Con trai người gác cổng - Phần 4
NoName.3534 | |
17/04/2018 17:23:31 | |
Truyện cổ Andersen | Truyện Sưu tầm | Báo cáo vi phạm |
- * Con trai người gác cổng - Phần 3 (Truyện cổ Andersen)
- * Con trai người gác cổng - Phần 2 (Truyện cổ Andersen)
- * Con trai người gác cổng - Phần 5 (Truyện cổ Andersen)
- * Cái bóng - Phần 2 (Truyện cổ Andersen)
Vài hôm sau ngài đón tiếp ông Gioóc cũng vẫn với nụ cười cởi mở ấy. Ngài tự nhủ: "Chắc hẳn anh chàng đến cảm ơn mình đã mời anh ta dự hội, chứ chẳng còn duyên cơ nào khác nữa".
Nhưng anh chàng còn có duyên cơ khác. Gioóc nói lên những lời bất ngờ, phi thường và điên cuồng. Đại tướng không thể nào ngờ đến như vậy. Nằm mơ cũng không đến nỗi như thế. Đại tướng không hết kinh ngạc kêu lên:
- Thật là không thể tưởng tượng được!
Thực tế, Gioóc đến xin cưới Êmily. Đại tướng tím mặt lại, nói tiếp:
- Anh nói gì thế? Tôi không thể hiểu anh được, thật không thể hiểu được. Anh muốn...Nhưng, thưa ngài, tôi không quen biết ngài. Ai đã mớm cho anh dám to gan toan chui vào gia đình tôi? Tôi đã làm gì đến nỗi phải nhục đến như thế?
Thẳng đuỗn như khúc gỗ, ngài đi giật lùi vào phòng ngủ và bỏ mặc ông Gioóc một mình. Chàng ta đứng đợi vài phút xem Đại tướng có ra không để cáo từ ra về. Êmily đứng đợi ngoài hành lang, hỏi anh bằng một giọng run run:
- Ba em bảo thế nào, hở anh?
Gioóc nắm chặt tay nàng:
- Ba em không để cho anh kịp tiêu biểu. Nhưng chúng mình đừng thất vọng. Rồi cũng sẽ có cơ hội tốt.
Đôi mắt người thiếu nữ đẫm lệ, còn chàng trai thì ngời lên vẻ tự tin và quả cảm. Ánh nắng xuyên qua mây, bao trùm lấy họ, dường như đem đến cho họ sự phù hộ của Thượng đế.
Đại tướng ngồi trong phòng, chưa trấn tĩnh lại được sau một cơn xúc cảm như vậy. Ngài run lên vì tức giận và phẫn nộ. Cơn tức giận của ngài sục sôi trong lòng, rồi toát ra ngoài thành những tiếng kêu la tức tối:
- Điên rồ thật! Con một thằng gác cổng! Ôi, loạn thật! Có ai thấy thế bao giờ không?
Non một giờ sau, đến lượt Đại tướng phu nhân được biết sự táo gan phi thường của Gioóc. Ngài gọi Êmily đến nói riêng với nàng:
- Con gái đáng thương của mẹ! Ta hiểu rõ nỗi đau khổ của con. Nó dám làm nhục con đến thế! Dám phạm đến danh giá nhà ta đến thế! Thật là ghê tởm! Con khóc là phải lắm, vả lại nước mắt tuôn rơi lại hợp với khuôn mặt con, chưa bao giờ con gái của mẹ lại đẹp hơn thế này, con giống hệt như mẹ dạo sắp cưới. Cứ khóc, khóc nữa đi, con gái yêu quý của mẹ, khóc như thế là tốt đấy.
Êmily đáp: - Vâng, con sẽ khóc suốt đời nếu ba mẹ không ưng thuận.
- Trời, con gái mẹ nói gì thế? - Đại tướng phu nhân kêu lên - Con mất trí rồi hay sao? Trời đất đảo lộn rồi ư? Ôi! Ta cảm thấy sắp bị một cơn nhức đầu chưa từng thấy bao giờ. Nhà ta thật là vô phúc. Êmily, đừng bắt mẹ con phải chết vì buồn phiền.
Đến đấy, nước mắt phu nhân đã ròng ròng vì chưa bao giờ phu nhân dám nghĩ đến chuyện chết.
Tờ báo hàng ngày đăng tin: Ông Gioóc được phong giáo sư viện hàn lâm Mỹ thuật. Hai vợ chồng người gác cổng mới sống trong căn nhà hầm, xưa kia cha mẹ Gioóc đã từng ở, và được biết rằng Gioóc đã sinh trưởng ở nơi đó, bảo nhau:
- Tiếc thay cho cha mẹ ông ta không còn sống nữa mà đọc tờ báo ngày hôm nay. Phen này ông ta sẽ phải đóng thuế nhiều đấy. Con nhà nghèo mà phải đóng như thế có nhiều không?
- Mười tám đồng tiền vàng một năm, phải, cũng nhiều đấy!
- Tôi không nói đến chuyện tiền, mà nói đến chuyện ông ta được nhậm chức kia, thật là vinh hiển cho một người xuất thân như ông ta. Còn về tiền thì đối với ông ta vài chục đồng vàng chẳng khó gì. Ông ta muốn kiếm bao nhiêu mà chẳng được và thế nào ông ta chẳng kiếm được cô vợ giàu. Này, bao giờ ta có đứa con trai thì phải cho nó làm kiến trúc sư hay là giáo sư mới được.
