Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Trong những năm 1925 - 1926, đồng chí tích cực tham gia phong trào yêu nước của nhân dân ta và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Cuối năm 1929, đồng chí gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng. Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí trở thành đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng và là một trong những chiến sĩ cộng sản đầu tiên của tỉnh Hà Nam. Đồng chí trực tiếp tham gia viết báo, làm thơ tuyên truyền cách mạng, đồng thời tham gia tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng lý luận cho đảng viên và quần chúng yêu nước, góp phần đưa phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Năm 1931, đồng chí bị mật thám Pháp bắt tại Hà Nội, bị đày đến Côn Đảo. Song với phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản, trong cảnh tù đày, đồng chí vẫn thể hiện rõ bản lĩnh, khí tiết bằng nhiều hình thức đấu tranh linh hoạt, tiếp tục công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, cổ vũ, động viên các chiến sĩ cách mạng giữ vững ngọn lửa đấu tranh. Năm 1936, đồng chí vượt ngục Côn Đảo thành công, trở về hoạt động ở các tỉnh miền Tây Nam Kỳ.
Trong những thời điểm đầy khó khăn, thách thức, đặc biệt là hai lần bị thực dân Pháp bắt ở Hà Nội và ở Sài Gòn, dù bị các cực hình tra tấn hết sức tàn bạo và man rợ, song đồng chí vẫn giữ vững khí tiết kiên cường, bất khuất của người cộng sản trước kẻ thù, cương quyết không khai báo về tổ chức. Trong chốn lao tù đế quốc, đồng chí vẫn giữ vững tinh thần cách mạng và tham gia tổ chức đấu tranh chống lại chế độ lao tù tàn bạo, đòi cải thiện điều kiện sinh hoạt cho các tù nhân; đồng thời tuyên truyền, động viên tinh thần cách mạng của các chiến sĩ cộng sản. Đồng chí tích cực tham gia đọc sách báo, học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận và tư tưởng chính trị, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ (diễn kịch, thi thơ, bình văn…). Đồng chí đã góp phần cùng các chiến sĩ cộng sản khác biến lao tù đế quốc thành trường học cách mạng, để tôi luyện, nâng cao bản lĩnh và khí tiết của người cộng sản, vững vàng niềm tin để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi.Phát biểu tham luận tại hội thảo, đồng chí Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hà Nam nhấn mạnh, cờ đỏ sao vàng - tâm huyết, khát vọng, niềm tin chiến thắng mà đồng chí Nguyễn Hữu Tiến để lại đã được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Hà Nam giương cao, dẫn đầu các phong trào cách mạng ở tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 24-8-1945. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược, nhân dân Hà Nam cùng quân dân cả nước đoàn kết chiến đấu, củng cố hậu phương, đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù. Trong những năm chống Mỹ, cứu nước, nhiều người con của Hà Nam đã lên đường vào Nam chiến đấu mang theo hình ảnh người chiến sĩ cộng sản tiền bối Nguyễn Hữu Tiến (Tiểu đoàn Nguyễn Hữu Tiến, Đoàn quân Nguyễn Hữu Tiến)... Nhiều người con của Hà Nam đã ngã xuống anh dũng hy sinh, như hình ảnh 10 cô gái dân quân tuổi còn rất trẻ, trực tiếp chiến đấu và anh dũng hy sinh trên trận địa pháo phòng không Lam Hạ và rất nhiều những chiến sĩ khác đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường, trở thành những bông hoa thép, những tượng đài bất tử trong lòng các thế hệ người dân Hà Nam.
Viết tiếp những trang sử vẻ vang, noi gương thế hệ cha ông, học tập tấm gương người chiến sĩ cộng sản kiên trung Nguyễn Hữu Tiến, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Nam tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng Bắc Bộ.Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, hội thảo nhận được hơn 30 bài tham luận từ các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Các bài tham luận và các ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội thảo tập trung phân tích làm sáng rõ chủ đề của hội thảo. Nhiều tham luận đi sâu phân tích sự ảnh hưởng của truyền thống quê hương, gia đình đã góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, hình thành chí khí cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Hữu Tiến. Truyền thống quê hương văn hiến, gia đình yêu nước và cách mạnh là nền tảng ban đầu để đồng chí Nguyễn Hữu Tiến từ một thanh niên hoài bão, chí khí sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng trở thành người cộng sản kiên trung, bất khuất hiến dâng trọn đời cho cách mạng của đất nước và dân tộc. Một số tham luận phân tích, tái hiện lại con đường cách mạng sôi nổi, phong phú và nhấn mạnh những đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đối với cách mạng Việt Nam, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia cách mạng; vai trò của đồng chí đối với cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ và sự ra đời của lá Quốc kỳ Việt Nam. Thực hiện chủ trương tiến hành khởi nghĩa vũ trang của Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến cùng với các đồng chí trong Xứ ủy tổ chức thiết kế lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh. Lá cờ lần đầu tiên xuất hiện trong Khởi nghĩa Nam Kỳ, biểu dương tinh thần quật khởi và khát vọng dân tộc của khối đoàn kết toàn dân tộc.
Đồng chí Lê Văn Lợi nhấn mạnh, hội thảo là hoạt động thiết thực nhằm ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng cao đẹp của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, bày tỏ sự tri ân sâu sắc của các thế hệ hôm nay đối với những cống hiến của đồng chí cho cách mạng Việt Nam, đồng thời tiếp thêm sức mạnh để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nam hôm nay vững bước phát triển.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |