Anne tóc đỏ dưới Chái Nhà Xanh

83 lượt xem
https://truyenfull.com/anne-toc-do-duoi-chai-nha-xanh.9290/,Đọc truyện Anne tóc đỏ dưới Chái Nhà Xanh,Truyện tiểu thuyết Anne tóc đỏ dưới Chái Nhà Xanh,Tiểu thuyết,truyện tiểu thuyết
TÓM TẮT:Hai anh em Matthew và Marilla Cuthbert ở Chái Nhà Xanh gửi lời nhận nuôi truyền miệng qua người quen tới trại trẻ mồ côi một bé trai khoảng mười một tuổi để nuôi dạy và đỡ đần trong công việc nông trại. Tuy nhiên, một sự lầm lẫn đã đưa đến cho họ một bé gái tóc đỏ, hoạt náo, luôn mơ mộng và dễ kích động. Từ đó, Marilla và Matthew bắt đầu những tháng ngày nuôi dạy Anne. Dù họ thường xuyên phải giật thót mình bởi những sai lầm ngớ ngẩn của cô bé, trái tim trong trẻo và luôn yêu thương, ngây thơ và mơ mộng của Anne đã sưởi ấm hai trái tim già nua của anh em nhà Cuthbert. Và Chái Nhà Xanh đã trở thành nơi vui vẻ, đầy ắp tiếng cười, chan chứa tình yêu thương của một gia đình hạnh phúc.
-----------------------------------------------------------------------

Nhân vật: 
  • Anne Shirley: nhân vật chính, mơ mộng, có trí tưởng tượng bao la với nhiều tham vọng đẹp và luôn cố gắng hết mình để thực hiện. Trong tim Anne, cả yêu và ghét đều nhiệt tình đến mức đôi khi hơi thái quá.
  • Matthew Cuthbert: tính tình hiền lành và vô cùng nhút nhát. Ông Matthew là một người nông dân cần cù, chăm chỉ, hết lòng yêu thương Anne theo hướng ủng hộ mọi việc mà con bé làm. Matthew là "tâm hồn đồng điệu" đầu tiên ở làng Avonlea mà Anne tìm thấy.
  • Marilla Cuthbert: đứng đắn và đơn điệu với mọi thứ theo quy tắc, nhưng ẩn chứa một sự hóm hỉnh. Marilla là một đầu bếp giỏi, coi sóc việc nhà rất cẩn thận, không một hòn đá hay chiếc lá nào có thể rơi vãi trên sân nhà bà. Marilla chịu trách nhiệm chính trong việc dạy dỗ Anne, dù Anne thường hay làm bà hoảng hốt, giận dữ thậm chí xấu hổ nhưng cô bé vẫn thường xuyên khiến bà bật cười.
  • Rachel Lynde: hàng xóm của Chái Nhà Xanh, một phụ nữ rất tốt bụng, nhiệt tình trong công việc trường học chủ nhật, nhà thờ, hội từ thiện. Rachel là một phụ nữ tháo vát, mẫu mực, thu xếp ổn thỏa cả việc nhà và việc người khác. Đặc biệt, bà Rachel rất thích được hỏi ý kiến.
  • Diana Barry: bạn tâm giao thân nhất của Anne. Trái ngược với Anne, Diana xinh xắn, có đầu óc thực tế và được nuôi dạy rất mẫu mực. Sau này cô kết hôn với Fred Wright.
  • Gilbert Blythe: là "đối thủ" ở trường học của Anne, vì trò trêu đùa của Gilbert và tính cố chấp của Anne mà hai người đã nảy sinh mâu thuẫn nghiêm trọng tới mức không nhìn mặt nhau trong một thời gian dài. Tuy vậy, trong cuối cùng họ cũng thân thiết với nhau. Cuối cùng, trong các tập sau, họ kết hôn với nhau và có 6 đứa con, tuy nhiên con gái đầu của họ, Joy, chết 1 ngày sau khi sinh.
  • Charlie Sloane, Ruby Gillis, Jane Andrews, Fred Wright, Josie-Gertie Pye: bạn học của Anne ở trường Avonlea.
-Stella Maynard, Priscilla Grant, Phillippa Gordon (nhân vật xuất hiện tập 3): bạn thân của Anne ở học viện Queen và trường đại học Redmond (tập 3). Sau này ở Redmond, họ thuê một căn nhà để ở trọ.
-----------------------------------------------------------------
Ghi chú: 

Anne tóc đỏ dưới Chái nhà xanh (tiếng Anh: Anne of Green Gables) là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn người Canada Lucy Maud Montgomery và tập đầu của serie loạt truyện. Câu chuyện kể về cô bé Anne Shirley mồ côi, tóc đỏ, mơ mộng, lãng mạn và hay gây ra rắc rối. Xuất bản lần đầu năm 1908, cuốn sách đã được dịch ra hơn ba mươi ngôn ngữ, bán được trên năm mươi triệu bản, đưa tên tuổi của Montgomery đi khắp nơi trên thế giới, trở thành một trong những nhà văn bestseller của mọi thời đại.

Hai anh em Matthew và Marilla Cuthbert ở chái nhà xanh muốn một trại trẻ mồ côi gửi cho họ một bé trai khoảng mười một tuổi để nuôi dạy và đỡ đần trong công việc nông trại. Tuy nhiên, một sự lầm lẫn đã đưa đến cho họ một bé gái tóc đỏ, lắm mồm, luôn mơ mộng và dễ kích động. Từ đó, Marilla và Matthew bắt đầu những tháng ngày nuôi dạy Anne. Dù họ thường xuyên phải giật thót mình bởi những sai lầm ngớ ngẩn của cô bé, nhưng trái tim nhiệt nồng yêu thương của Anne đã sưởi ấm hai trái tim già nua của anh em nhà Cuthbert. Và chái nhà xanh đã trở thành nơi vui vẻ, đầy ắp tiếng cười của một gia đình hạnh phúc.

Diễn biến câu chuyện sẽ ra sao? Mời các bạn cùng thưởng thức tựa truyện này nhé!
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 1: Bà Rachel Lynde Bất Ngờ
Bà Rachel sống ngay tại nơi con đường chính Avonlea dốc xuống một thung lũng nhỏ bé được viền quanh bởi cây dương tía và hoa khuyên tai, róc rách chảy qua là một dòng suối bắt nguồn từ vùng rừng thưa trên khu đất cũ của nhà Cuthbert; ở phía thượng nguồn, con suối này nổi tiếng ngoằn ngoèo chảy xiết với rất nhiều thác hồ ẩn khuất dọc đường; nhưng ngay khi đổ vào thung lũng nhà Lynde nó lại thành một dòng chảy nhỏ hiền hòa, bởi ngay cả suối cũng không thể chảy qua cửa nhà bà Rachel Lynde mà không chỉn chu đúng mực; có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh bà Rachel ngồi bên cửa sổ, đôi mắt sắc sảo quan sát mọi thứ đi ngang qua, từ dòng suối và đám trẻ cho đến những thứ khác, và nếu phát hiện được bất cứ thứ gì lạ thường hay không hợp chỗ, bà sẽ chỉ dừng tra hỏi khi tìm được câu trả lời thỏa đáng cho tất tần tật mớ "vì sao", "thế nào".

Rất nhiều người, cả ở trong lẫn ngoài vùng Avonlea, có thể phải bê trễ việc nhà nếu muốn lo chuyện thiên hạ; nhưng bà Rachel Lynde là một trong những sinh vật giỏi giang có khả năng thu xếp ổn thỏa cả chuyện của mình và chuyện của người khác. Bà là một người nội trợ mẫu mực; công việc của bà lúc nào cũng được hoàn thành gọn ghẽ; bà "điều hành" tổ may thêu, tham gia quản lý trường học Chủ nhật và là thành viên cốt cán của Hội Từ thiện và Truyền giáo Nhà thờ. Dù vậy, bà Rachel vẫn xoay sở được khối thời gian rảnh để ngồi hàng giờ bên cửa sổ bếp, vừa đan "chăn sợi bông" – theo những lời thì thầm kính nể của các bà nội trợ ở Avonlea, tổng cộng bà đã đan được mười sáu cái – vừa đưa ánh mắt sắc sảo dõi theo con đường cắt qua thung lũng, uốn lượn chạy lên sườn đồi đỏ dốc đứng. Vì Avonlea án ngữ trên một bán đảo tam giác nhỏ nhô ra tận vịnh St Lawrence hai bên bập bềnh nước chảy nên bất kỳ ai ra vào đều phải băng qua con đường đồi này, và như vậy nằm ngay dưới tầm soi mói vô hình từ con mắt thấu thị của bà Rachel.


Bà vẫn ngồi tại chỗ đó trong một chiều đầu tháng Sáu. Mặt trời rạng rỡ ấm áp ghé qua khung cửa sổ; vườn cây ăn quả trên con dốc phía dưới ngôi nhà trổ từng chùm hoa hồng phấn như hoa cô dâu, thu hút hàng đàn ong vo ve. Thomas Lynde – người đàn ông nhỏ thó hiền lành thường được cư dân Avonlea gọi là "ông xã của Rachel Lynde" – đang gieo mớ hạt củ cải trễ vụ xuống mảnh đất đồi bên ngoài trang trại; và Matthew Cuthbert lẽ ra cũng đang phải gieo hạt xuống cánh đồng rộng màu đỏ ven suối nằm ngay cạnh trang trại Chái Nhà Xanh. Bà Rachel biết ông lẽ ra phải làm thế, vì tối hôm trước trong cửa hàng vủa William J. Blair ở Carmody, bà đã nghe ông nói với Peter Morrison rằng ông định gieo hạt củ cải vào chiều hôm sau. Dĩ nhiên Peter đã hỏi ông, vì chưa bao giờ người ta thấy Matthew Cuthbert tự nguyện hở ra bất cứ tin tức gì liên quan tới mình.

Vậy mà Matthew Cuthbert đang ở đây, lúc ba rưỡi chiều một ngày bận rộn, điềm tĩnh đánh xe qua thung lũng lên đồi; hơn nữa, ông mặc một cái áo cổ cồn trắng và diện bộ vest oách nhất, bằng chứng hiển nhiên cho thấy ông đang rời Avonlea; ông còn đánh chiếc xe độc mã do con ngựa hung kéo, báo hiệu trước mắt là một chặng đường đáng kể. Vậy thì, Mather Cuthbert đang đi đâu và để làm gì?

Nếu là bất kỳ người nào khác trong Avonlea, bà Rachel, sau khi khéo léo gắn kết các chi tiết, đã có thể đưa ra một giả thuyết hợp lý cho cả hai câu trả hỏi. Nhưng Matthew lại hiếm khi ra khỏi nhà đến nỗi nếu ông đã đi thì ắt hẳn là vì có chuyện gì cần kíp và bất thường lắm; ông là người nhút nhát nhất trần đời, không thích đi với người lạ và cũng chẳng muốn đi tới bất cứ chỗ nào có nguy cơ phải nói chuyện. Ông Matthew, diện áo cổ cồn trắng và đánh xe độc mã, quả là sự kiện hiếm có. Dù tư lự mức nào bà Rachel vẫn chẳng suy ra được gì và niềm vui buổi chiều của bà thế là đi tong.

"Sau bữa trà của mình phải sang Chái Nhà Xanh thăm dò Marilla xem hắn ta đi đâu và vì sao", cuối cùng người phụ nữ đáng kính kết luận. "Vào thời điểm này trong năm thì hắn ta chẳng tự nhiên mà ra tỉnh, và hắn ta chẳng đời nào đi chơi bời; nếu hết củ cải thì đâu cần đóng bộ chỉnh tề đem theo xe độc mã chứ; mà hắn đánh xe cũng chẳng đủ nhanh để đi đón bác sĩ. Vậy thì tối qua đã xảy ra chuyện gì đó buộc hắn phải đi xa. Mình sẽ giải câu đố này, vậy đấy, và mình sẽ chẳng thể nào tìm được một phút thư thái nếu chưa biết được hôm nay Matthew Cuthbert rời Avonlea làm gì."

Thế là sau bữa trà bà Rachel khởi hành; bà không phải đi đâu xa; ngôi nhà lớn phủ đầy dây leo khuất bóng sau vườn cây ăn trái, nơi cư ngụ của gia đình Cuthbert, chỉ cách con đường chạy qua thung lũng Lynde chưa dến một phần tư dặm. Dĩ nhiên, con đường mòn chạy dài khiến khoảng cách xa hơn rất nhiều. Cha Matthew Cuthbert, cũng lặng lẽ và rụt rè như cậu con trai, khi tìm nơi định cư đã cố hết sức tránh xa bạn bè hàng xóm, miễn là còn chưa phải vào hẳn trong rừng. Chái Nhà Xanh được dựng ở rìa xa nhất của mảnh đất ông khai phá được, và nó vẫn ở đó cho đến ngày nay, hầu như không thể nhìn thấy được nếu đứng trên con đường cái mà thường tất cả căn nhà Avonlea khác đều muốn kéo lại gần. Bà Rachel Lynde không thể gọi cuộc sống ở một nơi như thế này gọi là sống được.

"Chỉ là ở thôi", bà nói khi rảo bước theo con đường lún sâu cỏ mọc rậm rạp với hai hàng hồng dại chạy dọc. "Sống ẩn dật ở đây, chẳng trách Matthew và Marilla đều có phần kỳ quặc. Cây cối không phải bạn đồng hành tốt, tuy nhiên có trời mới biết, có khi với họ thế là đủ rồi. Mình thích ngắm người qua lại hơn. Dĩ nhiên, họ có vẻ hài lòng; nhưng mình đoán là do họ thích ứng với hoàn cảnh thôi. Cơ thể có thể thích ứng với mọi thứ, kể cả việc bị treo lên, người Ailen chẳng nói thế là gì".

Vừa thẩn thơ suy nghĩ, bà Rachel vừa bước ra khỏi con đường nhỏ dẫn vào sân sau của Chái Nhà Xanh. Khoảng sân xanh um và gọn gàng, bên này các cây liễu cổ thụ rũ bóng, bên kia là hàng dương được cắt tỉa cẩn thận. Không có đến một nhánh cây gãy hay viên đá nào, nếu có, chúng quyết không thoát khỏi cặp mắt của bà Rachel. Bà dám chắc Marilla Cuthbert quét cái sân này thường xuyên như quét nhà. Ai lỡ làm rớt thức ăn trên đó hẳn cũng có thể lượm lên ăn mà không lo tiêu thụ vượt quá trọng lượng chất bẩn thực phẩm tiêu chuẩn.

Bà Rachel khẽ gõ cửa bếp và bước vào khi được mời. Bếp ở Chái Nhà Xanh là một gian phòng vui mắt, hay có lẽ sẽ vui mắt nếu nó không sạch như ly như lau cứ như một phòng khách chưa từng dùng tới. Cửa sổ trổ theo hướng Đông và Tây nhìn ra khoảng sân sau tràn ngập ánh nắng tháng Sáu ngọt ngào, nhưng cửa sổ hướng Đông, nơi từ đó ta có thể thấy thấp thoáng những cây anh đào nở hoa trắng muốt trong vườn cây ăn quả phía bên trái và những cây phong mảnh dẻ dịu dàng cúi đầu trong thung lũng ven dòng suối, lại xanh mướt những dây nho quấn quýt. Marilla Cuthbert ngồi đó, như bà vẫn thường ngồi, lúc nào cũng tỏ ra hơi nghi ngờ cái ánh nắng mà theo bà có vẻ là một thứ quá tùy biến và vô trách nhiệm trong thế giới mọi thứ đều phải nghiêm chỉnh này; và giờ đây bà đang ngồi đan ở đó, sau lưng là chiếc bàn dọn sẵn cho bữa tối.


Bà Rachel, trước khi khép hẳn cửa, đã nhẩm trong đầu tất cả những thứ trên bàn. Có ba cái đĩa, vậy là Marilla hẳn đang chờ ai đó cùng Matthew về nhà dùng trà; nhưng món ăn chỉ là món thường ngày với mứt táo chua và bánh ngọt, nên người bạn đồng hành đang được mong ngóng đó cũng chẳng thể là nhân vật nào đặc biệt. Vậy thì giải thích sao cho cái cổ áo trắng của Matthew và con ngựa hung? Bà Rachel càng lúc càng thấy rối tinh lên trước tấm màn bí ẩn bất thường về Chái Nhà Xanh vốn vẫn lặng lẽ và chẳng hề bí ẩn này.

"Chào chị, Rachel", bà Marilla vui vẻ nói. "Buổi tối đẹp trời nhỉ? Chị ngồi xuống đi nào. Mọi người vẫn khỏe cả chứ?"

Mối quan hệ, có thể được gọi là tình bạn nếu chẳng còn biết dùng cái tên nào khác, đã tồn tại và vẫn luôn tồn tại giữa bà Marilla Cuthbert và bà Rachel, mặc cho – hoặc có lẽ là do – sự khác biệt giữa họ.

Bà Marilla là người cao gầy, thân hình chỉ thấy toàn góc cạnh chứ chẳng có đường cong nào; mái tóc đen loáng với hai chiếc kẹp bằng dây thép xuyên thẳng qua. Bà có vẻ - mà cũng thực sự - là mẫu phụ nữ cứng nhắc, chưa từng trải; nhưng có vẻ gì đó ẩn giấu sau khóe miệng, nếu nhếch thêm tí nữa có thể sẽ là dấu hiệu của khiếu hài hước tiềm ẩn."Mọi người khỏe cả," Bà Rachel đáp. "Nhưng hồi chiều nhác thấy Matthew đi, tôi cứ e là cô không ổn. Tôi tưởng ông ấy đi mời bác sĩ.

"Bà Marilla khẽ nhoẻn miệng cười vẻ thông cảm. Thật ra bà đang chờ bà Rachel đến; Bà biết việc ông Mathew xuất hành bất ngờ như thế dĩ nhiên sẽ kích thích hiếu kỳ của bà bạn hàng xóm.

"Ồ không, tôi vẫn khỏe, mặc dù hôm qua có hơi nhức đầu," bà nói. "Matthew phải đi Bright River. Chúng tôi định đón một đứa bé trai từ trại trẻ mồ côi ở Nova Scotia và cậu bé sẽ xuống tàu hỏa tối nay."

Bà Marilla có nói ông Matthew đến Bright River để thăm một chú Kangaroo nước Úc chắc cũng chẳng biết thế nào làm bà Rachel sững sờ hơn thế này. Bà đứng chết trân đến tận năm giây. Chẳng có vẻ gì là bà Marilla đang nói đùa, nhưng bà Rachel thà tin thế còn hơn.

"Cô nói thật hả, Marilla?" Cuối cùng bà cũng nặn ra được một câu hỏi.

"Vâng, dĩ nhiên," bà Marilla trả lời, cứ như đón các cậu nhóc từ những trại mồ côi ở Nova Scotia về chẳng phải tin tức không tưởng động trời gì mà chỉ là một phần công việc thường lệ mùa xuân trong bất kỳ nông trại bình thường nào trên đất Avonlea này vậy.


"Cái quái gì khiến cô nảy ra ý tưởng đó vậy?" bà hỏi sỗ sàng.

Chuyện này đã được tiến hành mà chẳng ai thèm hỏi ý kiến bà, và đương nhiên phải bị bác bỏ.

"À, chúng tôi đã suy nghĩ về chuyện này khá lâu rồi, thật ra là suốt cả mùa đông," bà Marilla đáp. "Trước Giáng sinh một ngày, bà Alexander Spencer có ghé đây và khóc là đến mùa xuân sẽ nhận nuôi một bé gái từ trại trẻ mồ côi ở Hopetown. Bà Spencer có người chị họ sống ở đó nên đã đến thăm bà ấy và hiểu rõ tình hình. Cho nên tôi và Matthew bàn tới bàn lui mãi. Chúng tôi nghĩ mình nên nhận nuôi một thằng bé. Matthew cũng có tuổi rồi, chị biết đó, anh ấy đã sáu mươi, chẳng còn linh hoạt được như xưa nữa. Tim anh ấy không khỏe lắm. Và chị biết mướn người giúp việc khó thế nào rồi đấy. Chả có ai ngoài mấy thằng bé người Pháp ngốc nghếch, dở dở ương ương; chỉ cần mình giận dữ hay dạy dỗ chuyện gì là nó cắt luôn, giông xuống mấy nhà máy tôm hùm đóng hộp hay lượn thẳng sang Mỹ. Lúc đầu Matthew định nhận một thằng bé Barnardo [1]. Nhưng tôi đã thẳng thắn nói ‘không’. ‘Có lẽ tốt thật – em không nói là không – nhưng em không muốn trẻ vô gia cư từ London,’ tôi đã bảo anh ấy thế. ‘Ít nhất cũng phải là một đứa bé bản địa. Dĩ nhiên cho dù nhận đứa nào thì anh em mình cũng vẫn sẽ thấy thanh thản và ngủ ngon hơn nếu chúng ta nhận một bé người Canada.’ Vậy là cuối cùng chúng tôi quyết định nhờ bà Spencer chọn dùm một đứa khi bà ấy đón bé gái của mình. Biết là cuối tuần rồi bà ấy sẽ đi nên chúng tôi nhờ người nhà của Richard Spencer ở Carmody nhắn bà ấy giúp chúng tôi nhận nuôi một đứa bé trai lanh lợi, dễ mến khoảng mười tuổi, mười một tuổi. Chúng tôi nghĩ tuổi đó là tốt nhất – đủ lớn để phụ giúp chút ít việc nhà và đủ nhỏ để có thể uốn nắn đúng đắn. Chúng tôi sẽ cho nó một mái ấm và học hành đầy đủ. Hôm nay Matthew và tôi vừa nhận được điện tín của bà Alexander Spencer – người đưa thư mang từ trạm tới – bảo rằng họ sẽ tới trên chuyến tàu năm rưỡi tối. Vì vậy Matthew đã tới Bright River để đón thằng bé. Bà Spencer sẽ cho nó xuống ở đó. Tất nhiên bà ấy sẽ tới thẳng trạm White Sands."

Bà Rachel luôn tự hào lúc nào cũng có cách nói lên suy nghĩ của mình; giờ đây bà đang chuẩn bị thực hiện điều đó, sau khi đã điều chỉnh đầu óc của mình để tiếp nhận những thông tin đáng ngạc nhiên này.

"Được rồi, Marilla, tôi sẽ nói thẳng là tôi nghĩ cô đang làm một việc cực kỳ ngốc nghếch – một việc mạo hiểm, vậy đó. Cô không biết cô đang dính vào chuyện gì đâu. Cô mang một đứa trẻ lạ hoắc vào nhà mình, vào gia đình mình mà cô thì lại chẳng biết tí gì về nó, không biết tính tình nó ra sao, cha mẹ nó như thế nào, hoặc giả nó sẽ trở thành người thế nào. Sao chứ, mới tuần trước thôi nhé, tôi đọc trên báo thấy có một đôi vợ chồng sống ở mạn Tây của Đảo nhận nuôi một thằng bé từ trại trẻ mồ côi, và nó đã thiêu rụi cả căn nhà trong một đêm – cố ý nhé. Marilla – còn họ suýt bị nướng chín trên giường. Tôi còn biết một trường hợp khác, thằng bé con nuôi cứ suốt ngày hút trứng – họ không sao kéo nó ra khỏi cái trò đó được. Nếu cô xin tôi lời khuyên về cấn đề này – mà cô đâu có làm vậy, Marilla – tôi hẳn đã bảo cô, vì Chúa, đừng có nghĩ đến những việc như thế, vậy đó."
Những lời khuyên can này chẳng làm bà Marilla giận dữ hay lo lắng. Bà vẫn đều tay đan.

"Tôi không phủ nhận rằng chị nói cũng có phần đúng Rachel ạ. Bản thân tôi cũng nghi ngại. Nhưng Matthew rất kiên quyết. Tôi có thể nhận thấy điều đó, nên đành nhượng bộ. Hiếm khi thấy Matthew kiên quyết chuyện gì nên một khi anh ấy như thế thì lúc nào tôi cũng cảm thấy mình có nghĩa vụ phải chấp nhận. Về chuyện mạo hiểm, thật ra nguy cơ gần như tiềm ẩn trong tất cả những gì chúng ta làm trên đời này. Tự sinh con ra cũng đâu phải an toàn hẳn, ai biết chúng lớn lên sẽ trở nên thế nào. Hơn nữa Nova Scotia sát ngay Đảo. Có phải chúng tôi nhận đứa bé từ Anh hay Mỹ đâu. Hẳn nó cũng chẳng khác chúng ta quá."

"Được thôi, tôi cũng mong mọi việc sẽ ổn," bà Rachel nói với vẻ ngờ vực lồ lộ trong giọng. "Chỉ có điều đừng trách tôi không báo trước nếu nó đốt trụi Chái Nhà Xanh hoặc cho thuốc độc vào giếng nhé – tôi đã nghe một trường hợp như thế ở New Brunswick rồi, đứa bé từ trại trẻ đã làm cho cả nhà chết tức tưởi. Chỉ có điều, trong vụ đó là một con bé."

"Đấy, tụi tôi đâu có nhận bé gái," bà Marilla nói, như thể đầu độc nước giếng là tội lỗi thuần túy mang tính phụ nữ, chẳng thể nào liên hệ với một đứa bé trai. "Tôi chẳng bao giờ mơ đến chuyện nuôi một bé gái. Tôi không hiểu sao bà Alexander Spencer có thể làm điều đó. Nhưng nghĩ lại, bà ấy sẽ chẳng gần ngại nhận nuôi luôn cả trại trẻ nếu ý tưởng đó vụt qua đầu mình."

Bà Rachel định ở lại cho đến lúc ông Matthew trở về nhà với đứa bé mồ côi đó. Nhưng nhớ ra ít nhất phải mất hai tiếng nữa ông mới về, bà quyết định lên đường tới nhà Robert Bell báo tin. Chắc chắn sẽ là một tin giật gân, và bà Rachel lúc nào cũng thích cung cấp những tin giật gân. Vì vậy bà đứng dậy, một hành động khiến bà Marilla thở phào nhẹ nhõm, vì bản thân bà Marilla cũng bắt đầu cảm thấy tất cả lo ngại và sợ hãi của mình sống dậy dưới ảnh hưởng bi quan từ bà hàng xóm.

"Trời, chẳng hiểu việc gì đã và sẽ diễn ra nữa!" bà Rachel thốt lên khi vừa an toàn ra khỏi đường mòn. "Cứ như mình đang nằm mơ. Ôi, mình thật thấy tội nghiệp cho đứa bé ấy, chẳng nghi ngờ gì nữa. Matthew và Marilla chẳng biết tí gì về trẻ con và hẳn họ mong nó thông thái và dày dạn hơn cả ông nội nó, nếu nó có một người ông thật, mà mình thì ngờ lắm. Dù sao cũng thật kỳ lạ khi nghĩ đến chuyện có một đứa bé ở Chái Nhà Xanh; từng có đứa nào ở đó đâu chứ, khi căn nhà đó xây xong thì Matthew và Marilla đều đã lớn cả rồi – nếu họ từng có thời là trẻ con thật thì nhìn họ cũng khó mà tin nỗi điều đó. Mình chẳng muốn dính đến thằng bé mồ côi ấy tí nào. Ôi trời, dù sao cũng thật tội nghiệp nó, vậy đó."

Bà Rachel lầm bầm với bụi hồng dại những lời tự đáy lòng như thế, nhưng nếu bà có thể nhìn thấy đứa trẻ đúng lúc đó đang kiên nhẫn đứng chờ ở trạm Bright River thì nỗi cảm thương của bà hẳn sẽ còn mạnh mẽ và sâu sắc hơn nhiều.

Chú thích

[1] Có lẽ bà Marilla sử dụng từ "cậu bé Barnardo" theo nghĩa thông thường, ám chỉ những đứa trẻ người Anh - thường là trẻ mồ côi - được đưa sang lao động chân tay tại các nước thuộc địa thời kỳ những năm 1800.
---------------------------------------------------------------------------
Chương 2: Ông Matthew Cuthbert Bất Ngờ

Ông Matthew Cuthbert và cô ngựa hung nhẹ nhàng thả bước qua tám dặm đường đến Bright River. Đó là một con đường đẹp, chạy dọc những nông trại xinh xắn, thỉnh thoảng lại xuyên qua một khu rừng linh sam nhỏ hay một thung lũng đầy cây mận dại đang nở bung những cánh hoa mỏng tang. Không khí thấm đẫm mùi hương ngọt ngào tỏa ra từ những vườn táo và những cánh đồng cỏ nghiêng nghiêng trải dài đến tận đường chân trời lấp lánh ánh ngọc trai tim tím, trong khi đó

"Chim nhỏ cất tiếng dịu dàng

Như ngày hè độc nhất ươm vàng cả năm."

Ông Matthew tận hưởng chuyến đi theo cách riêng, chỉ trừ những lúc ông gặp mấy phụ nữ và phải gật đầu chào họ - vì ở đảo Hoàng tử Edward bạn phải gật đầu chào bất cứ ai bạn gặp trên đường dù có quen biết hay không.

Ông rất sợ tất cả phụ nữ, trừ bà Marilla và bà Rachel; ông có một cảm giác rất khó chịu là các sinh vật khó hiểu đó đang cười thầm sau lưng mình. Có thể suy nghĩ của ông cũng đúng phần nào, vì ông có vẻ ngoài khá kỳ quặc, dáng lóng ngóng mái tóc xám xỉn dài chấm đôi vai gù, đệm thêm bộ râu quai nón dày, mềm mại ông nuôi từ hồi hai mươi mốt tuổi. Thật ra, lúc hai mươi trông ông cũng chẳng khác lúc sáu mươi là mấy, chỉ bớt ảm đạm hơn tí chút.


Khi ông tới Bright River, chẳng thấy bóng dáng chiếc tàu hỏa nào; ông nghĩ mình đến sớm quá nên buộc ngựa vào sân khách sạn nhỏ Bright River rồi bước tới nhà ga. Sân ga dài gần như trống huơ trống hoác, sinh vật duy nhất hiển hiện trong tầm mắt là một bé gái ngồi trên đống đá cuội ở tận cuối ga. Ông Matthew, biết chắc đó là một bé gái, đưa ánh mắt trượt qua nhanh hết mức chứ không mảy may liếc nhìn. Nếu nhìn thì hẳn ông đã khó lòng bỏ qua thái độ và biểu hiện vừa căng thẳng vừa hy vọng tột độ của con bé. Có vẻ con bé đang ngồi đợi điều gì hay ai đó, và vì ngồi và chờ đợi là những việc duy nhất có thể làm khi ấy nên con bé đã ngồi và chờ đợi với tất cả tâm tư tình cảm của mình.

