Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Hãy tóm tắt về thân thế và sự nghiệp của vua Lê Đại Hành

8 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
5.975
5
4
Tóm tắt: Lê Đại Hành (941 – 1005) là vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lê, trị vì từ 980 đến 1005. Trong lịch sử Việt Nam, Lê Hoàn không chỉ là một vị hoàng đế có những đóng góp lớn trong chống quân Tống phương Bắc, quân Chiêm phương Nam, giữ gìn và củng cố nền độc lập dân tộc mà còn có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao, xây dựng và kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt. Lê Hoàn cũng là người tạo tiền đề, điều kiện để thời gian sau đó Lý Công Uẩn có đủ khả năng dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long năm 1010, mở ra một kỷ nguyên phát triển lâu dài của văn hóa Thăng Long - Hà Nội, thủ đô hiện tại của Việt Nam.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
5
3
Len
01/01/2018 15:17:34
Lê Hoàn sinh ngày 15 tháng 7
Khi mới có thai, Đặng thị chiêm bao thấy trong bụng nở hoa sen, chỉ chốc lát đã kết hạt, bèn lấy chia cho mọi người, còn mình thì không ăn, tỉnh dậy không hiểu nguyên do thế nào. Đến khi sinh ra Lê Hoàn, bà hiểu ra, bèn nói với mọi ngươi rằng:"Thằng bé này lớn lên, ta sợ không kịp hưởng lộc của nó". Được vài năm, cha mẹ qua đời, Lê Hoàn một mình sống trong cảnh nghèo khổ.
Trong thôn có viên quan sát họ Lê trông thấy lấy làm lạ, nói:"Tư cách đứa trẻ này, người thường không sánh được", bèn nhận làm con nuôi, chăm sóc dạy dỗ, không khác gì con đẻ. Có đêm mùa đông trời rét, Lê Hoàn úp cối mà ngũ. Đêm ấy ánh sáng đẹp đầy nhà, viên quan sát lén đến xem, thì thấy con rồng vàng che ấp bên trên, vì thế lại càng thêm quý trọng Lê Hoàn.
Lớn lên Lê Hoàn theo giúp Nam Việt Vương Đinh Liễn, tính tình phóng khoáng, có chí lớn. Sứ quân Đinh Bộ Lĩnh khen là người trí dũng, chắc thế nào cũng làm được việc, bèn giao cho cai quản 1 nghìn quân sĩ.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, tức vua Đinh Tiên Hoàng, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Năm 971, Đinh Tiên Hoàng bắt đầu quy định cấp bậc văn võ, tăng đạo.Nhà vua lấy Nguyễn Bặc làm Định quốc công, Lưu cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, Tăng Thống, Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt đại sư, Trương Ma Ni làm Tăng lục, Đạo sĩ Đặng Huyền Quang được trao chức Sùng chân uy nghi.
Tháng 10 năm 979, Chi hậu nội nhân Đỗ Thích giết Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn ở sân cung. Định quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, cùng Lê Hoàn rước Vệ Vương Đinh Toàn lên ngôi Hoàng đế và tôn mẹ Đinh Toàn là Dương Thị làm Hoàng thái hậu. Vệ Vương Đinh Toàn lên ngôi khi mới 6 tuổi; Lê Hoàn làm nhiếp chính đảm đương việc nước, xưng là Phó Vương. Định quốc công Nguyễn Bặc, ngoại giáp Đinh Điền, Phạm Hạp nghi ngờ Hoàn sẽ làm điều bất lợi cho vua nhỏ, bèn dấy binh, chia hai đường thủy bộ, muốn tiến về kinh đô giết Lê Hoàn.
Lê Hoàn chỉnh đốn quân lữ, đánh nhau với Đinh Điền, Nguyễn Bặc ở Tây Đô, Đinh Điền, Nguyễn Bặc bỏ chạy, đem quân thủy ra đánh. Lê Hoàn nhân chiều gió phóng lửa đốt thuyền chiến, chém Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc đóng cũi đưa về kinh sư, sau đem chém. Phạm Hạp được tin, mất khí thế, chạy về làng Cát Lợi ở Bắc Giang. Lê Hoàn đuổi theo, bắt sống Phạm Hạp mang về kinh sư.
4
6
Nguyễn Khánh Linh
01/01/2018 15:18:17
Về quê hương Lê Hoàn, vấn đề mà Ngô Thì Sĩ đặt ra từ thế kỷ 18, được thảo luận nhiều lần dưới thời nhà Nguyễn cho đến nay các nhà sử học vẫn chưa đưa ra được kết luận nơi đâu trong ba nơi: Ninh Bình, Thanh Hoá hay Hà Nam là quê hương của ông. Năm 1981, tại hội thảo khoa học “Lê Hoàn và 1000 năm chiến thắng giặc Tống xâm lược”, nhiều vấn đề chung về thế kỷ X, về quê hương, thân thế, sự nghiệp của ông bước đầu được giải quyết. Đến năm 2005, tại hội thảo “1000 năm Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn”, trải qua một chặng đường đổi mới của sử học, nhiều vấn đề về quê hương của Lê Hoàn được đào sâu và nhìn nhận lại theo chiều hướng thoáng rộng hơn
8
1
Hoàng Phương
01/01/2018 15:20:33
Lê Ðại Hành (941 - 1005)
Là một người lính trí dũng khác thường, Lê Hoàn được cha con Đinh Bộ Lĩnh khen ngợi về những chiến công đánh dẹp các sứ quân, giao cho trông coi 2.000 binh sĩ.
Đến năm 971, sau khi thống nhất non sông, lập nên cơ nghiệp nhà Đinh, Đinh Tiên Hoàng phong cho ông chức vụ Thập đạo tướng quân, Điện tiền đô chỉ huy sứ - tức chức vụ tổng chỉ huy quân đội cả nước Đại Cồ Việt, trực tiếp chỉ huy đội quân cấm vệ của triều đình Hoa Lư. Lúc này ông tròn 30 tuổi.
Tháng 10-979, cha con Đinh Tiên Hoàng bị viên quan hầu Đỗ Thích giết hại. Sau khi Đỗ Thích bị giết, tôn Vệ vương Đinh Toàn (mới 6 tuổi) lên ngôi vua. Lê Hoàn làm Nhiếp chính trong một tình thế đầy khó khăn.
Các đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp nổi loạn nhưng bị Lê Hoàn dẹp tan. Phò mã nhà Đinh là Ngô Nhật Khánh bỏ trốn vào nam, rước vua Chămpa cùng hơn nghìn chiến thuyền toan cướp kinh đô Hoa Lư nhưng bị bão dìm chết. Trên biên thùy phía bắc, lợi dụng triều đình rối ren, Tống triều lộ ngay ý định thôn tính nước Việt. Tháng 6-980, nhà Tống họp quân bốn mặt, theo hai đường thủy bộ tràn vào nước Việt.
Thái hậu Dương Vân Nga cùng văn võ bá quan đã đồng lòng tôn Lê Hoàn làm vua, lấy hiệu là Lê Đại Hành trước khi xuất quân đánh giặc.
Tháng 7-980, vua Tống hạ chiếu phát quân sang xâm lược Đại Cồ Việt. Lê Đại Hành vừa triển khai binh sĩ sẵn sàng chiến đấu, vừa cử sứ giả đưa thư cầu hòa để tránh nạn binh đao. Trước dã tâm và sức ép của giặc, Lê Đại Hành hạ lệnh chiến đấu, quyết bảo vệ đất nước.
Mùa xuân năm 981, ông đã mang chiến thắng trở về. Cùng với quân dân cả nước, ông đã tái tạo một Bạch Đằng, sáng tạo một Chi Lăng lịch sử, thắng lớn trên cả hai mặt trận thủy, bộ, giết tướng đầu sỏ Hầu Nhân Bảo, tiêu diệt quá nửa quân Tống, bắt tù vô kể. Vua Tống phải xuống chiếu lui quân.
Đại thắng mùa xuân 981 là đại thắng đầu tiên của một dân tộc phục hưng sau hơn nghìn năm Bắc thuộc và mở đầu kỷ nguyên Đại Việt tự chủ trước các triều đại phong kiến phương Bắc.
Trong một phần tư thế kỷ đứng đầu Nhà nước (980-1005), Lê Đại Hành rất chăm lo xây dựng và bảo vệ đất nước.
Về đối nội, thực hiện chống cát cứ, địa phương chủ nghĩa, xây dựng "cơ sở hạ tầng" của nền kinh tế, chính trị thống nhất.
Về đối ngoại, theo đuổi đường lối nhu thuận nhưng cương quyết xứng đáng là vị vua mà nội trị, ngoại giao đều xuất sắc.
Từ lúc trẻ cho đến khi qua đời (tháng 3 năm ất Tỵ - 1005), trong gần nửa thế kỷ oanh liệt, người anh hùng Lê Đại Hành đã hết lòng vì nước, vì dân, trong mọi hoàn cảnh luôn kiên quyết cùng toàn dân bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc và chăm lo sự nghiệp xây dựng đất nước.
3
2
4
1
Trịnh Quang Đức
01/01/2018 15:27:59
Tóm tắt:
- Thân thế: Lê Đại Hành (chữ Hán: 黎大行; tên húy là Lê Hoàn (黎桓), 941 – 1005) là vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lê, trị vì từ 980 đến 1005. Trong lịch sử Việt Nam, Lê Hoàn không chỉ là một vị hoàng đế có những đóng góp lớn trong chống quân Tống phương Bắc, quân Chiêm phương Nam, giữ gìn và củng cố nền độc lập dân tộc mà còn có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao, xây dựng và kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt. Lê Hoàn cũng là người tạo tiền đề, điều kiện để thời gian sau đó Lý Công Uẩn có đủ khả năng dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long năm 1010, mở ra một kỷ nguyên phát triển lâu dài của văn hóa Thăng Long - Hà Nội, thủ đô hiện tại của Việt Nam. Xung quanh vị Hoàng đế này còn nhiều điều chưa được sáng tỏ như vấn đề thân thế, sự nghiệp, và thụy hiệu.
- Sự nghiệp:
Lê Đại Hành khi làm vua cho xây dựng nhiều công trình, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp để chấn hưng đất nước. Ông là vị vua mở đầu cho lễ tịch điền nhằm khuyến khích sản xuất nông nghiệp dưới chế độ phong kiến Việt Nam. Mở đầu cho một lễ nghi trọng đại mà các vương triều sau tiếp tục noi theo để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp.
Lê Đại Hành cũng là vị vua đầu tiên tổ chức đào sông. Công trình đào sông Nhà Lê (hiện vẫn còn ở Thanh Hóa và là một di tích lịch sử) do Lê Hoàn khởi dựng là con đường giao thông thuỷ nội địa đầu tiên của Việt Nam. Sự nghiệp mở đầu vĩ đại đó đã trở thành phương châm hành động của các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau này. Từ con sông đào do Lê Hoàn khai phá trên đất Thanh Hoá, đến thời Lý, Trần sông đào đã xuất hiện ở đồng bằng Bắc Bộ đến Thanh-Nghệ-Tĩnh. Đến thời Lê đã rộng khắp dải miền Trung Bộ và đến thời Nguyễn thì sông đào có mặt ở khắp mọi miền Việt Nam.
1
2
mỹ hoa
01/01/2018 15:40:58
Lê Hoàn là một viên tướng trẻ tài nǎng, đi theo Nam Việt Vương Đinh Liễn. Dù chỉ là lính thường nhưng trí dũng khác thường, tính tình phóng khoáng nên anh được cha con Đinh Bộ Lĩnh yêu mến. Tiếp đó Đinh Liễn được vua cha giao cho đặc trách công việc ngoại giao, liên tiếp đi sứ Trung Quốc để tranh thủ cảm tình với nhà Tống, ông đưa Lê Hoàn tiến cử lên vua cha, và quả nhiên viên tướng trẻ này đã được Tiên Hoàng ái mộ. Đinh Tiên Hoàng lên ngôi năm 43 tuổi, Lê Hoàn lúc này mới có 26 tuổi, vẫn còn quá trẻ. Nhưng Tiên Hoàng vẫn quyết định giao cho chàng trai một chức vụ quan trọng: làm quan thập đạo tướng quân, coi sóc mười đạo binh của cả nước. Người thanh niên, chưa đầy ba mươi tuổi, đã trở thành một đại nguyên soái của quốc gia đang thời kỳ trứng nước.
Bản thân Lê Hoàn cũng rất phấn khởi khi nhận nhiệm vụ này. Nhiệm vụ trọng đại, nhưng ông tự xét mình có thể cáng đáng được. Cả một quá trình tôi luyện tuy không dài lắm - chưa quá mười lăm năm, ông cũng đã tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm, hiểu biết việc quân cơ. Các ông Đinh Điền, Nguyễn Bặc vẫn phải ngầm tín phục ông, còn các tướng lĩnh giỏi giang như Phạm Cự Lượng, Trần Công Lương đã dành cho ông rất nhiều thiện cảm. Đông đảo binh sĩ ở các cơ, các đội thường tự hào được ông chỉ huy, dìu dắt, giúp cho họ lập được nhiều chiến công. Quần chúng xa gần, nghe tiếng ông, đều rất khâm phục, mặc dù họ chưa hiểu về ông nhiều lắm.
Và ngay cả ông cũng không tự biết gốc gác gia đình của mình. Ông chỉ biết có bà mẹ cô đơn, vất vả nuôi con trong hoàn cảnh túng thiếu nghèo nàn, cho đến khi ông được sáu tuổi, thì bà đã lìa bỏ cõi trần, Lê Hoàn được một người quen ở làng Mía, tên là Lê Đột nuôi làm con nuôi. Lê Đột cũng là một người khá giả trong làng. Ông đã được bà Đặng Thị, mẹ đẻ của Lê Hoàn gởi con trước khi bà mất: Lê Hoàn lúc đó dù còn bé bỏng, cũng nhận ra được là Lê Đột có cảm tình với mình. Một phần do lòng nhân ái, cám cảnh số phận hai mẹ con nhà nghèo, một phần vì thấy cậu bé mặt mũi khôi ngô, dễ thương, có vẻ lanh lợi. Chuyện kể rằng có một hôm cậu bé Lê Hoàn xay lúa xong thì nằm phục lên trên cối đá mà ngủ vào giữa đêm khuya. Lê Đột thức giấc vì thấy có ánh sáng tỏa ra dưới nhà bếp của mình, liền đi vào xem thì cảm thấy như có con rồng vàng đang che phủ lên người cậu bé. Ông thầm nghĩ cậu bé này có tướng lạ, sau này chắc sẽ làm nên sự nghiệp. Ông lặng lẽ giấu kín, không cho ai biết chuyện này, mà chỉ để tâm quí mến cậu bé hơn. Ông cho Lê Hoàn đi học. Cậu học rất thông minh, mau hiểu biết. Ngoài thời gian đi học cậu đi chăn trâu cắt cỏ, và được những trẻ mục đồng yêu mến. Ông càng tin rằng đứa con nuôi này nhất định sẽ có ngày thành đạt.
Làm con nuôi Lê Đột, Lê Hoàn nhiều lúc cũng có những băn khoăn về nguồn gốc của mình. Cha cậu là ai, ở đâu, bây giờ còn sống hay đã mất, là điều cậu không sao biết được. Cậu chỉ biết có mẹ. Mẹ cậu là bà Đặng Thị Sen người ở Kẻ Sập, sau này sách vở ghi tên là Khả Lập. Những ngày còn được mẹ nâng niu chăm sóc, Lê Hoàn còn bé quá, nên cũng không biết hỏi đến cha chú họ hàng, mãi sau này ở với Lê Đột, cũng không bao giờ được Lê Đột nhắc tới. Cậu chỉ nghe một số người trong làng nói rằng lúc mẹ đi cấy ở cánh đồng Tích Nội (đồng Trẩy), có một đóa hoa sen cứ dạt vào trước mặt bà. Bà khoát đi cố đẩy nó ra xa, nhưng nó lại dạt vào như cũ. Bà liền lấy bóc ra ăn. Không ngờ sau đó thụ thai đến 13 tháng mới sinh ra Lê Hoàn. Â'y là tất cả những gì mà Lê Hoàn biết được về cha mẹ mình. Thế rồi thời gian đã làm cho Lê Hoàn không quan tâm đến khả năng tìm hiểu lai lịch của người cha bí mật của mình. Cũng không phải quan tâm gì đến chuyện họ hàng làng nước. Đời ông đã hoàn toàn dành cho sự nghiệp chiến đấu và toàn tâm phụng sự vua Đinh. Con người hơn ông 16 tuổi này, đã có chiến công tung hoành ngang dọc, dẹp dược nội loạn, thu giang san về một mối, thực xứng đáng là một bậc anh hùng. Trong cuộc đánh dẹp các sứ quân, Lê Hoàn tỏ ra là người có tài nên được Đinh Bộ Lĩnh giao cho trông coi 2000 binh sĩ. Đến khi dẹp yên các sứ quân thống nhất đất nước, lập nên cơ nghiệp nhà Đinh. Lê Hoàn được phong chức Thập đạo tướng quân, Điện tiền đô chỉ huy sứ của triều đình Hoa Lư. Lúc này Lê Hoàn vừa tròn 30 tuổi.
Do tài năng và phẩm chất của mình, lại đang mang chức vụ là Thập đạo tướng quân, Lê Hoàn được mọi người giao trách nhiệm làm nhiếp chính cho ông vua nhỏ Đinh Toàn, mới có 6 tuổi, với danh hiệu là Vệ Vương. Bà mẹ của Đinh Toàn là Dương Thị làm Hoàng thái hậu, cùng coi việc triều chính.
Làm nhiếp chính cho một ông vua nhỏ nên Lê Hoàn phải tự mình định đoạt, giải quyết tất cả mọi vấn đề của đất nước. Ông tự xưng là phó vương, và cũng được các triều thần đồng ý. Chỉ có các ông Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp là không tán thành. Họ cho rằng Lê Hoàn đang có âm mưu cướp ngôi, nên cần phải hành động chống lại. Họ đem quân bản bộ của mình, tấn công Hoa Lư. Nhưng Lê Hoàn đã kịp thời chống lại, đốt cháy các chuyến thuyền. Tất cả ba người đều bị bắt sống, đem về hành tội.
Nghe tin Đinh Tiên Hoàng mất, Ngô Nhật Khánh dẫn quân Chiêm Thành đem hơn một nghìn chiến thuyền sang đánh nước ta. Lê Hoàn điều binh chống lại, thuyền chiến đến hai bên cửa bể Đại ác (tức Đại An, Nam Định) và Tiểu Khang (cửa Càn, Yên Mô, Ninh Bình) bị mưa bão, đều lật chìm. Ngô Nhật Khánh và quân Chiêm đều chết đuối, chỉ có thuyền vua Chiêm chạy thoát về nước.
Bấy nhiêu thắng lợi càng nâng cao uy tín của Lê Hoàn. Triều đình và dân chúng đều thấy rằng ông thực sự là con người lãnh đạo đất nước. Nhưng Lê Hoàn vẫn chưa hề nghĩ đến việc mình sẽ rắp ranh ngôi báu. Trong tình hình triều chính vô cùng rối ren Lê Hoàn thấy mình phải cố gắng hết sức để ổn định vương triều nhà Đinh. Ông thành thực phò tá ông vua nhỏ Đinh Toàn, giữ đúng phép tắc của một người bầy tôi trước vị vua nhỏ tuổi. Và bên cạnh Đinh Toàn còn có bà Dương Hậu. Bà không chính thức đóng vai trò nhiếp chính, nhưng vẫn phải lo chăm sóc cho con, bày vẽ cho con từ cách đi đứng, cách ngồi trên ngai vàng và ứng xử trò chuyện với trăm quan. Những lúc triều đình có việc, bà cũng phải lắng nghe, phải chờ đợi ý kiến Lê Hoàn và truyền đạt lại với con, để hiểu ý phó vương cho rõ. Trước đây, hồi Đinh Tiên Hoàng còn sống, thỉnh thoảng bà cũng có gặp Lê Hoàn vài phút thoáng qua còn bây giờ thì gần như lúc nào, bà cũng phải trò chuyện, hỏi han vị thập đạo tướng quân, lúc con bà lâm triều, cũng như lúc ra vào cung nội.
Dương Hậu hãy còn trẻ lắm. Không rõ tên thật của bà là gì (sau này nhiều tài liệu viết bà là Dương Vân Nga, lâu ngày thành quen, chứ thực ra sử sách không ghi chính thức). Bà thuộc dòng dõi của Dương Diên Nghệ, là con gái của Dương Tam Kha, về làm vợ Đinh Tiên Hoàng, cùng với 4 bà khác đều được phong là Hoàng hậu. Những buổi gặp gỡ thân tình với vị thập đạo tướng quân oai phong, đường bệ, luôn luôn làm cho Dương Hậu xao xuyến một niềm riêng. Con người tài năng và anh hùng như thế, sao lại không thể là một chỗ dựa cho mình. Đứa con ta hiện nay đang được người chăm sóc, và bản thân ta cũng thấy người đối xử một cách khác thường. Những lời tâu thái hậu trịnh trọng, nhưng lại rất dịu dàng, hình như trong đó chứa đựng một chút gì kín đáo. Nhưng nếu... thì có gây ra những điều dị nghị gì không... Dương Hậu băn khoăn, nhưng bà cũng không dám nghĩ xa hơn nữa. Phải cố nén lòng, và hãy cùng Lê Hoàn giúp Đinh Toàn làm quen với công việc của một ông vua. Về phía Lê Hoàn, ông cũng nhận ra được cảm tình của Dương Hậu, nhưng ông vẫn luôn luôn giữ đúng tư cách của mình. Dù sao đi nữa, thì bây giờ đây, mình còn ở địa vị một kẻ bề tôi.
Còn rồi đây? Lê Hoàn cũng không dám nghĩ xa hơn nữa....
Giữa lúc ấy thì ở phương Bắc, nhà Tống lại rắp tâm thôn tính phương Nam. Tin hai cha con Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị giết hại, khiến cho Triều đình nhà Tống nghĩ đến cơ hội thuận lợi để tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược.
Giờ chiến tranh đã điểm. Vua Tống lại sai Lư Đa Tốn viết thư cho Lê Hoàn, vừa chiếu dụ vừa đe dọa. Lá thư này do một nhà văn đời Tống là Vương Vũ Xứng thảo, có đoạn dùng lời rất quyết liệt, bảo Lê Hoàn: "Người nên qui phục, chớ để vạ đến. Quân lính nhà vua đã chỉnh tề, trống chiêng nghiêm ngặt, theo ta thì ta tha, trái ta thì ta đánh. Chỉ có theo hay chống là lành hay dữ, người nên xét kỹ".
Trước tình thế vô cùng nghiêm trọng ấy, cả triều đình đều vô cùng lo ngại. Tiếp theo là văn thư các cấp từ Lạng Châu (Bắc Giang, Lạng Sơn) gửi về, các quan văn võ bàn ra nói vào, kẻ bảo nên đánh, kẻ nghĩ nên hàng, chưa biết quyết định ra sao. Còn ông vua nhỏ Đinh Toàn cố nhiên không biết nói năng gì, chỉ biết trông chờ vào mẹ. Dương Hậu quay lại nói với Lê Hoàn: Tình thế bức bách như vậy, tướng quân định liệu ra sao?
Lê Hoàn thản nhiên đáp:
- Xin Thái hậu, đừng quá bận tâm mà ảnh hưởng đến ngọc thể. Tôi đã được giao việc phò vua giúp nước, xin hết lòng hết sức không ngại khó khăn.
Trước thái độ đường hoàng và lập trường kiên quyết của Lê Hoàn, Dương Hậu thấy yên tâm giảm bớt điều lo lắng. Bà ân cần nói với vị tướng đầy tin tưởng:
- Đã vậy, ta thiết nghĩ tướng quân nên ra hiểu dụ ba quân, và nếu binh đội của ta chưa đủ, thì nên kịp thời cho tuyển thêm dũng sĩ trong các lộ, các châu về luyện tập, chờ ngày giao chiến với địch.
Lê Hoàn mời ngay Đinh Toàn và Dương Hậu ngự triều. Ông trình bày cho các quan văn võ nhận rõ trách nhiệm phải bảo vệ đất nước, giữ gìn cơ nghiệp. Ông cũng phân tích lợi hại giữa hai bên quân Tống và quân ta, chỉ ra rằng chúng ta chắc chắn có thể giành được thắng lợi. Ông giơ tay, dõng dạc:
- Mai ngày quân địch kéo sang, tôi xin tự thân mình đốc suất việc phòng bị và chống cự, song rất cần có những đại tướng giúp đỡ trong việc dùng binh. Xin được cử ông Phạm Cự Lượng làm đại tướng quân, đi tiền phong trong cuộc giao chiến.
Nghe Lê Hoàn tiến cử Phạm Cự Lượng, triều đình ai cũng ngạc nhiên. Phạm Cự Lượng là em Phạm Hạp, người đã cùng Nguyên Bặc, Đinh Điền khởi binh chống lại Lê Hoàn, bị Lê Hoàn đánh bại, bắt giam và xử tử. Biết đâu Phạm Cự Lượng không nung nấu một mối thù không đội trời chung với người đã chặt đứt tình anh em ruột thịt của mình. Nhưng rồi họ nghĩ lại. Quả thực Lê Hoàn là con người đại lượng, không có sự tị hiềm, biết tin tưởng vào phẩm chất người giúp việc mình. Trước tình hình gay go của đất nước, vấn đề thiết yếu nhất là phải chọn được đúng người có khả năng. Phạm Cự Lượng là đại tướng thì phải giao trách nhiệm cho xứng đáng. Dù là anh em, người nào, có chí hướng riêng của người nấy, không nên vì tội của anh, mà có thành kiến nghi ngờ với em. Lê Hoàn đã làm đúng như thế. Cả triều đình rất khâm phục ông, còn Phạm Cự Lượng lại càng kính trọng ông bội phần.
Thế rồi ngay lúc đó, Phạm Cự Lượng bước ra, tuyên bố cùng các võ tướng, các binh sĩ đang tề tựu đông đủ:
- Tôi xin có lời để ba quân cùng hay? Thưởng người có công, giết kẻ vi mệnh, đấy là phép hành binh. Nay chúa thượng ấu thơ, chúng ta tuy hết sức liều chết chống giặc ngoại xâm, may mà có chút công lao thì ai biết đến cho? Chi bằng trước hết ta hãy tôn quan thập đạo tướng quân lên làm Thiên tử, rồi sau sẽ phát binh cũng không muộn.
Tiếng ông Phạm dứt lời, tất cả các võ tướng, quân sĩ đều náo nức tung hô: Vạn tuế! Vạn tuế? Các quan văn võ trong triều ngơ ngác một phút, rồi cũng đều tung hô theo. Lê Hoàn chắc cũng xúc động bởi giây phút này, nhưng ông vẫn cảm thấy bất ngờ. Lần đầu tiên, chàng thanh niên dù đã từng trải cuộc đời mà vẫn cảm thấy lúng túng. Ông nhìn lên ngai vàng, chỗ của Đinh Toàn đang ngồi, rồi liếc sang chiếc ghế của Dương Hậu. Bà Dương cũng lúng túng một phút. Một niềm vui dâng lên trong tâm trí, bà cảm thấy như quân sĩ và trăm quan đã cởi được cho bà một sự bế tắc ấp ủ lâu nay. Thoáng nhận ra nguy tình thế, hợp với lòng mình, bà tán thành ý kiến suy tôn của mọi người. Đúng, họ nghĩ như vậy là phải. Đứa con ta tuy được nối ngôi, nhưng còn quá bé bỏng, không thể đảm đương được quốc gia Đại sự. Lê Hoàn mới là người xứng đáng ngự trị ngai vàng. Có Lê Hoàn, mới giữ vững đất nước trước họa xâm lăng. Có Lê Hoàn, binh sĩ mới giữ vững được niềm tin. Không nên cứ khư khư theo một xu hướng ích kỷ hẹp hòi, để giữ tiếng cho nhà Đinh ở ngôi hư vị. Và nếu Lê Hoàn trở thành thiên tử, địa vị của chàng khác đi, quan hệ giữa chàng với ta cũng sẽ là thuận lợi. Nghĩ đến điều này, Dương Hậu cảm thấy có chút ngượng ngùng bẽn lẽn. Nhưng bà trấn tĩnh được ngay. Bà giơ tay ra hiệu cho một người cung nữ. Cô này hiểu ngay ý của bà, vội vàng chạy vào lấy chiếc áo long bào đem ra. Dương Hậu nói nhỏ với Đinh Toàn rồi quay lại, bước tới gần Lê Hoàn, khoác chiếc áo long bào lên vai ông:
Lòng quan quân đã quyết. Kính xin chàng (tiếng chàng, Dương Hậu nói rất khẽ) chính vị ngôi tôn!
