Quá trình tiếp thu kiến thức của học sinh, sinh viên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của xã hội, của đất nước. Bởi chính quá trình này tạo ra những con người có đủ năng lực để tiếp quản đất nước, đưa đất nước phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu. Vì vậy, mỗi học sinh, sinh viên cần phải có nhận thức rõ ràng, đúng đắn về vấn để này, phải tích đủ lượng tới giới hạn điểm nút thì mới được thực hiện bước nhảy, không được nôn nóng, đốt cháy giai đoạn. Hiện nay, kiểu học tín chỉ đã tạo điều kiện cho những sinh viên cảm thấy mình đủ năng lực có thể đăng kí học vượt để ra trường sớm. Tuy nhiên cũng có không ít sinh viên đăng kí học vượt nhưng không đủ khả năng để theo, dẫn đến hậu quả là phải thi lại chính những môn đã đăng kí học vượt. Điều này cũng có nghĩa là các sinh viên đó chưa tích lũy đủ về lượng đến giới hạn điểm nút mà đã thực hiện bước nhảy, đi ngược lại với quy luật lượng – chất, và hậu quả tất yếu là sự thất bại. Bên cạnh đó, thực trạng nền giáo dục của nước ta hiện nay vẫn còn tồn tại căn bệnh thành tích, đặc biệt là ở bậc tiểu học và trung học cơ sở. Tức là học sinh chưa tích lũy đủ lượng cần thiết đã được tạo điều kiện để thực hiện thành công bước nhảy, điều này đã khiến cho nền giáo dục của chúng ta có những người không có cả “chất” và “lượng”, dẫn đến những vụ việc rất vô lí như học sinh đi học không viết nổi tên mình mà vẫn được lên lớp, chỉ vì nếu cho ở lại sẽ làm ảnh hưởng đến thành tích phổ cập giáo dục của trường. Ví dụ như vụ việc vào tháng 10/2014, chị Hoàng Thị Thu (trú xóm Hồng Tiến, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) không đồng ý con trai mình là Bảo Quân bị nhà trường “bắt ép” lên lớp 2. Phụ huynh này đã xin cho con học lại lớp 1, vì cháu chưa thuộc hết bảng chữ cái. Các chữ O, A…, em cũng không biết. Tuy nhiên, yêu cầu cho con học lại lớp 1 của chị Thu không được giáo viên chủ nhiệm chấp thuận, vì ảnh hưởng thành tích phổ cập giáo dục của nhà trường. Đến gặp ban giám hiệu, chị cũng nhận được cái lắc đầu vì lý do tương tự. Như vậy, có thể khẳng định việc đốt cháy giai đoạn theo khuynh hướng tả khuynh là một hành động sai lầm, tuy nhiên, sự bảo thủ, trì trệ theo khuynh hưởng hữu khuynh cũng như vậy. Nếu lượng đã tích đủ, đạt đến điểm nút mà vẫn không thực hiện bước nhảy thì quan niệm phát triển cũng chỉ là sự tiến hóa đơn thuần về lượng, không phải về chất, như thế thì sự vật sẽ không phát triển được. Bên cạnh đó, do hình thức bước nhảy của sự vật rất đa dạng, phong phú nên trong nhận thức và thực tiễn cần phải vận dụng linh hoạt các hình thức của bước nhảy trong những điều kiện, lĩnh vực cụ thể. Trong quá trình tiếp thu kiến thức của học sinh không thể áp dụng hình thức bước nhảy đột biến, không thể có chuyện học sinh mới đi học đã có thể tham gia kì thi tốt nghiệp, mà phải thực hiện bước nhảy dần dần: đó là vượt qua từng bài kiểm tra nhỏ, rồi đến bài kiểm tra học kì và bài thi tốt nghiệp, có như vậy mới đúng với quy luật và đạt được hiệu quả.
Như vậy, có thể thấy việc áp dụng đúng đắn quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại vào các hoạt động trong đời sống là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong hoạt động tích lũy kiến thức của học sinh, sinh viên. Bởi có như vậy hoạt động đó mới có hiệu quả, góp phần đào tạo ra những con người cú đủ cả chất và lượng để đưa đất nước ngày một phát triển hơn.