Ông Matthew đến gặp viên trưởng ga, lúc này đang lúi húi khóa cửa phòng vé chuẩn bị về nhà ăn tối, để hỏi khi nào chuyến tàu năm giờ rưỡi sẽ tới.

"Chuyến tàu năm rưỡi đã đến và đi nửa tiếng trước rồi," viên trưởng ga nhanh nhảu đáp. "Nhưng có một hành khách được gửi lại cho ông đấy – một bé gái. Nó ngồi ở đống đá cuội ngoài kia kìa. Tôi đã bảo con bé vào phòng chờ nữ, nhưng nó lại trang trọng đáp rằng thích ngồi ngoài kia hơn. ‘Ở đó trí tưởng tượng có thể bay xa hơn,’ nó bảo thế. Phải nói, con bé đặc biệt đấy."

"Tôi không chờ một con bé," ông Matthew ngây người nói. "Tôi đến để đón một bé trai mà. Thằng bé lẽ ra phải ở đây. Bà Alexander Spencer đem nó từ Nova Scotia về đây cho tôi."

Ông trưởng ga huýt sáo.

"Chắc có lầm lẫn rồi," ông bảo. "bà Spencer đã xuống tàu với bé gái đó và giao nó cho tôi. Bảo rằng ông và em gái nhận nuôi con bé từ trại mồ côi và ông sẽ đến đón nó ngay. Tôi chỉ biết thế thôi – tôi chẳng giấu đứa trẻ mồ côi nào quanh đây cả."

"Tôi không hiểu," ông Matthew kêu lên vô vọng, ước gì bà Marlla có ở đây để đối phó với tình hình.

"À, tốt hơn ông nên hỏi con bé," trưởng ga lơ đễnh trả lời. "Tôi dám chắc nó sẽ giải thích được thôi – miệng lưỡi lanh lẹ lắm, chắc chắn đấy. Có thể họ hết con trai theo tiêu chuẩn ông muốn rồi."

Ông nhanh nhảu bước đi vẻ đói bụng, bỏ lại ông già Matthew tội nghiệp với nhiệm vụ còn khó hơn vào hang vuốt râu hùm – bước đến chỗ con bé – một bé gái hoàn toàn xa lạ - một bé gái mồ côi – và hỏi nó tại sao nó không phải là con trai. Ông Matthew quay người mà trong lòng rên rỉ, lê chân xuống sân ga tiến về phía con bé.

Con bé đã dõi mắt theo ông từ lúc ông lướt qua và bây giờ vẫn đang dán mắt vào ông. Matthew lúc trước không nhìn con bé, mà nếu có nhìn ông cũng không nhận ra dáng vẻ thật sự của nó, nhưng một người quan sát bình thường có thể nhận thấy thế này: một đứa trẻ chừng mười tuổi, mặc một chiếc váy rất ngắn, rất chặt, rất xấu bằng vải pha len màu xám vàng. Con bé đội chiếc mũ thủy thủ nâu bạc màu, và bên dưới cái mũ là hai bím tóc đỏ rực rất dày buông dài sau lưng. Khuôn mặt nhỏ, trắng và gầy, lại còn nhiều tàn nhang; cái miệng rộng và đôi mắt cũng to không kém, nửa lấp lánh xanh lá, nửa xám đầy tâm trạng.

Với người quan sát thông thường thì như vậy, còn những người tinh hơn sẽ để ý thấy cái cằm nhọn và dứt khoát, đôi mắt to hoạt bát tràn đầy sức sống; cái miệng duyên dáng biểu cảm, trán rộng và cao; tóm lại, quan sát viên tinh tế sáng suốt của chúng ta có thể kết luận rằng một tâm hồn không tầm thường chút nào đang trú ẩn trong cơ thể con bé – phụ nữ lưu lạc vốn đang làm Matthew Cuthbert nhút nhát phải e sợ đến mức nực cười này.

Tuy nhiên, ông Matthew đã thoát khỏi thử thách phải lên tiếng trước, vì ngay khi kết luận rằng ông đến để đón mình, con bé đứng dậy, một bàn tay khẳng khiu ngăm ngăm nắm chặt chiếc túi hành lý lỗi thời cũ kỹ; tay còn lại chìa ra cho ông.

"Con đoán bác là bác Matthew Cuthbert của Chái Nhà Xanh?" con bé nói bằng giọng dễ thương và trong trẻo khác thường. "Con rất vui được gặp bác. Con đã bắt đầu lo là bác sẽ không đến đón và con đã tưởng tượng ra những chuyện khiến bác không đến. Con đã quyết định là nếu tối nay mà bác vẫn không đến thì con sẽ theo đường mòn xuống chỗ cây anh đào dại lớn ở khúc quanh rồi trèo lên đó ngủ qua đêm. Con sẽ không sợ, và thật tuyệt nếu có thể ngủ trên một cây anh đào dại nở bông trắng xóa dưới ánh trăng, bác nhỉ? Ta có thể không tưởng tượng mình đang ngủ trong một sảnh đá hoa cương, đúng không bác? Và con chắc chắn rằng nếu không phải tối nay thì sáng mai bác sẽ đến đón con thôi."

Ông Matthew ngượng nghịu nắm bàn tay nhỏ bé lẻo khẻo trong tay mình, và chính giây phút đó ông đã quyết định phải làm gì. Ông không thể nói với đứa trẻ có đôi mắt lấp lánh này rằng đã có nhầm lẫn; ông sẽ chở con bé về nhà và để Marlla làm điều đó. Dù sao đi nữa cũng không thể để con bé lại Bright River, nhầm lẫn gì thì cũng mặc, mọi hỏi han giải thích đều có thể hoãn lại đến khi ông về Chái Nhà Xanh an toàn.


"Bác xin lỗi đã đến trễ," ông rụt rè nói. "Tới đây nào. Ngựa ở bên kia sân. Đưa túi của con đây."

"Ồ, con mang được mà," đứa bé vui vẻ trả lời. "Không nặng đâu. Con đã bỏ tất cả những thứ đáng giá của mình vào đó, nhưng không nặng chút nào. Mà nếu xách không đúng cách, cái tay cầm sẽ bung ngay – nên tốt hơn là con nên tự xách vì con biết cách. Cái túi du lịch này cũ lắm rồi. Ồ, con rất vui vì bác đã tới, mặc dù ngủ trên cây anh đào dại cũng là một ý tưởng thật dễ thương. Chúng ta phải đi xe một đoạn khá xa, đúng không ạ? Bà Spencer nói rằng khoảng tám dặm. Con vui lắm, vì con thích đi xe. Ồ, thật tuyệt vời khi có thể sống với bác và thuộc về bác. Con chưa bao giờ thuộc về ai – không hẳn. Nhưng trại tế bần là tệ nhất. Con chỉ ở đó có bốn tháng, nhưng vậy cũng đã đủ lắm rồi. Con không nghĩ rằng bác từng là trẻ mồ côi trong trại tế bần, nên bác có lẽ không thể hiểu được nó thế nào đâu. Tệ hơn bất kỳ thứ gì bác có thể tưởng tượng ra. Bà Spencer bảo con nói thế là rất hư, nhưng con không định hư đâu. Thật dễ mà vô tình trở thành hư đốn, phải không bác? Họ rất tốt, bác biết đấy – những người trong trại ấy. Nhưng trong đó có quá ít thứ để thả cho trí tưởng tượng bay bổng – chỉ có thể tưởng tượng chuyện này chuyện kia về các bạn ấy – tưởng tượng rằng có lẽ cô bé ngồi kế bên mình nhật ra là con gái của một bá tước, từ khi còn ẵm ngửa đã bị một y tá ác độc đánh cắp khỏi tay cha mẹ và bà này lại chết trước khi có thể tự thú. Con thường thức đêm để tưởng tượng những thứ như thế, vì ban ngày con không có thời gian. Con đoán đó là lý do khiến con quá gầy – con ốm dễ sợ, phải không ạ? Con chẳng có da thịt gì cả. Con thích tưởng tượng mình dễ thương và mũm mĩm, có những chỗ lúm ở khuỷu tay."


Đến đó, bạn đồng hành của ông Matthew chợt ngưng nói, phần vì con bé hết hơi, phần vì họ đã ra đến chỗ xe ngựa và xe xuôi xuống lớp đất mềm dẫn đến tận triền sông có hàng anh đào dại đang độ bung cánh và những cây phong lan trắng mảnh khảnh đung đưa cách đầu họ vài bộ.

Đứa trẻ vươn tay bẻ một nhánh mận dại quét ngang hông xe ngựa.

"Đẹp không bác? Cái cây vươn ra khỏi bờ sông, trông như ren trắng xóa làm bác nghĩ đến cái gì không?" con bé hỏi.

"À ừ, bác không biết," ông Matthew đáp.

"Sao chứ, tất nhiên là một cô dâu rồi – một cô dâu mặc toàn màu trắng với tấm mạng che mặt bí ẩn đáng yêu. Con chưa từng nhìn thấy một cô dâu nào, nhưng con có thể hình dung ra cô ấy. Con chưa bao giờ hy vọng mình có thể làm cô dâu. Con xấu xí đến nỗi sẽ chẳng ai muốn lấy làm vợ - trừ phi đó là một nhà truyền giáo nước ngoài. Con nghĩ một nhà truyền giáo nước ngoài chắc cũng không đặc biệt lắm. Nhưng con hy vọng ngày nào đó có thể mặc đầm trắng. Đây là ý nghĩ hạnh phúc nhất mà con có thể tưởng tượng được. Con thích quần áo đẹp. Và cả đời con, con chưa bao giờ có được một cái váy đẹp nào – nhưng dĩ nhiên vẫn còn nhiều thứ để mong đợi, phải không ạ? Và con có thể tưởng tượng ra cảnh mình ăn mặc thật lộng lẫy. Sáng nay khi rời trại mồ côi, con thấy thật xấu hổ vì mình phải mặc cái váy bằng vải pha len cũ rích trông phát kinh lên được này. Tất cả trẻ mồ côi đều phải mặc thế, bác biết đó. Mùa đông vừa rồi, một lái buôn ở Hopetown đã hiến ba trăm thước vải pha len cho trại. Nhiều người nói tại ông ấy không bán chúng được, nhưng con lại tin rằng nó xuất phát từ trái tim nhân hậu của ông ấy, phải không bác? Khi lên tàu, con cứ có cảm giác như mọi người hẳn đang nhìn mình thương hại. Nhưng con tìm ngay ra cách và hình dung rằng mình đang mặc chiếc váy xanh lơ đẹp nhất – vì một khi đã tưởng tượng thì phải tưởng tượng sao cho đáng – cùng một chiếc mũ to đính đầy hoa và lông vũ lúc lắc, cả một chiếc đồng hồ vàng, thêm đôi găng tay và bốt trẻ em. Con thấy vui lên liền và tận hưởng chuyến đi tới Đảo với toàn bộ sức lực của mình. Con không hề say sóng khi đi thuyền. Bà Spencer cũng thế, mặc dù bà ấy có lần suýt say. Bà ấy nói là chẳng còn thời gian để say sóng, vì cứ phải mãi trông chừng sao cho con không bị rơi xuống nước. Nhưng nếu điều đó giúp bà ấy không bị say sóng thì thật là một phép màu con đã tạo ra đúng không ạ? Và con muốn thấy mọi thứ trên thuyền đó vì con không biết liệu mình còn có cơ hội nào khác không. Ồ, và còn rất nhiều cây anh đào nữa chứ, tất cả đều đang nở rộ! Đảo này là nơi nhiều hoa nở nhất. Con yêu nó mất rồi, và con mừng là mình sẽ sống ở đây. Con luôn nghe nói rằng đảo Hoàng tử Edward là nơi xinh đẹp nhất thế giới, và con từng tưởng tượng mình sống ở đây, nhưng con chưa bao giờ thật sự tin rằng mình có thể. Thật vui khi những tưởng tượng của mình có thể thành hiện thực, đúng không ạ? Nhưng những con đường đỏ ấy mới thú vị làm sao chứ. Khi bước lên tàu hỏa ở Charlottetown, những con đường màu đỏ bắt đầu lướt qua, con hỏi bà Spencer cái gì làm chúng đỏ thế, bà ấy bảo rằng không biết, lạy Chúa lòng lành đừng hỏi câu nào nữa. bà nói con hỏi có đến ngàn câu rồi. Con cũng nghĩ vậy, nhưng làm sao tìm hiểu mọi thứ mà không đặt câu hỏi chứ? Và cái gì làm những con đường có màu đỏ?"

"À ừ, bác chịu thôi," ông Matthew đáp.

"À, đó là một trong những thứ sẽ có lúc phải tìm hiểu. Thật tuyệt vời khi nghĩ đến tất cả những thứ có đó cho ta tìm hiểu, đúng không ạ? Nó làm con cảm thấy vui sướng biết bao khi được sống – thế giới này mới thú vị làm sao. Nó sẽ giảm hẳn một nửa sự thú vị nếu chúng ta biết hết mọi thứ, đúng không ạ? Lúc đó sẽ không còn chỗ cho trí tưởng tượng, bác nhỉ? Nhưng có phải con nói nhiều quá không? Người ta lúc nào cũng nói con thế. Bác có thích con im lặng không? Nếu bác nói vậy thì con sẽ dừng. Con có thể dừng khi con quyết định như thế, mặc dù cũng khó khăn thật."

Ông Matthew, trước sự ngạc nhiên của chính mình, tự bản thân cũng cảm thấy thích thú. Như tất cả những người dân quê trầm lặng, ông thích những người nói nhiều khi họ sẵn lòng độc thoại và không đòi hỏi ông phải đối đáp. Nhưng ông chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ được hưởng sự bặt thiệp này từ một bé gái. Phụ nữ xấu trên mọi phương diện, nhưng những đứa bé gái còn tệ hơn. Ông ghét cách chúng thẹn thùng lướt qua, quẳng vài tia liếc nhìn như thể hy vọng ông sẽ ngấu nghiến từng lời chúng sắp đánh bạo thốt ra. Đó là kiểu cách Avonlea của những cô gái có giáo dục. Nhưng cô phù thủy đầy tàn nhang này thì khác hẳn, và mặc dù trí óc chậm chạp của ông khó mà theo kịp diễn tiến tinh thần nhanh nhạy của con bé. Nên ông lại rụt rè nói như thường lệ:

"Ồ, con cứ nói tùy thích. Bác không để tâm đâu."

"Ôi, con vui quá. Con biết con và bác sẽ hợp nhau mà. Thật nhẹ nhõm khi được nói chuyện theo ý thích, không bị bảo rằng trẻ con chỉ nên nghe chứ không nên nói. Con được dạy thế cả triệu lần rồi. Và mọi người cứ cười con vì dùng từ đao to búa lớn. Nhưng khi chúng ta có những ý tưởng lớn lao thì phải dùng những từ lớn lao để bày tỏ chứ, bác nhỉ? "

"Ừ, nghe cũng có lý đấy," ông Matthew phụ họa.

"Bà Spencer nói lưỡi của con hẳn phải treo lơ lững. Nhưng không – nó dính chặt ở một đầu mà. Bà Spencer nói chỗ bác tên là Chái Nhà Xanh. Con đã hỏi bà tất tật mọi chuyện về nơi ấy. Và bà ấy nói xung quanh có cây. Con mừng lắm. Con vốn yêu cây cối mà. Quanh trại mồ côi không có cây gì cả, chỉ trừ một vài cái cây còi cọc ở trước cổng được sơn phết mấy vòng trắng cẩn thận. Chúng trông không khác gì những đứa trẻ mồ côi. Con thường muốn òa lên khóc mỗi khi nhìn chúng. Con hay bảo chúng, ‘Ôi, những gốc cây bé bỏng tội nghiệp! Nếu các em được sống trong những khu rừng rộng mênh mông cùng bè bạn xung quanh, với những đám rêu nhỏ và cây chuông-tháng-Sáu mọc trên rễ, một dòng suối nhỏ róc rách ngay cạnh cùng chim líu lo trên cành, các em sẽ vươn cao, đúng không nào? Nhưng các em đâu được ở đó. Chị hiểu rất rõ cảm nhận của em, cây nhỏ ạ.’ Con cảm thấy rất tiếc khi sáng nay phải bỏ chúng lại. Bác có gắn bó với những thứ như thế không, có không bác? Liệu gần Chái Nhà Xanh có dòng suối nào không? Con quên hỏi bà Spencer chuyện đó."

"Ừ có, có một con suối ngay phía dưới căn nhà."

"Tuyệt diệu! Một trong những giấc mơ của con là được sống cạnh suối. Dù vậy, con chưa bao giờ nghĩ mình có thể làm được. Mấy khi giấc mơ biến thành sự thật, phải không bác? Có phải nếu chúng thành hiện thực thì sẽ tuyệt lắm không? Nhưng hiện giờ con không thể cảm nhận đích xác được hạnh phúc tuyệt đối bởi vì – à, bác gọi đây là màu gì?"

Con bé kéo ngay một bên bím tóc dài mượt mà của mình qua đôi vai gầy và đưa lên trước mắt ông Matthew. Ông Matthew không quen với việc xác định màu sắc của những bím tóc phụ nữ, nhưng màu này thì chẳng còn nghi ngờ gì.

"Đỏ, đúng không?" ông hỏi.

Con bé thả bím tóc lại phía sau và gieo một tiếng thở dài như thoát ra từ tận đáy lòng, xả hết nỗi buồn khổ chất chứa qua bao năm tháng.

"Vâng, màu đỏ," con bé nói với giọng cam chịu. "Bây giờ bác hiểu vì sao con không thể hạnh phúc tuyệt đối được rồi đó. Đã mang bộ tóc đỏ như thế này thì ai còn có thể chứ. Con không để tâm nhiều đến mấy thứ khác – tàn nhang, mắt xanh lá và cả cái vẻ gầy trơ xương của con nữa. Con có thể tưởng tượng chúng khác đi. Con có thể tưởng tượng mình có nước da trắng hồng đẹp đẽ và đôi mắt tím long lanh đáng yêu. Nhưng con không thể tưởng tượng gì khác cho mái tóc đỏ này. Con cố hết sức rồi. Con tự nhủ, ‘Giờ tóc mình có màu đen óng ả, đen nhánh như mun.’ Nhưng lúc nào con cũng biết rằng nó chỉ tuyền một màu đỏ, và điều đó làm tim con tan nát. Đây sẽ là nỗi đau khổ cả đời của con. Có lần con đọc trong tiểu thuyết thấy có một cô gái cũng có nỗi đau khổ cả đời nhưng không phải vì tóc đỏ. Tóc cô ấy óng vàng, bồng bềnh xõa ra phía sau từ vầng trán thạch cao tuyết hoa. Thế nào là vầng trán thạch cao tuyết hoa? Con chưa bao giờ hiểu được. Bác nói con nghe được không?"

"À ừ, bác e là bác không thể," ông Matthew trả lời, tự nhiêu thấy hơi hoa mắt. Ông cảm giác mình như một lần nữa quay lại thời tuổi trẻ nông nỗi, khi bị một thằng bé khác dụ dỗ chơi trò ngựa gỗ trong cuộc thi picnic.

"Ồ, dù có là gì thì nó hẳn cũng phải tuyệt lắm vì cô ấy đẹp như tiên mà. Bác có bao giờ tưởng tượng xem nếu được đẹp như tiên thì mình sẽ có cảm giác gì không?"

"À ừ, không, chưa từng," ông Matthew thành thật thú nhận.

"Con thì có rồi, thường xuyên là đằng khác. Nếu được chọn, bác thích cái nào hơn – đẹp như tiên hay thông minh sáng chói hay tốt bụng như thiên thần?"

"À ừ, bác... bác không chắc."

"Con cũng vậy. Con chưa bao giờ quyết định được. Nhưng cũng chẳng có khác biệt gì lắm vì dường như con chẳng bao giờ rơi vào trường hợp nào. Rõ là con không thể tốt như thiên thần rồi. Bà Spencer nói... Ôi chao, bác Cuthbert! Ôi chao, bác Cuthbert!!!"

Không phải tại bà Spencer nói gì, cũng chẳng phải do con bé bị rơi ra khỏi xe ngựa hay ông Matthew đã làm gì gây sốc. Chẳng qua vì vòng qua cua hết đường và hiện giờ đang ở "Đại Lộ".

"Đại Lộ", như cách người Newbridge vẫn gọi, là một đoạn đường dài khoảng bốn năm trăm thước, hai bên rợp bóng những hàng táo trải dài, thân đồ sộ, do một nông dân lập dị trồng nhiều năm trước. Che phủ trên đầu là cả một vòm hoa trắng như tuyết, tỏa hương ngào ngạt. Dưới cành cây, không khí dày đặc ánh chạng vạng đỏ tía và bầu trời xa xa nhuộm màu hoàng hôn tỏa rạng như một cửa sổ hoa hồng lớn cuối thánh đường.


Vẻ đẹp đó dường như làm đứa trẻ sững sờ. Con bé ngồi tựa lưng vào xe, hai bàn tay gầy guộc đan chặt trước mặt say mê ngước lên chiêm ngưỡng sắc trắng huy hoàng trên đầu. Ngay cả khi họ đã ra khỏi con đường và đánh xe xuống triền dốc dài đến Newbridge, con bé cũng không nhúc nhích hay nói câu nào. Vẫn giữ vẻ mặt say mê đó, nó đăm đăm hướng về vầng mặt trời xa xa đang lặn xuống phía Tây, đôi mắt có thể nhìn thấy cả những ảo ảnh huy hoàng đang hàng hàng lớp lớp lướt qua cái nền lấp lánh ấy. Xuyên qua Newbridge, một ngôi nhà nhỏ rộn ràng huyên náo, nơi đàn chó sủa váng lên khi thấy họ còn mấy thằng bé trai hú huýt và những khuôn mặt tò mò lấp ló qua cửa số, họ đánh xe đi, vẫn chẳng nói chẳng rằng. Rõ ràng nó có thể giữ im lặng, cũng cương quyết như khi nó nói chuyện vậy.

"Bác chắc là cháu thấy mệt và đói lắm rồi," cuối cùng ông Matthew đánh liều lên tiếng, quy chụp cho tình trang ngơ ngẩn kéo dài của con bé cho cái lý do duy nhất ông có thể nghĩ ra được. "Nhưng không còn xa đâu... khoảng một dặm nữa thôi."

Con bé bừng tỉnh khỏi giấc mơ với một tiếng thở dài não nề quay nhìn ông bằng ánh mắt mơ màng của một tâm hồn vừa lang thang theo những vì sao đến nơi nào xa lắm.


"Ôi, bác Cuthbert," con bé lẩm bẩm, "nơi chúng ta đã đi qua – nơi trắng xóa đó – là gì vậy ạ?"

"À, chắc hẳn con muốn nói đến Đại Lộ," ông Matthew nói sau lúc lâu ngẫm nghĩ. "Nơi đó trông khá dễ thương."

"Dễ thương? Ồ, dễ thương có vẻ không phải là từ đúng rồi. Đẹp cũng không phải. Những từ này không đủ để diễn tả. Ồ, nơi đó thật kỳ diệu, kỳ diệu. Lần đầu tiên con thấy một nơi mà trí tưởng tượng cũng không thể tô vẽ gì thêm. Con thật hài lòng vì được ở đây," – con bé đặt một tay lên ngực – "Nó gây ra một cơn đau lạ lùng đến đến buồn cười, nhưng là một cơn đau dễ chịu. Bác có bao giờ cảm thấy đau như thế chưa, bác Cuthbert?"

"À ừ, bác không thể nhớ mình đã bao giờ thế chưa."

"Con bị vậy nhiều lần lắm – bất cứ khi nào con thấy cái gì đó đẹp đến huy hoàng. Nhưng họ không nên gọi một nơi đáng yêu như vậy là Đại Lộ. Cái tên chả có nghĩa gì cả. Họ nên gọi là – để con nghĩ xem – Đường Trắng Hân Hoan. Có phải đó là một cái tên dễ thương gợi lên bao điều không? Khi không thích tên của nơi nào đó hay của người nào đó, bao giờ con cũng tưởng tượng ra cái tên mới và luôn luôn nghĩ về họ với cái tên đó. Có một bạn gái ở trại trẻ mồ côi tên là Hepzibah Jenkins, nhưng con luôn tưởng tượng bạn ấy tên là Rosalia De Vere. Người khác có thể gọi nơi đó là Đại Lộ, nhưng con sẽ luôn gọi nó là Đường Trắng Hân Hoan. Có thật là chỉ còn một dặm nữa là chúng ta sẽ tới nhà không ạ? Con vui lắm nhưng mà tiếc thật. Con thấy tiếc vì cuốc xe này dễ chịu quá, mà con thì lúc nào cũng thấy tiếc khi những điều dễ chịu qua đi. Có thể một điều dễ chịu hơn sẽ tới sau đó, nhưng chúng ta chẳng thể nào chắc chắn được. Và thường thì nó chẳng dễ chịu hơn. Dù sao đó cũng là kinh nghiệm của con. Nhưng con rất vui khi nghĩ đến chuyện sắp đến nhà rồi. Bác thấy đó, từ khi biết suy nghĩ cho đến giờ, con chưa bao giờ có một mái ấm đích thực. Chỉ cần nghĩ tới việc đang được đưa đến với một mái ấm đích thực là con lại cảm thấy một cơn đau dễ chịu nữa rồi. Ôi, chẳng phải tuyệt lắm sao!"

Họ đánh xe qua đỉnh đồi. Phía dưới là một cái hồ, trong chẳng khác nào con sông trải dài, uốn khúc. Một cây cầu bắc ngang hồ, và từ đây xuống đến phía bờ hồ thấp hơn, nơi vành đai đồi cát ngả màu hổ phách ngăn cách nó với vùng vịnh xanh thẫm bên ngoài, làn nước biến thành một vầng hào quang với vô vàn sắc màu không ngừng biến đổi – những màu thần thánh nhất như nghệ tây, hồng và xanh lá thanh tao, kết hợp những ánh màu li ti huyền ảo không tên. Phía bên kia cây cầu, hồ chạy vào đôi găng tay đính tua bằng những cây linh sam và phong, rồi lờ mờ ẩn mình trong những bóng cây dập dờn. Đây đó một cây mận dại ló ra khỏi bờ sông như một cô nàng trắng trẻo đang nhón chân soi bóng. Từ trong đầm lầy ở đầu hồ vang lên rõ ràng bài đồng ca ngọt đến nao lòng của những chú ếch. Một căn nhà nhỏ xam xám lấp ló trong vườn táo trắng xóa trên con dốc xa xa, và mặc dù trời chưa tối lắm, ánh đèn vẫn hắt ra từ một trong những khung cửa sổ.

"Đó là hồ Barry," ông Matthew giới thiệu.

"Ôi, con cũng chẳng thích cái tên đó. Con sẽ gọi nó – để xem – Hồ Nước Lấp Lánh. Phải rồi, đó đúng là tên dành cho nó. Con biết vì đã rùng mình. Cứ khi nào tìm được một cái tên tuyệt đối phù hợp là con lại rùng mình. Có thứ gì làm cho bác rùng mình chưa?"

Ông Matthew trầm ngâm suy nghĩ.

"À ừ, có. Lần nào nhìn thấy lũ giòi trắng xấu xí ngoi đầu khỏi thảm dưa leo bác cũng đều rùng mình. Bác ghét nhìn chúng."

"Ồ, con không nghĩ hai kiểu rùng mình đó giống hệt nhau. Bác nghĩ chúng có giống nhau không? Dường như chẳng có mấy liên hệ giữa giòi và Hồ Nước Lấp Lánh, đúng không ạ? Nhưng sao mọi người gọi nó là hồ Barry vậy?"


"Bác đoán là vì ông Barry sống ở căn nhà trên đó. Dốc Vườn Quả là tên chỗ ông ấy ở. Nếu đằng sau nó không có bụi cây lớn kia thì ắt con có thể nhìn thấy Chái Nhà Xanh từ đây rồi. Nhưng chúng ta sẽ phải qua cầu và vòng đường đó, nên còn hơn nửa dặm nữa."

"Ông Bary có đứa con gái nhỏ nào không ạ? À, không nhỏ quá – cỡ con đó."

"Ông ấy có một đứa khoảng mười một tuổi. Tên con bé là Diana."

"Ôi chao!" cùng với một hơi hít sâu. "Cái tên đáng yêu quá!"

"À ừ, bác không biết. Cái tên đó có vẻ ngoại đạo một cách kỳ cục, bác thấy thế. Bác thích tên Jane, Mary hay đại loại mấy cái tên hợp lý kiểu thế hơn. Nhưng khi Diana chào đời, có một thầy giáo cũng có mặt ở đó, vậy là họ nhờ ông ấy đặt tên cho con bé và ông ấy bèn đặt là Diana."

"Con ước gì cũng có một thầy giáo như thế ở bên cạnh lúc con ra đời. Ồ, chúng ta lên cầu rồi. Con phải nhắm mắt lại thôi. Con lúc nào cũng sợ qua cầu. Con không thể ngăn mình tưởng tượng rằng có lẽ, đúng lúc chúng ta đang ở giữa cầu, nó sẽ gấp lại như con dao bỏ túi và kẹp chúng ta luốn. Nên con nhắm mắt lại. Nhưng con luôn mở to mắt khi nghĩ mình đã đến gần giữa cầu rồi. Bởi vì, bác biết không, nếu cái cầu thật sự gấp lại thì con muốn được xem nó gấp. Nó sẽ gây ra một tiếng ầm ầm sôi động! Con luôn thích cái phần ầm ầm sôi động đó. Có tuyệt không khi có bao nhiêu thứ trên đời này để thích? Đây, chúng ta qua rồi. Giờ con sẽ quay nhìn lại. Ngủ ngon nhé, Hồ Nước Lấp Lánh thân mến. Con luôn chúc những thứ mình yêu thích ngủ ngon, như con thường làm với mọi người. Con nghĩ họ thích vậy. Nước cứ như đang cười với con."

Khi họ đã đánh xe lên ngọn đồi xa hơn và chuẩn bị đến khúc rẽ, ông Matthew nói:

"Chúng ta gần đến nhà rồi. Chái Nhà Xanh ở quá..."

