Tôi đã gặp một thiên thần như thế

145 lượt xem

 Tôi guồng chân những vòng xe thong thả, giỏ quần áo nặng trịch sau lưng cũng không làm tôi mệt mỏi. Chiều tháng Tư, từng luồng nắng tinh khôi xuyên qua những tán cây xanh mượt, đáp nhẹ nhàng giữa những bước chân trên hè phố. Hàng ngàn hạt bụi li ti thả mình tự do lơ lửng trong không trung.

Kết thúc kỳ thi cấp Ba căng thẳng, tôi rơi vào những ngày hè tự do mà cũng trống rỗng. Bạn bè hăm hở lên đường đi du lịch, vài đứa lang thang khắp nơi lần lượt đánh dấu vào những chấm tròn nhỏ xíu trên tấm bản đồ. Mới hôm qua thôi, trên facebook Hiền đăng một tấm ảnh giữa đèo núi Sa Pa mờ sương, hú hét: "Tao đã đứng ở đây rồi mày ơi!"

Thế đấy, giờ thì chỉ còn mỗi mình tôi ở lại thành phố này, tham gia vào một khóa tình nguyện của bà chị họ. Kêu gọi những người hảo tâm đầu tư vốn để đem đến những chiếc áo lành, những cặp lồng cơm nóng hổi cho các bệnh nhân gặp khó khăn ở bệnh viện thành phố. Một công việc giản đơn, nhưng đủ ý nghĩa và bình yên.

***

Hôm nay là ngày đầu tiên tôi đem quần áo đến bệnh viện. Đúng ba giờ, chị Min và một số bạn tình nguyện viên đã chờ ở đó. Chúng tôi theo chân của bác sĩ trưởng khoa đến một căn phòng sinh hoạt lớn, rất nhiều bệnh nhân đang ngồi trong đó. Bất ngờ hơn nữa, ở chính giữa căn phòng đặt một chiếc đàn piano màu đen rất lớn. Một cậu con trai chừng mười lăm, mười sáu tuổi đang say sưa chơi đàn. Mọi người đang nín thở lắng nghe cậu, chúng tôi cũng tìm một chỗ cho mình, ngồi xuống và thưởng thức.

Đó là một cậu con trai gầy, làn da xanh xao đằng sau lớp áo bệnh nhân trắng toát. Những ngón tay của bạn ấy thon dài, mảnh khảnh nhưng hơi nhợt nhạt. Chúng lướt nhẹ trên những phím đàn đen trắng, từng nốt nhạc khi trầm thấp, khi du dương, khi thánh thót. Tôi ngây người, mắt dán chặt vào hình ảnh cậu con trai đang say sưa đàn, "một thiên thần" – ý nghĩa ấy lóe nhanh trong tâm trí tôi.

Khi bàn tay "thiên thần" chạm vào nốt cuối cùng của bản nhạc, mọi người lặng đi trong giây lát, tiếng vỗ tay rộ lên khắp căn phòng. Minh, cậu con trai đó đứng dậy, hơi cúi đầu chào chúng tôi.

Được biết chúng tôi đến từ một tổ chức từ thiện, Minh vui vẻ giúp mọi người đến từng phòng phát quần áo và cơm cho các bệnh nhân. Cậu giới thiệu với chúng tôi từng người một, như thể cậu đã ở đây lâu lắm.

Khi chị Min và những tình nguyện viên khác định lấy xe ra Nguyễn Du làm một bữa liên hoan nho nhỏ cho thành quả đầu tiên, không hiểu sao tôi đã vội vàng từ chối, tôi muốn gặp Minh.

Minh cười hiền khi bắt gặp tôi ở đầu dãy hành lang. Lúc này tôi mới nhìn kĩ đôi bàn tay cậu, trên mu bàn tay gần như trong suốt, những sợi gân nhỏ xíu nổi lên, trông như những đường chỉ mảnh.

"A, tớ quên mất. Tớ tên là Minh, còn cậu?" – Minh nghiêng đầu nhìn tôi cười.

"Tớ là Đan. Cậu chơi piano cừ lắm. Mà sao cậu phải nằm viện vậy? Phòng cậu ở tầng nào?"

Minh cười buồn, đôi mắt bỗng chốc sầm lại, hai tay đan vào nhau đặt yên lặng trên đùi.

"Tớ ở khoa Ung bướu. Tớ bị ung thư máu."

Câu trả lời giản dị của Minh làm tôi choáng váng. Minh nói một cách thản nhiên đến kì lạ, giống như cậu ấy đã giải thích như thế với hàng trăm người rồi. Đột nhiên, Minh ngồi bật dậy, kéo tay tôi và vui vẻ nói: "Chúng mình lên thăm mấy bé ở khoa Nhi đi".

"Đây là Hiếu bảy tuổi, giường bên cạnh là Loan mới học lớp Một. Đan thấy cái em nhỏ xíu đang nằm ngủ kia không, đấy là nhóc Xuân rất thích nghe tớ đàn piano. Mấy em ở đây đều bị bệnh tim bẩm sinh, được tài trợ mổ miễn phí."

Minh đi qua khắp một lượt phòng chia cho các bé vài cái kẹo, riêng Xuân cậu đặt vào tay cô nhóc thêm một cái kẹp tóc màu hồng.

"Tớ đã hứa tặng cho cô bé." Minh thì thầm vào tai tôi.

