Thần Sobek (Souchos) - Thần Cá sấu

390 lượt xem
Thần Sobek (Souchos) - Thần Cá sấu,Đọc truyện Thần Sobek (Souchos) - Thần Cá sấu,Thần thoại Ai Cập Thần Sobek (Souchos) - Thần Cá sấu,Thần thoại Ai Cập,truyện Thần thoại Ai Cập,tuyển tập truyện thần thoại Ai Cập chọn lọc

Nói về chuyện ăn uống, các vị thần, cả nam thần lẫn nữ thần đều là những kẻ thanh đạm, và, đúng thế, khá là tẻ nhạt. Con người đôi khi dâng lên họ lễ vật là những thức ăn cầu kì: hàng đống chà là, những vò rượu, hàng đĩa hàng đĩa rau củ nướng, thịt ngỗng quay, cá sông hầm, bánh mứt đủ loại. Nhưng tất cả chuyện ấy thật nực cười. Các vị thần thích ăn đơn giản; thường thì bánh mì và nước mát là đã đủ để tiêu khiển.

Ít vị thích rau củ và các vị dự phần vào việc nghi lễ dưới cõi âm Duat thậm chí còn ghét tỏi. Một số vị rất khoái mật ong. Những vị khác lại thấy vị của nó khó chịu. Với bia và rượu cũng vậỵ. Nữ thần Hut Heru có tiếng là thoải mái về mặt này. Thần khuyến khích người ta uống khi họ đến cầu khấn thần, giúp làm vợi bớt nỗi ngại ngần để họ có thể nói chuyện thoải mái hơn và nhảy múa vui vẻ hơn. Thần Set bị tai tiếng nghiện rượu và dâm ô cũng bởi ham thích nó. Thần Heru Wer thì uống để lấy can đảm khi đánh nhau.

Và tất cả họ ăn những thứ người ta không bao giờ nghĩ đến mà dâng lễ, như đá quý chẳng hạn, bởi các thần đâu có dùng những thứ như con người. Họ dùng một khẩu phần hằng ngày của Ma’at – linh hồn của trật tự trong vũ trụ. Thật vậy, Ma’at là thức ăn chủ yếu của họ. Và đôi khi họ uống nước mắt và mồ hôi của chính họ.

Nhưng không có vị nam thần hay nữ thần nào thích ăn thịt. Nếu rốt cục họ chịu ăn thịt thì cũng rất chừng mực, không tẩm muối và luôn được nướng chín, với nhiều thứ hạt kèm theo. Sự thực, một số trong họ rất khó chịu với một số loại thịt. Ra, chẳng hạn, không bao giờ ăn thịt rùa, vì thần cho rùa là quyền năng của cái xấu, và do đó, là kẻ thù của mình. Và nhiều người cho rằng ăn thịt là độc ác và tàn bạo.

Ngoại trừ thần Sobek. Và đó không phải lỗi tại thần. Sobek là một cá sấu, và cá sấu thì thích thịt, nhất là thịt sống. Thần không thể kìm mình; nó được tạo nên cho thần cũng hệt như việc thần có một cái đuôi, một cặp hàm lớn và các chân có móng vuốt. Nó đã là thế từ khi bắt đầu.

Bắt đầu là ở trong nước nguyên sơ. Tất nhiên rồi – thần, suy cho cùng, là một cá sấu mà. Nữ thần Nit, người được sinh ra từ sự mở rộng chốn nước hỗn mang Nun, cho ra đời hai thủy nhi: quỷ Apep mang hình rắn, kẻ đã xuống ngay cõi âm Duat để chọc phá Ra trong chuyến đi hằng đêm của thần, và cá sấu Sobek. Tuy nhiên, không giống như người anh em Apep, Sobek dã không rời mẹ khi sinh ra. Ngược lại, thần gắn bó với bà, như một đứa con vẫn luôn thế. Và bà thì nâng niu con, như một người mẹ phải thế. Bà yêu con thực sự, và thần cũng yêu bà. Và thế là bản tính của Sobek được giữ thăng bằng giữa hai thứ gần như đối nghịch nhau: sự luôn khát khao được ăn nghiến ngấu thịt sống, và sự hiểu rằng tình yêu có thể gắn kết người này với người kia như thế nào.

Ngay từ rất sớm thần đã chiếm được niềm tin của các vị thần bằng một hành động tử tế ngẫu nhiên. Thần Heru Wer vừa bơi khỏi bể nước Nun thì bỗng một bông hoa súng xanh mọc lên, bừng nở và cho ra đời bốn con trai: Hapi, Duamutef, Amset và Qebehsenuef. Bốn ấu thần ở đó, bơ vơ giữa chốn nước sâu. Sobek đã tiếp cận chúng. Thần không thể không nhận ra những cánh tay và cẳng chân nhỏ xinh mập mạp của chúng, cái bụng mềm mại của chúng, dòng máu tươi nguyên của chúng. Cái mõm của thần hẳn đã chảy dãi khi nghĩ đến các bộ phận cơ thể ngon ngọt của chúng. Lỗ mũi của thần hẳn đã nổ ra. Song thần đã ngậm chặt cặp hàm chắc khỏe và chìa lưng ra, chở lũ trẻ đến nơi an toàn. Chúng là trẻ sơ sinh, suy cho cùng, và thần cũng từng là một đứa trẻ sơ sinh, suy cho cùng, một đứa trẻ từng được âu yếm – cái ngày mẹ thần thích thú hôn hít thần, thần như trái lựu kề ngang má mẹ. Có lẽ cũng để tỏ lòng tôn kính Sobek mà bốn vị thần đó về sau sẽ đảm đương công việc canh giữ những chiếc bình đựng các bộ phận cơ thể và ruột gan người chết.

Tuy nhiên vào những lúc khác, sự thèm khát thịt tươi khiến Sobek đến phát điên. Trong thế giới cổ đại, có rất nhiều cuộc ẩu đả giữa các thần thuộc các dân tộc khác nhau. Vào một trong những thời kì đó, Sobek trong lúc lang thang đã đi qua một băng nhóm kẻ thù. Như thần thấy, hoàn cảnh thật hoàn hảo: thần có thể ăn cho bằng thích và đồng thời chế ngự các kẻ thù của Ai Cập. Thần chén sạch bọn họ, xơi cả xương và uống đến giọt máu cuối cùng. Nhưng thần đã chừa đầu lại, để thần có thể chỉ cho các vị nam thần và nữ thần Ai Cập khác và lấy làm hãnh diện trước bọn họ. Khi Sobek trở về nhà, các vị thần thấy thần đi đến, họ nhìn đống chiến lợi phẩm máu me và lấy làm ghê tởm la lối: "Không! Đừng để nó ‘ăn những cái đầu ấy! Hãy cho nó bánh mì, cho nó bánh mì!" Sobek khốn khổ cảm thấy chán ngán. Số phận của thần là bị rầy la bởi chính bản tính tự nhiên của thần.

Lần đó, Sobek thoát khỏi bị trừng phạt vì hành vi thú tính của mình. Nhưng trong một lần khác, thần đã không được may mắn như thế. Khi Set giết hại người em Usir và phanh thây thành 14 mảnh, thần đã vứt những mảnh ấy ở khắp nơi, trên cạn và dưới nước. Sobek, vốn là vị thần vĩ đại của đầm lầy, đương nhiên đã bắt gặp một mảnh. Thần thấy nó trôi nổi ở đây. Rõ ràng, Usir đã chết, nên một mảnh nhỏ chẳng cần gì cho thần nữa. Ai mà quan tâm chứ? Cái mẩu ấy như trêu ngươi thần. Thế là thần đã ăn nó. Nhồm, nhoàm, xong.

Aset dã thu nhặt được 13 mảnh của Usir, nhưng nàng không thể tìm ra mảnh cuối cùng. Một con rắn bảo với Aset rằng một con quỷ đã ăn phần ấy rồi. Nhưng Sobek không phải là một con quỷ. Thần chính là một con cá sấu, một con vật ăn thịt, chắc chắn rồi – nhưng hoàn toàn có chủ ý. Có gì là độc ác ớ đây, khi lấy đi chỉ một miếng của một vị thần đã chết cơ chứ. Hành động ấy là kết quả của sự phàm ăn, không phải của tính thấp hèn.

Nhưng các nam thần và nữ thần không nhìn nhận việc làm của Sobek như thế. Họ trừng phạt thần bằng cách cắt lưỡi thần.

Cho đến tận ngày nay, lưỡi cá sấu vẫn ngắn ngủn, vì thế mà ít người nhìn thấy trừ phi dùng một cái móc banh rộng mõm nó ra.

Về sau Sobek cho cậu bé Hem Sa Aset, con trai của Aset và Usir cưỡi đi qua vùng đầm lầy. Phải chăng đây là một cách để chuộc tội đã trót ăn một phần thi thể của cha cậu?

Và tiếp sau nữa, khi chàng trai Heru Sa Aset phải đánh nhau với thần Set vì ngôi báu của cha mình, Sobek đã tỏ ra rất tử tế. Aset, mẹ của Heru Sa Aset đã cắt đứt hai bàn tay của con mình trong một lúc đánh nhau, vì các nam thần và nữ thần vẫn thường để cho nỗi tức giận và niềm đam mê tha hồ hoành hành. Nàng ném chúng xuống nước. Thần Ra phái Sobek đi tìm lại. Sobek cứ tìm, tìm miết, luôn bị nhầm bởi những trò lừa dối của dòng sông. Thế rồi thần nghĩ ra cách làm một cái bẫy, và chẳng bao lâu đã giao lại đôi bàn tay bị cắt đứt cho Heru Sa Aset.

Các ngư dân dù ở đâu cũng trông vào cái bẫy đó và trở nên phát đạt và thịnh vượng. Sobek trở thành vị thần bảo trợ của họ. Và bởi thần là chúa tể của đầm lầy và sinh vật đáng sợ nhất của sông Nile, ngọn nguồn của mọi sự phì nhiêu trong nông nghiệp, Sobek cũng được xem là vị thần sinh sản. Và, cũng chẳng vì lí do rõ rệt nào, Sobek trở thành vị thần phục hồi thị giác cho người chết.

Tóm lại, đó là một kẻ ăn thịt đáng sợ, như người ta vẫn nghĩ. Tóm lại, đó là một vị thần phúc đức được yêu quý, như người ta vẫn nghĩ.

0
0 sao / 0 đánh giá
5 sao - 0 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 0 SAO trên tổng số 0 đánh giá
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×