"Ô, đừng cho con biết," con bé hổn hển ngắt lời, chụp lấy cánh tay đang giơ lên nửa chừng của ông và nhắm tịt mắt lại để không nhìn thấy hướng ông chỉ. "Để con đoán, con chắc chắn sẽ đoán đúng mà."

Con bé mở mắt nhìn xung quanh. Họ đang ở trên đỉnh đồi. Mặt trời đã xuống núi được một lát nhưng phong cảnh vẫn rõ nét trong ánh hoàng hôn êm dịu. Phía Tây, một tháp chuông nhà thờ sẫm màu nhô lên nên trời vàng hoa cúc. Bên dưới là thung lũng nhỏ và xa xa, một con dốc hơi nhô lên, trải dài với những nông trại xinh xắn rải rác bên đường. Ánh mắt con bé lướt từ nơi này đến nơi khác đầy khao khát, háo hức và đăm chiêu. Cuối cùng họ rẽ vào một lối đi bên tay trái cách biệt hẳn con đường cái, lờ mờ màu trắng của đám cây cối đang nở hoa trong ánh chạng vạng của mấy vạt rừng xung quanh. Phía trên, giữa nền trời Tây Nam trong vắt, một ngôi sao lớn trắng màu pha lê nhấp nháy như ánh đèn dẫn đường đáng tin cậy.

"Nó đó, đúng không ạ?" con bé chỉ tay hỏi.

Ông Matthew vui vẻ ghìm cương trên lưng ngựa.

"À ừ, cháu đoán ra được rồi! Nhưng ta chắc là bà Spencer đã tả cho cháu nên cháu mới nói đúng được."

"Không, bà ấy không miêu tả gì – thật sự là không. Bà ấy gần như chỉ nói những thứ chung chung ở nơi nào cũng thế. Con không hề có ý tưởng cụ thể nhà sẽ trông thế nào. Nhưng ngay khi con nhìn thấy con đã có cảm giác nó chính là nhà mình. Ôi, cứ như con đang mơ vậy. Bác biết không, tay con từ khuỷu trở lên hẳn thâm tím hết rồi, vì cả ngày nay con đã tự cấu véo mình không biết bao nhiêu lần. Cứ chốc chốc, cảm giác thất vọng khủng khiếp lại tràn tới và con lại sợ rằng tất cả chuyện này chỉ là một giấc mơ. Vậy là con bèn tự nhéo mình xem nó có thật hay không – cho đến khi con đột nhiên nhớ ra rằng cho dù chỉ là giấc mơ thì con cũng nên mơ tiếp đến khi nào còn có thể; nên con không tự nhéo mình nữa. Nhưng chuyện này là thật và chúng ta đã gần đến nhà rồi."

Với một tiếng thở dài sung sướng, con bé lại chìm vào im lặng. Matthew bứt rứt đổi tư thế. Ông thấy mừng vì chính Marilla chứ không phải ông sẽ là người phải nói với đứa trẻ bơ vơ này rằng mái ấm mà nó hằng khao khát rốt cuộc lại không phải là của nó. Họ đánh xe qua thung lũng nhà Lynde, nơi đây màn đêm đã buông xuống nhưng trời chưa tối đến mức khiến bà Rachel không thể nhìn thấy họ từ khung cửa thuận tiện của mình, rồi cả hai lên đồi tiến vào con đường nhỏ tít tắp của Chái Nhà Xanh. Ngay khi họ đến chỗ ngôi nhà, ông Matthew bỗng rụt người lại khi một phát hiện ập đến với luồng năng lượng mà ông không tài nào hiểu được. Không phải vì Marilla hay vì bản thân mà ông phải suy nghĩ về rắc rối có thể đến do sai lầm này, mà vì sự thất vọng của đứa trẻ đó. Khi nghĩ tới ánh sáng vui sướng say mê vụt tắt trong mắt con bé, ông lại có cảm giác bứt rứt không yên là mình đang tiếp tay cho một vụ mưu sát – đúng cái cảm giác thường trào lên mỗi khi ông phải giết một con cừu, bê hay bất cứ sinh linh bé nhỏ vô tội nào.

Khi họ rẽ vào trong, sân đã tối và những lá bạch dương kêu xào xạc xung quanh.

"Lắng nghe cây nói chuyện trong giấc ngủ kìa," con bé thầm thì trong lúc ông nhấc bổng nó đặt xuống đất. "Hẳn chúng đang có một giấc mơ êm đềm lắm!"

Rồi, tay nắm chặt túi xách, nơi cất giữ "toàn bộ tài sản đáng giá nhất của mình," con bé bước theo ông vào nhà.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 3: Bà Marilla Cuthbert Ngạc Nhiên
Bà Marilla nhanh nhẹn bước ra khi ông Matthew mở cửa. Nhưng khi ánh mắt chạm vào hình thù nhỏ bé kỳ cục trong chiếc váy cứng ngắc, xấu xí, với hai bím tóc đỏ dài và một cặp mắt sáng đầy háo hức, bà sửng sốt khựng lại.

"Matthew Cuthbert, ai đây?" bà thốt lên. "Thằng bé đâu?"

"Không có thằng bé nào cả," ông Matthew khổ sở đáp. "Chỉ có nó thôi."

Ông hất đầu về phía con bé, nhớ ra mình chưa từng hỏi tên nó.

"Không có thằng bé! Nhưng phải có một thằng bé chứ," bà Marilla nhấn giọng. "Chúng ta đã nhắn bà Spencer gửi đến một thằng bé mà."


"Ờ, bà ấy không làm thế. Bà ấy gửi con bé tới. Anh hỏi trưởng ga rồi. Và anh đành phải đón nó về. Cho dù nhầm lẫn từ đâu thì cũng không thể để nó lại đó được."

"Ôi trời, đúng là một mớ rắc rối đây!" bà Marilla thốt lên.

Đứa bé đứng lặng thinh suốt cuộc đối thoại này, đưa mắt từ người này sang người kia, toàn bộ vẻ hoạt bát trên khuôn mặt tắt ngấm. Đột nhiên con bé dường như đã nắm bắt được đầy đủ ý nghĩa những lời nói đó. Đánh rơi chiếc túi quý giá của mình, nó bật về phía trước một bước, siết chặt hai tay.

"Hai người không muốn con!" con bé hét lớn. "Hai người không muốn con vì con không phải là con trai! Lẽ ra con phải lường trước chứ. Chưa từng ai muốn có con. Con lẽ ra phải biết điều này quá đẹp để có thể tồn tại lâu dài. Con lẽ ra phải biết chẳng ai thật sự muốn có con. Ôi, con phải làm gì đây? Con sẽ khóc òa lên mất!"

Cón bé khóc òa lên thật. Ngồi xuống một cái ghế cạnh bàn, vùi mặt vào hai bàn tay đặt trên bàn, con bé bắt đầu khóc nức nở. Bà Marilla và ông Matthew bực dọc nhìn nhau bên lò sưởi. Không ai biết phải nói hay làm gì. Cuối cùng bà Marilla tập tễnh bước tới, cố gắng xoa dịu tình hình.

"Nào nào, không cần phải khóc đâu mà."

"Có chứ, cần chứ ạ!" Đứa bé ngẩng phắt đầu lên, để lộ gương mặt đẫm nước mắt và đôi môi run run. "Bác cũng sẽ khóc, nếu bác là một cô nhi và đến một nơi bác nghĩ sẽ trở thành nhà mình, để rồi nhận ra họ không muốn bác chỉ vì bác không phải là con trai. Ôi, đây là điều bi đát nhất xảy ra với con!"

Một nụ cười gượng gạo, dường như gỉ sét vì đã lâu không dùng đến, làm dịu lại vẻ mặt khắc khổ của Marilla.

"Thôi nào, đừng khóc nữa. Chúng ta không quăng cháu ra đường tối nay đâu. Cháu sẽ phải ở lại đây đến khi chúng ta điều tra xong vụ này. Tên cháu là gì?"

Con bé do dự trong khoảnh khắc."Bác có thể gọi con là Cordelia được không? "con bé khấp khởi nói.

"Gọi cháu là Cordelia?

"Đó là tên cháu à?"

"Khô...ô...ng, đó không phải tên con, nhưng con thích được gọi là Cordelia. Đó là một cái tên thanh nhã tuyệt diệu."

"Ta không biết cháu đang huyên thuyên cái gì. Nhưng nếu không phải Cordelia, vậy tên cháu là gì?"

"Anne Shirley," chủ nhân cái tên miễn cưỡng ấp úng, "nhưng, ôi, xin hãy gọi con là Cordelia. Nếu con chỉ ở đây một thời gian ngắn thôi thì bác gọi con là gì cũng có phiền lắm đâu, đúng không ạ? Mà Anne thật là một cái tên chẳng lãng mạn gì."


"Vớ vẩn, không lãng mạn cái gì chứ!" bà Marilla nói không khoan nhượng. "Anne là một cái tên hợp lý, đơn giản, rất hay. Cháu không cần xấu hổ vì nó."

"Ồ, con không xấu hổ vì nó," Anne giải thích, "chỉ là con thích tên Cordelia hơn. Con luôn tưởng tượng tên mình là Cordelia – ít nhất cũng trong những năm gần đây. Khi còn nhỏ con từng tưởng tượng ra tên Geraldine, nhưng giờ con thích Cordelia hơn. Nhưng nếu bác gọi con là Anne, xin hãy gọi là Anne có âm e."

"Nó đánh vần như thế nào thì có khác biệt gì đâu?" Marilla hỏi với một nụ cười han gỉ khác khi bà cầm cái bình trà lên.

"Ồ, nó khác biệt nhiều chứ ạ. Nó có vẻ dễ thương hơn. Khi nghe phát âm một cái tên, bác có thể luôn nhìn thấy nó trong đầu, cứ như nó được in ra không? Con có thể làm như vậy; và A-n-n trông thật khủng khiếp, nhưng A-n-n-e thì khác hơn nhiều. Chỉ cần bác gọi con là A-n-n-e có âm e thì con sẽ gắng tự mình xoa dịu nỗi đau không được gọi là Cordelia."

"Rất tốt, vậy thì, Anne có âm e, cháu có thể nói cho chúng ta biết tại sao lại có sự nhầm lẫn này không? Chúng ta nhắn với bà Spencer là hãy gửi một bé trai. Ở trại mồ côi không có con trai à?"

"Ồ, có chứ, có cả đống luôn. Nhưng bà Spencer nói rõ là các bác muốn nhận một bé gái khoảng mười một tuổi. Và bà quản lý cho rằng con phù hợp. Bác không biết con vui đến thế nào đâu. Cả đêm con chẳng thể ngủ được vì mừng. Ồ," con bé quay sang ông Matthew nói với vẻ trách móc, "sao lúc ở ga bác không nói với con là bác không muốn con và cứ để con ở lại đó? Nếu con chưa từng thấy Đường Trắng Hân Hoan và Hồ Nước Lấp Lánh thì mọi thứ sẽ không khó khăn đến vậy."

"Con bé đang nói cái quái gì vậy?" bà Marilla hỏi, nhìn ông Matthew chằm chằm.

"Con bé... con bé chỉ đang nhắc đến vài chuyện anh và nó nói trên đường thôi," ông Matthew nói nhanh. "Anh ra ngoài dắt ngựa vào chuồng đây, Marilla. Chuẩn bị trà khi anh quay lại nhé!"

"Bà Spencer có đem theo ai khác ngoài cháu không?" bà Marilla tiếp tục khi ông Matthew đã đi ra ngoài.

"Bà ấy đưa Lily Jones đi theo. Lily mới năm tuổi và rất xinh. Con bé có mái tóc màu hạt dẻ. Nếu con rất xinh và có tóc màu hạt dẻ, bác có giữ con lại không?"

"Không. Chúng ta cần một bé trai để giúp Matthew việc nông trại. Một bé gái sẽ chẳng làm được gì cho chúng ta. Bỏ mũ ra đi. Ta sẽ đặt nó và túi của con trên bàn ngoài hành lang."

Anne ngoan ngoãn tháo mũ ra. ông Matthew trở lại ngay và họ ngồi xuống ăn tối. Nhưng Anne không ăn nổi. Con bé đau khổ gặm bánh mì bơ và khoét mứt táo từ cái đĩa thủy tinh nhỏ hình vỏ sò bên cạnh đĩa ăn của mình. Con bé quả thật chẳng thấy thoải mái hơn tí nào.

"Cháu chẳng ăn gì cả," bà Marilla nói nghiêm khắc, nhìn con bé cứ như nó mắc lỗi nghiêm trọng lắm.

Anne thở dài.

"Con không thể. Con đang trong tận cùng tuyệt vọng. Bác có thể ăn được nếu đang trong tận cùng tuyệt vọng không?"

"Ta chưa bao giờ rơi vào tận cùng tuyệt vọng, nên ta không biết," bà Marilla đáp.

"Bác chưa à? Vậy, bác có bao giờ tưởng tượng mình đang trong tận cùng tuyệt vọng chưa?"

"Chưa, chưa từng."

"Vậy thì con không nghĩ bác có thể hiểu nó là thế nào. Cảm giác đó quả thật rất khó chịu. Khi bác cố gắng ăn, liền có một cục nghẹn dâng lên cổ họng và bác không thể nuốt gì được, ngay cả caramen sô cô la. Hai năm trước con đã ăn caramen sô cô la một lần và nó ngon không chê vào đâu được. Từ đó, con vẫn thường mơ mình có thật nhiều caramen sô cô la, nhưng cứ đến lúc sắp được ăn là con lại thức dậy. Con hy vọng bác sẽ không phật lòng vì con không ăn nổi. Món nào cũng cực kỳ ngon, nhưng con vẫn không tài nào ăn được."

"Anh chắc là con bé mệt quá," ông Matthew nói, từ lúc ở chuồng ngựa về ông vẫn im lặng. "Tốt nhất nên cho con bé đi ngủ, Marilla."

Marilla không biết nên cho Anne ngủ ở đâu. Bà đã chuẩn bị một cái trường kỷ trong phòng bếp cho đứa bé trai được mong ngóng chờ đợi. Tuy nhiên, mặc dù gọn gàng sạch sẽ, nó vẫn không phù hợp để một bé gái ngủ. Nhưng rõ ràng phòng của khách không phải nơi dành cho một đứa bé lạc loài bơ vơ thế này, nên lựa chọn duy nhất là căn phòng ở chái Đông. Bà Marilla thắp một cây nên rồi bảo Anne đi cùng, con bé làm theo một cách vô hồn, cầm lấy mũ và túi khi đi qua cái bàn ngoài hành lang. Hành lang sạch sẽ đến đáng sợ; căn phòng nhỏ đầu hồi nơi con bé đang đứng dường như còn sạch hơn gấp bội.


Bà Marilla để đèn cầy lên một cái bàn hình tam giác có ba chân và cúi xuống đống chăn đệm.

"Chắc là cháu có áo ngủ chứ?" bà hỏi.

Anne gật đầu.

"Vâng, con có hai cái. Bà quản lý trại may cho con. Chúng chật kinh lên được. Trong trại chẳng bao giờ được đầy đủ, nên mọi thứ luôn thiếu thốn – ít nhất là ở những trại nghèo như chỗ chúng con. Con ghét áo ngủ chật. Nhưng vẫn có thể mơ đó là một chiếc áo ren đáng yêu, với diềm xếp ở cổ, đó cũng là một sự an ủi."

"Thôi được rồi, thay đồ nhanh lên rồi còn đi ngủ. Mấy phút nữa ta sẽ trở lại lấy nến. Ta không dám tin tưởng để cháu tự tắt. Cháu sẽ gây ra hỏa hoạn mất."
Khi bà Marilla đi khỏi, Anne đăm chiêu nhìn quanh. Những bức tường sơn trắng trống rỗng đến đau lòng, nhìn vào đó con bé chợt nghĩ hẳn chúng cũng đau đớn vì sự trống rỗng của chính mình. Sàn cũng trống không, trừ một tấm thảm đan theo kiểu Anne chưa bao giờ thấy trải ở giữa, ở một góc là chiếc giường cao và lỗi mốt, với bốn cọc thấp màu sẫm. Trong góc khác là chiếc bàn ba chân vừa nhắc đến ở trên, được trang trí bằng một cái gối cắm kim dày bằng nhung đỏ đủ cứng để làm cong mũi bất kỳ chiếc kim mạo hiểm nào. Phía trên chiếc bàn treo một tấm gương nhỏ. Giữa bàn và giường là một khung cửa sổ treo rèm trắng lạnh lẽo bằng vải muslim, đối diện là bồn rửa mặt. Cả căn phòng toát lên vẻ khắc khổ không thể diễn tả bằng lời, nhưng khiến Anne rùng mình đến tận xương tủy. Vừa sụt sịt, con bé vừa nhanh chóng cởi đồ, mặc chiếc áo ngủ chật ních, quăng mình xuống giường rồi úp mặt vào gối, kéo chăn trùm kín đầu. Khi bà Marilla trở lên lấy nến, vài món quần áo còn vương vãi bừa bãi trên sàn và chiếc giường khẽ rung là dấu hiệu duy nhất cho thấy con bé có ở đó.
Bà thong thả nhặt quần áo của Anne lên, xếp chúng gọn gàng trên một chiếc ghế vàng khè rồi cầm đèn cầy bước đến bên giường.

"Chúc con một đêm thật đẹp," bà nói, hơi ngượng nghịu nhưng không thiếu phần ân cần.

Khuôn mặt trắng trẻo và đôi mắt to của Anne bất thình *** h hiện lên bên trên tấm chăn.

"Sao bác có thể gọi đó là đêm đẹp khi bác biết hẳn sẽ là đêm tệ hại nhất con từng có?" Con bé nói giọng trách móc.

Và rồi con bé lại biến mất dưới lớp chăn.

Bà Marilla chậm chạp xuống bếp và bắt đầu rửa bát đĩa. Ông Matthew đang hút thuốc, dấu hiệu chắc chắn cho thấy tâm trí ông đang xáo trộn. Ông hiếm khi hút thuốc, vì bà Marilla phản đối thói quen bẩn thỉu đó; nhưng thi thoảng ông vẫn châm thuốc, và những lúc ấy bà Marilla chỉ nhắm mắt làm ngơ, nhận ra rằng một người đàn ông thuần phác cũng cần có nơi để giải phóng cảm xúc của mình.

"À, đây thật là một mớ lộn xộn, bà giận dữ nói. "Hậu quả của việc nhắn miệng thay vì chúng ta tự nói. Mấy ông bạn của Richard Spencer đã bẻ cong lời nhắn gửi theo kiểu nào đó. Mai một trong hai chúng ta phải đánh xe xuống đó gặp bà Spencer, chắc chắn rồi. Con bé phải được gửi trả lại cô nhi viện."

"Ừ, anh cho rằng vậy," ông Matthew miễn cưỡng đáp.

"Anh cho rằng? Anh không biết rằng phải làm thế à?"

"À ừ, con bé thật là một đứa nhỏ dễ thương, Marilla à. Thật tội nếu trả con bé lại cho cô nhi viện trong khi nó cứ đinh ninh sẽ được ở đây."

"Matthew Cuthbert, anh không định nói rằng chúng ta phải giữ con bé lại đấy chứ!"

Ông Matthew có tỏ vẻ thích trồng cây chuối hẳn cũng không thể làm bà Marilla kinh ngạc hơn.

"À ừ, không, anh cho rằng không – không hẳn vậy," ông Matthew lắp bắp, chật vật tìm cách trình bày suy nghĩ thật sự của mình. "Anh cho rằng... chúng ta khó lòng giữ lại con bé."

"Em sẽ nói không. Con bé ở với chúng ta thì có gì tốt?"

"Chúng ta có thể làm điều gì đó tốt đẹp với con bé," ông Matthew bất ngờ buột miệng.

"Matthew Cuthbert, em tin chắc đứa trẻ đó đã bỏ bùa anh mất rồi! Em có thể thấy rõ như ban ngày là anh muốn giữ nó lại."

"À ừ, nó quả thực là một đứa nhỏ thú vị," ông Matthew vẫn kiên trì. "Giá em được nghe những điều con bé nói trên đường từ nhà ga về."

"Ái chà, con bé nói năng liến thoắng thế là đủ rồi đấy. Em đã thấy ngay rồi. Em cũng chẳng thích kiểu đó. Em không thích những đứa trẻ huyên thuyên. Em không muốn một bé gái mồ côi mà nếu có thì con bé cũng không phải kiểu em chọn. Nó có cái gì đó mà em không hiểu được. Không, con bé sẽ phải trở về đúng nơi nó đã ra đi."

"Anh có thể thuê một cậu bé Pháp giúp đỡ," ông Matthew nói, "còn con bé sẽ bầu bạn với em."

"Em không chịu nổi chuyện bầu với bạn," bà Marilla đáp gọn lỏn. "Và em sẽ không giữ nó lại."

"À ừ, cứ làm như em nói vậy, tất nhiên rồi, Marilla." ông Matthew nói, đứng dậy buông ống tẩu ra. "Anh đi ngủ đây."

Matthew đi ngủ. Rửa chén đĩa xong, bà Marilla lên giường, với một cái cau mày kiên quyết cực độ. Trên lầu, ở chái Đông, một đứa trẻ cô độc, không bạn không bè và khao khát yêu thương, khóc cho đến khi thiếp ngủ.
----------------------------------------------------------------------
Chương 4: Buổi Sáng Ở Chái Nhà Xanh
Trời đã sáng bảnh khi Anne tỉnh giấc và ngồi dậy trên giường, bối rối nhìn chằm chằm vào ô cửa sổ, nơi một luồng ánh sáng dịu ngọt đang rót qua, và bên ngoài, có gì đó như chiếc lông vũ trắng muốt phấp phới bay qua mảnh trời xanh.

Trong khoảnh khắc, con bé không thể nhớ được mình đang ở đâu. Đầu tiên một cảm giác rùng mình vui sướng chợt nhớ đến, tựa như vì điều gì đó rất dễ chịu; rồi nói tiếp là một ký ức khủng khiếp. Đây là Chái Nhà Xanh và người ra không muốn nó vì nó không phải con trai!

Nhưng giờ đang buổi sáng và, đúng vậy, có một cây anh đào nở rộ ngoài cửa sổ. Nó nhảy phắt khỏi giường và băng qua phòng. Con bé đẩy khung kính trước cửa sổ – khung kính kèn kẹt nhấc mình lên một cách khó nhọc, tựa hồ rất lâu rồi chẳng được mở ra, mà quả là thế thật; nó bị kẹt cứng nên chẳng cần phải có gì để chống giữ.


Anne quỳ xuống, chăm chú nhìn buổi sáng tháng Sáu, đôi mắt lấp lánh niềm vui. Ôi, chẳng phải thật đẹp biết bao hay sao? Chẳng phải đây là một nơi thật đáng yêu sao? Cứ nghĩ đến chuyện con bé thật sự chẳng thể ở lại đây xem! Con bé tưởng tượng mình được ở lại nơi này. Ở đây có chỗ để phát huy trí tưởng tượng.

Một cây anh đào lớn mọc bên ngoài, gần đến nỗi cành xòa vào nhà, hoa dày đặc đến mức khó thấy được cái lá nào. Cả hai bên căn nhà là vườn cây ăn trái lớn, một bên trồng táo còn bên kia trồng đào, đều đang độ nở rộ, bãi cỏ trong vườn điểm xuyết những cây bồ công anh. Trong khu vườn bên dưới là những cây tử đinh hương nở hoa tím biếc, mùi hương ngọt ngào say lòng của chúng theo làn gió sớm trôi vào cửa sổ.

Dưới vườn, trảng cỏ ba lá xanh tươi trải dài đến thung lũng nơi có con suối róc rách và những hàng phong vươn cao khỏi đám dương xỉ, nấm mốc và những bụi cây rừng tươi tốt khác. Xa xa là một ngọn đồi xanh mướt những vân sam và linh sam; giữa đồi có một khoảng trống, thấp thoáng bức tường hồi có mái màu xám của căn nhà nhỏ con bé từng nhìn thấy từ bờ bên kia Hồ Nước Lấp Lánh.

Tạt về phía trái là những nông trại lớn, còn xa hơn nữa, qua khỏi những cánh đồng xanh thoai thoải, là ánh lam lấp lánh của biển.

Đôi mắt yêu cái đẹp của Anne nấn ná trên từng cảnh vât, tham lam ngốn ngấu tất cả. Trong đời mình, đứa trẻ tội nghiệp này đã nhìn thấy quá nhiều nơi chẳng đáng yêu chút nào; song nơi đây đáng yêu hơn bất cứ nơi nào nó từng mơ tới.

Con bé quỳ đó, không để ý đến bất cứ thứ gì ngoài vẻ đẹp quanh mình, cho đến khi giật mình bởi một bàn tay đặt lên vai. Bà Marilla đã vào tận trong phòng mà cô nhỏ mơ mộng vẫn không hề hay biết.

"Đến lúc thay quần áo rồi," bà nói cộc lốc.

Bà Marilla quả thật không biết phải nói sao với con bé, chính sự hoang mang đầy khó chịu đó đã làm cho lời bà có vẻ nhát gừng và đanh thép ngoài ý muốn.

Anne đứng dậy, thở một hơi dài.

"Ôi, nó không tuyệt vời sao?" con bé nói, phẩy tay chỉ toàn bộ cái thế giới tươi đẹp ngoài kia.

"Nó là một cái cây lớn," bà Marilla nói, "và hoa nở đẹp đấy, nhưng quả thì chẳng bao giờ ra hồn - nhỏ mà lại đầy sâu."

"Ồ, ý con không phải là mỗi cái cây đó; dĩ nhiên nó đáng yêu – đúng vậy, nó đáng yêu đến rạng rỡ – nở bung như trải cả lòng mình – nhưng ý con là tất cả mọi thứ, khu vườn, vườn cây ăn trái, con suối và khu rừng, toàn bộ thế giới rộng lớn thân thương này. Bác có cảm thấy mình bỗng yêu thế giới này biết bao trong một buổi sáng như thế này? Con có thể nghe thấy tiếng dòng suối cười vui trên suốt đường đi. Bác có bao giờ để ý rằng những con suối là tạo vật vui vẻ đến thế nào không? Chúng luôn luôn cười. Ngay cả trong mùa đông con vẫn nghe thấy chúng cười dưới lớp băng. Con rất mừng vì có một con suối gần Chái Nhà Xanh. Có lẽ bác sẽ nghĩ với con điều này cũng chẳng nghĩa lý gì vì đằng nào bác cũng không giữ con lại, nhưng có đấy. Kể cả khi chẳng thể thấy nó lần nữa thì con vẫn sẽ muốn nhớ mãi mãi rằng có một con suối gần Chái Nhà Xanh. Nếu không có con suối, con sẽ bị ám ảnh bởi cảm giác khó chịu rằng lẽ ra nó phải có ở đó. Sáng nay, con không còn ở trong tận cùng tuyệt vọng nữa. Con không thể nào thấy tuyệt vọng vào buổi sáng. Chằng phải thật tuyệt vời biết bao khi có những buổi sáng? Nhưng con thấy rất buồn. Con mới vừa tưởng tượng rằng rốt cuộc con đúng là người bác muốn và con sẽ ở lại đây mãi mãi, mãi mãi. Chừng nào giấc mơ còn thì chừng đó vẫn thật vô cùng dễ chịu. Nhưng điều tồi tệ nhất khi tưởng tượng ra chuyện này chuyện kia đó là rồi sẽ đến lúc ta phải ngừng tưởng tượng và lúc đó mới đau đớn làm sao.


"Tốt hơn hết, cháu nên thay đồ rồi xuống nhà và đừng có tưởng tượng nữa," bà Marilla nói ngay khi có thể chen lời được. "Bữa sáng đã sẵn sàng. Rửa mặt và chải tóc đi. Cứ để cửa sổ mở và xếp chăn gối xuống chân giường. Nhanh nhảu hết mức vào."

Anne rõ ràng có thể nhanh nhảu vì mục đích nào đó, con bé có mặt dưới nhà trong vòng mười phút, quần áo tề chỉnh, tóc chải gọn gàng và thắt thành bím, mặt mũi sạch sẽ và một nhận thức dễ chịu thấm đẫm tâm hồn nó rằng mình đã hoàn thành tất cả yêu cầu của Marilla. Tuy nhiên, thật ra nó đã quên gấp quần áo ngủ lại.

"Sáng nay con thật là đói," con bé thông báo khi sà vào chiếc ghế bà Marilla dành sẵn cho mình. "Thế giới có vẻ không còn hoang vu ảm đạm như tối qua. Con rất vui vì sáng nay trời nắng. Nhưng con cũng thích những sáng mưa. Mọi buổi sáng đều thú vị, các bác có nghĩ vậy không ạ? Bác không cần biết trong ngày sẽ có những chuyện gì, và có quá nhiều cái để tưởng tượng. Nhưng con mừng là hôm nay không mưa, vì trong những ngày nắng người ta dễ vui vẻ và chịu đựng nỗi khổ sở tốt hơn. Con cảm thấy mình phải chiu đựng rất nhiều thứ. Đọc về nỗi sầu khổ và tưởng tượng mình dũng cảm vượt qua nó đúng là rất tuyệt, nhưng khi ta đối mặt với nó thì lại không dễ chịu chút nào, phải không ạ?"


"Vì Chúa cháu giữ mồm giữ miệng chút đi," bà Marilla nói. "Đối với một bé gái thì cháu nói quá nhiều đấy."

Ngay sau đó Anne giữ mồm giữ miệng một cách ngoan ngoãn và triệt để đến mức sự im lặng dai dẳng của con bé khiến bà Marilla bắt đầu lo lắng, cứ như đang xảy ra chuyện gì đó bất thường. Ông Matthew cững giữ mồm giữ miệng – nhưng đây vốn là chuyện bình thường – cho nên bữa ăn rất lặng lẽ.

Càng lúc Anne càng trở nên lơ đãng, ăn như một cái máy, đôi mắt to thẫn thờ nhìn chằm chằm vào vùng trời ngoài khung cửa sổ. Điều này khiến bà Marilla lo lắng hơn bao giờ hết; bà có cảm giác khó chịu là thể xác con bé kỳ quặc này có thể đang ở bàn, nhưng tâm hồn đã lang thang về những miền mây bay khói tỏa xa xăm, phiêu đãng bằng đôi cánh tưởng tượng. Ai lại muốn một đứa trẻ như thế chứ?

Vậy mà Matthew vẫn muốn giữ nó, thật chẳng đâu vào đâu! Bà Marilla cảm thấy sáng nay ông muốn điều này một cách kiên quyết không kém gì hôm qua, và ông sẽ cứ mãi muốn thế. Đó là kiểu cách của Matthew – nảy ra một ý trong đầu là sẽ khư khư giữ lấy một cách dai dẳng thầm lặng đến ngạc nhiên – sự kiên trì một cách lặng lẽ còn mạnh mẽ và quyết liệt hơn cả chục lần được nói ra miệng.

Khi bữa sáng kết thúc, Anne thoát khỏi cơn mơ màng và đề nghị rửa bát đĩa.

"Cháu rửa bát đĩa tốt chứ?" bà Marilla hỏi vẻ không mấy tin tưởng.

"Tốt ạ. Nhưng con giỏi trông trẻ hơn. Con có nhiều kinh nghiệm về chuyện đó lắm. Đáng tiếc là bác không có đứa trẻ nào để con trông."

"Hiện tại thì ta thấy mình chẳng muốn có thêm đứa trẻ nào để trông nom nữa. Xét theo mọi phương diện, mình cháu cũng đủ phiền rồi. Giờ ta còn chưa biết phải làm gì với cháu. Matthew là kẻ gàn hạng nhất."

"Con nghĩ bác ấy đáng yêu chứ," Anne nói với giọng trách móc. "Bác ấy rất biết cảm thông. Không hề để tâm con nói nhiều đến mức nào – còn có vẻ thích nữa. Lần đầu tiên con gặp, con đã cảm thấy ở bác ấy một tâm hồn đồng điệu rồi."

"Cả hai người đều kỳ cục như nhau, nếu ý cháu nói tâm hồn đồng điệu theo nghĩa đó," bà Marilla hít một hơi. "Được, cháu có thể rửa bát đĩa. Lấy nhiều nước nóng vào, và phải chắc là lau cho khô đấy. Sáng nay ta có đủ chuyện phải làm lắm rồi, vì chiều còn phải đánh xe xuống White Sands gặp bà Spencer. Cháu sẽ đi cùng, ta và bà ấy sẽ xem phải dàn xếp thế nào cho cháu. Sau khi rửa bát xong hãy lên lầu dọn giường đi."

Bà Marilla để mắt theo dõi cẩn thận, nhận thấy Anne rửa bát đĩa khá khéo. Con bé tỏ ra vụng về hơn trong việc dọn giường sau đó, vì chưa bao giờ được học nghệ thuật đánh vật với một cái chổi lông. Nhưng bằng cách nào đó nó cũng làm xong việc và xuống nhà dưới; rồi Marilla, để thoát khỏi con bé, liền bảo nó có thể ra ngoài chơi cho đến giờ cơm.

Anne chạy như bay ra cửa, mặt sáng bừng, mắt lấp lánh. Đến đúng ngưỡng cửa thì nó đột ngột quay về chỗ cũ và ngồi xuống bàn, mọi ánh sáng và tia nhìn lấp lánh tắt ngấm cứ như ai đó vừa xịt bình cứu hỏa lên con bé.

"Bây giờ lại chuyện gì nữa đây?" bà Marilla hỏi.

"Con không dám ra ngoài," Anne nói, với giọng của một kẻ tử vì đạo từ bỏ mọi niêm vui trần thế. "Nếu con không thể sống ở đây, vậy tình yêu của con dành cho Chái Nhà Xanh sẽ chẳng ích gì. Và nếu con ra ngoài đó làm quen với tất cả cây cỏ, hoa lá, vườn cây, dòng suối, con sẽ không thể không yêu chúng. Bây giờ đã đủ khó khăn lắm rồi, nên con sẽ không làm tình hình khó khăn thêm chút nào nữa. Con muốn ra ngoài lắm – mọi thứ dường như đang vẫy gọi ‘Anne, Anne, ra đây với chúng mình. Anne, Anne, chúng mình muốn có người chơi chung’ – nhưng tốt hơn là không làm thế. Chẳng ích gì khi đem lòng yêu những thứ chúng ta buộc phải chia lìa, đúng không ạ? Mà kiềm chế lòng mình để không yêu thì lại quá khó, phải không bác? Đó là lý do con rất vui mừng khi nghĩ mình sẽ được sống ở đây. Con nghĩ mình có quá nhiều thứ để yêu thương và không có gì cản trở con. Nhưng giấc mơ ngắn ngủi đó đã qua. Giờ con chấp nhận số phận rồi, nên con nghĩ con sẽ không ra ngoài đó vì sợ mình sẽ lại không cam chịu nữa. Tên của cây phong lữ bên bậu cửa sổ là gì hả bác?"

"Đó là phong lữ mùi táo."

"Ôi, ý con không phải loại tên như thế. Ý con là cái tên mà bác tự đặt cho nó. Bác đã đặt cho nó chưa? Hay con đặt nhé? Con có thể gọi nó là – xem nào – Bonny được đó, con có thể gọi nó là Bonny khi con còn ở đây không? Ôi, bác cho con gọi thế nhé!"

"Trời ạ, ta không quan tâm. Nhưng đặt tên cho mọt cây phong lữ có nghĩa lý quái gì?"

"Ồ, con thích mọi thứ đều có tên cho dù đó chỉ là những cây phong lữ. Như vậy chúng có vẻ người hơn. Sao bác biết liệu có làm một cây phong lữ tổn thương không nếu chỉ gọi nó là phong lữ và chỉ thế thôi? Con sẽ không thích nếu lúc nào cũng bị kêu là con bé này con bé kia. Được, con sẽ gọi nó là Bonny. Sáng nay con đã đặt tên cho cây anh đào ngoài cửa sổ phòng ngủ của con rồi. Con gọi nó là Nữ Hoàng Tuyết vì nó trắng quá. Tất nhiên không phải lúc nào nó cũng trổ bông, nhưng người ta có thể tưởng tượng nó như thế mà, đúng không?"

"Trong đời mình chưa bao giờ nhìn thấy hay nghe thấy cái gì có thể sánh với con bé này," bà Marilla lẩm bẩm trên đường xuống hầm lấy khoai tây. "Con bé có vẻ thú vị thật, đúng như Matthew nói. Mình nhận thấy mình bắt đầu tò mò không biết nó sẽ nói gì tiếp theo. Con bé rồi cũng ếm bùa lên mình mất. Đã ếm lên Matthew rồi đó thôi. Ánh mắt anh ấy nhìn mình khi cố nói lên tất cả những gì anh ấy đã nói hay đã gợi ý bóng gió tối qua. Ước gì anh ấy giống những người khác, nghĩ gì thì cứ nói toạc ra. Người ta có thể trả lời vì tranh luận được. Nhưng phải làm gì với một người đàn ông chỉ biết nhìn thôi chứ?"

Lúc bà Marilla từ dưới hầm lên, Anne đã lại chìm vào mơ mộng, tay chống cằm và mắt dán lên trời. Bà để mặc con bé như thế cho đến lúc bữa ăn chiều được dọn lên bàn.

"Chiều nay em dùng ngựa và xe được chứ, Matthew?" bà Marilla hỏi.

Ông Matthew gật đầu và nhìn Anne tư lự. Bà Marllia chặn đứng cái nhìn và nói dứt khoát:

"Em sẽ đánh xe xuống White Sands dàn xếp chuyện này. Em sẽ dẫn theo Anne và có lẽ bà Spencer sẽ thu xếp để gửi con bé quay về Nova Scotia ngay. Em dọn trà cho anh ngay đây, và sẽ về nhà kịp lúc để vắt sữa bò."

Ông Matthew vẫn chẳng nói gì và bà Marilla cảm giác như mình đang hoài công phí sức. Chẳng có gì đáng bực mình hơn một người không chịu đáp lời – trừ khi đó là một phụ nữ.

Ông Matthew đóng ngựa vào xe đúng giờ, và bà Marilla cùng Anne lên đường. Ông Matthew mở cửa sân cho hai bác cháu, và khi họ từ từ đánh xe qua, ông nói có vẻ bâng quơ:

"Sáng nay Jerry Buote Nhỏ ở Creek đã tới đây, và anh bảo có lẽ hè này anh sẽ mướn cậu ấy."

Marilla chẳng nói chẳng rằng, nhưng bà quất con ngựa xui xẻo một roi mạnh đến mức con ngựa cái mập mạp, vốn không quen bị đối xử như thế, phẫn nộ lao xuống đường với vận tốc đáng báo động. Bà Marilla nhìn lại một lần khi cỗ xe độc mã lật bật tiến về phía trước và thấy ông Matthew đáng bực ấy đang tựa lưng vào cửa, nhìn theo họ với ánh mắt đăm chiêu.
---------------------------------------------------------------------

Chương 5: Câu Chuyện Của Anne
Bác biết không?" Anne nói giọng tin cậy, "con quyết định phải tận hưởng chuyến đi này. Con đã có kinh nghiệm rằng gần như lúc nào ta cũng có thể tận hưởng mọi thứ khi ta quyết định chắc chắn như thế. Tất nhiên, phải quyết định chắn chắn. Con sẽ không nghĩ tới việc quay lại trại trẻ mồ côi trong lúc chúng ta đang trên đường đi. Con sẽ chỉ nghĩ về chuyến đi. Ồ, nhìn kìa, một bông hồng dại bé bỏng nở sớm! Thật đáng yêu? Bác có nghĩ được làm một bông hồng sẽ rất vui không? Không phải nếu hoa hồng mà biết nói thì rất hay sao? Con chắc chúng có thể kể cho chúng ta nghe những điều thật dễ thương. Và có phải màu hồng là màu quyến rũ nhất thế giới không? Con yêu màu hồng, nhưng con không mặc được quần áo màu đó. Những người tóc đỏ không thể mặc đồ màu hồng, ngay cả trong trí tưởng tượng cũng không. Bác có biết người nào hồi nhỏ tóc đỏ, nhưng lớn lên lại có tóc màu khác không?"

"Không, ta chắc mình chưa bao giờ thấy," bà Marilla nói không chút cả thông "và ta cũng không nghĩ điều đó sẽ xảy ra với cháu"

Anne thở dài.

"Ồ, vậy là một hi vọng khác lại tan biến. ‘Cuộc đời ta là một nấm mồ tuyệt hảo cho những hy vọng bị chôn vùi’ Đó là câu con đọc trong sách, và con dùng nó để tự an ủi mình mỗi khi thất vọng về bất cứ điều gì"

"Ta chẳng thấy câu đó có gì là an ủi cả" bà Marilla nói.


"Sao ạ, con nghe rất dễ thương và lãng mạn mà, cứ như con là nhân vật chính trong một quyển sách. Con rất thích những điều lãng mạn, và một nấm mồ cho tất cả những hy vọng bị chôn vùi là thứ lãng mạn nhất mà con người có thể tưởng tượng ra, chẳng phải vậy sao? Con cũng vui là mình có một cái. Liệu hôm nay chúng ta có đi qua Hồ Nước Lấp Lánh không?"

"Chúng ta sẽ không đi qua hồ Barry, nếu dó là cái cháu gọi là Hồ Nước Lấp Lánh. Chúng ta sẽ đi đường bờ biển"

"Đường bờ biển nghe hay đó" Anne mơ màng nói. "Chẳng phải nghe rất tuyệt sao? Bác vừa nói "đường bờ biển" con đã hình dung hình ảnh nó trong đầu mình, thật nhanh! White Sands cũng là một cái tên đẹp, nhưng con không thích bằng Avonlea. Avonlea là một cái tên đáng yêu. Nghe không khác gì tiếng nhạc. Còn bao xa mới tới White Sands ạ?"


"Năm dặm nữa, và vì cháu rõ là muốn nói chuyện, vậy thì để nói gì đó có ích, hãy kể cho ta nghe những gì cháu biết về bản thân đi."

"Ồ, những gì con biết về bản thân thật sự chẳng đáng để kể" Anna hăm hở nói " Hay là bác để con kể những gì con tưởng tượng về mình, vậy bác sẽ thấy hấp dẫn hơn nhiều."

"Không, ta không muốn biết tí gì về những tưởng tượng của cháu. Hãy kể sự thật trần trụi thôi. Bắt đầu từ đầu nào. Cháu sinh ra ở đâu, bao nhiêu tuổi rồi?"

Đến tháng Ba vừa rồi là con được 11 tuổi" Anne nói, phó thác bản thân cho sự thật trần trụi kèm theo một tiếng thở dài: "Con sinh ra ở Bolingbroke, Nova Scotia. Cha con là Walter Shirley, giáo viên trường cấp ba Bolingbroke. Mẹ con tên là Bertha Shirley. Walter và Bertha đúng là những cái tên đáng yêu phải không ạ? Con mừng là cha mẹ mình có những cái tên thú vị. Chẳng phải sẽ rất xấu hổ nếu cha mình có một cái tên... xem nào, Jedediah chẳng hạn, đúng không?"

"Ta nghĩ chẳng có vấn đề gì với cái tên miễn là người đó cư xử đúng đắn" bà Marilla đáp, cảm thấy mình đang yêu cầu ghi nhớ một bài học hay và hữu ích.


"Ồ, con chẳng biết nữa." Anne có vẻ trầm ngâm. "Con đọc được trong một cuốn sách dù hoa hồng có được đặt bất cứ tên nào khác thì vẫn tỏa hương ngào ngạt như thế, nhưng con không sao tin nổi chuyện đó. Con không tin hoa hồng sẽ tuyệt đối như thế nếu người ta gọi nó là cây kế hay cải bắp chồn hôi. Con nghĩ cha con hẳn phải là người tốt, cho dù ông có tên Jedediah chăng nữa, nhưng chắc chắn đó là ngoại lệ. Mẹ con cũng là giáo viên cấp ba, nhưng khi cưới cha con thì bà đã nghỉ dạy, tất nhiên. Một người chồng thôi cũng đủ trách nhiệm rồi. Bà Thomas nói họ là một cặp trẻ con và nghèo rớt mùng tơi. Họ tới sống tại một căn nhà màu vàng nhỏ tí xíu ở Bolingbroke. Con chưa bao giờ thấy ngôi nhà nhưng đã tưởng tượng ra nó cả ngàn lần rồi. Con nghĩ nó hẳn phải có hoa kim ngân trên cửa sổ phòng khách, tử đinh hương trong sân trước và hoa linh lân ngay cổng vào. Đúng vậy, và rèm cửa bằng vải muslin treo ở tất cả cửa sổ nữa. Rèm vải muslin làm không khí căn nhà khác hẳn. Con được sinh ra trong ngôi nhà đó. Bà Thomas nói con là đứa trẻ thô kệch nhất bà từng thấy, rằng con gầy đét như thanh củi và nhỏ tí, chẳng có gì ngoài đôi mắt, nhưng người mẹ ấy vẫn nghĩ con vô cùng xinh đẹp. Con nên nghĩ rằng mẹ sẽ là người nhận xét đúng hơn so với một người đàn bà nghèo phải đến quét dọn, đúng không? Con mừng là dù sao bà cũng hài lòng với con, con sẽ buồn lắm nếu nghĩ rằng mình đã làm bà thất vọng – vì bác biết đấy, sau khi sinh, mẹ con không sống được bao lâu nữa. Bà chết vì bệnh sốt sau khi sinh con mới ba tháng tuổi. Con cứ ước gì bà sống đủ lâu để con nhớ được mình từng có lần gọi mẹ. Con nghĩ sẽ thật ngọt ngào khi có thể gọi ‘mẹ’, phải không bác? Cha con mất bốn ngày sau, cũng vì bệnh sốt. Cha mẹ con đến từ nơi rất xa, ai cũng biết họ chẳng còn họ hàng nào còn sống. Cuối cùng bà Thomas nói bà sẽ nhận con, mặc dù bà nghèo và có một ông chồng say xỉn. Bà tự nuôi con lớn. Bác có biết liệu trong việc tự tay nuôi lớn này có bất kỳ điều gì làm cho những người được nuôi dưỡng theo cách đó trở nên tốt hơn người khác không? Vì cứ lúc nào con hư, bà Thomas lại hỏi sao con có thể hư hỏng như thế trong khi bà đã tự tay nuôi lớn con – bà hay trách móc vậy đấy."

"Ông bà Thomas rời Bolingbroke tới Marysville và con sống với họ đến năm tám tuổi. Con giúp họ trông lũ trẻ nhà Thomas – có bốn đứa nhỏ tuổi hơn con – và con có thể nói rằng chúng cần được chăm sóc nhiều lắm. Rồi ông Thomas bị xe lửa cán chết, mẹ ông ấy đề nghị đón bà Thomas và bốn đứa trẻ về, nhưng bà ấy không muốn con. Bà Thomas, như lời bà ấy nói, cũng chẳng biết phải làm gì với con. Rồi bà Hammond từ thượng nguồn sông xuống, thấy con giỏi chăm trẻ nên nhận nuôi con, và con lên sống với bà ấy trong một khoảng rừng thưa nhỏ. Đó là một nơi cô lập. Con chắc mình chẳng thể nào sống nổi ở đó nếu thiếu trí tưởng tượng. Ông Hammond có một xưởng cưa nhỏ trên đó, và bà Hammond có tám đứa con. Bà ấy sinh đôi ba lần. Trong chừng mực nào đó, con thích con nít, nhưng sinh đôi ba lần liên tiếp thì nhiều quá. Con kiên quyết nói với bà Hammond như thế khi cặp cuối cùng chào đời. Con bã hết cả người khi cứ trông chừng chúng."

"Con sống trên thượng nguồn sông với bà Hammond hơn hai lăm, rồi ông Hammond mất và bà Hammond không đảm đương công việc nội trợ nữa. Bà ấy chia con cái ra gửi cho họ hàng rồi đến Mỹ. Con phải vào trại trẻ ở Hopetown vì không ai nhận nuôi con. Ở trại, họ cũng không muốn con, họ nói đông quá mức rồi. Nhưng họ vẫn phải nhận và con ở đó bốn tháng đến khi bà Spencer tới."

Anne kết thúc câu chuyện với một tiếng thở dài khác, lần này là nhẹ nhõm. Rõ ràng con bé không muốn nhắc đến kỉ niệm về một thế giới không ai muốn mình.

"Cháu đã bao giờ đi học chưa?" bà Marilla hỏi, ghìm cương cho con ngựa hung hướng về phía bờ biển.

"Không nhiều lắm ạ. Con có đi học một thời gian ngắn trong năm cuối cùng sống với bà Thomas. Khi con lên thượng nguồn sông, trường xa quá nên con không thể đi bộ trong mùa đông, mùa hè lại được nghỉ nên con chỉ có thể học vào mùa xuân và thu. Nhưng dĩ nhiên là con được học hành ở trại mồ côi. Con có thể đọc khá tốt và thuộc nhiều bài thơ – "Cuộc chiến Hohenlinden" này. "Edinburgh sau Flodden" này, "Bingen trên sông Rhine" này, rất nhiều đoạn trong "Phu nhân của Hồ" và hầu hết "Các mùa" của James Thompson. Ta không yêu những vần thơ làm chúng ta rùng mình ở sống lưng sao? Co một bài trong sách tập đọc lớp Năm – "Ba Lan tàn lụi" - quả thật không biết bao lần khiến ta rùng mình. Dĩ nhiên, con chưa học tới sách lớp Năm – con chỉ mới lớp Bốn thôi – nhưng các chị lớp trên cho con mượn sách để đọc"


"Mấy người phụ nữ đó – bà Thomas và bà Hammond – có tốt với cháu không? Bà Marilla hỏi, liếc nhìn con bé.

"Ồ...ồ...ô" Anne ngần ngừ. Khuôn mặt bé nhỏ nhạy cảm của con bé thình *** h đỏ bừng còn vầng trán nhăn lại bối rối "Ồ, họ có ý tốt– con biết họ muốn đối xử tốt và tử tế hết mức. Chỉ cần mọi người có ý tốt với mình, mình sẽ không bận tâm nếu họ không thực sự như vậy – bao giờ cũng thế. Họ có nhiều thứ để lo lắng lắm, bác cũng biết đó. Có người chồng say xỉn ắt phải cố gắng rất nhiều, và sinh đôi đến ba lần liên tiếp cũng phải cố như thế, bác không nghĩ vậy sao? Nhưng con cảm thấy được chắc họ muốn tốt với con"

Bà Marilla không hỏi câu nào nữa. Anne thả mình vào niềm say mê thầm lặng đối với con đường bờ biển còn bà Marilla lơ đãng điều khiển ngựa trong khi suy nghĩ mông lung. Trái tim bà bỗng tràn ngập cảm giác thương cảm cho đứa trẻ. Cuộc đời nó mới thiếu thốn, ít được yêu thương làm sao - một cuộc sống lao lực, nghèo khổ và bị bỏ bê; vì bà Marilla đủ thông minh để hiểu những hàm ý trong câu chuyện của Anne và đoán ra sự thật. Chẳng trách con bé lại vui mừng đến thế trước viễn cảnh có một mái ấm thật sự. Thật đáng thương khi nó bị trả lại. Nếu bà, Marilla, đầu hàng cái ý thích bất chợt của Matthew và để con bé ở lại thì thế nào? Ông ấy kiên quyết thế; con bé cũng có vẻ là một đứa trẻ dễ thương, dễ dạy.

"Nó nói nhiều quá," bà Marilla nghĩ, "nhưng có thể luyện cho nó bỏ cái tính đó đi. Con bé cũng không xài tiếng lóng hay nói năng thô tục. Có dáng con nhà gia giáo lắm. Hình như người quen của nó đều là người tử tế"

Đường bờ biển "gần rừng, hoang dã và cô độc". Bên tay phải, những bụi sam, dù bao năm vẫn giữ gìn tinh thần trong cuộc chiến đấu với gió vịnh, mọc sin sít. Bên trái trải dài những vách sa thạch đỏ dốc đứng, nhiều đoạn lấn sát ra đường đi đến nỗi, nếu là một con ngựa cái kém bình tĩnh hơn con ngựa hung thì chắc hẳn người ngồi sau đã phải hú vía. Dưới chân vách đá là những đống đá bị sóng bào mòn hoặc những vũng cát nhỏ dát sỏi lấp lánh tựa trang sức của đại dương; ngoài xa hơn là biển, lung linh và xanh biếc, còn bên trên chim hải âu chao liệng, đôi cánh óng ánh như bạc dưới cánh mặt trời.

"Biển mới tuyệt làm sao?" Anne nói, bừng tỉnh sau một lúc lâu mắt tròn xoe yên lặng. "Có lần, hồi con sống ở Marysville, ông Thomas đã thuê một chiếc xe thồ chở cả nhà đi nghỉ cả ngày ở bờ biển cách đó mười dặm. Con đã tận hưởng từng phút giây của ngày hôm đó, con dù lúc nào cũng phải bận bịu trông trẻ. Hàng bao nhiêu năm con đã sống lại trải nghiệm đó trong những giấc mơ đẹp. Những bờ biển này đẹp hơn ở Marysville. Những con chim hải âu đó lộng lẫy quá phải không? Bác có thích làm một cánh chim ấy không. Con nghĩ mình muốn – nghĩa là, nếu con không thể là một bé gái. Bác có nghĩ thật tuyệt biết bao khi thức dậy lúc bình minh, cả ngày lướt qua mặt nước và bay lên bầu trời xanh đáng yêu ấy; rồi buổi tối lại bay về tổ của mình? Ô, con có thể tưởng tượng ra chính mình như thế. Ngôi nhà lớn ngay trước mặt là gì vậy ạ?"

"Đó là khách sạn White Sands. Ông Kirke điều hành nó, nhưng giờ vẫn chưa vào vụ. Mùa hè có rất nhiều người Mỹ đến đây. Họ nghĩ bờ biển ở đây mới đúng là bờ biển."

"Con e rằng đấy là chỗ của bà Spencer." Anne nói u ám. "Con không muốn tới đây. Theo kiểu nào đó, nó cứ như là kết thúc mọi câu chuyện."
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 6: Bà Marilla Quyết Định
Dù sao, cuối cùng họ cũng đến nơi, đúng như dự định. Bà Spencer sống trong một ngôi nhà lớn màu vàng ở White Sands Cove, và bà ra mở cửa với nét ngạc nhiên pha lẫn hồ hởi trên khuôn mặt nhân hậu của mình.

"Cưng, cưng à" bà thốt lên, "hôm nay cô là người tôi ít hi vọng sẽ gặp được nhất đấy, nhưng tôi thật sự rất vui khi gặp cô. Cho ngựa vào chứ? Còn con sao rồi, Anne?"

"Con khỏe lắm, cám ơn bác," Anne nói mà không mỉm cưởi. Cứ như một thảm họa vừa rớt trúng con bé.

"Tôi nghĩ hai bác cháu sẽ ở lại một chút cho ngựa nghỉ ngơi," bà Marilla nói, "nhưng tôi hứa với Matthew sẽ về nhà sớm. Vấn đề là, chị Spencer, có một nhầm lẫn kỳ cục ở đâu đó, Mattthew và tôi, đã nhắn chị gửi cho chúng tôi một bé trai từ cô nhi viện. Tôi đã nói với ông anh Robert của chị rằng tụi tôi muốn có một bé trai cỡ mười hay mười một tuổi."


"Marilla Cuthbert, cô đâu có nói vậy!" bà Spencer đau khổ nói "Sao chứ, Robert gửi lời qua Nancy con gái anh ấy và con bé nói cô muốn có một đứa con gái – có phải không, Flora Jane?" bà hỏi cô con gái đang trên bậc thềm.

"Đúng là chị ấy đã nói thế, cô Cuthbert ạ" Flora Jane nhanh nhảu xác nhận.

"Tôi rất xin lỗi" bà Spencer nói "Thật quá tệ, nhưng cô thấy đấy, Cuthbert, rõ ràng đây đâu phải lỗi tại tôi. Tôi đã cố hết sức và cứ nghĩ mình theo đúng chỉ dẫn của cô. Nancy vô trách nhiệm quá. Tôi vẫn thường mắng nó vì cái tật vô tâm."

"Đây là lỗi của chúng tôi" Marilla nhún nhường. "Lẽ ra tôi phải tự đến chỗ chị chứ không nên để một tin nhắn quan trọng như vậy truyền miệng kiểu đó. Dù sao cũng đã có sai sót rồi và bây giờ điều duy nhất nên làm là sửa chữa nó. Chúng ta có thể gửi con bé quay về trại không? Tôi đoán họ sẽ nhận lại nó, phải không?"

"Tôi đoán vậy" bà Spencer tự lự "nhưng tôi không nghĩ là cần phải gửi trả con bé. Bà Peter Blewett vừa lên đây hôm qua, và bà ấy nói với tôi rằng bà ấy tha thiết muốn tôi gửi cho một bé gái để đỡ đần. Cô cũng biết bà Peter có một gia đình lớn, và bà ấy thấy khó kiếm được người giúp đỡ. Anne sẽ là đứa bé rất phù hợp. Tôi có thể khẳng định đây đúng là ý trời."

Trông bà Marilla chẳng chút tin tưởng ý trời có liên quan gì đến việc này. Đây là một dịp may bất ngờ để rũ bỏ đứa trẻ mồ côi không mời mà đến này, vậy mà bà lại chẳng thấy biết ơn gì cả.

Bà mới chỉ biết Peter Blewett qua vẻ bề ngoài, một người đàn bà nhỏ bé, mặt mày đanh quánh, thân hình chắc nịch. Nhưng bà đã nghe nhiều về bà ta "Một người làm việc và lái xe khủng khiếp," người ta đồn đại về bà Peter như vậy; những cô hầu gái bị sa thải kể chuyện đáng sợ về tính nóng nảy và bủn xỉn của bà ta, cũng như những đứa con xấc xược, thích gây gổ của bà ta. Bà Marilla cảm thấy day dứt tự trong tâm khi nghĩ đến chuyện phó thác Anne cho bà ta.

"Được rồi, tôi sẽ vào trong và chúng ta cùng bàn bạc." bà nói.


"Nếu bà Peter không lên đây đúng lúc như thế!" Bà Spencer thốt lên, dẫn khách qua sảnh vào phòng khách, nơi hơi lạnh cắt da phả lên người họ cứ như không khí phải đi qua cả một chặng đường dài dằng dặc mới xuyên qua được tấm mành chắn sáng xanh thẫm mắt lưới sin sít, khiến cho mọi phần tử hơi ấm đều bay đi sạch. "Thật may là chúng ta có thể giải quyết mọi chuyện ngay. Ngồi xuống đi, Cuthbert. Anne, con ngồi trên cái ghế dài này và đừng có hiếu động quá. Đưa mũ cho ta nào. Flora Jane, ra ngoài bắc ấm nước lên đi. Chào bà Blewett. Chúng tôi vừa mới nói thật may mắn làm sao mà bà lại tình cờ có mặt ở đây. Để tôi giới thiệu hai người nào. Bà Blewett, cô Cuthbert. Xin thứ lỗi cho tôi một phút. Tôi quên nói Flora Janes lấy bánh ra khỏi lò."

Bà Spencer kéo mành lên và tất tả đi ra. Anne ngồi câm lặng trên ghế, tay đan chặt trên đùi, nhìn bà Blewett chằm chằm như bị thôi miên. Liệu mình có bị giao vào tay người phụ nữ có gương mặt và đôi mắt sắc sảo này không? Con bé thấy họng nghèn nghẹn, mắt nhức nhối. Nó vừa bắt đầu e rằng mình không thể nén khóc thì bà Spencer trở lại; mặt ửng hồng rạng rỡ, có vẻ mọi khó khăn về thể chất, tâm lý hay tinh thần bà đều có thể suy xét rồi giải quyết gọn gàng.
"Hình như đã có nhầm lẫn về đứa bé này, bà Blewett ạ" bà nói, "tôi cứ nghĩ ông bà Cuthbert muốn nhận nuôi một đứa bé gái. Người ta nhắn với tôi rõ ràng như vậy. Nhưng kỳ thật họ cần một bé trai. Vì vậy nếu bà vẫn giữ nguyên ý định hôm qua, tôi nghĩ con bé đúng là người thích hợp với bà."

Bà Blewett nheo mắt nhìn Anne từ đầu đến chân.

"Cháu bao nhiêu tuổi và tên là gì?" bà ta hỏi.

"Anne Shirley" con bé run rẩy ấp úng đáp, không dám nêu bất cứ quy định nào trong đánh vần. "Con mười một tuổi."

"Hừm! Trông cháu không có gì đặc biệt. Nhưng được cái mảnh khảnh. Ta không rõ lắm nhưng mấy đứa mảnh khảnh như vậy thường là tốt nhất. Được rồi, nếu ta nhận cháu, cháu phải ngoan đấy – ngoan ngoãn, nhanh nhẹn và lễ phép. Ta hi vọng thấy cháu sẽ xứng đáng với sự nuôi nấng dạy dỗ và không phạm sai lầm gì đấy nhé. Được rồi, tôi cho là mình có thể nhận nuôi con bé thay cô, cô Cuthbert. Thằng bé ở nhà bướng chết đi được, tôi chịu hết nổi việc chăm sóc nó rồi. Nếu cô muốn, tôi sẽ đem con bé đi ngay bây giờ."

Bà Marilla nhìn Anne, mềm lòng trước khuôn mặt trắng bệch cùng dáng vẻ câm lặng khốn khổ của con bé - sự khốn khổ của một sinh linh bé bỏng bất lực nhận ra mình lại một lần nữa mắc kẹt trong cái bẫy tưởng đã thoát ra được. Bà Marilla cảm thấy một lời kết án khó chịu rằng nếu bà từ chối lời thỉnh cầu trong ánh mắt đó thì nó sẽ ám ảnh cho đến tận ngày bà nhắm mắt xuôi tay. Hơn nữa, bà chẳng thích bà Blewett chút nào. Giao một đứa bé nhạy cảm, dễ kích động cho một người phụ nữ như thế à! Không, bà không đời nào hành động như thế!

"Ồ, tôi không biết nữa" bà nói chậm chạp. "Tôi không nói rằng tôi và Matthew đã quyết định chắc chắn sẽ không giữ con bé lại. Thật ra, tôi phải nói là Matthew định giữ con bé. Tôi chỉ đến đây tìm hiểu tại sao lại có nhầm lẫn vậy thôi. Tốt hơn tôi nên đem con bé về nhà và nói chuyện với Matthew. Tôi cảm thấy mình không nên quyết định chuyện gì khi chưa hỏi ý kiến anh ấy. Nếu quyết định không giữ con bé thì tối mai chúng tôi sẽ trực tiếp đưa hoặc nhờ người đưa nó đến chỗ bà. Nếu không, bà có thể hiểu là con bé ở lại với chúng tôi. Vậy được không, bà Blewett?"

"Chắc phải vậy thôi" bà Blewett cấm cảu đáp.

Trong khi bà Marilla nói, bình minh như ló rạng trên gương mặt Anne. Đầu tiên vẻ tuyệt vọng tan biến, sau đó khuôn mặt ửng hồng hy vọng; đôi mắt con bé trở nên sâu thẳm và lấp lánh như sao mai. Con bé hoàn toàn biến đổi; và một lát sau, khi bà Spencer và bà Blewett ra khỏi phòng tìm một công thức nấu ăn bà Blewett muốn xin bà Spencer, con bé bật dậy lao qua phòng đến chỗ Marilla.

"Ôi, bác Cuthbert, có phải bác vừa nói là bác có thể cho phép con ở lại Chái Nhà Xanh không?" con bé hỏi, thì thầm không ra hơi, cứ như nếu nói lớn tiếng thì sẽ làm vỡ tan tành khả năng tươi sáng này. "Có thật bác vừa nói thế không? Hay là con tưởng tượng ra thôi?"

‘Ta nghĩ nếu đã không phân biệt được cái gì là thực cái gì không thì cháu nên học cách kiểm soát trí tưởng tượng đi, Anne" bà Marilla cáu kỉnh nói: "Đúng vậy, cháu đã nghe ta nói gì đấy, và chỉ thế thôi. Chuyện này vẫn chưa được quyết định đâu, có khi chúng ta sẽ quyết định để bà Blewett đón cháu đi không chừng. Rõ ràng bà ta cần cháu hơn ta."

"Con thà trở về trại trẻ còn hơn đến sống với bà ta." Anne nói sôi nổi: "Bà ấy trông giống hệt như... như một mũi khoan."

Bà Marilla cố giấu nụ cười bằng cách tuyên bố Anne phải bị quở trách vì đã phát ngôn như thế.

"Một bé gái như con phải thấy xấu hổ khi nói về một người phụ nữ và một người lạ với cái kiểu cách đó" bà nghiêm giọng nói. "Trở về ngồi yên tại chỗ đi, giữ mồm giữ miệng và cư xử cho ra dáng một cô gái ngoan nào."

"Con sẽ cố gắng trở thành người như bác muốn, chỉ cần bác giữ con lại" Anne đáp, ngoan ngoãn trở lại ghế ngồi.


Tối đó khi trở về Chái Nhà Xanh, họ gặp Matthew ngay trên con phố. Từ xa bà Marilla đã thấy ông đi vớ vẩn trên đường và bà đoán già đoán non xem động cơ của ông là gì. Bà đã chuẩn bị tinh thần đón nhận vẻ nhẹ nhõm trên mặt Matthew khi ông thấy bà ít nhất cũng đem Anne về cùng. Nhưng bà không nói với ông bất cứ chuyện gì liên quan đến vụ việc này cho đến khi cả hai đã vào trong sân phía sau nhà kho vắt sữa bò. Bà kể tóm tắt cho ông nghe câu chuyện của Anne và kết quả buổi nói chuyện với bà Spencer.

"Đến con chó anh thích anh cũng sẽ chẳng bao giờ giao cho cái bà Blewett ấy" ông Matthew nói với vẻ hồ hởi khác thường.

"Bản thân em cũng chẳng thích bà ta," bà Marilla thừa nhận, "nhưng phải làm thế hoặc chúng ta giữ con bé lại, Matthew à. Vì anh có vẻ thích con bé, em đoán là em sẵn lòng – hay buộc phải làm thế. Em suy nghĩ đi suy nghĩ lại chuyện đó cho đến khi thành thói quen với nó luôn rồi. Cũng là trách nhiệm thôi mà. Em chưa bao giờ nuôi dạy một đứa trẻ, đặc biệt là con gái, và em dám chắc mình sẽ làm mọi việc rối tung rối mù lên thôi. Nhưng em sẽ cố hết sức. Về phần em, Matthew ạ, em nghĩ con bé có thể ở lại."

Gương mặt nhút nhát của ông Matthew hân hoan rạng rỡ.

"À, ừ, anh nghĩ rồi em cũng sáng ra chuyện đó thôi. Marilla à," ông nói. "Con bé quả là một đứa nhỏ thú vị."

"Nếu anh bảo con bé là đứa nhỏ có ích thì sẽ tốt hơn đấy" bà Marilla vặn lại "nhưng em sẽ lo chuyện dạy dỗ con bé. Mà này, Matthew, anh không được can thiệp vào phương pháp của em đâu. Có thể một gái già không biết nhiều về chuyện nuôi trẻ, nhưng em nghĩ vẫn biết nhiều hơn một trai già đấy. Nên anh phải để em quản lý con bé. Nếu em thất bại, lúc ấy mới đến lượt anh nhúng tay."

"Nào, nào, Marilla, em có thể làm gì em muốn mà" ông Matthew trấn an. "Chỉ cần đối tốt và tử tế hết sức với con bé trong khi vẫn không cưng chiều làm hư nó. Anh nghĩ con bé thuộc tạng người chỉ cần làm cho nó yêu mến em thì em muốn làm gì với nó cũng được."

Bà Marilla khịt mũi, bày tỏ đồng ý với ý kiến của ông Mathew về tất cả những gì liên quan đến phái nữ và đi ra mang theo mấy cái xô.

"Tối nay mình sẽ không cho con bé biết được nó có thể ở lại" bà ngẫm nghĩ trong lúc cho sữa vào đĩa lọc kem. "Con bé sẽ hào hứng đến mức không chợp mắt được. Marilla Cuthbert, rõ là mày tự rước nợ vào thân rồi. Đã bao giờ mày nghĩ là sẽ có ngày mày nhận nuôi một bé gái mồ côi không? Thế đã đủ ngạc nhiên lắm rồi, vậy mà vẫn không bằng chuyện Matthew chính là người khơi mào cho chuyện này, anh ấy lúc nào cũng có vẻ sợ các bé gái đến phát sốt phát rét. Dù sao, chúng ta cũng đã quyết định thử và chỉ có trời mới biết chuyện gì sẽ xảy ra."
--------------------------------------------------------------------
Chương 7: Anne Cầu Kinh
Tối đó khi đưa Anne đi ngủ, bà Marilla nghiêm khắc dặn dò:

"Anne, ta để ý thấy tối qua con vứt quần áo vung vãi khắp sàn khi cởi ra. Đó là một thói quen rất không ngăn nắp mà ta không thể chấp nhận được. Ngay khi cởi bất cứ món quần áo nào ra thì phải gấp gọn gàng lại rồi đặt lên ghế. Ta không ưa những bé gái không ngăn nắp."

"Tối qua con quá đau khổ nên chẳng thể nghĩ gì về quần áo của mình nữa." Anne nói. "Tối nay con sẽ gấp gọn gàng. Ở trại họ luôn bắt tụi con làm vậy. Tuy vậy, đôi khi con cũng quên mất, con quá vội chui lên gường, thoải mái và yên tĩnh, sau đó tưởng tượng về mọi thứ."

"Con sẽ phải nhớ tốt hơn một chút chừng nào con còn ở đây," bà Marilla cảnh cáo. "Nào, trông khá hơn rồi đấy. Bây giờ thì cầu nguyện rồi đi ngủ đi."

"Con chưa bao giờ cầu nguyện" Anne tuyên bố.

"Sao, Anne, ý con là gì? Con chưa bao giờ được dạy phải cầu nguyện à? Chúa luôn muốn các bé gái cầu nguyện. Con không biết Chúa là ai à, Anne?"

"Chúa là một linh hồn, vô hạn, vĩnh hằng và bất biến, hiện thân của ông ấy, trí tuệ, quyền lực, sự thần thánh, công bằng, cái thiện và sự thật," Anne trả lời liến thoắng.

Bà Marilla có vẻ nhẹ cả người.

"Vậy ra con cũng biết được chút gì đó, tạ ơn trời đất! Con không hẳn là một kẻ ngoại đạo. Con học những thứ đó ở đâu?"

"Ồ, tại trường học Chủ nhật ở viện mồ côi. Họ bắt chúng con học hết giáo lý. Con cũng khá thích nó. Có gì đó thật rực rỡ trong một số từ. ‘Vô hạn, vĩnh hằng và bất biến.’ Chẳng phải rất vĩ đại sao? Nó thành giai điệu - cứ như phát ra từ một cây đàn organ lớn. Bác không hẳn có thể gọi đó là thơ, nhưng cũng giống lắm, phải không ạ?"


"Chúng ta không nói về thơ từ, Anne – chúng ta nói về chuyện cầu nguyện. Con không biết rằng sẽ rất xấu xa tồi tệ nếu không cầu nguyện hàng đêm à? Ta e rằng con là một đứa bé rất hư đấy."

"Bác sẽ thấy rằng nếu tóc đỏ thì người ta dễ thành người xấu hơn đấy ạ" Anne nói giọng trách móc. "Những người không có tóc đỏ không hiểu được vấn đề đâu. Bà Thomas nói với con là Chúa cố tình làm con tóc màu đỏ, vậy nên từ đó con chẳng quan tâm đến ông ấy nữa. Dù sao thì tối nào con cũng mệt quá nên chẳng buồn cầu nguyện nữa. Với những người phải trông vài cặp sinh đôi thì làm sao mong chờ họ cầu nguyện được chứ. Thế nào ạ, bác thật sự nghĩ họ có thể à?"

Bà Marilla quyết định khóa giáo dục tín ngưỡng cho Anne phải bắt đầu ngay. Rõ ràng chẳng thể phí phạm phút nào được nữa.

"Con phải cầu nguyện chừng nào con còn ở dưới mái nhà của ta, Anne à."

"Vâng, dĩ nhiên, nếu bác muốn con như thế" Anne vui vẻ tán thành. "Con sẽ làm mọi thứ theo ý bác. Nhưng bác phải cho con biết lần này cần nói gì. Sau khi lên giường con sẽ tưởng tượng ra được một điều hết sức hay để cầu nguyện. Con tin rằng sẽ rất thú vị đây, con sẽ nghĩ ngay về những lời nguyện."

"Con phải quỳ xuống" bà Marilla lúng túng.

Anne quỳ xuống cạnh đầu gối của bà Marilla và nhìn lên trang nghiêm.

"Sao mọi người phải quỳ xuống để cầu nguyên? Con sẽ nói cho bác nghe nếu thật sự muốn cầu nguyện thì con sẽ làm thế nào. Con sẽ một mình đi ra một cánh đồng rộng lớn hoặc vào những khu rừng sâu thẳm, rồi con sẽ nhìn lên bầu trời – vô cùng vô tận. Đến lúc đó con sẽ cảm thấy ngay một lời cầu nguyện. Vậy đấy, con sẵn sàng rồi. Con sẽ phải nói gì."

Bà Marilla lúng túng hơn bao giờ hết. Bà định dạy Anne lời cầu kinh cổ điển của con nít, "Giờ con nằm xuống đi ngủ" Nhưng, như tôi đã nói với các bạn, bà chỉ có một chút xíu khiếu hài hước – cách gọi đơn giản của ý thức về sự thích hợp của sự vật; và bà chợt nghĩ rằng lời cầu nguyện đơn giản vốn thật thiêng liêng đối với một đứa trẻ váy trắng líu lô bên chân mẹ đó hoàn toàn chẳng thích hợp chút nào với con bé mặt đầy tàn nhang không biết và cũng không quan tâm gì đến tình yêu của Chúa, vì tình yêu ấy chưa bao giờ được truyền đạt tới con bé dưới dạng tình yêu con người.

"Con đủ lớn để tự cầu nguyện rồi, Anne" cuối cùng bà nói "Chỉ cần cảm ơn Chúa đã ban phúc cho con và cầu xin một cách khiêm nhường để Ngài ban cho những gì con muốn"


"Vâng ạ, con sẽ cố gắng hết sức" Anne hứa, vùi mặt vào tà áo của Marilla. "Hỡi Chúa thiêng liêng rộng lượng – các linh mục vẫn hay nói thế trong nhà thờ, nên con đoán rằng áp dụng cho các lời cầu nguyện riêng tư cũng ổn, phải không ạ?" con bé nói chen vào, ngẩng đầu lên một thoáng. "Hỡi Chúa thiêng liêng rộng lượng, con cảm ơn Ngài vìĐường Trắng Hân Hoan, Hồ Nước Lấp Lánh, Boony Và Nữ Hoàng Tuyết. Con thật sự biết ơn vì những điều đó. Và đó là tất cả những phúc lành của Chúa mà giờ đây con có thể nghĩ ra để cảm ơn Người. Về những điều con muốn, chúng nhiều đến nỗi sẽ mất rất nhiều thời gian gọi hết tên chúng ra, cho nên con sẽ chỉ đề cập đến hai điều quan trọng nhất. Xin hãy cho con ở lại Chái Nhà Xanh; và hãy xin cho con được xinh đẹp khi lớn lên. Con xin Ngài tôn kính, Anne Shirley."

"Con làm đúng rồi chứ ạ?" con bé vừa đứng dậy vừa háo hức hỏi "Con có thể làm cho nó hoa mĩ hơn nếu có thêm thời gian suy nghĩ"


Bà Marilla tội nghiệp chỉ có thể giữ cho mình không bất tỉnh nhân sự nhờ nhớ ra rằng đây không phải sự thiếu tôn kính mà chỉ là do Anne thiếu thốn sự quan tâm dạy dỗ về mặt tinh thần nên phần nào đã dẫn đến lời cầu xin bất thường này. Bà đắp chăn cho nó, thề trong lòng rằng ngay ngày mai con bé phải được dạy cầu nguyện, và bà đang dợm bước mang theo cây đèn rời khỏi phòng thì Anne gọi với sau lưng

"Con chỉ vừa nghĩ ra thôi. Con lẽ ra phải nói "Amen" thay vì "Ngài tôn kính", phải không ạ? Như mấy thầy tu vẫn nói. Con quên mất, nhưng con cảm thấy lời cầu nguyện phải kết thúc kiểu cách gì đó, nên con thêm mấy chữ đó vào. Bác nghĩ như vậy có khác biệt gì không ạ?

"Ta... ta nghĩ không khác gì cả" bà Marilla nói. "Giò thì đi ngủ như một đứa trẻ ngoan đi. Ngủ ngon"

"Tối nay con có thể ngủ ngon với đúng ý đó" Anne nói, cuộn tròn thoải mái giữa đống gối của mình.

Bà Marilla vào bếp, dằn mạnh cây đèn cầy xuống bàn và trừng trừng nhìn ông Matthew.

"Matthew Cuthbert, đã đến lúc phải có người nhận nuôi và dạy đỗ đứa trẻ đó. Nó gần như là một kẻ ngoại đạo một trăm phần trăm. Anh có tin nổi là từ trước tới giờ nó chưa bao giờ cầu nguyện không? Ngày mai em sẽ sai nó đến nhà mục sư để mượn Kinh thánh. Con bé cũng nên đến trường Chủ nhật ngay khi em may xong vài bộ quần áo phù hợp cho nó. Em thấy trước là mình sẽ có khối chuyện phải làm đây. Thôi được rồi, được rồi, chúng ta đâu thể tồn tại trong thế giới này mà không gánh phần rắc rối của mình. Tính cho đến nay em đã có một cuộc sống khá nhàn hạ, nhưng cuối cùng đến lượt em rồi, và em đoán mình sẽ phải cố gắng hết sức thôi."
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 8: Bắt Đầu Quá Trình Nuôi Dạy Anne
Vì những lý do riêng, mãi chiều hôm sau bà Marilla mới nói với Anne rằng con bé có thể ở lại Chái Nhà Xanh. Suốt buổi sáng, bà khiến con bé bận tíu tít với cả tá công việc khác nhau và sát sao theo dõi nó hoàn thành nhiệm vụ. Đến trưa, bà rút ra kết luận Anne là đứa thông minh và biết nghe lời, sẵn sàng làm việc lại học hỏi nhanh; khuyết điểm nghiêm trọng nhất của con bé có vẻ như là khuynh hướng dễ mơ mơ màng màng khi đang làm việc và quên béng cả nhiệm với vụ cho đến khi bị gọi giật về thực tế bằng một lời quở trách hoặc một tai họa nào đó.

Khi Anne rửa xong chồng chén đĩa, con bé đột ngột đối diện với bà Marilla với thái độ và dáng vẻ của người đã sẵn sàng đón chờ điều tồi tệ nhất. Thân thể nhỏ bé mảnh dẻ của nó run rẩy từ đầu đến chân; khuôn mặt đỏ bừng và đôi tròng mắt mở rộng đến mức gần như chỉ còn toàn màu đen; con bé đan chặt tay và nài nỉ: "Ôi xin bác, bác Cuthbert, xin bác cho con biết bác có định gửi con đi không? Con đã cố kiên nhẫn cả buổi sáng, nhưng con thật sự cảm thấy mình không chịu nổi nữa rồi. Thật là một cảm giác khủng khiếp. Xin hãy nói cho con biết."


"Con chưa chần khăn rửa bát vào nước nóng như ta dặn." bà Marilla nói giọng bất di bất dịch. "Hãy làm đi trước khi hỏi thêm bất cứ câu nào nữa, Anne."

Anne đi hoàn tất việc rửa bát đĩa. Rồi con bé trở lại chỗ Marilla, dán chặt cái nhìn van nài lên gương mặt bà.

"Được rồi," bà Marilla nói, không thể tìm ra lý do gì để trì hoãn lời giải thích của mình lâu hơn, "ta nghĩ ta có thể cho con biết được rồi. Matthew và ta quyết định sẽ giữ con lại – với điều kiện con sẽ cố gắng ngoan ngoãn và chứng tỏ được lòng biết ơn. Thế nào, cô bé, có vấn đề gì không?"

"Con đang khóc." Anne nói với giọng bối rối. "Con không thể nghĩ ra lý do. Con vui mừng đúng nghĩa của chữ mừng. ÔI, vui mừngcó vẻ không phải từ chính xác rồi. Con đã vui khi thấy Đường Trắng và những tán anh đào nở rộ - nhưng cái này thì! Ôi, còn lớn hơn niềm vui. Con rất hạnh phúc. Con sẽ cố gắng thật ngoan. Việc này có vẻ khó, con đoán vậy, vì bà Thomas lúc nào cũng nói là con hư hết thuốc chữa. Tuy nhiên con sẽ cố gắng hết sức. Nhưng bác có thể cho con biết tại sao con lại khóc không?"

"Ta nghĩ vì con quá kích động mà lại còn làm mọi thứ quá lên," bà Marilla nói giọng không đồng tình. "Ngồi xuống cái ghế đó rồi cố gắng bình tĩnh lại đi. Ta e rằng con dễ khóc dễ cười quá đấy. Đúng vậy, con có thể ở đây và chúng ta sẽ cố gắng làm những gì tốt nhất cho con. Con sẽ phải đến trường; nhưng chỉ còn hai tuần nữa là nghỉ hè rồi nên chẳng bõ cho con nhập học trước lễ khai giảng vào tháng Chín."

"Con phải gọi bác thế nào ạ," Anne hỏi. "Con có nên luôn luôn gọi là bác Cuthbert không? Hay con sẽ gọi là dì Marilla?"

"Không, con cứ gọi ta là Marilla thôi. Ta không quen bị gọi là bác Cuthbert, gọi thế khiến ta giật mình."

"Gọi Marilla không thì quá ư thiếu tôn trọng." Anne phản đối.

"Theo ta không có gì là thiếu tôn trọng cả nếu con gọi một cách lễ phép. Ở Avonlea, tất cả mọi người từ trẻ đến già đều gọi ta là Marilla, chỉ trừ linh mục. Ông ấy gọi là cô Cuthbert nếu ông ấy muốn."

"Con thích gọi bác là dì Marilla hơn." Anne nói đầy khao khát, "Con chưa từng có dì hay bất cứ họ hàng nào cả - ngay cả bà cũng không. Gọi vậy sẽ khiến con có cảm giác mình thuộc về bác. Con không thể gọi là dì Marilla được à?"

"Không, ta không phải dì của con, ta không thích chuyện gọi người khác bằng những cái tên không thuộc về họ."

"Nhưng chúng ta có thể tưởng tượng bác là dì của con."

"Ta không thể." Bà Marilla nói dứt khoát.

"Bác không bao giờ tưởng tượng ra cái gì khác với bản chất của chúng à?" Anne mở to mắt hỏi.

"Không."

"Ồ!" Anne thở một hơi dài. "Ôi, bác... Marilla, bác đã bỏ lỡ bao nhiêu thứ!"

"Ta không tin chuyện tưởng tượng mọi thứ khác với bản chất của chúng." Bà Marilla bẻ lại. "Một khi chúa đặt chúng ta vào hoàn cảnh này hoàn cảnh nọ thì Ngài sẽ không muốn chúng ta tưởng tượng chúng khác đi. Nói thế này ta mới nhớ ra một chuyện. Vào phòng khách đi Anne – phải chắc là chân sạch và không để con ruồi nào bay vào đấy – rồi đem ra đây cho ta tấm thiệp trên bệ lò sưởi. Trên đó có Bài Cầu Nguyện Chung và con sẽ phải dành thời gian rảnh chiều nay để học thuộc lòng nó. Không còn cái kiểu cầu nguyện như ta nghe tối qua đâu nhé."


"Con nghĩ là mình đã rất lúng túng," Anne tỏ vẻ biết lỗi, "nhưng, bác thấy đó, con đã bao giờ được luyện tập đâu. Bác không thể thật tình trông đợi một người ngay lần đầu đã cầu nguyện rất tốt, phải không ạ? Lúc đi ngủ con đã nghĩ ra được một lời cầu nguyện tuyệt vời, đúng như con đã hứa với bác. Nó dài gần bằng câu của mục sư và cũng rất thơ nữa. Nhưng bác có tin được không? Sáng nay khi thức dậy con không nhớ nổi từ nào. Và con e rằng mình sẽ chẳng bao giờ nghĩ được câu nào hay như thế. Có vẻ như, mọi thứ không bao giờ tốt bằng lần đầu nếu chúng ta nghĩ đến lần thứ hai. Bác đã bao giờ để ý thế chưa?"

"Giờ có chuyện cho con để ý đây, Anne. Khi ta nói con làm gì ta muốn con phải vâng lời ngay tức khắc, không có đứng như phỗng rồi biện luận dài dòng về nó nữa. Chỉ cần đi làm theo lời ta thôi."


Anne vội băng qua sảnh để tới phòng khách; nhưng con bé không trở lại; sau mười phút chờ đợi bà Marilla đành bỏ dở việc đan móc của mình và đi sang tìm con bé với vẻ mặt giận dữ. Bà thấy Anne đang đứng bất động trước bức tranh treo trên tường giữa hai khung cửa sổ, tay đan chặt sau lưng, mặt hướng lên cao, đôi mắt mơ màng. Ánh sáng trong trẻo rọi qua những cây táo và dây nho ngoài cửa, ngả bóng trên dáng người nhỏ bé say mê bằng thứ ánh sáng nửa thần tiên.

"Anne, con đang nghĩ cái quái gì vậy?" bà Marilla hỏi nghiêm khắc.

Anne rơi bộp từ trên trời xuống mặt đất.

"Đó," con bé nói, chỉ tay vào bức tranh – một bức khảm sinh động có tên "Chúa ban phúc cho trẻ em" – "Con vừa tưởng tượng ra mình là một trong số đó, rằng con là bé gái áo xanh đứng một mình ở góc cứ như chẳng thuộc về ai cả, giống như con. Con bé có vẻ cô đơn buồn bã, bác có nghĩ thế không? Con đoán con bé cũng chẳng có cha hay mẹ. Nhưng con bé cũng muốn được ban phúc, nên chỉ bẽn lẽn nép bên ngoài đám đông, hy vọng không ai để ý – trừ Ngài. Con dám chắc mình hiểu được con bé nghĩ gì. Hẳn là tim nó đập mạnh và tay lạnh cóng, giống như con khi hỏi bác liệu con có ở lại được không. Con bé sợ Ngài không để ý đến mình. Nhưng có vẻ như Ngài đã để ý, bác có nghĩ vậy không? Con đã cố gắng tưởng tượng ra mọi thứ - con bé cứ từng bước từng bước tiến đến cho tới khi thật gần Ngài, rồi Ngài nhìn con bé, đặt tay lên tóc nó và ôi, cảm giác sung sướng râm ran chạy khắp người con bé! Nhưng con ước gì họa sĩ đừng vẽ Ngài với dáng vẻ buồn bã thế. Nếu để ý bác sẽ thấy tranh nào vẽ Ngài cũng đều vậy cả. Nhưng con không tin rằng Ngài trông thật sự buồn bã vì như vậy trẻ em hẳn sẽ sợ Ngài."

"Anne," bà Marilla nói, tự hỏi vì sao nãy giờ mình vẫn chưa cắt ngang bài diễn văn này, "con không nên nói chuyện kiểu đó. Bất kính lắm, bất kính cực kỳ."

Mắt Anne lộ vẻ ngạc nhiên.

"Tại sao chứ, con cảm thấy như vậy là tôn kính hết mức, Con đảm bảo con không có ý bất kính."

"Phải, ta không cho rằng con có ý đó – nhưng nói về những chuyện này với kiểu suồng sã như vậy thật không đúng đắn chút nào. Và còn một chuyện nữa, Anne, khi ta bảo con đi lấy cái gì thì phải đem nó về ngay chứ đừng có đứng mơ màng tưởng tượng trước những bức tranh nữa. Phải nhớ đấy. Mang tấm thiệp đó vào bếp ngay. Giờ, ngồi xuống góc rồi học thuộc lời nguyện đi."

Anne dựng bức thiệp dựa vào bình hoa táo mà con bé đã mang đến tô điểm cho bàn ăn – bà Marilla nhìn cách trang trí đó với con mắt nghi ngờ, nhưng không nói gì – chống tay lên cằm và cố tập trung im lặng học trong vài phút.

"Con thích cái này." Rồi con bé lại tuyên bố. "Nó thật đẹp. Con từng nghe thấy rồi – con đã có lần nghe những giám thị ở trường học Chủ nhật của trại đọc. Nhưng lúc đó con không thích. Ông ấy có giọng khàn khàn và cầu nguyện nghe quá thê lương. Thật tình con cảm thấy chắc chắn ông ấy nghĩ cầu nguyện là một nghĩa vụ khó chịu. Đây không phải là thơ, nhưng nó làm con có cảm giác giống như đọc thơ. Cha chúng con, Người nắm quyền năng trên trời, ‘thần thánh từ tên.’ Cứ như một dòng nhạc vậy. Ồ, con mừng là bác nghĩ đến chuyện cho con học cái này, bác... Marilla".

"Được rồi, vậy thì im lặng mà học đi." Bà Marilla nói ngắn gọn.

Anne nghiêng bình hoa táo lại gần để đặt một nụ hôn ngọt ngào lên nụ hoa hồng phớt và rồi cần mẫn học một lúc lâu hơn.

"Bác Marilla," chẳng mấy chốc con bé lại hỏi, "bác nghĩ liệu con có tìm được một người bạn tâm giao ở Avonlea không?"

"Cái gì... bạn gì?"


"Bạn tâm giao – một người bạn thân thiết, bác biết đấy – một tâm hồn đồng điệu đích thực mà con có thể giải bày những tâm sự thầm kín nhất của mình. Con mơ được gặp cô bé đó cả đời rồi. Con chưa bao giờ thật sự nghĩ mình có thể, nhưng quá nhiều giấc mơ đáng yêu nhất của con đã thành hiện thực cùng một lúc nên biết đâu cái này cũng sẽ được. Bác nghĩ có được không ạ?"

"Diana Barry sống ngay bên dốc Vườn Quả và cũng trạc tuổi con. Con bé rất dễ thương và có lẽ sẽ bầu bạn với con khi nó về nhà. Con bé giờ đang đi thăm dì ở Carmody. Nhưng con phải cẩn thận với cách cư xử của mình đấy. Bà Barry là người rất khó tính. Bà ấy sẽ không cho phép Diana chơi với bé gái nào không ngoan ngoãn dễ thương."

Anne nhìn bà Marilla qua những cành hoa táo, đôi mắt lấp lánh sự tò mò.

"Diana trông thế nào ạ? Tóc bạn ấy không đỏ, đúng không ạ? Ôi chao, con hy vọng là không. Con có tóc đỏ đã đủ tệ hại lắm rồi, con thật không chịu nổi nếu bạn tâm giao của con cũng như vậy."


"Diana rất xinh. Con bé có tóc đen mắt đen và đôi má hồng hào. Con bé vừa ngoan vừa giỏi, cái đó còn tốt hơn xinh đẹp nữa."

Bà Marilla ưa thích các lời dạy bảo không kém gì Nữ Công tước ở xứ sở thần tiên, bà luôn tin tưởng chắc chắn rằng ta cần phải gán một lời răn bảo vào bất cứ nhận xét nào về một đứa trẻ đang trưởng thành.

Nhưng Anne gạt phắt ý tưởng rao giảng này sang một bên mà chỉ tóm lấy những viễn cảnh tươi sáng trước đó.

"Ôi chao, con mừng là bạn ấy xinh. Ngoài chuyện bản thân mình xinh đẹp – cái này thì con vô vọng rồi – tốt nhất là có bạn tâm giao đẹp. Hồi con sống với bà Thomas, bà ấy có một cái tủ sách có cửa kính trong phòng khách. Trong đó chẳng có cuốn sách nào hết; bà Thomas chỉ dùng nó để cất những món đồ sứ đẹp nhất và cả mứt nữa - ấy là khi bà ấy có mứt để mà cất. Một bên cửa đã bị bể. Ông Thomas đã đập vỡ nó trong một đêm say rượu. Nhưng bên kia vẫn còn nguyên và con vẫn thường tưởng tượng bóng mình trong gương là một bé gái khác sống trong đó. Con gọi cậu ấy là Katie Maurice, chúng con rất thân nhau. Con thường nói chuyện với cậu ấy hàng giờ, đặc biệt vào Chủ nhật, kể cậu ấy nghe mọi thứ, Katie là niềm an ủi động viên của đời con. Bọn con thường giả vờ là cái tủ sách đã bị phù phép và chỉ cần biết được câu thần chú là con sẽ mở được cửa và bước vào căn phòng Katie Maurice sống chứ không phải vào cái kệ mứt và đồ sứ của bà Thomas. Rồi Katie Maurice sẽ nắm tay con, dẫn con vào một nơi kì diệu, ngập tràn hoa, ánh nắng cùng các vị tiên, và chúng con sẽ sống hạnh phúc ở đó mãi mãi về sau. Khi chuyển về sống với bà Hammond, tim con tan vỡ vì phải xa Maurice. Cậu ấy cũng cảm thấy vô cùng khổ sở, con biết vậy vì cậu ấy đã khóc khi hôn tạm biệt con qua cánh cửa tủ sách. Ở nhà bà Hammond không có tủ sách nào. Nhưng ngay bên sông cách nhà một đoạn có một thung lũng nhỏ trải dài xanh um, tiếng vang đáng yêu nhất sống ở đó. Nó vọng lại từng lời ta nói, ngay cả khi ta không hề nói to. Nên con tưởng tượng ra một bé gái tên là Violetta, chúng con là bạn tốt và con yêu cậu ấy cũng nhiều như yêu Katie Maurice – không hẳn bằng nhau, nhưng gần như thế, bác biết đấy. Buổi tối trước khi đến trại mồ côi con chào tạm biệt Violetta, và ôi, lời tạm biệt của cậu ấy vọng lại với giọng điệu buồn đến nao lòng. Con gắn bó với cậu ấy đến nỗi không có tâm trí đâu để tưởng tượng ra một bạn tâm giao khác ở trại, cho dù ở chỗ đó chẳng có chỗ cho trí tưởng tượng."


"Ta thấy không có lại hay." Bà Marilla nói khô khốc. "Ta không tán thành lối cư xử đó. Có vẻ như con khá tin vào những tưởng tượng của mình. Tốt hơn con nên có một người bạn thật sự để gạt hết mấy cái chuyện vớ vẩn đó ra khỏi đầu. Nhưng đừng để bà Barry nghe thấy con nói về những Katie Maurice hay Violetta gì đó của con, bằng không bà ấy sẽ cho rằng con dựng chuyện đấy."

"Ôi không đâu ạ. Con đâu thể bạ ai cũng kể về hai bạn ấy – ký ức về họ quá thiêng liêng nên không làm thế được. Nhưng con nghĩ con nên cho bác biết về họ. Ôi nhìn kìa, có một con ong bự vừa lượn ra khỏi bông hoa táo. Con vừa nghĩ sống ở một nơi như thế thì thật đáng yêu biết bao – trong hoa táo! Thật tuyệt khi được ngủ ở đó trong lúc gió đu đưa bông hoa. Con nghĩ nếu không phải là con người thì con muốn làm một con ong sống giữa những bông hoa."

"Vừa mới hôm qua con còn muốn làm hải âu mà." Bà Marilla khịt mũi. "Ta nghĩ con hay thay đổi ý kiến quá đấy. Ta đã bảo con học lời nguyện đó và đừng nói chuyện nữa. Nhưng có vẻ như một khi còn có người lắng nghe con thì chẳng tài nào ngăn con nói được. Vậy nên lên phòng học đi."

"Ôi, con học gần xong rồi – chỉ còn dòng cuối thôi."

"Ái chà, không sao, cứ làm như ta nói đi. Lên phòng học cho tử tế vào và ở yên đó cho đến khi nào ta gọi xuống dọn trà."

"Con có thể cầm hoa táo theo làm bạn không?" Anne nài nỉ.

"Không, ta không muốn phòng con bừa lên những hoa là hoa. Lẽ ra từ đầu con nên để mặc chúng trên cây."

"Con cũng hơi cảm thấy thế," Anne nói. "Con cảm thấy lẽ ra mình không nên rút ngắn đời sống đáng yêu của chúng bằng việc hái xuống – con sẽ không muốn bị hái xuống nếu con là một bông hoa táo. Nhưng sự quyến rũ không cưỡng lại nổi. Bác sẽ làm gì nếu gặp một sự quyến rũ khó cưỡng?"

"Anne, con có nghe ta bảo đi lên phòng không?"

Anne thở dài, quay về chái Đông, ngồi xuống một cái ghế bên cửa sổ.

"Rồi – mình thuộc lời nguyện này rồi. Mình đã học câu cuối lúc lên cầu thang. Giờ mình sẽ tưởng tượng ra mọi đồ đạc cho căn phòng này để rồi từ nay về sau, trong tưởng tượng, chúng sẽ mãi mãi ở lại nơi đây. Sàn nhà phủ thảm nhung trắng in hình hoa hồng, cửa sổ nào cũng treo rèm lụa màu hồng. Nội thất bằng gỗ gụ. Mình chưa bao giờ thấy gỗ gụ, nhưng nó có vẻ rất xa xỉ. Đây là một cái ghế bành chất đống những chiếc gối lụa tuyệt hảo, màu hồng màu xanh, màu đỏ màu vàng, mà mình duyên dáng tựa lên trên. Mình có thể thấy bóng mình trong chiếc gương lớn lộng lẫy treo trên tường kia. Mình cao ráo và vương giả, diện một chiếc váy dài viền ren trắng, một viên ngọc trai trên ngực và nhiều viên ngọc đính trên tóc. Tóc mình đen như màu đêm, da trắng như ngà. Mình là Tiểu thư Cordelia Fitzgerald. Không, không thể, mình không thể làm cho điều đó giống thật được."

Con bé nhún nhảy bước đến soi mình trong chiếc gương nhỏ. Gương mặt nhọn lấm tấm tàn nhang và đôi mắt xám nghiêm nghị nhìn trả lại.

"Mày chỉ là Anne ở Chái Nhà Xanh," con bé nói nghiêm túc, "và cứ khi nào tưởng tượng mình là Tiểu thư Cordelia thì ta lại nhìn thấy Chái Nhà Xanh còn tốt hơn cả triệu lần so với một Anne chẳng thuộc về nơi nào cả, không phải sao?"

Con bé cúi người ra trước, hôn bóng mình trìu mến rồi bước đến khung cửa sổ rộng mở.

"Hỡi Nữ Hoàng Tuyết, chào buổi chiều. Và chào buổi chiều, hỡi dương liễu thương yêu dưới thung lũng. Chào buổi chiều, căn nhà xám thân mến trên đồi. Ta tự hỏi Diana liệu có phải là bạn tâm giao của ta không. Ta hy vọng là có, và ta sẽ yêu quý cô ấy thật nhiều. Nhưng ta không bao giờ được phép quên Katie Maurice và Violetta. Họ sẽ vô cùng tổn thương nếu ta làm như thế, mà ta ghét gây ra tổn thương cho bất cứ ai, cho dù là một cô bé tủ sách hay một cô bé tiếng vọng. Ta phải ghi nhớ cẩn thận và mỗi ngày gửi cho họ một nụ hôn."

Anne gửi tới những bông anh đào vài nụ hôn gió từ đầu ngón tay, và rồi, tay chống lên cằm, lại khoan khoái trôi vào một biển mộng mơ.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 9: Bà Rachel Lynde Thật Sự Hãi Hùng

Anne ở Chái Nhà Xanh được chừng nửa tháng thì bà Lynde mới đến xem xét con bé. Nói cho công bằng, không thể trách bà Rachel chuyện này. Một đợt cúm trái mùa nghiêm trọng đã giữ rịt người phụ nữ mẫu mực đó trong nhà kể từ chuyến viếng thăm Chái Nhà Xanh lần trước của bà. Bà Rachel không mấy khi ốm và thường tỏ ra khinh thường rõ rệt những người dễ ốm; nhưng cúm, bà quả quyết, không giống bất cứ bệnh nào trên đời và chỉ có thể được giải thích như một ý nguyện đặc biệt của Chúa. Ngay khi bác sĩ cho phép ra khỏi nhà, bà hối hả lao đến Chái Nhà Xanh, hết sức tò mò muốn thấy đứa trẻ mồ côi của Matthew và Marilla mà đủ loại chuyện và giả thuyết về nó đã lan truyền khắp Avonlea.

Anne đã tận dụng hiệu quả từng khoảnh khắc trong nửa tháng đó. Con bé quen với từng ngọn cây cọng cỏ quanh nhà. Nó phát hiện ra một con đường chạy xuống dưới vườn táo rồi xuyên qua vành đai rừng và nó cũng đã khám phá đến tận điểm cuối của con đường hai bên điểm xuyết những dòng suối, cây cầu tuyệt diệu, bãi linh sam cùng vòm anh đào dại, những khúc quanh mọc đầy dương xỉ, cũng như những đường nhánh rợp bóng cây thích và tần bì núi.


Con bé làm bạn với dòng suối dưới thung lũng – con suối sâu, mát lạnh và trong vắt tuyệt vời; ven suối có những đám sa thạch đỏ nhẵn thín và viền quanh bờ là hàng dương xỉ nước trông như những cây cọ khổng lồ; xa hơn là cây cầu gỗ bắt qua dòng suối nhỏ.

Cây cầu này dẫn đôi chân nhún nhảy của Anne lên ngọn đồi rậm rì cây phía xa xa, nơi ánh tà dương vĩnh hằng ngự dưới những hàng linh sam và vân sam thẳng tắp, dày đặc những bông hoa duy nhất ở đó là vô vàn bông "chuông-tháng-Sáu" mảnh mai, loài hoa rừng dễ mắc cỡ nhất và cũng dễ thương nhất, và một vài đóa hoa sao nhạt màu mỏng tang tựa những linh hồn của mùa hoa trước. Tơ nhện óng ánh giăng mắc giữa các tán cây như những sợi chỉ bạc còn những cành linh sam và các chùm tua của nó dường như đang thầm thì thân thiện.

Toàn bộ cuộc du hành khám phá mê ly này được thực hiện trong vẻn vẹn nửa tiếng con bé được đi chơi, và Anne kể về những phát hiện của mình cho ông Matthew và cho bà Marilla, vốn chỉ nghe bập bõm câu được câu chăng. Ông Matthew không than phiền gì, chắc chắn rồi; ông lắng nghe với một nụ cười vui sướng không thể diễn tả bằng lời; bà Marilla để mặc cuộc "huyên thuyên" này cho đến khi bà nhận ra mình trở nên quá thích thú với nó, liền nhanh chóng cắt ngang Anne bằng yêu cầu gọn lỏn là không được nói nữa.

Khi bà Rachel tới thì Anne đang ở vườn quả, thỏa sức lang thang qua bãi cỏ xanh um rập rờn lốm đốm rang chiều đỏ ối; vậy là quý bà mẫu mực kia có được cơ hội tuyệt vời để kể tường tận về bệnh tình của mình, mô tả từng cơn đau và từng nhịp tim với sự thích thú rõ rệt đến nỗi bà Marilla cảm giác như ngay cả bệnh cúm cũng có mặt tốt của nó. Khi mọi chi tiết đã cạn kiệt, bà Rachel mới đi vào lý do chính của chuyến viếng thăm.

"Tôi đã nghe một vài chuyện bất ngờ về cô và Matthew."

"Tôi không nghĩ chị có thể bất ngờ hơn tôi đâu," bà Marilla nói. "Giờ thì tôi qua cơn bất ngờ rồi."

"Nhầm lẫn kiểu đó đúng là tệ thật," bà Rachel nói giọng thông cảm. "Hai anh em không gửi trả nó lại được à?"

"Tôi nghĩ là được, nhưng chúng tôi đã quyết định không làm thế. Matthew thích con bé. Và phải nói là chính tôi cũng thích – mặc dù tôi thừa nhận con bé có nhiều khuyết điểm. Căn nhà cứ như một nơi khác hẳn. Nó thật sự rất thông minh."


Marilla nói nhiều hơn dự kiến, vì bà đọc được vẻ không tán đồng trên nét mặt bà Rachel.

"Thật là một trách nhiệm to lớn mà cô phải gánh lấy." quý bà nói một cách u ám, "đặc biệt khi cô chẳng có chút xíu kinh nghiệm gì với lũ trẻ. Tôi đoán cô cũng chẳng biết nhiều về con bé hay hoàn cảnh thật sự của nó, và ai mà đoán được một đứa trẻ như thế sẽ trở thành thế nào. Nhưng dĩ nhiên tôi không muốn làm cô nhụt chí, Marilla."

"Tôi không thấy nhụt chí đâu," bà Marilla trả lời khô khốc. "Khi tôi quyết định làm gì đó thì chắc chắn sẽ làm. Tôi nghĩ chị sẽ muốn gặp Anne. Để tôi gọi nó vào."

Anne chạy đến ngay lập tức, khuôn mặt rạng rỡ niềm vui vì chuyến lang thang trong vườn; nhưng bối rồi khi phát hiện ra sự hiện diện bất ngờ của một người lạ, con bé khựng lại ngượng ngùng trong khung cửa. Nó đích thực là một sinh linh nhỏ bé có bộ dạng hơi kì cục với chiếc đầm vải pha len ngắn bó chặt mặc từ lúc còn ở trại, bên dưới là cặp chân khẳng khiu có vẻ như dài đến vô duyên. Các nốt tàn nhang nhiều và khó chịu hơn lúc nào hết, gió thổi tung mái tóc không đội mũ của con bé thành một đám rối nùi, đỏ như chưa bao giờ đỏ đến thế.


"Ái chà, họ không chọn cháu vì vẻ bề ngoài, hẳn thế rồi," bà Rachel Lynde mạnh mẽ bình luận. Bà vốn thuộc trong số những người vui vẻ, được nhiều người yêu quý và thường tự hào vì dám nói lên suy nghĩ của mình không chút sợ hãi kiêng dè. "Con bé gầy gò thô kệch khủng khiếp, Marilla. Đến đây, cháu bé, để ta nhìn một cái nào. Thật lòng có ai từng thấy nhiều tàn nhang đến thế này chưa? Tóc lại đỏ như cà rốt! Lại đây, bé, ta bảo mà."

Anne "lại đó", nhưng không theo cách bà Rachel trông đợi. Chỉ bằng một bước nhảy, con bé băng qua sàn bếp đến đứng ngay trước mặt bà Rachel, khuôn mặt đỏ bừng giận dữ, môi rung rung và cả thân hình mảnh dẻ cũng run lên bần bật.


"Con ghét bà," con bé thét lên the thé, giẫm chân trên sàn. "Con ghét bà – Con ghét bà – Con ghét bà – " mỗi câu ghét là một tiếng giậm chân mạnh hơn. "Sao bà dám nói con ốm nhách và xấu xí! Sao bà dám nói con đầy tàn nhang và tóc đỏ! Bà là người thô lỗ, bất lịch sự và vô cảm!"

"Anne!" bà Marilla kêu lên thảng thốt.

Nhưng Anne vẫn đối mặt với bà Rachel một cách ngoan cường, đầu ngẩng cao, mắt rực sáng, tay nắm chặt, sự phẫn nộ khủng khiếp tỏa ra từ khắp người nó.

"Sao bà dám nói vậy với con!" nó lặp lại một cách dữ dội. "Bà có muốn người ta nói vậy về bà không? Bà có muốn bị nói mình mập mạp vụng về và chẳng có chút trí tưởng tượng nào không? Con không cần biết có làm tổn thương bà khi nói vậy không! Con hy vọng là có. Bà làm tổn thương con còn nặng nề hơn so với cả ông chồng say xỉn của bà Thomas nữa. Và con sẽ không bao giờ tha thứ cho bà chuyện này, không bao giờ, không bao giờ."

Rầm! Rầm!

"Có ai từng thấy tính khí vậy chưa nhỉ!" bà Rachel thốt lên hãi hùng.

"Anne, về phòng rồi ở yên đó cho đến khi ta lên." Bà Marillla nói, cố gắng phục hồi quyền lực trong giọng nói của mình.

Anne bật khóc, chạy về phía cửa phòng, sập cửa mạnh đến nỗi mấy chiếc hộp thiếc trên bức tường ngoài hiên rung lên tội nghiệp, và bay qua phòng lên cầu thang như một cơn lốc. Một tiếng sầm từ trên vẳng xuống cho thấy cửa phòng chái Đông cũng bị đóng mạnh tương tự.

"Ái chà, tôi không ghen tỵ với cô về chuyện phải nuôi cái thứ đó đâu, Marilla ạ," bà Rachel nói với vẻ trang nghiêm khó diễn tả bằng lời.

Marilla hé miệng định nói bà không biết phải làm cách nào để tạ lỗi hay bày tỏ sự phản đối. Những gì bà nói lại khiến bà ngay lúc đó và cho đến tận về sau vẫn phải lấy làm ngạc nhiên.

"Chị không nên phê phán ngoại hình con bé như thế, Rachel."

"Marilla Cuthbert, cô không định nói là cô ủng hộ cái thái độ khủng khiếp mà chúng ta vừa chứng kiến chứ? Bà Rachel giận dữ hỏi.

"Không." Bà Marilla chậm rãi nói, "Tôi không cố gắng bào chữa cho nó. Nó đã rất hư và tôi sẽ phải nói chuyện lại với nó. Nhưng chúng ta phải khoan dung với con bé. Nó chưa từng được dạy thế nào là đúng. Mà chị đã tỏ ra quá khắt khe với nó, Rachel."

Marilla không thể ngăn mình chêm thêm câu cuối vào, mặc dù bà lại một phen ngạc nhiên với chính bản thân vì hành động đó. Bà Rachel đứng dậy với vẻ lòng tự trọng bị tổn thương.


"Thế đấy, Marilla, tôi hiểu là sau vụ này mình sẽ phải cẩn thận khi phát ngôn vì lòng tự ái cao quý của những đứa trẻ mồ côi mà chỉ Chúa mới biết đã được đón về từ nơi nào phải được cân nhắc trước mọi thứ khác. Ồ, không, tôi không bực mình đâu – cô đừng lo. Tôi quá ái ngại cho cô đến nỗi chẳng còn tâm trí đâu mà giận dữ. Cô sẽ gặp những rắc rối cá nhân với đứa trẻ đó. Nhưng nếu nghe theo lời khuyên của tôi – mà tôi ngờ là cô sẽ chẳng làm thế cho dù tôi đã nuôi lớn mười đứa nhỏ và từng mất hai đứa – cô sẽ phải làm cái việc "nói chuyện" mà cô vừa nhắc đến đó với một cây roi cỡ bự kìa. Tôi nghĩ đó hẳn là thứ ngôn ngữ hiệu quả nhất với kiểu con nít như thế. Tôi đoán tính khí nó cũng giống hệt tóc nó vậy. Thôi, chào buổi tối, Marilla. Tôi hy vọng cô sẽ xuống thăm tôi như thường lệ. Nhưng cô không thể trông chờ tôi sẽ lại hồ hởi đến đây nếu tôi còn có nguy cơ bị quát tháo và sỉ nhục theo kiểu này. Đây là một trải nghiệm mới của tôi."

Ngay khi bà Rachel lướt đi khỏi đó – nếu ta có thể dung từ lướt với một bà mập lúc nào cũng lạch bà lạch bạch – bà Marilla mang theo bộ mặt nghiêm trang đến chái Đông.


Trên đường lên lầu, bà vắt óc suy nghĩ xem mình phải làm gì. Bà không hề khiếp đảm trước cảnh tượng vừa chứng kiến. Bất hạnh làm sao Anne lại biểu hiện tính khí như thế trước bà Rachel Lynde chứ không phái trước ai khác! Rồi bà Marilla đột nhiên ý thức được một điều khó chịu và đáng trách, đó là bà thấy xấu hổ nhiều hơn buồn rầu khi khám phá ra một khuyết điểm nghiêm trọng như vậy trong tính cách của Anne. Phải phạt con bé sao đây? Lời gợi ý tử tế về cây roi liễu – mà hiệu quả của nó đã được tất cả những đứa con của bà Rachel xác thực – không hấp dẫn Marilla. Bà không tin mình có thể quất một đứa trẻ. Không, phải tìm ra một cách trừng phạt nào khác để Anne ý thức được rõ ràng về thái độ xúc phạm của con bé.

Bà Marilla thấy Anne đang nằm sấp trên giường khóc nức nở, có vẻ đã quên béng mất đôi ủng lấm lem bùn đất thượng trên tấm khăn trải giường sạch sẽ.

"Anne," bà nói từ tốn.

Không có tiếng trả lời.

"Anne," với giọng nghiêm trọng hơn, "ra khỏi giường ngay và nghe ta nói này."

Anne vặn người rời khỏi giường, ngồi cứng đơ trên cái ghế cạnh đó, mặt sưng húp và đẫm lệ còn đôi mắt dán chặt xuống sàn nhà một cách ngoan cố.


"Đây đúng là cách cư xử hay đó, Anne! Con không biết xấu hổ hả?"

"Bà ấy không có quyền nói con xấu xí và tóc đỏ," Anne vặn lại, vẻ lảng tránh và thách thức.

"Con không có quyền nổi giận rồi ăn nói với bà ấy kiểu đó Anne. Ta rất xấu hổ về con – vô cùng xấu hổ. Ta muốn con phải cư xử tử tế với bà Lynde, trong khi đó con lại làm ta bẽ mặt. Ta không hiểu nổi tại sao con lại mất bình tĩnh đến thế chỉ vì bà Lynde nói con tóc đỏ và thô kệch. Con cũng thường nói bản thân như thế mà."

"Ồ nhưng có sự khác biệt giữa việc tự nói và nghe người khác nói chứ," Anne rên rỉ. "Bác có thể biết sự thật là thế nhưng không thể không hy vọng người khác đừng nghĩ về nó như vậy. Con biết bác nghĩ con cư xử rất tệ, nhưng con không thể làm khác được. Khi bà ấy nói những lời như vậy có gì đó cứ dâng lên làm con thấy nghẹt thở. Con phải hét lên với bà ấy."

"Thôi được rồi, ta phải nói là con đã giở trò giỏi đấy. Bà Lynde sẽ có chuyện hay ho về con để rêu rao khắp nơi – và bà ấy sẽ làm thế cho mà xem. Thật tệ là con đã mất tự chủ như thế, Anne."

"Bác cứ tưởng tượng xem bác sẽ cảm thấy thế nào nếu có người nói thẳng vào mặt bác là bác gầy gò xấu xí," Anne cãi lại trong nước mắt.

Một ký ức cũ đột ngột hiện lên trước mắt Marilla. Hồi còn nhỏ xíu, bà từng nghe một bà dì tán chuyện về bà. "Tội nghiệp, nó là một con bé vừa đen đúa vừa khẳng khiu." Suốt năm mươi năm trời, không ngày nào Marilla không bị ký ức đó ám ảnh.

"Ta không nói rằng bà Lynde hoàn toàn đúng khi nói về con như vậy, Anne." Bà thừa nhận bằng giọng dịu dàng hơn. "Rachel nói chuyện quá thẳng thắn. Nhưng về phần con cũng không cách gì bào chữa được cho kiểu cư xử đó. Bà ấy là một người lạ, lớn tuổi hơn và là khách của ta – cả ba lý do đều rất thỏa đáng để con kính trọng bà ấy. Con đã tỏ ra thô lỗ, hỗn xược và" – bà Marilla đã có được một ý tưởng xử phạt khôn ngoan – "con phải nói với bà ấy rằng con rất tiếc về cách cư xử tồi tệ của mình và xin được tha thứ."

"Con không bao giờ làm vậy được," Anne nói với vẻ kiên quyết và ảm đạm. "Bác có thể trừng phạt con như thế nào cũng được, bác Marilla. Bác có thể nhốt con vào hầm tối ẩm thấp lúc nhúc rắn và cóc, chỉ cho con bánh mì và nước lã, con sẽ không than van gì hết. Nhưng con không thể đi xin bà Lynde tha thứ cho mình được."

"Chúng ta không có thói quen nhốt người vào hầm kín, ẩm ướt," bà Marilla nói gọn, "nhất là cũng chẳng dễ tìm ra được một nơi như thế ở Avonlea. Nhưng đi xin lỗi bà Lynde là chuyện con phải làm và sẽ làm, con sẽ ở yên trong phòng đến khi nào con nói với ta rằng con sẵn lòng làm chuyện đó."

"Con hẳn sẽ phải sống ở trong này mãi mãi rồi," Anne nói giọng đau buồn, "Vì con không thể nói với bà lynde rằng con rất hối hận đã nói những lời đó với bà ấy. Sao vậy được? Con không hối hận. Con rất tiếc vì đã làm bác giận nhưng con mừng vì đã nói với bà ấy những lời đó. Thật sự rất thỏa mãn. Con không thể nói xin lỗi khi con không thấy có lỗi, đúng không ạ? Con thậm chí còn không tưởng tượng nổi mình cảm thấy có lỗi."

"Có lẽ sáng mai trí tưởng tượng của con sẽ hoạt động tốt hơn," bà Marilla nói trong lúc đứng lên chuẩn bị đi ra. "Con sẽ có cả đêm để ngẫm lại cách cư xử của mình và suy nghĩ cho thấu đáo hơn. Con đã nói sẽ cố làm một đứa trẻ rất ngoan nếu chúng ta giữ con lại Chái Nhà Xanh, nhưng ta phải nói rằng tình hình tối nay có vẻ không giống vậy lắm."

Để mặc cho mũi tên này ngập sâu vào tâm hồn bão táp của Anne, bà Marilla xuống nhà bếp, đầu óc rối tung, lòng ngập tràn giận dữ. Bà giận cả mình lẫn Anne, vì mỗi khi nhớ lại vẻ sững sờ của bà Rachel, môi bà lại phải ráng mím lại không cười và bà cảm thấy một khát khao vô cùng đáng trách, là được phá lên cười.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 10: Lời Xin Lỗi Của Anne
Tối đó bà Marilla không kể lại sự tình với ông Matthew; nhưng mãi đến sáng hôm sau Anne vẫn im hơi lặng tiếng nên phải có một lời giải thích cho việc con bé vắng mặt ở bàn ăn sáng. Bà Marilla kể cho ông Matthew nghe mọi chuyện, cố gắng nhấn mạnh tính nghiêm trọng trong cách cư xử khủng khiếp của Anne.

"Rachel Lynde bị một vố như thế cũng tốt; bà ta đúng là bà già lắm điều" Matthew an ủi.

"Matthew Cuthbert, em ngạc nhiên vì anh đó. Anh biết Anne cư xử thật tệ, vậy mà vẫn đứng về phía con bé! Em đoán anh sẽ nói không cần phải phạt con bé gì cả!"

"À ừ... không... không hẳn vậy," ông Matthew ấp úng. "Anh cho là con bé cũng bị phạt chút đỉnh. Nhưng đừng nghiêm khắc quá với nó, Marilla. Hãy nhớ rằng con bé chưa từng được ai dạy làm thế nào cho đúng. Em... em sẽ cho nó ăn gì chứ, đúng không?"


"Anh đã bao giờ nghe nói em bỏ đói ai để cho người đó cư xử tốt lên chưa?" bà Marilla phẫn nộ hỏi. "Con bé sẽ được ăn đúng bữa và em sẽ đích thân mang lên. Nhưng nó sẽ phải ở trên đó cho đến chừng nào chịu xin lỗi bà Lynde, và đó là quyết định cuối cùng đấy, anh Matthew."

Bữa sáng, bữa trưa và bữa tối đều rất lặng lẽ - do Anne vẫn còn ngoan cố. Sau mỗi bữa ăn bà Marilla đều mang một khay thức ăn chất đầy đến chái Đông rồi sau đó lại đem xuống trong khi nó hầu như chẳng vơi chút nào. Ông Matthew nhìn khay thức ăn cuối cùng được mang xuống với cặp mắt lo ngại. Chẳng lẽ Annne không ăn gì cả?

Tối đó khi bà Marilla ra ngoài để lùa đàn bò từ bãi cỏ sau nhà về chuồng thì ông Matthew, vốn đang lảng vảng thám thính quanh chuồng bò, lẻn vào nhà như một tên trộm và rón rén leo lên cầu thang. Bình thường ông Matthew chỉ quanh quẩn giữa nhà bếp và căn phòng ngủ nhỏ của ông ở cạnh sảnh; cũng có đôi lần ông đánh bạo vào sảnh hay phòng khách những khi linh mục tới dùng trà. Nhưng ông chưa bao giờ lên lầu nhà mình kể từ mùa xuân ông giúp bà Marilla dán giấy căn phòng ngủ trống, tính đến nay đã bốn năm rồi.

Ông nhón chân quanh hành lang, đứng vài phút trước cửa căn phòng chái Đông cho tới khi thu đủ can đảm gõ nhẹ lên đó rồi mở cửa ngó vào trong.

Anne đang ngồi trên chiếc ghế vàng bên cửa sổ, sầu thảm nhìn đăm đăm ra vườn. Con bé có vẻ rất gầy gò buồn bã, và tim ông Matthew nhói lên. Ông nhẹ nhàng đóng cửa, nhón chân đi về phía con bé.

"Anne," ông thì thầm như sợ bị nghe trộm, "con thế nào rồi, Anne?"

Anne mỉm cười mệt mỏi.

"Rất khỏe ạ. Con tưởng tượng rất nhiều thứ và chúng đã giúp con giết thời gian. Dĩ nhiên cũng khá cô đơn. Nhưng có lẽ con sẽ quen."

Anne mỉm cười trở lại, dũng cảm đối diện với những năm dài bị cầm tù cô độc phía trước.

Matthew nhớ ra ông không được lãng phí thời gian mà phải nói những gì cần nói phòng khi bà Marilla về sớm.

"À ừ, Anne, con không nghĩ mình nên làm vậy và kết thúc mọi chuyện đi à?" ông thì thầm. "Sớm hay muộn cũng phải vậy thôi, con biết đó, Marilla là người cực kì kiên định – cực kỳ kiên định đó Anne. Hãy làm vậy thôi, nghe ta đi, cho mọi chuyện kết thúc."

"Ý bác là xin lỗi bà Lynde?"

"Ừ - xin lỗi – chính là từ đó," ông Matthew nói gấp gáp. "Cứ đơn giản hóa mọi chuyện đi để mà nói. Đó là điều ta muốn nói."

"Con nghĩ con có thể vâng lời bác mà làm điều đó," Anne nói vẻ trầm ngâm. "Thành thực mà nói con rất hối hận, vì bây giờ con thực sự cảm thấy hối hận. Tối qua con không hề hối hận. Con chỉ thấy giận dữ đến phát điên, và con cứ giận thế cả đêm. Con biết như vậy vì con đã tỉnh dậy ba lần và lần nào cũng rất giận dữ. Nhưng sáng nay tất cả đã qua. Con không còn tức giận nữa – mà nó cũng khiến con kiệt sức rồi. Con thấy quá xấu hổ về bản thân. Nhưng con không thể nghĩ đến chuyện tới nói với bà Lynde như thế. Như vậy thì bẽ mặt quá đi. Con quyết định thà im lặng mãi mãi còn hơn làm thế. Nhưng mà... con sẽ làm bất cứ điều gì vì bác... nếu bác thật sự muốn con..."


"À ừ, dĩ nhiên ta muốn. Dưới nhà không có con thật cô đơn khủng khiếp. Đi giải quyết ổn thỏa mọi chuyện đi... vậy mới là cô bé ngoan chứ."

"Đúng ạ," Anne đáp lại vẻ cam chịu. "Khi nào Marilla vào con sẽ nói với bác ấy là con hối hận rồi."

"Đúng vậy, đúng vậy Anne. Nhưng đừng kể với Marilla là ta nói gì đấy. Bác ấy sẽ nghĩ là ta chen chân vào mà ta đã hứa không làm vậy."

"Ngựa hoang cũng không moi được bí mật này từ miệng con," Anne thề trang trọng. "Mà làm sao ngựa hoang moi được bí mật của người ta chứ?"


Nhưng ông Matthew đã đi mất, hoảng sợ trước thành công của mình. Ông vội vã bước xuống góc xa nhất của chuồng ngựa, để bà Marilla khỏi nghi ngờ ông đã làm gì. Còn bà Marilla, sau khi trở về nhà, cực kỳ ngạc nhiên khi nghe một tiếng gọi rầu rĩ "bác Marilla" từ lan can.

"Sao?" bà nói trên đường vào hành lang.

"Con xin lỗi vì đã mất tự chủ và nói năng thô lỗ, và con sẵn lòng đến nói như vậy với bà Lynde."

"Rất tốt," giọng nói cứng nhắc của bà Marilla không để lộ một dấu hiệu nhẹ nhõm nào. Bà đang băn khoăn không biết sẽ phải làm gì nếu Anne không chịu đầu hàng. "Vắt sữa xong ta sẽ đưa con đi."

Vậy là, sau khi Marilla vắt sữa xong, người ta thấy bà và Anne thả bộ xuống đường, người trước ngẩng cao đầu đắc thắng, người sau ủ rũ thất vọng. Nhưng được nửa đường, bao nhiêu chán nản của Anne tan biến hết như có phép màu. Con bé ngẩng cao đầu nhẹ bước, không dời mắt khỏi bầu trời hoàng hôn và quanh con bé toát ra một không khí hồ hởi nhẹ nhõm. Bà Marilla quan sát sự thay đổi này với vẻ không đồng tình. Chẳng có chút dấu hiệu nào của sự ăn năn ngoan ngoãn cần phải thể hiện trước mặt bà Lynde bị tổn thương.

"Con đang nghĩ gì vậy, Anne?" bà sắc giọng hỏi.

"Con đang tưởng tượng những gì mình phải nói với bà Lynde," Anne đáp mơ màng.

Cái này đáng để thỏa mãn lắm – hoặc ít ra cũng nên thế. Nhưng bà Marilla không thể rũ khỏi đầu suy nghĩ rằng có gì đó trong kế hoạch trừng phạt của bà đã lệch hướng. Anne không lý gì lại có vẻ vui sướng hớn hở đến vậy.

Anne tiếp tục vui sướng hớn hở cho đến khi họ lọt vào tầm mắt của bà Lynde, lúc này đang ngồi đan bên cửa sổ nhà bếp. Ngay lúc đó vẻ mặt rạng rỡ biến mất. Một vẻ ăn năn ảm đạm hiện lên trên từng nét mặt. Chưa ai kịp nói lời nào thì Anne đột nhiên quỳ xuống trước mặt bà Lynde đang sửng sốt và đưa tay vẻ van nài.

"Ôi, bà Lynde, con vô cùng hối hận," con bé nói giọng run run. "Con không tài nào thể hiện được hết nỗi buồn của mình, không thể cho dù con có dùng hết cả một cuốn từ điển. Bà hẳn có thể tưởng tượng ra được. Con đã cư xử quả tệ với bà... và con làm mất mặt những người bạn thân thiết, Matthew và Marilla, những người đã cho phép con ở lại Chái Nhà Xanh dù con không phải con trai. Con đúng là một con bé hư hỏng và vô ơn khủng khiếp, con đáng bị phạt, đáng bị những người đáng kính đuổi đi vĩnh viễn. Con thật rất hư khi nổi điên như thế chỉ vì bà nói với con sự thật. Đó là sự thật; mỗi lời bà nói đều thật. Tóc con đỏ và con nhiều tàn nhang, gầy trơ xương lại xấu xí. Những gì con nói với bà cũng là sự thật, nhưng đáng ra con không nên nói như thế. Ôi, bà Lynde, xin bà, xin bà tha thứ cho con. Nếu bà từ chối thì đây sẽ là nỗi sầu bi suốt đời của con. Bà sẽ không muốn gieo rắc nỗi sầu bi suốt đời cho một bé gái mồ côi tội nghiệp chứ ạ, ngay cả khi tính khí con bé đó thật tệ hại? Ôi, con chắc bà sẽ không đâu. Xin hãy nói là bà tha thứ cho con đi bà Lynde."

Anne đan chặt tay vào nhau, cúi đầu chờ đợi lời phán xét.

Không cần phải nghi ngờ sự thành khẩn của con bé – nó thấm đẫm trong từng thanh âm. Cả bà Marilla và bà Lynde đều nhận thấy vẻ thành thật không thể nhầm được. Nhưng bà Marilla khiếp đảm hiểu rằng thật ra Anne đang thích thú tận hưởng cảm giác bẽ bàng - đang vui vẻ trong suốt quá trình thể hiện sự xấu hổ của mình. Đâu rồi cái hình phạt bổ ích mà bà, Marilla, lấy làm hởi lòng đắc chí? Anne đã biến nó thành một kiểu giải trí tích cực rồi.

Vốn chưa nắm bắt được tình hình, bà Lynde mẫu mực không thể nhận ra điều này. Bà chỉ thấy Anne đã xin lỗi rất thành khẩn và mọi bực bội tan biến trong trái tim thân ái, cho dù nó có phần phiền phức, của bà.

"Nào, nào, đứng lên đi nào, bé," bà nói vui vẻ. "Dĩ nhiên ta tha thứ cho con. Ta nghĩ dù sao ta cũng hơi khắt khe với con. Nhưng ta vốn là người thẳng thắn mà. Con đừng bận tâm đến ta. Không thể phủ nhận tóc con đỏ khủng khiếp, nhưng ta cũng từng biết một bé gái – thật ra ta học chung với cô đó – khi còn trẻ tóc cũng đỏ tới từng cọng như con nhưng lớn lên liền sẫm lại thành màu nâu vàng tuyệt đẹp. Ta sẽ không ngạc nhiên chút nào nếu tóc con cũng vậy – không chút nào."


"Ôi, bà Lynde," Anne thở một hơi dài trong khi đứng dậy. "Bà đã cho con một niềm hy vọng. Con sẽ luôn coi bà là ân nhân. Ôi, con có thể chịu đựng bất cứ điều gì miễn là con nghĩ khi lớn lên tóc con sẽ có màu nâu vàng tuyệt đẹp. Sẽ dễ trở thành người tốt hơn nếu người ta có tóc màu nâu đẹp, bà có nghĩ thế không? Còn bây giờ liệu con có thể ra vườn ngồi trên cái ghế dài dưới những gốc táo kia trong khi bà và bác Marilla trò chuyện không ạ? Ở ngoài kia có nhiều thứ để tưởng tượng hơn."

"Ừ, đi đi, bé. Và nếu thích con có thể hái một bó loa kèn tháng Sáu trắng ở góc vườn."

Khi cánh cửa đóng lại sau lưng Anne, bà Lynde nhanh chóng thắp một ngọn đèn.

"Con bé thật kỳ quặc. Ngồi ghế này đi, Marilla; thoải mái hơn cái cô đang ngồi đấy; tôi chỉ giữ cái đó cho thằng bé giúp việc thôi. Đúng vậy, con bé quả là kỳ quặc, nhưng nói cho cùng ở con bé cũng có nét thú vị đấy chứ. Tôi không còn bất ngờ vì cô và Matthew giữ nó lại – cũng không thấy tội nghiệp cô nữa. Có lẽ con bé sẽ ngoan ngoãn thôi. Dĩ nhiên, nó có kiểu diễn đạt lạ lùng... hơi, ờ, hơi quá sinh động, cô biết đấy; nhưng rồi con bé sẽ không còn như thế nữa vì giờ nó đã được sống giữa những con người văn minh. Và đó, tôi thấy nó dễ nổi nóng thật đấy; nhưng có điểm hay, đứa trẻ mà dễ nổi nóng thì sẽ chỉ bùng nổ ra rồi nguội đi luôn, không bao giờ quỷ quyệt hay gian trá. Đừng có để tôi gần mấy đứa trẻ quỷ quyệt, thế là được. Nói chung, Marilla, có lẽ tôi thích con bé."


Khi bà Marilla đi về, Anne đã rời khỏi vườn cây thơm ngát trong bóng chiều nhập nhoạng với một bó thủy tiên trắng trên tay.

"Con xin lỗi rất tốt, đúng không ạ?" con bé hãnh diện nói khi bước xuống đường. "Con nghĩ đã làm thì phải làm cho chu đáo."

"Con đã làm chu đáo rồi, thật sự chu đáo rồi," bà Marilla bảo. Bà hoảng hốt nhận ra mình cứ muốn phá lên cười mỗi khi nhớ lại chuyện đó. Bà cũng có một cảm giác không lấy gì làm dễ chịu là lẽ ra bà phải mắng Anne vì đã xin lỗi trơn tru đến thế; nhưng nói vậy thật nực cười! Bà tự thỏa hiệp với mình bằng cách nói nghiêm khắc: "Ta hy vọng con sẽ không có nhiều dịp nói xin lỗi như vậy nữa. Ta hy vọng từ giờ con sẽ cố giữ bình tĩnh, Anne."

"Sẽ khó lắm nếu mọi người cứ xoáy vào vẻ ngoài của con," Anne nói kèm theo tiếng thở dài. "Con không tức giận về những việc khác, nhưng con quá mệt vì bị cười cợt về tóc mình rồi, nó cứ làm con giận sôi lên. Bác nghĩ khi lớn lên tóc con có chuyển sang màu nâu vàng xinh đẹp thật không?"

"Con không nên nghĩ quá nhiều về vẻ ngoài của mình, Anne. Ta e rằng con là một bé gái rất phù phiếm."

"Sao con có thể phù phiếm khi con biết mình thô kệch," Anne phản đối. "Con thích những thứ xinh đẹp; và con ghét phải nhìn vào gương để rồi thấy những gì không đẹp. Nó làm con thấy thật đau khổ - giống y như cảm giác khi con thấy bất cứ cái gì xấu xí. Con ái ngại cho nó vì nó không đẹp."

"Tốt gỗ hơn tốt nước sơn," bà Marilla nhắc một câu thành ngữ.

"Con nghe câu này rồi nhưng nghi ngờ chuyện đó," Anne nói vẻ hoài nghi, hít hít những bông thủy tiên. "Ôi, những bông hoa này mới ngọt ngào làm sao! Bà Lynde thật đáng yêu khi cho con. Giờ con chẳng thấy khó chịu gì với bà Lynde nữa. Xin lỗi và được tha thứ khiến mình có cảm giác thật dễ chịu, đáng yêu phải không ạ? Tối nay những vì sao mới lấp lánh làm sao? Nếu có thể sống trong một vì sao, bác sẽ chọn sao nào? Con thích ngôi sao to sáng đáng yêu trên ngọn đồi tối bên kia."

"Anne, im đi nào," bà Marilla nói, vô cùng chật vật khi phải cố gắng theo kịp dòng suy nghĩ không ngừng chuyển động của Anne.

Anne không nói thêm gì cho đến khi hai bác cháu quẹo vào đường nhà mình. Một làn gió du mục lướt xuống đường nhập hội cùng họ, đẫm mùi hương cay nồng của dương xỉ non trĩu sương. Xa xa trong bóng tối, một dải ánh sáng vui vẻ từ nhà bếp của Chái Nhà Xanh lấp ló xuyên qua đám cây cối. Anne đột nhiên tiến lại gần bà Marilla rồi luồn tay mình vào trong bàn tay thô ráp của người phụ nữ đứng tuổi.

"Thật thú vị biết bao khi được về nhà và biết đây là nhà," con bé nói. "Con đã yêu Chái Nhà Xanh mất rồi, ấy thế mà trước đây con chưa từng yêu nơi nào cả. Chưa có nơi nào giống như nhà. Ôi bác Marilla, con hạnh phúc quá. Con có thể cầu nguyện ngay bây giờ không chút khó khăn."

Một cảm giác ấm áp dễ chịu nào đó lan tỏa trong tim bà Marilla khi bàn tay nhỏ bé gầy guộc ấy chạm vào tay bà – có lẽ là tình mẫu tử rộn ràng mà bà còn thiếu. Sự ngọt ngào và ngượng nghịu không làm bà bối rối. Bà vội cân bằng lại cảm xúc bằng cách nhắc một lời răn.

"Nếu ngoan ngoãn thì con sẽ luôn hạnh phúc, Anne à. Và con sẽ không bao giờ thấy khó mở lời cầu nguyện."

"Đọc lời cầu nguyện của ai đó không hẳn giống với chuyện cầu nguyện," Anne trầm ngâm nói. "Nhưng con sẽ tưởng tượng mình là cơn gió thổi trên những ngọn cây. Khi phát mệt với mấy cái cây rồi thì con sẽ tưởng tượng mình bồng bềnh giữa những cây dương xỉ dưới này – rồi con sẽ bay đến vườn nhà bà Lynde khuấy động hoa lá cùng nhảy múa – sau đó con sẽ làm một cú đột kích xuống cánh đồng cỏ ba lá – rồi lướt qua Hồ Nước Lấp Lánh và thổi mặt hồ gợn lên những ngọn sóng nhỏ lấp lánh. Chao ôi, có quá nhiều thứ để tưởng tượng về một ngọn gió! Nên bây giờ con sẽ không nói gì nữa, bác Marilla ạ."

"Thế thì thật ơn Chúa," bà Marilla thở phào nhẹ nhõm.
----------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 11: Ấn Tượng Của Anne Về Trường Học Chủ Nhật

Sao, con có thích chúng không?" bà Marilla hỏi.

Anne đang đứng trong căn phòng ở chái nhà, nghiêm trang nhìn ba bộ váy mới trải trên giường. Một cái bằng vải kẻ sọc xỉn màu khói thuốc mà bà Marilla bị một người bán rong dụ mua hồi hè năm trước vì trông có vẻ bền; một cái bằng xa tanh kẻ ô trắng đen mua từ một quầy hàng giảm giá từ hồi mùa đông; cái còn lại in thô một hình thù xấu xí màu xanh mà bà mua ở Carmody trong tuần đó.

Bà đã tự tay may chúng, thảy đều trông giống nhau – cùng là loại váy đơn giản thắt chặt ở cái eo đơn giản, ống tay áo đơn giản giống hệt cả váy lẫn eo, và được thắt chặt hết mức.

"Con sẽ tưởng tượng là mình thích chúng" Anne điềm tĩnh nói.

"Ta không muốn con tưởng tượng thế," bà Marilla nói giọng tự ái. "Ái chà, ta có thể thấy con không thích mấy cái váy này! Chúng làm sao à? Chúng không gọn gàng, sạch sẽ và mới sao?"

"Có chứ ạ."

"Vậy sao con không thích chúng?"


"Chúng... chúng không... đẹp ạ," Anne nói miễn cưỡng.

"Đẹp à!" bà Marilla khịt mũi. "Ta không bận tâm về việc may váy đẹp cho con. Ta nói thẳng cho con biết là ta không thích mấy chuyện nuông chiều phù phiếm đâu Anne. Mấy cái váy này đều tốt, mặc khá dễ chịu, không có diềm đăng ten hay xếp nếp gì, và hè này con sẽ chỉ có chừng ấy thôi. Cái sọc nâu và cái in xanh con sẽ mặc tới trường khi bắt đầu đi học. Cái xa tanh mặc khi đi nhà thờ và đến trường học Chủ nhật. Ta hy vọng con sẽ giữ chúng gọn gàng sạch sẽ và lành lặn. Ta cứ tưởng là sau những cái váy thiếu vải mà con đang mặc đó thì có mặc gì con cũng sẽ thấy biết ơn chứ."

"Ồ, con biết ơn mà," Anne phản đối. "Nhưng con sẽ biết ơn hơn rất nhiều nếu... nếu chỉ cần bác may một cái có tay phồng thôi. Tay áo phồng đang rất thời trang. Chỉ cần mặc một chiếc váy tay phồng thôi là con sẽ thấy hưng phấn ngay, bác Marilla ạ."


"Thế đấy, con sẽ phải mặc chúng mà không cần cái hưng phấn đó. Ta không có vải để phung phí cho mấy cái tay phồng. Dù sao thì ta cũng nghĩ chúng trông thật lố bịch. Ta thích những thứ đơn giản, đứng đắn hơn."

"Thà con có vẻ lố bịch nhưng trông giống tất cả mọi người còn hơn là đơn giản và đứng đắn mà lại lạc lõng một mình." Anne rầu rĩ nài.

"Chắc là con nghĩ thế rồi! Nào, treo váy cẩn thận vào tủ rồi ngồi học các bài học của trường Chủ nhật đi. Ta đã lấy sách học kỳ này từ chỗ ông Bell và mai con sẽ đến trường Chủ nhật," bà Marilla vừa nói vừa giận dữ bước xuống lầu.

Anne nắm chặt tay nhìn mấy cái váy.

"Mình đã hy vọng sẽ có một cái váy màu trắng tay phồng," con bé chán nản thì thầm. "Mình đã cầu nguyện có một cái, nhưng mình cũng không quá hy vọng vào chuyện đó. Mình không nghĩ là Chúa có thời gian để quan tâm đến cái váy của một con bé mồ côi bé nhỏ. Mình biết là về chuyện này sẽ phải tùy vào bác Marilla thôi. Ôi, may là mình có thể tưởng tượng rằng một trong số chúng được làm bằng vải muslin trắng như tuyết với đăng ten và tay áo phồng ba lớp."

Sáng hôm sau một cơn đau đầu nhẹ đã khiến bà Marilla không đến trường học Chủ nhật với Anne được.


"Con sẽ phải xuống nhờ bà Lynde thôi Anne," bà nói. "Bà ấy sẽ trông chừng cho con vào đúng lớp. Nào, liệu mà cư xử cho đúng nhé. Học xong thì ở lại nghe giảng đạo và nhờ bà Lynde chỉ cho chỗ của chúng ta. Đây là một đồng để quyên góp. Đừng nhìn chằm chằm vào người khác cũng đừng ngọ nguậy không yên. Ta mong là khi về con sẽ nhắc lại cho ta nghe đoạn trích Kinh thánh trong bài giảng."

Anne khởi hành một cách không chê vào đâu được, diện bộ váy xa tanh trắng đen thẳng nếp mà trong khi khá thoải mái về chiều dài và chắc chắn không thể bị coi là thiếu vải thì cũng được tính tóan sao cho tôn lên mọi đường cong trên thân hình gầy gò của con bé. Nó đội một cái mũ thủy thủ nhỏ chóp bằng mới tinh và trơn bóng, sự đơn giản tột cùng của cái mũ khá đáng thất vọng đối với con bé Anne vốn đã tự cho phép mình bí mật tưởng tượng ra một cái có ruy băng và hoa. Tuy nhiên hoa đã được bổ sung trước cả lúc Anne đặt chân đến đường chính, vì khi bước trên con đường mòn ngập tràn hoa mao lương vàng óng lay động trong gió và rực rỡ hoa hồng dại, con bé nhanh chóng hào phóng trang trí cho cái mũ của mình một vòng hoa thật bự. Cho dù mọi người nghĩ gì về sản phẩm đó thì Anne vẫn cảm thấy rất thỏa mãn, và con bé vui vẻ thả bước trên đường, tự hào ngẩng cao mái đầu đỏ hoe đầy những trang trí màu hồng và vàng.

Khi tới nhà bà Lynde, con bé nhận ra người phụ nữ đã đi rồi. Không nản lòng, Anne tiếp tục một mình cất bước tới nhà thờ. Tại cổng nó thấy một nhóm bé gái, ăn mặc ít nhiều đều có phần rạng rỡ với màu trắng, xanh và hồng, đứa nào cũng dồn ánh mắt tò mò vào kẻ lạ mặt với món đồ trang trí lạ thường trên đầu. Những bé gái Avonlea đã nghe nhiều câu chuyện lạ lùng về Anne. Bà Lynde nói tính khí nó tệ hại khủng khiếp; Jerry Buote, thằng bé giúp việc ở Chái Nhà Xanh, kể rằng con bé lúc nào cũng nói chuyện một mình hay với cây cối cỏ hoa như đứa khùng. Bọn trẻ nhìn con bé và thì thầm với nhau phía sau những cuốn sách. Không ai bắt chuyện một cách thân thiện kể từ lúc đó cho đến khi nghi thức đầu lễ kết thúc và Anne thấy mình đang ở trong lớp của cô Rogerson.

Cô Rogerson là phụ nữ ở trung niên đã dạy ở trường Chủ nhật hai mươi năm rồi. Phương pháp giảng dạy của cô là đưa ra những câu hỏi in sẵn trong sách và nghiêm khắc nhìn qua mép sách để gọi một cô bé mà cô chắc mẩm trả lời được. Cô rất hay để mắt tới Anne, và Anne, nhờ sự rèn giũa của Marilla, trả lời không chút đắn đo; nhưng con bé có thật sự hiểu được câu hỏi hoặc câu trả lời hay không thì vẫn còn là một nghi vấn.

Con bé không nghĩ mình thích cô Rogerson, và nó cảm thấy mình rất đáng thương; tất cả những bé gái khác trong lớp đều có tay áo phồng. Anne cảm thấy như đời chẳng còn đáng sống nếu không có những tay áo phồng.


"Sao, con thấy trường Chủ nhật thế nào?" bà Marilla muốn biết khi Anne trở về nhà. Vành hoa của con bé đã héo, Anne bỏ lại hoa trên đường nên bà Marilla sẽ không biết về nó.

"Con không thích chút nào. Thật khủng khiếp."

"Anne Shirley!" bà Marilla nói với giọng quở trách.

Anne thở dài ngồi xuống xích đu, hôn một chiếc lá của Bonny và vẫy tay với đóa vân anh đang nở.

"Chúng có thể thấy cô đơn khi vắng con," con bé giải thích. "Còn giờ nói về trường học Chủ nhật. Con đã cư xử tốt, y như bác dặn. Bà Lynde đã đi trước, nhưng con tự đi đến nơi được. Con vào nhà thờ với rất nhiều bạn gái khác và ngồi ở góc ghế dài bên cửa sổ trong thời gian tiến hành nghi thức đầu lễ. Ông Bell đọc một lời nguyện dài khủng khiếp. Nếu không ngồi bên cái cửa sổ đó thì chắc con mệt mỏi đến chết mất trước khi ông ấy kết thúc nghi lễ. Nhưng nó nhìn thẳng ra Hồ Nước Lấp Lánh nên con cứ dõi ra đó và tưởng tượng ra đủ thứ rực rỡ."


"Con không nên làm thế. Lẽ ra con phải lắng nghe ông Bell".

"Nhưng ông ấy có nói với con đâu," Anne phản ứng. "Ông ấy nói với Chúa đấy chứ, mà ông ấy có vẻ cũng chẳng tha thiết gì lắm. Con nghĩ ông ấy cho rằng Chúa ở quá xa nên chẳng bõ công để cầu nguyện. Tuy nhiên, con đã tự cầu nguyện một điều nhỏ. Có một hàng bạch dương trải dài bên bờ hồ và ánh nắng đổ xuống xuyên qua chúng, rơi mãi rơi mãi xuống hồ nước sâu thăm thẳm. Ôi, bác Marilla, nó giống như một giấc mơ thật đẹp! Nó làm con rùng mình và con chỉ biết nói "Tạ ơn Người" hai, ba lần."

"Không nói lớn, ta hy vọng thế," bà Marilla nói giọng lo lắng.

"Ồ không, chỉ thì thầm thôi. Vậy là cuối cùng ông Bell cũng làm lễ xong và họ bảo con vào lớp của cô Rogerson. Trong đó có chín bạn gái khác. Các bạn ấy đều mặc váy tay phồng. Con cố tưởng tượng mình cũng có tay áo phồng nhưng không thể. Tại sao chứ? Nếu con đang ở một mình trong chái Đông thì thật dễ để tưởng tượng ra váy của con có tay phồng, nhưng khi ở giữa những người thật sự có tay áo phồng thì quá khó tưởng tượng."

"Con không nên nghĩ về tay áo khi đang ở trường học Chủ nhật. Con phải lắng nghe bài giảng. Ta hy vọng con biết thế chứ."

"Ồ, có chứ ạ; và con còn trả lời rất nhiều câu hỏi nữa. Cô Rogerson hỏi nhiều quá. Con nghĩ cô ấy thật không công bằng khi cứ hỏi hết như thế. Có quá nhiều thứ con muốn hỏi cô ấy nhưng lại không thích hỏi vì con không nghĩ cô ấy có tâm hồn đồng điệu. Sau đó, các bạn gái khác đọc thuộc lòng một bài diễn giải. Cô ấy hỏi con có biết bài nào không. Con nói không, nhưng nếu cô ấy thích thì con có thể đọc thuộc lòng bài "Chú chó bên mộ chủ". Nó nằm trong quyển văn tuyển Hoàng gia tập ba. Nó không phải một bài thơ tôn giáo đích thực nhưng cũng buồn bã u sầu chẳng khác gì thơ loại đó. Cô ấy bảo bài đó không được và nói con phải học bài diễn giải thứ mười chín cho Chủ nhật tới. Sau đó con đã đọc nó trong nhà thờ và nó thật tuyệt. Đặc biệt có hai câu làm con rùng mình.

"Nhanh như khi những kỵ binh bị thương ngã xuống

Trong những ngày đen tối của Midian."

Con không biết "kỵ binh" hay "Midian" nghĩa là gì, nhưng nghe quá bi kịch. Con không thể đợi nổi đến Chủ nhật tuần sau để đựơc ngâm nó. Con sẽ tập cả tuần. Sau lớp học Chủ nhật, con đã nhờ cô Rogerson – vì bà Lynde ở xa quá – chỉ cho con hàng ghế của bác. Con ngồi yên hết mức và đọc bài giảng đạo được trích từ Sách Khải Huyền, chương ba, đoạn hai và ba. Bài giảng đó rất dài. Nếu là linh mục thì con sẽ chọn những bài ngắn và nhanh. Con nghĩ ông ấy không thấy hứng thú chút nào. Có vẻ như vấn đề của ông ấy là ông ấy không có đủ trí tưởng tượng. Con không chú tâm lắng nghe ông ấy. Con chỉ thả cho tâm trí mình bay bổng và nghĩ tới những điều bất ngờ nhất."

Bà Marilla bất lực cảm thấy lẽ ra phải nghiêm khắc quở trách con bé về toàn bộ chuyện này thì bà lại bị cản trở bởi một sự thật không thể chối cãi rằng một số điều Anne nói, đặc biệt là về bài thuyết giáo của mục sư và buổi cầu nguyện của ông Bell, cũng là những điều mà thật ra suốt bao năm nay chính bà đã ấp ủ trong lòng nhưng chưa bao giờ biểu hiện. Bà cảm thấy dường như những suy nghĩ chỉ trích bí mật và thầm kín đó đã bất thình *** h lấy được hình dạng rõ nét và biểu hiện trong con người nhỏ bé ba hoa lôi thôi lếch thếch này.
------------------------------------------------
Chương 12: Một Lời Thề Và Lời Hứa Trang Trọng
Phải tới thứ Sáu tuần sau bà Marilla mới nghe kể về cái mũ vành hoa. Bà từ nhà bà Lynde trở về và gọi Anne ra hỏi.

"Anne, bà Rachel nói Chủ nhật vừa rồi con đã tới nhà thờ với cái mũ lố bịch cài hoa hồng và mao lương. Cái quái quỷ gì đã khiến con hành động ký quái vậy hả? Hẳn là con trông phải xinh đẹp lắm!"

"Chao ôi. Con biết màu hồng và vàng không hợp với mình mà," Anne bắt đầu.

"Vớ vẩn! Nội cái việc cài hoa lên mũ thôi, chẳng cần biết hoa màu gì, cũng đã thật lố bịch rồi. Con đúng là đứa trẻ khó chịu nhất trần đời!"


"Con không hiểu cài hoa lên mũ so với cài hoa lên váy có gì lố bịch hơn," Anne phản đối. "Ở đó rất nhiều bạn gái cài hoa lên váy. Khác biệt chỗ nào chứ?"

Bà Marilla không để mình bị lôi từ cái bệ an toàn vào con đường trừu tượng mơ hồ.

"Đừng có trả lời ta như vậy, Anne. Con làm vậy là rất ngốc nghếch. Đừng để ta bắt gặp con làm mấy trò đó lần nữa. Bà Rachel nói bà ấy tưởng phải chui xuống đất khi thấy con tới với cái mớ trang trí đó. Bà ấy không thể đến gần đủ để bảo con bỏ chúng xuống cho đến khi quá trễ. Bà ấy bảo mọi người cứ nói về nó như cái gì khủng khiếp lắm. Dĩ nhiên họ sẽ nghĩ là ta cũng chẳng tỉnh táo gì hơn khi để con ra đường trong bộ dạng như thế."

"Ôi, con rất xin lỗi," Anne nói, nước mắt ứa ra. "Con chưa bao giờ nghĩ bác sẽ cảm thấy phiền lòng. Hoa hồng và mao lương trông ngọt ngào và dễ thương quá, con nghĩ chúng nằm trên mũ con trông sẽ rất đáng yêu. Nhiều bé gái cũng có hoa giả trên mũ mà. Con e rằng con sẽ thành một gánh nặng khủng khiếp với bác. Có lẽ bác nên gửi trả con quay lại trại mồ côi thì hơn. Chuyện đó thật kinh khủng, con không nghĩ con có thể chịu được; không chừng con sẽ mắc bệnh lao phổi, con gầy thế cơ mà. Nhưng thà thế còn hơn là trở thành gánh nặng của bác."

"Nhảm nhí," bà Marilla nói, nổi giận với chính mình vì đã làm đứa trẻ khóc. "Chắc chắn ta không muốn gửi trả con lại trại mồ côi. Ta chỉ muốn con cư xử như những bé gái khác và đừng tự biến mình thành lố bịch nữa. Nín đi nào. Ta có vài tin cho con đây. Chiều nay Diana Barry sẽ về nhà. Ta sẽ đi xem có thể mượn mẫu áo của bà Barry không, nếu thích con có thể đi cùng và làm quen với Diana."

Anne đứng dậy, tay đan chặt, nước mắt vẫn long lanh trên má, cái khăn lau đĩa con bé đang gấp vô ý rơi xuống sàn.

"Ôi, bác Marilla, con sợ quá – giờ thì con sợ thật sự rồi. Nếu bạn ấy không thích con thì sao! Đó sẽ là nỗi thất vọng bi đát nhất đời con."

"Này, đừng kích động thế. Mà ta hy vọng con sẽ không dùng mấy từ đao to búa lớn như thế. Từ miệng một bé gái nói ra nghe thật buồn cười. Ta chắc Diana sẽ rất thích con đấy. Mẹ con bé mới là người con phải lo. Nếu bà ấy không thích con thì Diana có thích con bao nhiêu cũng thế thôi. Bà ấy mà nghe được vụ con nổi giận với bà Lynde và đi đến nhà thờ với hoa mao lương quấn quanh mũ thì ta không biết bà ấy sẽ nghĩ gì về con. Con phải lịch sự và ngoan ngoãn, đừng có trình bày bất kỳ bài diễn văn đáng hoảng hốt nào của con. Tạ ơn Chúa, nếu con bé không run quá!"

Anne đang run. Khuôn mặt nó tái nhợt và căng thẳng.


"Ôi, bác Marilla, bác cũng sẽ kích động nếu sắp gặp một cô bé mà bác hy vọng sẽ trở thành bạn tâm giao của mình trong khi mẹ bạn ấy có thể không ưa bác," con bé nói trong khi chạy vội đi lấy mũ. Họ vừa đến dốc Vườn Quả bằng đường tắt cắt qua suối rồi leo lên khu rừng linh sam nhỏ trên đồi. Bà Barry bước ra cửa bếp khi bà Marilla gõ cửa. Bà có dáng người cao, tóc đen mắt đen, cái miệng cả quyết. Bà nổi tiếng nghiêm khắc với con cái.

"Cô thế nào rồi, Marilla?" bà nói thân tình. "Vào đi. Đây chắc là bé gái mà cô nhận nuôi?"

"Vâng, đây là Anne Shirley," bà Marilla đáp.

"Đánh vần có e ạ," Anne hổn hển nói, run run kích động, kiên quyết không để có nhầm lẫn nào ở điểm quan trọng đó.

Bà Barry, hoặc không nghe thấy hoặc không hiểu, chỉ bắt tay bình thường và nói một cách thân mật: "Con sao rồi?"


"Con khỏe mạnh về mặt thể xác mặc dù hơi bối rối về mặt tinh thần, cám ơn bà ạ," Anne nghiêm trang đáp. Và quay sang thầm thì thành tiếng với bà Marilla. "Câu đó đâu có gì gây sốc phải không bác Marilla?"

Diana đang ngồi trên ghế bành và buông cuốn sách đọc dở xuống khi khách vào. Đó là một cô bé rất xinh, má hồng hây hây, thừa hưởng cả đôi mắt lẫn mái tóc đen của mẹ và nét vui vẻ của cha.

"Đây là con gái bác, Diana," bà Barry nói, "Diana, con có thể dẫn Anne ra vườn và chỉ cho bạn xem hoa của con. Sẽ tốt hơn nếu con chịu dời mắt ra khỏi sách một chút. Con bé đọc nhiều quá..." Những lời này được nói với bà Marilla khi hai bé đã ra vườn, "Mà tôi thì không ngăn được vì cha nó cứ bênh vực và tiếp tay cho nó. Lúc nào nó cũng chúi mũi vào sách. Tôi mừng vì viễn cảnh nó có một người bạn chơi chung – có lẽ như vậy nó sẽ ra ngoài chơi nhiều hơn."

Bên ngoài, trong khu vườn ngập tràn những luồng ánh sáng xế chiều êm dịu chảy về phía Tây xuyên qua những cây linh sam già sẫm màu, Anne và Diana đứng nhìn nhau rụt rè qua một cây loa kèn hổ tuyệt đẹp.

Vườn nhà Barry là một vùng đất hoang ngập tràn hoa thắp sáng niềm vui trong trái tim Anne. Khu vườn được bao quanh bởi những cây liễu cổ thụ và linh sam cao vút, dưới gốc cây nở rộ những đóa hoa ưa bóng râm. Những con đường vuông góc viền vỏ sò gọn gàng chạy ngang dọc khắp khu vườn như những sợi ruy băng đỏ ẩm ướt và trong tấm thảm vườn, những bông hoa lạc mốt mọc um tùm. Vườn có hoa trái tim nhỏ máu màu hồng phớt và mẫu đơn đỏ rực; thủy tiên trắng thơm ngát và hoa hồng gai Scotland ngọt ngào; hoa columbines màu hồng, xanh trắng và cỏ kiềm tím hoa cà, những cụm ngải bụi, cỏ dây và bạc hà; lan Adam-và-Eva tím, thủy tiên vàng, và vô số cỏ ba lá thơm với những cánh hoa trắng mảnh mai mượt mà thơm hương; cây nữ lang đỏ chĩa những mũi giáo rực lửa trên những bông hoa khỉ trắng muốt; một khu vườn nơi ánh nắng lưu luyến và ong vo ve, gió chậm bước tha thẩn rì rào, xào xạc.

"Ôi, Diana," cuối cùng Anne nói, nắm chặt tay và giọng gần như thầm thì, "cậu có nghĩ – ôi, nghĩ cậu có thể thích mình một chút – đủ để làm bạn tâm giao của mình không?"

Diana bật cười. Cô bé luôn mỉm cười trước khi nói.

"Ừ, mình nghĩ vậy," cô bé nói thẳng thắn. "Mình rất mừng khi cậu đến sống ở Chái Nhà Xanh. Thật vui khi có người chơi chung. Không có bạn gái nào sống gần đây để chơi chung, mà mình lại chẳng có đứa em gái nào đủ lớn cả."


"Cậu có thề sẽ là bạn mình mãi mãi, mãi mãi không?" Anne hỏi, giọng háo hức.

Diana có vẻ sững sờ.

"Sao, thề thốt thì có vẻ giống với phạm lỗi quá," cô bé trách móc.

"Ôi không, không phải kiểu thề của mình. Có hai kiểu cơ, cậu biết đó."

"Hồi đó đến giờ mình chỉ biết một kiểu thôi," Diana nghi ngờ.

"Có kiểu khác nữa thật mà. Ôi, không giống với phạm lỗi chút xíu nào đâu. Chỉ là thề và hứa trang trọng thôi."

"Vậy thì được, mình không phiền chuyện đó," Diana thở phào đồng ý. "Cậu làm chuyện đó thế nào?"

"Chúng ta phải nắm tay lại – thế này," Anne nói trang nghiêm. "Phải có nước chảy nữa. Được rồi, chúng ta sẽ tưởng tượng con đường này là dòng nước. Mình sẽ đọc lời thề trước. Con trang trọng thề sẽ trung thành với người bạn tâm giao của mình, Diana Barry, chừng nào mặt trời và mặt trăng còn tồn tại. Bây giờ cậu lặp lại và thay bằng tên mình thôi."


Diana lặp lại "lời thề" với một tràng cười lớn. Sau đó con bé nói: "Cậu thật kỳ lạ Anne ạ. Mình từng nghe nói là cậu khá kỳ lạ. Nhưng mình tin rằng mình sẽ thích cậu lắm."

Khi bà Marilla và Anne ra về, Diana tiễn tới tận cây cầu gỗ. Hai cô bé khoác tay nhau cùng bước. Chúng chia tay bên bờ suối và những lời hứa hẹn sẽ gặp lại nhau chiều hôm sau.

"Thế nào, con thấy Diana là một tâm hồn đồng điệu không?" bà Marilla hỏi khi hai bác cháu băng qua khu vườn Chái Nhà Xanh.

"Ồ có ạ," Anne thở dài sung sướng, không nhận ra chút mỉa mai nào trong câu nói của Marilla. "Ôi, bác Marilla, con là cô gái hạnh phúc nhất đảo Hoàng tử Edward lúc này. Con bảo đảm với bác tối nay con sẽ cầu kinh một cách hoàn toàn tự nguyện. Ngày mai, Diana và con sẽ xây một ngôi nhà đồ chơi trong rừng cây bạch dương của ông William Bell. Con có thể lấy mấy mảnh sứ vỡ trong kệ gỗ được không ạ? Sinh nhật của Diana là tháng Hai và của con là tháng Ba. Bác có nghĩ đó là một sự trùng hợp rất kỳ lạ không? Diana sẽ cho con mượn một cuốn sách để đọc. Bạn ấy nói nó hay vô cùng và cực kỳ cuốn hút. Bạn ấy cũng sẽ chỉ cho con một chỗ ở sau rừng có loa kèn gạo mọc. Bác có nghĩ Diana có một đôi mắt hút hồn không? Con ước gì con cũng có đôi mắt hút hồn. Diana sẽ dạy con hát một bài tên là "Nelly ở Thung Lũng Cây Phỉ". Bạn ấy nói sẽ tặng con một bức tranh để treo trong phòng; bạn ấy nói đó là một bức tranh đẹp không chê vào đâu được – một phụ nữ đáng yêu mặc váy lụa xanh lơ. Một người ở cửa hàng đại lý máy khâu đã cho bạn ấy bức tranh đó. Con ước gì mình có thứ gì đó để tặng Diana. Con cao hơn Diana một phân nhưng bạn ấy mập hơn con nhiều; bạn ấy nói bạn ấy thích dáng người mảnh mai vì như vậy nhìn sẽ duyên dáng hơn nhiều, nhưng con e là bạn ấy nói thế chỉ để an ủi con thôi. Bữa nào đó chúng con sẽ đi biển nhặt vỏ sò. Chúng con đã đồng ý gọi con suối bên dưới cây cầu gỗ là Bong Bóng Của Nữ Thần Rừng. Đó chẳng phải một cái tên thật thanh nhã sao? Con từng đọc một câu chuyện về con suối có cái tên đó. Nữ thần rừng là một kiểu tiên trưởng thành, con nghĩ vậy."

"Ồ, ta chỉ mong con đừng huyên thuyên quá đáng với Diana, bà Marilla nói. "Nhưng muốn kế hoạch kế hiếc gì thì cũng phải nhớ điều này nhé, Anne. Con không được dành toàn bộ hoặc gần như toàn bộ thời gian để chơi bời đâu. Con sẽ có nhiều việc để làm và phải làm xong rồi mới được chơi đấy."

Chiếc ly hạnh phúc của Anne đã đầy và ông Matthew lại làm cho nó tràn ra. Ông vừa từ cửa hàng bách hóa ở Carmody về, rụt rè rút một gói nhỏ trong túi ra đưa cho Anne và nhìn bà Marilla với vẻ khẩn khoản.

"Ta nghe nói con thích kẹo sô cô la nên đã mua cho con một ít," ông nói.

"Hừm," bà Marilla khịt mũi. "Nó sẽ làm hỏng cả răng và bao tử của con bé thôi. Này này, bé con, đừng có tỏ ra buồn thảm như thế. Con có thể ăn chúng vì bác Matthew đã cất công mua về rồi. Lẽ ra bác ấy phải mua kẹo bạc hà mới đúng. Chúng lành hơn nhiều. Đừng có ăn hết một lúc rồi ốm đấy."

"Ồ không, thật sự con không định thế đâu," Anne nói háo hức. "Con sẽ chỉ ăn một cái tối nay thôi, bác Marilla ạ. Con chia cho Diana một nửa được không bác? Con sẽ cảm thấy nửa còn lại ngọt ngào gấp đôi nấu con có thể chia cho bạn ấy một ít. Thật vui khi nghĩ rằng con có gì đó để tặng bạn ấy."

"Em sẽ nói thế này về đứa nhỏ," bà Marilla nói khi Anne đã về phòng, "con bé không keo kiệt. Em mừng đấy, vì trong mọi tính xấu của bọn nhóc thì em ghét nhất tính keo kiệt. Thật tình, con bé chỉ mới đến nơi này ba tuần mà cứ như có đã ở đây từ xưa rồi. Em không thể hình dung nổi nơi này mà không có nó thì sẽ ra sao. Nào, đừng có làm cái vẻ mặt anh-đã-bảo-mà thế nữa, Matthew. Thấy vẻ mặt đó ở đàn bà đã khó chịu rồi, đừng nói là đàn ông. Em hoàn toàn sẵn lòng thừa nhận em rất vui vì đã đồng ý giữ con bé lại và càng ngày càng thích nó, nhưng anh đừng có mà nói đi nói lại mãi chuyện đó, Matthew Cuthbert."
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 13: Niềm Vui Của Kỳ Vọng
Đến giờ Anne phải vào may vá rồi," bà Marilla nói, liếc mắt nhìn đồng hồ rồi bước ra ngoài trời, hòa mình trong buổi chiều tháng Tám vàng ruộm nhấn chìm mọi thứ trong cái nóng. "Con bé đã chơi với Diana lâu hơn nửa tiếng so với thời gian mình cho phép rồi; và giờ lại leo lên đống củi tán hươu tán vượn tràng giang đại hải với Matthew trong khi nó biết quá rõ là nó còn phải làm việc nữa. Và dĩ nhiên anh ấy sẽ nuốt lấy từng lời của con bé như một kẻ ngờ nghệch chính hiệu. Mình chưa bao giờ thấy người đàn ông nào tỏ ra mê mẩn đến thế. Con bé càng nói nhiều, càng nói nhảm thì anh ấy rõ là càng thích thú. Anne Shirley, con vào đây ngay cho ta, có nghe thấy không!"

Một chuỗi tiếng gõ không đều trên cửa số phía Tây kéo Anne từ sân phóng vào nhà, mắt long lanh, má ửng hồng, mái tóc buông xõa chảy thành một dòng ánh sáng sau lưng.

"Ôi, bác Marilla," con bé hổn hển thốt lên, "tuần sau sẽ có một buổi picnic của trường học Chủ nhật – trên cánh đồng nhà ông Harmon Andrews, ngay gần Hồ Nước Lấp Lánh. Bà giám thị Bell và bà Rachel Lynde sẽ làm kem – cứ thử nghĩ mà xem, bác Marilla –kem nhé! Ôi bác Marilla con có thể tới đó không?"

"Phiền con nhìn đồng hồ một cái, Anne. Ta bảo phải vào nhà lúc mấy giờ?"


"Hai giờ ạ - nhưng chẳng phải chuyện picnic đó thật tuyệt sao, bác Marilla? Con có thể đi không ạ? Ôi, con chưa bao giờ đi picnic... con đã mơ về picnic nhiều lần nhưng chưa bao giờ..."

"Phải, ta bảo con về lúc hai giờ. Và bây giờ là ba giờ kém mười lăm rồi. Ta muốn biết vì sao con không vâng lời, Anne."

"À, con cũng cố hết sức rồi đấy chứ, bác Marilla. Nhưng bác không biết Vùng Đất Hoang Lười Nhác kỳ diệu đến thế nào đâu. Và nữa, dĩ nhiên con phải kể cho bác Matthew nghe về buổi picnic. Bác ấy thật là một người nghe đồng cảm. Con có thể đi chứ ạ?"


"Con sẽ phải học cách cưỡng lại sự quyến rũ của Vùng-đất-hoang-cái-quái-gì-mà-con-gọi-đó. Khi ta bảo con về vào lúc mấy giờ thì có nghĩa là con phải về vào đúng giờ đó chứ không phải nửa tiếng sau. Và con cũng không cần phải dừng lại buôn bán về đường đi lối lại của con với những người nghe đồng cảm. Về buổi picnic, dĩ nhiên con có thể đi. Con là học sinh của trường học Chủ nhật và không có lý do gì ta lại từ chối cho con đi trong khi tất cả các bé gái khác đều đi cả."

"Nhưng... nhưng," Anne ấp úng, "Diana nói mỗi người phải mang theo một giỏ thức ăn. Bác biết con không biết nấu ăn mà, bác Marilla, và... và... con sẽ không quá bận tâm đến chuyện đi picnic mà không mặc áo tay phồng, nhưng con sẽ thấy xấu hổ khủng khiếp nếu đi mà không mang giỏ theo. Chuyện này cứ đeo đẳng tâm trí con suốt từ khi Diana nói chuyện đến giờ."

"Được rồi, không cần lo lắng nữa. Ta sẽ nướng cho con một giỏ bánh."

"Ôi, bác Marilla thân yêu tốt bụng. Ôi, bác thật tốt với con. Ôi, con mang ơn bác thật nhiều."

Sau khi "Ôi" cả một tràng, Anne lao vào vòng tay Marilla và vui sướng hôn lên đôi má tái xám của bà. Đây là lầu đầu tiên trong đời có một đôi môi trẻ con tình nguyện chạm vào khuôn mặt bà Marilla. Một lần nữa cảm giác ngọt ngào bất ngờ ập đến làm bà rùng mình. Bà thầm cảm thấy niềm vui lớn lao trước sự âu yếm bốc đồng của Anne, có lẽ đó là lý do khiến bà nói cộc cằn, "Này này, đừng có mà hôn bừa bãi thế. Tốt hơn là ta phải được thấy con làm đúng những gì mình đã nói. Về chuyện nấu nướng, ta định sẽ dạy con trong vài ngày tới. Nhưng đầu óc con cứ như trên mây vậy Anne, ta đang chờ xem liệu trước khi ta bắt đầu thì con có thể điềm đạm hơn một chút và có học được cách giữ bình tĩnh hay không. Con phải giữ được bình tĩnh trong lúc nấu nướng và không dừng nửa chừng để đầu óc lang thang với đủ thứ sáng tạo. Nào, bắt đầu công việc may vá của con đi và phải hoàn thành xong cái khăn vuông trước giờ uống trà đấy."


"Con không thích may vá," Anne nói vẻ buồn thảm, tìm giỏ đựng đồ khâu của mình rồi thở dài ngồi xuống trước một đống nhỏ những mảnh vải hình thoi màu đỏ và trắng. "Con nghĩ một số kiểu may có lẽ cũng hay, nhưng trong công việc may vá chẳng có chỗ nào cho trí tưởng tượng cả. Cứ hết mũi kim này đến mũi kim kia và có vẻ như ta chẳng bao giờ đi đến đâu cả. Nhưng dĩ nhiên con thà là Anne của Chái Nhà Xanh làm công việc may vá còn hơn là Anne chẳng của nơi nào cả và cũng chẳng làm gì cả ngoài việc rong chơi. Dù vậy, con ước gì thời gian may vá cũng qua nhanh như khi con đi với Diana. Ô, chúng con đã có những khoảng thời gian rất vui vẻ, bác Marilla ạ. Con phải tưởng tượng hộ bạn ấy hầu hết mọi thứ, nhưng con thừa sức làm chuyện đó. Về tất cả những mặt còn lại thì Diana quả thật vô cùng hoàn hảo. Bác biết mảnh đất nhỏ phía bên kia con suối chảy giữa trang trại của chúng ta và của ông Barry đấy. Nó thuộc về ông William Bell và ngay ở một góc là một vòng tròn bạch dương – địa điểm lãng mạng nhất đấy, bác Marilla. Diana và con dựng một ngôi nhà đồ chơi ở đấy. Tụi con gọi nó là Vùng Đất Hoang Lười Nhác. Tên này chẳng nên thơ sao? Con bảo đảm với bác là con mất rất nhiều thời gian lắm mới nghĩ ra được cái tên đó. Con gần như phải thức trắng cả đêm. Rồi, ngay lúc con sắp ngủ thiếp đi thì nó đột nhiên xuất hiện như một cảm hứng. Diana vui sướng khôn cùng khi nghe thấy cái tên. Chúng con đã dựng căn nhà rất thanh nhã. Bác phải đến xem mới được, bác Marilla... được không ạ? Chúng con có những tảng đá lớn phủ đầy rêu dùng làm ghế ngồi và các tấm ván gác từ cây này sang cây kia làm kệ. Chúng con để hết chén đĩa lên đó. Dĩ nhiên cái nào cũng bị vỡ mất rồi nhưng tưởng tượng ra chúng lành lặn là chuyện dễ nhất trên đời. Có một mảnh đĩa đặc biệt xinh đẹp in hình một dây thường xuân hoa đỏ và vàng. Chúng con để nó trong phòng khách, và ở đó còn có cả kính tiên nữa. Kính tiên thật đáng yêu như một giấc mơ. Diana tìm thấy nó trong đám cây sau chuồng gà nhà bạn ấy. Nó đầy các dải cầu vồng – chỉ là những dải cầu vồng nhỏ chứ chưa lớn hẳn – và mẹ Dianna bảo rẳng đó là mảnh vỡ từ cây đèn chùm trước kia của họ. Nhưng sẽ tuyệt hơn nếu tưởng tượng những nàng tiên một đêm nào đó đã đánh rơi nó trên đường dự vũ hội, nên tụi con gọi đó là kính tiên. Bác Matthew sẽ làm cho tụi con một cái bàn. Ồ, tụi con đã đặt tên cho cái hồ nhỏ hình tròn trong cánh đồng nhà ông Bary là Hồ Liễu. Con đọc được cái tên đó trong một cuốn sách bác cho con mượn. Cuốn sách cảm động thật, bác Marilla. Nhân vật nữ chính có đến năm người yêu. Chỉ cẩn một người thôi con cũng hài lòng rồi, phải không ạ? Cô gái đó rất đẹp và trải qua nhiều thử thách lớn. Cô ấy có thể ngất xỉu dễ dàng vì bất cứ chuyện gì. Con sẽ thích bị ngất xỉu, phải không bác Marilla? Nó mới lãng mạng làm sao. Nhưng cho dù gầy đến thế thì con cũng vẫn khỏe như vâm. Dù vậy con tin rằng mình đang mập lên. Bác có nghĩ thế không? Sáng nào khi thức dậy con cũng nhìn khuỷu tay xem có cái lúm nào xuất hiện không. Diana có một cái váy mới tay áo dài đến khuỷu tay. Bạn ấy sẽ mặc đến buổi picnic. Ôi, con hy vọng thứ Tư tới mọi chuyện đều suôn sẻ. Con cảm thấy mình sẽ không thể chịu đựng được nỗi thất vọng nếu có bất cứ điều gì xảy ra ngăn con không đến được buổi picnic. Chắc rồi con cũng vượt qua được thôi, nhưng hẳn nhiên đó sẽ là một nỗi thất vọng suốt đời. Nếu sau này con có được dự cả trăm buổi picnic thì cũng chẳng còn ý nghĩa gì cả; chúng không thể bù được mất mát lần này. Mọi ngươi sẽ đi thuyền trên Hồ Nước Lấp Lánh – và kem nữa, như con kể với bác rồi. Con chưa bao giờ nếm thử kem. Diana đã cố giải thích cho con nó thế nào, nhưng con đoán kem là một trong những thứ nằm ngoài cả sức tưởng tượng."

"Anne, con đã huyên thuyên cả mười phút đồng hồ rồi," bà Marilla nói. "Nào, vì Chúa, hãy thử xem con có thể im lặng trong một khoảng thời gian tương đương được không."

Anne im lặng như bà mong muốn. Nhưng suốt những ngày còn lại trong tuần con bé nói cũng picnic, nghĩ cũng picnic và đến mơ cũng picnic. Hôm thứ Bảy trời mưa và con bé giận dữ đến phát điên vì sợ rằng mưa sẽ kéo dài cho đến thứ Tư, làm bà Marilla phải giao thêm việc may vá để nó bình tâm lại.

Chủ nhật, trên đường từ nhà thờ về, Anne tâm sự với bà Marilla là thật ra nó đã háo hức đến lạnh người khi linh mục thông báo trên bục giảng về buổi picnic.

"Cảm giác rùng mình đó cứ chạy lên chạy xuống khắp lưng con, bác Marilla à! Con đã nghĩ mình sẽ không bao giờ dám thành thực tin tưởng cho đến khi buổi picnic thật sự diễn ra. Con không thể kiềm chế được nỗi sợ hãi rằng chẳng qua chuyện này là do con người tưởng tượng ra. Nhưng khi linh mục đã nói như vậy trên bục giảng thì phải tin thôi."


"Con nặng lòng với mọi thứ quá, Anne," bà Marilla nói kèm theo tiếng thở dài, "Ta e rằng rất nhiều nỗi thất vọng đang chờ sẵn trong đời con."

"Ôi, bác Marilla, trông chờ thứ gì đó cũng là có được một nửa sự thú vị của chúng rồi," Anna kêu lên. "Có thể bác sẽ không có được chúng, nhưng không gì ngăn bác khỏi niềm vui khi trông chờ chúng. Bà Lynde đã nói ‘Phép lành là dành cho những người chẳng mong đợi gì vì họ sẽ không bị thất vọng’. Nhưng con nghĩ không có gì để trông đợi còn tệ hơn cả thất vọng."

Hôm đó, bà Marilla đeo chiếc ghim cài áo bằng thạch anh tím đến nhà thờ như thường lệ. Bà luôn đeo chiếc cài áo này đến nhà thờ. Có lẽ bà nghĩ thật báng bổ nếu bỏ nó ra – cũng tệ như quên quyển Thánh Kinh hay bộ sưu tập đồng xu của mình vậy. Chiếc ghim cài áo bằng thạch anh tím đó là tài sản quý giá nhất của bà Marilla. Mẹ bà đã nhận nó từ một ông chú thủy thủ rồi sau đó để lại cho bà. Nó được làm theo kiểu cũ, có hình bầu dục chứa một lọn tóc của mẹ bà, xung quanh dát một lớp thạch anh tím rất tinh xảo. Bà Marilla biết về đá quý quá ít để có thể đánh giá được những viên thạch anh tím đó tinh xảo đến chừng nào; nhưng bà nghĩ chúng rất đẹp và dù không nhìn thấy bà vẫn luôn hài lòng cảm nhận màu tím của chúng lấp lánh ở cổ, phía trên chiếc váy xa tanh nâu thật đẹp.

Anna ngưỡng mộ đến mức choáng ngợp khi lần đầu nhìn thấy chiếc ghim gài áo đó.

"Ôi, bác Marilla, thật là một chiếc ghim cài áo thanh nhã tột độ. Con không biết làm cách nào bác có thể tập trung vào bài thuyết giảng hay những lời cầu nguyện khi bác đang cài nó. Con thì không thể, con biết. Con nghĩ đá thạch anh tím thật đáng yêu. Chúng giống y như những gì con từng nghĩ về kim cương. Lâu lắm rồi, khi vẫn chưa từng thấy một viên kim cương nào, con đã đọc về chúng có lẽ là những viên đá tím lấp lánh đáng yêu. Khi nhìn thấy viên kim cương thật đính trên nhẫn của một quý bà, con thất vọng đến nỗi bật khóc. Dĩ nhiên, nó rất đáng yêu nhưng lại không giống với suy nghĩ của con về kim cương. Bác cho con cầm chiếc cài áo một phút được không, bác Marilla? Bác nghĩ liệu thạch anh có phải là linh hồn của màu tím xinh đẹp không?"
---------------------------------------------------------------------------THE END-----------------------------------------------------------------------------------------------------
 
5
5 sao / 1 đánh giá
5 sao - 1 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 5 SAO trên tổng số 1 đánh giá
Bình luận
cô gái nin | Chat Online
28/09/2022 22:39:37
hay đó
0 0
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Gia sư Lazi Gia sư
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo