Tương truyền rằng, tại vùng đất Khmer ở miền Tây thuở ấy ở đây là vùng đất rừng rậm hoang du, dưới sông sấu nghé như trâu, trên bờ cọp đua tựa chó. Rồi một hôm, từ miệt trên có cô gái tên Cư cùng với người cha chèo một chiếc ghe xuống đây định đốn củi về dùng.
Chiều ấy, ghe vừa dừng lại vàm rạch này, cha con chị Cư đang ngồi ăn cơm, bỗng dưng thấy lọn cỏ tươi cột rút từ ngọn rạch trôi ra. Là một người từng trải nghề rừng, người cha bảo với Cư đó là dấu hiệu của "chúa sơn lâm" không muốn cho làm ăn chỗ này.
Liền đó, ông lên tiếng: "Nếu các ngài muốn đấu nhau thì để cho cha con tôi đốn xong ghe củi sẽ mở một cuộc ăn thua".
Sau đó, hai cha con làm mấy ngày, xong việc chẳng xảy ra chuyện gì. Khi hai cha con nhổ sào định cho ghe về xứ, bất thần có một con cọp bạch xuất hiện, có ý ngăn lại.
Ông già giữ lời hứa, bảo con gái cắm sào lại, xách mác cán vàng lên bờ, dọn sạch dưới giàn gừa lớn làm cái sân để làm chỗ tỉ thí với cọp. "Nào cứ xúm lại đây, một sức một, cứ đấu hoài ai thua chết chịu, không được trả thù".
Cọp bạch liền bước ra khoảng trống "gật đầu cam kết" rồi gầm lên một tiếng. Tức thì có cả một đàn cọp vàn độ chục con, do con cọp đực có sắc lông màu vàng như tơ dẫn đầu, cọp bạch là con cọp cái. Bầy cọp đến ngồi quanh sân đấu ngó cọp bạch chờ lệnh.
Ông già ra dấu cho con gái ra sân. Chị Cư bước ra ăn mặc gọn gàng, đầu bới tóc chặt lên đỉnh. Cọp bạch ra dấu cho một chú cọp vằn ra sân.
Hai bên đấu nhau, chưa đầy 5 phút, cọp vằn bị chị đá trúng một cái cực mạnh vào sườn, bỏ chạy. Hai cha con chị Cư khoát tay định "bái bay", nhưng cọp bạch lại ra dấu cho cọp vàng xông ra sân cản chị lại, ông già liền ném cho con gái một đôi song kiếm.
Chị bắt lấy và tiếp tục đấu với cọp vàng. Con cọp này tinh ranh vô cùng, đấu tới gần tối mà chị vẫn chưa hạ được nó. Mỗi lần chị ra chiêu độc thủ là con cọp này nằm ngửa ra đất, dùng tay hốt lấy chân chị.
Vì sợ trời tốt bất tiện, chị Cư nóng lòng phải dùng một thế đánh độc thủ táo bạo. Lợi dụng khi cọp vàng hốt chân, chị giả vờ nhảy vọt lên cao dùng kiếm chém quét phía dưới, cọp vàng vội thu tay lại và uốn mình nhảy vọt theo để vồ vào người đối phương.
Nhanh như chớp, chị Cư lộn người, ngã mình nằm lăng xuống đất, hoành kiếm chờ. Khi cọp vàng từ trên phủ xuống, chị không né tránh, dùng hết sức mạnh vung hai ngọn kiếm chém xả vào đầu cọp theo thế gọng kềm.
Thế võ này chị sử dụng thật liều lĩnh. Nhưng cọp vàng sợ hai gọng kiếm bổ nhầm đầu, vội uốn mình và lách đầu qua né tránh.
Sau khi chị Cư vung đường kiếm tốc độ, chị lăn một vòng. Một tiếng đánh huỵch bên cạnh, đó là toàn thân cọp vàng rơi xuống, đầu cọp bị hai gọng kiếm của chị vạt bay mất hai tai sát với sương sọ. Cọp vàng gầm lên một tiếng rồi lết ra khỏi sân.
Rất nhiều người dân đến thắp hương
Thấy hai "đệ tử" chiến bại, cọp bạch không còn kể đến sự cam kết của cha con chị, nó gầm lên một tiếng, xua hết đàn cọp còn lại xông vào vây lấy chị Cư.
Ông già nóng lòng khoa tay mác dài xông vào yểm trợ với con gái. Ông đánh bật mấy con cọp ra ngoài. Lúc này mặt trời sắp lặn, lại thấm mệt, mồ hôi trên người chị Cư ướt đẫm.
Con cọp bạch tinh khôn cứ xông vào và chiến đấu với chị. Bất thần, lọn tóc bới trên đầu sút sổ tung xuống che khuất mắt. Chị liền nhanh tay vét tóc ra một bên má, con cọp bạch chỉ chờ có vậy, nhanh như chớp nó vươn người chồm lên chộp vào đầu chị Cư...
Tục truyền rằng, từ đó về sau linh hồn chị Cư thành thần cai quản thú rừng ở khu vực này. Những thợ săn muốn bắt được thú thì phải nhang đèn đến xin chị số thịt là bao nhiêu, không thì nếu thợ săn không bị tai nạn cũng chẳng bắt được con gì.
Chiều chiều, người ta còn nghe tiếng chị kêu heo, gọi thú vang vang trên ngọn cây rừng. Nhân dân lập miếu thờ chị ngay vàm rạch này và quen gọi là rạch mồ Thị Cư. Lâu ngày thành danh, người dân ở đây bắc cây cầu mới, làm con lộ... đều đặt tên là Thị Cư.
Câu chuyện ấy còn mãi trong tấm lòng của người dân Vĩnh Phước A, huyện Gò Quao và cả vùng U Minh Thượng cũng như khắp mọi miền đất nước về người con gái dũng cảm, chấp nhận đương đầu với hiểm nguy để góp phần đem an lành cho xóm làng.
Cái chết đã khiến cho chị trở thành bất tử. Và mãi ngàn sau, cái miếu thờ ấy và những địa danh vùng này vẫn gắn liền với tên chị.