm minh các hành vi liên quan đến việc xâm phạm tình dục trẻ em và có cơ chế bảo vệ nạn nhân cũng như người tố cáo để họ mạnh dạn khai báo, tố cáo tội phạm.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục dưới mọi hình thức (báo hình, báo nói, báo viết, báo điện tử, pano, áp phíc, tờ gấp, tờ rơi, đưa các nội dung tuyên truyền đến các tổ dân phố, thôn, bản, xã, phường…) nhằm nâng cao nhận thức và phát huy trách nhiệm của cộng đồng xã hội, gia đình, nhà trường đối với việc quản lý, giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Ngành giáo dục cần chủ động sớm đưa các nội dung giáo dục giới tính vào chương trình giáo dục bắt buộc đối với học sinh, sinh viên nhằm nâng cao nhận thức và khả năng tự vệ từ chính phía đối tượng có nguy cơ bị xâm hại.
Thường xuyên phổ biến những phương thức, thủ đoạn phạm tội và các vụ việc xảy ra trên các phương tiện thông tin truyền thông để mọi người dân và tự bản thân trẻ em nâng cao ý thức phòng ngừa; hướng dẫn cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là trẻ em một số biện pháp phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Thiết lập các đường dây “nóng”, hòm thư tố giác tội phạm để tiếp nhận mọi thông tin, tài liệu liên quan đến các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, sớm có biện pháp xử lý kịp thời, thỏa đáng.