Có một lần, vào dịp sinh nhật Bác Hồ, vừa mới sáng sớm, đồng chí Kỳ - Thư ký cùng các con mình và con đồng chí Cẩn - người nấu ăn cho Bác, mang hoa vào để chúc thọ Bác. Thấy các cháu đến, Bác Hồ rất vui, nhưng vì đang làm dở công việc nên Bác bảo đồng chí Kỳ đưa các cháu xuống nhà lấy nước và bánh kẹo mời các cháu, làm việc xong Bác sẽ xuống gặp và vui với các cháu. Đồng chí Kỳ dẫn các “vị khách tí hon” xuống nhà nhưng nghĩ đây là con mình và con anh Cẩn nên không mời các cháu vào phòng mà để các cháu chơi tha thẩn ngoài vườn. Một lúc sau, Bác xuống, nhìn thấy thế, Bác tỏ ý không bằng lòng, Người hỏi đồng chí Thư kí: “Sao chú không lấy bánh kẹo, rót nước mời các cháu?”. Đồng chí Kỳ thưa với Bác: “Thưa Bác, đây là con cháu trong nhà nên xin Bác cứ để các cháu chơi ở sân, không cần phải tiếp bánh kẹo gì Bác ạ”. Biết đồng chí Thư ký nghĩ chưa đúng, Bác ôn tồn nói, có ý phê bình: “Các cháu là con của các chú, nhưng là khách của Bác. Bác đang bận, thì chú phải tiếp giúp Bác”. Lời Bác nói nhẹ nhàng nhưng thật thấm thía. Hiểu được ý nghĩa lớn lao trong câu Bác nói và thấy khuyết điểm của mình chưa làm đúng ý Bác, nên đồng chí liền mời các “vị khách tí hon” vào phòng, lấy bánh kẹo và pha nước tiếp các cháu như những khách người lớn đến gặp Bác.
Những đồng chí được sống và làm việc cùng Bác, luôn thấy rõ Bác chu đáo với mọi người, từ em bé đến cụ già. Đặc biệt đối với các cháu thiếu nhi, Bác Hồ không những yêu thương, quý mến mà còn rất tôn trọng. Ở dưới Nhà sàn, Bác cho làm thêm những bệ xi măng, trên có lát ván như những chiếc ghế để khi các cháu vào gặp Bác có chỗ ngồi. Bác còn đặt bể cá vàng cạnh nhà để tiếp các “vị khách tí hon”.