Rồi Minh đứng ở giữa phòng vừa vỗ tay vừa hát, hát chay nhưng tôi vẫn ngây người nhìn bạn ấy. Mấy em bé đều nhỏm dậy, ngồi ngay ngắn trên giường, miệng lẩm nhẩm hát theo. Lúc này Minh không phải một "thiên thần", Minh khác lắm, gần gũi và chân thực. Không phải một chàng trai say sưa bên cây đàn piano màu đen mới cứng. Mà là Minh, đang tối mặt tối mũi bị một lũ trẻ con lít nhít vây quanh. Bạn ấy ngẩng đầu khỏi lũ trẻ, nhìn tôi và nhoẻn miệng cười, hiền hòa...

***

Minh bị ung thư từ nhỏ, bạn ấy không đủ khỏe để có thể đến trường. Minh chỉ có thể học từ những chương trình trực tuyến trên mạng hay từ những gia sư mà bố mẹ thuê về tận nhà. Nửa năm nay sức khỏe Minh yếu dần, Minh không thể học thêm bất kì thứ gì.

"Từ nhỏ tớ đã không có bạn rồi. Sau này Đan phải thường xuyên vào chơi với tớ nhé?"

Minh ngoan ngoãn ngồi bên cửa sổ sưởi nắng, nhìn tôi đang gọt táo cho cậu ấy. Tôi bối rối không ngẩng lên nhìn Minh nữa mà chú tâm vào quả táo đang gọt dở.

"Ngày nào tớ cũng sẽ đến chơi với Minh mà."

Minh bắt tôi ngoắc tay hứa với cậu ấy như một đứa trẻ. Rồi Minh ngồi trên chiếc ghế mây, nhìn lũ chim sẽ nhẩn nha mổ thóc bên bệ cửa sổ, yên lặng không nói...

***

Trừ những ngày theo chân chị Min đi làm từ thiện, tôi thường đến bệnh viện chơi với Minh. Thi thoảng đem đến vài cái kẹo cho lũ trẻ khoa Nhi rồi lặng yên nghe Minh đàn vài bản dương cầm. Những ngày nắng ráo tôi dìu Minh đi dạo nhẩn nha dưới sân bệnh viện. Nếu hôm nào đó trời đổ mưa to, Minh thích đóng chặt cửa sổ, mở nhạc không lời và nằm lười trên giường bệnh đòi tôi đọc sách cho nghe.

Nhưng dạo này Minh yếu dần. Phải đi điều trị nhiều hơn mỗi ngày, làn da xanh xao, nhợt nhạt. Minh chỉ thích nằm yên trên giường, nghe tiếng tôi đều đều vang lên trong căn phòng nhỏ rồi thiu thiu ngủ lúc nào chẳng hay.

Minh cũng không còn đủ sức đi mấy bậc cầu thang lên thăm lũ trẻ. Tôi vẫn đều đặn làm việc ấy thay Minh. Thi thoảng mang theo cuốn truyện cổ tích dày lên đọc cho lũ trẻ nghe.

Một ngày, tôi đang ngẩn ngơ ngồi trên chiếc ghế mây Minh thường ngồi, nhìn lũ chim sẻ và nghĩ về cuộc đời của Minh, của biết bao nhiêu con người ở cái bệnh viện này nữa. Minh chợt tỉnh giấc, thì thào nói:

"Tớ từng nghĩ đến cái chết đấy Đan ạ. Rất nhiều lần nữa là đằng khác. Cho đến khi tớ chuyển vào hẳn trong bệnh viện sống, chứng kiến nhiều người vào rồi lại ra viện. Ra viện không phải vì họ đã được chữa khỏi bệnh, mà là họ muốn sống những ngày cuối đời bên người thân, trong chính ngôi nhà của họ. Tớ nhận ra mình ích kỉ bao nhiêu khi muốn chết. Có những em bé chết ngay trong bào thai của mẹ, không được nhìn thấy màu sắc và nghe thấy âm thanh của cuộc sống. Còn tớ, tớ vẫn đang sống mà tớ lại không hề đấu tranh để được sống thêm một ngày nào nữa. Tớ phải sống, chúng ta phải sống Đan ạ, sống từng ngày để thấy nó trôi qua không vô nghĩa..."

Minh thì thào một câu chuyện thật dài. Như trách chính bản thân, trách cả tôi nữa. Tôi ư? Tôi cũng đã muốn chết, vì những lí do tủn mủn và vụn vặt. Trong khi Minh, Hiếu, Loan, Xuân và biết bao nhiêu người nữa, họ muốn sống, họ muốn mỗi ngày trôi qua thật ý nghĩa và để họ không phải nuối tiếc.

Minh khẽ nhắm mắt lại, ngủ yên như một thiên thần, như câu chuyện vừa rồi là một ai đó kể, chứ không phải cậu. Nhưng chỉ có mình tôi nhìn thấy rõ nhất, từ khóe mắt Minh một giọt nước trong suốt vừa rơi ra...

Mùa hè vừa khép lại cũng là lúc Minh được chuyển về nhà. "Ra viện không phải vì họ đã được chữa khỏi bệnh, mà là họ muốn sống những ngày cuối đời bên người thân, trong chính ngôi nhà của họ", từng câu chữ Minh nói hiển hiện ngay trong đầu tôi. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, tôi biết Minh sẽ không buông xuôi cho đến giây phút cuối cùng.

Tôi rảo bước những bước chân nhẹ tâng trên hè phố. Hiền đã trở về sau chuyến đi, nó háo hức kể cho tôi nghe những ngày mùa hè thật dài và mỉm cười hỏi: "Còn mày, mày đã làm gì cả mùa hè qua hả?"

Tôi nghiêng đầu, trả lời nhẹ tênh: "Tao đã gặp... một thiên thần."

 

0
0 sao / 0 đánh giá
5 sao - 0 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 0 SAO trên tổng số 0 đánh giá
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×