Dưới nhà hầm người ta khen Gioóc thì trên gác người ta cũng ca tụng chàng. Vị bá tước già cũng khen chàng. Những bức tranh Gioóc vẽ hồi bé đã tạo cho ông một dịp để khen chàng. Mà sao câu chuyện lại dẫn tới những bức tranh ấy nhỉ? Chả là người ta nói chuyện với nhau về nước Nga, về Mạc Tư Khoa, do đó người ta liên tưởng đến điện Kremlanh mà chú bé Gioóc xưa kia đã vẽ tặng cô Êmily. Bá tước bảo:
- Hồi ấy anh ta đã vẽ nhiều lắm và tôi còn đặc biệt nhớ đến một toà lâu đài mà anh ta đặt tên là lâu đài của Êmily. Đó là một người có tài, anh ta sẽ trở thành cố vấn trong triều, mà còn là cố vấn thân cận của nhà vua nữa. Biết đâu một ngày kia anh ta sẽ lại chẳng xây được tòa lâu đài sáng tạo từ hồi còn bé? Tại sao lại không nhỉ?- Nói vậy ông mỉm cười rồi ra về.
Đại tướng phu nhân lẩm bẩm:
- Vui gì mà lạ thế chả biết được!
Đại tướng nghiêm nghị, lắc đầu. Ngài lên ngựa, ngồi một cách kiêu hãnh hơn bao giờ hết. Dờ hồn cho chú lính hầu, nếu không đi cách xa ngài một quãng cho đúng kiểu cách.
Đến ngày sinh nhật Êmily, nàng nhận được nhiều hoa, sách vở, thư từ và thiệp mừng. Đại tướng phu nhân hôn vào môi nàng. Đại tướng hôn vào trán nàng. Hai ngài rất quý con, việc đó bất tất phải nói đến. Đến chiều, khách khứa đến thăm toàn những người có quyền quý, có cả hai ông hoàng nữa. Người ta bàn đến chuyện khiêu vũ, chuyện trị an, chuyện xem hát, tình hình châu Âu, việc trong nước, những người có tên tuổi trong toàn quốc hiện nay, và cứ như thế, không tránh khỏi rơi vào câu chuyện chàng kiến trúc sư.
Một vị khách nói:
- Hiện nay ông ta đã tự tạo cho mình một tiếng tăm lừng lẫy. Rồi đây ông ta có thể xây phòng riêng trong nhà một vị quyền quý nhất trong chúng ta đấy.
Một lát sau Đại tướng bảo vợ:
- Một trong những nhà quyền quý nhất của chúng ta là ai thế nhỉ?
Phu nhân trả lời: - Tôi biết người ta muốn nói ai rồi. Nhưng tôi không muốn nói ra, mà cũng chẳng buồn nghĩ đến. Chúng ta tin là muôn sự tại trời cả, nếu xảy ra chuyện như thế trên đời này thì tôi cũng không còn ngạc nhiên với bất cứ chuyện gì cả.
Vị khách đã nói ra câu ấy biết rõ cái điều mình nói lắm. Ông ta biết rõ ân huệ của bề trên, nghĩa là ân huệ của triều đình mà hiển nhiên là càng ngày Gioóc càng được hưởng nhiều, rất có hiệu lực. Trời lại phù hộ chàng một cách rõ rệt trong tất cả mọi công việc. Nhưng ta hãy trở lại chuyện sinh nhật.
Buồng nàng Êmily sực nức hương thơm của những bó hoa do bạn bè tặng. Trên bàn đầy những quà biếu. Không có quà của Gioóc, mà anh có muốn tặng cũng không được. Tuy nhiên, anh vắng mặt cũng như có mặt. Cái gì trong nhà mà chẳng gợi lại hình ảnh chàng? Dưới cầu thang vẫn là cái ngăn Êmily đã trốn vào khi rèm cửa bốc cháy và Gioóc chạy đến dập tắt. Ngoài sân vẫn còn cây dạ hợp mà năm xưa hai đứa vẫn thường chơi đùa nhau dưới bóng. Đang mùa đông nên cành cây đây xương giá và băng tuyết nom như một cành san hô vĩ đại màu trắng đang sáng lấp lánh dưới ánh trăng, vẫn cái ánh trăng chưa thay đổi từ cái ngày đáng ghi nhớ mà Gioóc đã chia sẻ cái bánh ngọt với cô bé Êmily.
Nàng Êmily lấy ra một chiếc hộp xinh đẹp, nàng rút trong đó ra những bức vẽ cũ của Gioóc, toà lâu đài của các Sa hoàng, toà lâu đài của Êmily. Nàng ngắm nghía và biết bao suy nghĩ đến trong tâm tư. Nàng nhớ đến hôm trốn cha mẹ, nàng xuống bên cạnh bà gác cổng hiền lành đang hấp hối. Nàng ngồi cạnh, cầm tay bà và nghe những lời trối trăng của người mẹ đáng thương: "Trời ...phù hộ... Gioóc." Êmily thấy rằng ước nguyện của người đàn bà đáng quý ấy đã được thực hiện và Trời đã phù hộ con bà.
Các bạn đã thấy rõ là ông Gioóc cũng có đến dự hội đấy chứ.
Truyện mới nhất:
- Đọc truyện vô cùng thú vị (Truyện tổng hợp)
- Người lạ nhưng quen (Truyện tổng hợp)
- Giữa hai thế giới (Truyện ngôn tình)
- Dưới ánh đèn đường (Truyện ngôn tình)
- Ánh nắng sớm mai (Truyện ngôn tình)
- Thích mày á! Được chưa? (20. Một ngoại lệ của Chao) (Truyện ngôn tình)
- Thích mày á! Được chưa? (19. Gu) (Truyện ngôn tình)
- Thích mày á! Được chưa? (18. Thính) (Truyện ngôn tình)
- Thích mày á! Được chưa? (17. Buổi hẹn [không hò]) (Truyện ngôn tình)
- Thích mày á! Được chưa? (16. Làm lành chưa?) (Truyện ngôn tình)
- Xem tất cả truyện >>
|
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!