Quả nhiên, sự tính toán của Lê Hoàn là hoàn toàn chính xác. Quân Tống thất bại thảm hại, không chờ lệnh vua đã phải vội vàng rút chạy. Vua Tống trút tất cả tội lỗi lên đầu bọn tướng tá: Lưu Trừng, Giả Thực bị giết ở chợ Ung Châu. Tôn Toàn Hưng bị bắt về triều hạ ngục rồi cũng bị giết. Cuộc kháng chống Tống của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Lê Hoàn đã hoàn toàn thắng lợi.
Mặc dầu đã lên ngôi vua, và cũng đã bước sang giai đoạn tứ tuần, Lê Hoàn phải mang mũ áo: hoàng bào, long cổn, phải giữ một vẻ bề ngoài trịnh trọng như những con người đứng tuổi, nhưng phong thái của con người thanh niên trong ông, vẫn giữ nguyên giá trị. Ông luôn luôn tỏ ra linh hoạt, vui vẻ hòa mình với mọi người. Ông ứng phó nhanh nhẹn, lúc nào cũng sôi nổi và hào hứng. Ngay cả khi bước vào những nghi lễ ngoại giao, thù tiếp với các sứ giả nước ngoài, ông vẫn giữ tư thế ngang tàng, đôi khi cũng không cần giữ gìn tiểu tiết.
Không những quí trọng lớp trí thức là những nhà sư, Lê Hoàn cũng có con mắt biệt đãi đối với những con người tài năng khác, kể cả những người nước ngoài, không có tư tưởng kỳ thị.
Ông vẫn đóng đô ở Hoa Lư như vua Đinh trước kia. Ông cho xây dựng nhiều cung thất. Tất nhiên việc xây dựng này đã phải chi phí rất nhiều tiền của, có phần xa xỉ, nhưng mặt khác cũng phải thấy là Lê Hoàn rất muốn cho kinh đô và cho nơi vua ở, phải được bề thế, trang trọng, khiến cho nhân dân và khách nước ngoài phải trầm trồ, thán phục, do đó mà tôn vinh uy thế của vương triều ông. Điều đặc biệt là Lê Hoàn rất chú trọng đến việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi vì ông từ nhân dân mà ra, ông đã cố gắng giữ gìn lấy những khuynh hướng tâm linh, khuynh hướng thẩm mỹ mà người nước Việt bảo lưu sâu sắc. Ông là một trong những nhà vua đầu tiên, lấy lễ để thờ Phù Đổng thiên vương, muốn bắt chước truyền thuyết các vua Hùng Vương đề cao anh hùng dân tộc.
Không có một tài liệu nào viết một cách rõ ràng và cụ thể về đời sống tình duyên của Lê Hoàn như thế nào. Ta chỉ biết Lê Hoàn cũng như vua Đinh, có rất nhiều vợ, đều được phong làm Hoàng hậu, trong đó có bà Đại Thắng Minh Hoàng hậu, tức là Dương Hậu, vợ cũ của Đinh Bộ Lĩnh. Vua Đinh mất, Dương Hậu có cảm tình với Lê Hoàn, đã khoác áo hoàng bào lên vai ông để dựng vương triều nhà Lê.
Năm Ất Tị (1005) vua Lê Hoàn mất thọ 65 tuổi, làm vua được 24 năm.
0
0
Đỗ Yến
27/01/2024 17:45:30
Lê Đại Hành sinh năm941 – mất năm1005, là vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lê, trị vì từ 980 đến 1005. Trong lịch sử Việt Nam, Lê Hoàn không chỉ là một vị hoàng đế có những đóng góp lớn trong chống quân Tống phương Bắc, quân Chiêm phương Nam, giữ gìn và củng cố nền độc lập dân tộc mà còn có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao, xây dựng và kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt. Lê Hoàn cũng là người tạo tiền đề, điều kiện để thời gian sau đó Lý Công Uẩn có đủ khả năng dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long năm 1010, mở ra một kỷ nguyên phát triển lâu dài của văn hóa Thăng Long - Hà Nội, thủ đô hiện tại của Việt Nam.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×