Buồn không

90 lượt xem

Có lẽ anh nói đúng, đàn ông chúng ta khổ thật. Tâm sự chất chứa hàng núi mà vẫn cố gắng làm ra vẻ cứng rắn đấy thôi. Chúng ta khóc, chỉ khóc trong lòng, khóc bằng những tiếng thở dài hay cái cười chua chát, chúng ta còn biết làm gì hơn? Đúng không anh?

***

Tôi xăn ống quần, lội nước. Tay quơ lưỡi hái, cắt cỏ. Ngọn cỏ xanh mượt, có lông tưa đâm vào tay ngưa ngứa. Con bò đứng cạnh chóc chóc lại "ụm bò" xong cúi đầu nhai cỏ. Chiều, nắng nhạt. Đàn chim én bay thành đàn hình cánh cung. Tôi cắt đầy bao tháo dây cột bò. Tôi bảo: Bò ơi, Về thôi không mẹ tao mắng.

Anh Tiền nói: "Mơ mộng lắm đi. Văn thơ nó hại người".

Xinh hỏi: "Tại sao?"

Anh Tiền đáp: "Mày nâng bát cơm bằng sức lao động hay trí tưởng tượng? Không phải nhà thơ thì đừng cho thơ. Vả lại mày phải mổ xẻ tâm hồn, chiêm nghiệm buồn đau của cuộc đời mới có thơ, có văn hay. Đấy không phải là chuyện phiếm. Như vậy nhà văn buộc phải thành một trí thức, một học giả. Mà theo tao, thơ phù phiếm hơn thế. Dù cách này, hay cách khác thì đó là nghề tự sát. Tiếng tăm càng lớn càng bi hài trăm bề, mà không có tiếng thì thiên hạ cười" Thiên hạ bây giờ ngộ lắm, cái giống gì bắt bẻ cũng được."

Xinh lại nói: "Người ở Tỉnh cũng ngộ lắm"

Ngộ thế nào ?

- Họ yêu nhau, họ nói: "Này tó, tao yêu mày"

Anh Tiền nói: "Nói năng nhố nhăng"

Tôi đứng dậy. Anh Tiền hỏi, không ăn nữa à?

- "Không. Những sáu chén rồi". Anh cũng đứng lên, đi ra đằng trước ngồi rót trà. Dác trưa, nắng ngoài trời như nung, trong nhà hơi đất ẩm thấp, trước có mấy gốc dâu che lộng mái hiên nên gió thổi vào rất mát.

Anh Tiền nói: "Quê mình khác xưa lắm"

Tôi đáp: "Ừ! Người ta không thân thiện nữa"

"Tao thấy tức cười, họ ghét nhau đến từ cọng rau, trái xoài."

Tôi cười: "Tiền cả mà anh"

Anh Tiền chua chát, ngâm: "Thế nhân lừa lộc đời mang trá. Kết cục chung quy một chữ tiền"

Tôi hỏi: "Sao anh không lấy vợ?"

Anh Tiền cười. Xinh dưới nhà đi lên ngồi trên bộ dạt cạnh đó. Xinh nói: "Có chứ, nhưng người ta lấy chồng rồi"

- "Ừ, lấy chồng rồi". Anh cười lại chua chát: "Cô ta nói yêu thì có yêu nhưng hai đứa nghèo. Lấy về lận đận con cái thôi cũng khổ".

Xinh hỏi: "Anh Duy bao giờ có vợ?".

"Tôi không biết"

Tôi về đến nhà đã gần bốn giờ chiều. Cha đang đưa võng kẻo kẹt. Mẹ tôi ngồi trên dạt vá áo.

Bà hỏi: "Xong chưa ?"

- "Dạ Rồi".

"Con Xinh hôm nay về nhà à?"

"Dạ"

"Mày thích nó không?"

"Không biết"

Hai mươi năm tết nhà tôi thu hoạch dưa hấu. Lái buôn vào mua, phán cộc lốc: "Năm triệu ruộng này, bán không?"

Cha tôi hỏi: "Không lên được à?"

"Không, bán không?"

Ông thở dài: "Bán thì bán"

Xinh và mẹ tôi cắt dưa bỏ vào bao, mỗi bao nặng hơn 20kg. Anh Tiền phụ tôi vác dưa ra xe, đoạn đường ngót một trăm mét. Đến tận xế trưa Tôi mệt lã người, mồ hôi nhễ nhại. Anh Tiền bảo: "Làm nông dân khổ như trâu" Mà cái lũ lái buôn cũng đểu. Lên Thành Phố bán lại gấp đôi, gấp ba là thường. Người Thành Phố coi vậy mà khờ".

Tôi đáp: "Họ không khờ, tại họ không biết"

Anh Tiền bảo: "Rồi mày sẽ khổ, đến mắng người cũng sợ họ buồn"

Một tối trời có trăng, tôi đi câu ếch. Đặt câu xong tôi nằm ở một bãi đất bằng cách nhà Anh Tiền mấy thửa ruộng, tay gác dưới đầu. Hương cỏ đồng nội xồng xộc vào hai cánh mũi. Tiếng dế, tiếng ểnh ương ca hát khắp nơi, chúng ca hát kiểu dế, kêu ễnh ương! Tôi dõi mắt nhìn lên mặt trăng đang lơ lửng. Những áng mây mờ trôi là đà. Tôi nghĩ đến Xinh, Xinh có đang ngắm trăng không?

- "Trăng đẹp quá". Có tiếng người nói tôi giật nảy mình, nhỏm dậy. Xinh xoã tóc dài vẫn áo cánh sen, quần bà ba đen, nhoẻn miệng cười. Xinh thánh thiện và thoát tục. Đôi mắt đen to tròn như hai vì sao nhấp nháy nhìn tôi.

Tôi hỏi: "Xinh làm gì ở đây?"

Cô gục đầu xuống như thẹn thùng, nói khẽ:

"Xinh ở trong nhà thấy anh Duy nên đi theo". Nói rồi cô khép nép ngồi xuống.

Tôi nhìn Xinh đăm đăm rất lâu, Xinh im lặng hai tay mân mê tà áo, mái tóc xoã dài dưới trăng càng làm con người cô huyễn hoặc.

Tôi nói: Xinh về đi thôi.

Xinh quay qua nhìn vào mắt tôi, ánh mắt mơ hồ, thất vọng, như có ngấn nước mắt.

Có tiếng Anh Tiền gọi vọng: "Xinh ơi! Đi đâu thế?"

Xinh tái mặt, cô đứng dậy quay đi, được hai bước lại quay ngoắt lại, lưng hướng về phía ánh trăng. Vẫn đôi mắt ưu buồn. Cô cắn môi. Niếu tôi không nhận ra từ sớm thì Xinh đúng là Hằng Nga. Liệu Hằng Nga có đẹp như Xinh lúc nầy không? Có bút mực nào tả được Hằng Nga không ? Không dám chắc.

Xinh lên tiếng: "Anh Duy!" Đôi mắt tha thiết. Rồi lại thở dài không nói gì thêm, lần này, cô bước đi thoăn thoắt. Tôi nhìn theo bóng Xinh mà bâng khuâng, ngơ ngẩn.

Một tháng sau, anh Tiền gặp tôi, anh nói: "Duy này, con Xinh định lấy chồng".

Tôi hỏi: "Lấy ai ?"

Anh Tiền buồn rầu nhìn tôi: "Lấy thằng con ông Huyện, trên Tỉnh."

Tôi đáp: "Ừ"

Anh Tiền lại nói: "Nó bảo yêu mầy, nhưng nó sợ nghèo, nghèo khổ lắm! Nó nghèo từ nhỏ nên nó không muốn nghèo hết đời."

Tôi đáp: "Ừ"

"Nó nói chuyện hệt như cô ấy, cô ta cũng sợ nghèo"

Tôi nói: "Phụ nữ cần một chỗ dựa vững chắc".

Anh Tiền đáp: "Vậy thì khổ là khổ tụi mình".

Đêm tôi lại cấm câu, nằm trên bãi đất bằng mặc cho ánh trăng vằng vặc rọi xuống lòng tôi. Tiếng dế đồng róng riết một cách hoang dại, thê lương. Dường như chúng cũng đang rầu rĩ, nỉ non vì người mình yêu đi lấy chồng.

Anh Tiền ơi! Có lẽ anh nói đúng, đàn ông chúng ta khổ thật. Tâm sự chất chứa hàng núi mà vẫn cố gắng làm ra vẻ cứng rắn đấy thôi. Chúng ta khóc, chỉ khóc trong lòng, khóc bằng những tiếng thở dài hay cái cười chua chát, chúng ta còn biết làm gì hơn? Đúng không anh?

Ngày đám cưới Xinh, xe ô tô đến rước dâu chạy thành hàng trên đường đất qua chỗ tôi cắt cỏ. Nhà Anh Tiền rộn ràng hẳn. Ngôi nhà lá được trang hoàng lộng lẫy lắm, mẹ tôi nói thế. Rồi bà lại bảo: "Mày thương nó không?"

Tôi không đáp.

Bà lại hỏi: Buồn không?

Buồn.

Chiều, xe đưa dâu về Tỉnh, Chạy trên đường bụi bay mù mịt. Xinh duyên dáng, đằm thắm, xinh đẹp ngồi trong mặt cho cảnh vật xung quanh lướt qua.

Tôi xăn ống quần, lội nước. Tay quơ lưỡi liềm, cắt cỏ. Từng nhát liềm như cứa vào tim. Con bò đứng cạnh cuối đầu nhai cỏ. Chiều nắng nhạt. Đàn chim én bay thành đàn hình cánh cung. Tôi tháo dây, bảo: Bò ơi, Về thôi không mẹ tao mắng.

0
0 sao / 0 đánh giá
5 sao - 0 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 0 SAO trên tổng số 0 đánh giá
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Gia sư Lazi Gia sư
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo