Người trên cao nguyên

86 lượt xem

Ba tháng trước, Vũ Hùng nhận được thư của bố, tiếp đến thư Cẩm Duyên. Trong thư, Cẩm Duyên tỏ thái độ không đồng tình việc bố đưa vợ chồng anh đi kinh tế mới. "Anh xem, xã mình thiếu gì người đi. Gia đình ta lại thuộc diện "ưu tiên" ở lại thành phố. Ông nội là bộ đội chống Pháp, từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Bố, trước đây là đại úy công an nhân dân vũ trang, bây giờ là Bí thư Đảng ủy xã. Còn anh, trung úy, thương binh ¾, đã có những năm chiến đấu và công tác ở tỉnh Lâm Đồng". Vũ Hùng hiểu và cảm thông cho vợ. Chính anh cũng hơi bất ngờ khi bố đưa vợ chồng anh vào danh sách những hộ đi kinh tế mới đợt hai tỉnh Lâm Đồng. Nỗi băn khoăn lo lắng của Cẩm Duyên không phải không có cơ sở. Đã có một số gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới ở các tỉnh Đăck Lắc, Đồng Nai, Sông Bé bỏ về vì không trụ nổi bệnh sốt rét. Mặc dầu đến đó Nhà nước tạo điều kiện đất canh tác, hỗ trợ lương thực ăn trong sáu tháng đầu.

Cẩm Duyên là con gái duy nhất của một gia đình khá giả buôn bán ở ngoại thành Hà Nội. Vũ Hùng quen biết cô trong những năm sinh viên đại học. Cô được hưởng cuộc sống đủ đầy sung túc, được nuông chiều từ nhỏ cho đến khi trưởng thành. Tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, Cẩm Duyên ra trường về dạy ở xã nhà.

Tốt nghiệp Đại học kinh tế Hà Nội, đầu năm 1974 Vũ Hùng trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Sau ba tháng huấn luyện, anh được điều về Trung đoàn 12, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4. Là lính bộ binh, Vũ Hùng có mặt trong nhiều đợt chặn đánh địch trên tuyến đường 20, đèo Bảo Lộc, Di Linh, Đức Trọng. Anh bị thương ở vai, điều trị vừa xong, Vũ Hùng tiếp tục chiến đấu, cùng đơn vị giải phóng thành phố Đà Lạt và các căn cứ, đồn bốt khác của địch trên địa phận tỉnh Lâm Đồng. Đơn vị anh hành quân thần tốc đánh xuống Xuân Lộc, đập tan cửa ngõ phía bắc của sào huyệt ngụy quyền. Vũ Hùng có mặt trong thời khắc lịch sử 30 tháng 4 năm 1975 ở Sài Gòn.

***

Cơn mưa bất chợt kéo đến. Vũ Hùng bước ra ngoài. Một vùng đất rộng bao la trải dài trước mắt anh. Những ngọn gió cao nguyên rười rượi thổi, trong anh một cảm giác lâng lâng dâng tràn. Chính nơi đây chín năm trước, Long người bạn thân học chung lớp với anh trong bốn năm đại học và đi lính một ngày nằm xuống vùng đất này, trong trận đánh với Tiểu đoàn dù ngụy. Bọn địch hành quân từ căn cứ Dầu Dây lên có cả xe bọc thép, máy bay trực thăng yểm trợ. Trận quyết chiến xảy ra từ năm giờ sáng đến bốn giờ chiều. Ta tiêu diệt hai đại đội địch, bắn cháy năm xe bọc thép. Bên ta hy sinh ngót ngét gần hai trung đội, trong đó có Long, quê huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Long là xạ thủ B40, từ công sự anh nhoài người lên nhắm vào chiếc xe bọc thép địch đang lù lù tới. Bất ngờ một quả đạn pháo nổ kế bên, Long bị thương ở ngực, máu thấm mảng áo. Địch điều thêm Tiểu đoàn thủy quân lục chiến và máy bay phản lực dội bom xuống đội hình ta. Một quả bom nổ tung cạnh chỗ Long nằm. Đơn vị Vũ Hùng được lệnh rút. Sau này anh cùng đồng đội quay lại tìm Long nhưng không thấy.

Cuối năm 1975, Vũ Hùng về Bắc Giang tìm đến nhà Long. Long chỉ còn người mẹ và hai cô em gái. Bố anh hy sinh trong những năm đầu đánh Mỹ. Vũ Hùng đặt ba lô xuống, anh thuật lại toàn bộ trận đánh mà Long đã hy sinh anh dũng. Người mẹ lấy tay quệt nước mắt, bà đứng dậy treo ba lô con cạnh chiếc ba lô của chồng.

- Con đốt nhang cho thằng Long. Đốt hai cây chung với bố nó.

Vũ Hùng lòng thắt lại, nhìn hai chiếc ba lô trong có hai bộ áo quần lính. Hai thế hệ đánh Mỹ, cha và con nằm lại chiến trường. Nhập ngũ năm 1974, tham gia năm trận đánh. Trận đánh thứ sáu tại km 139 Quốc lộ 20, cuối tháng hai năm 1975 Long hy sinh.

Từ giã mẹ và hai em gái Long, Vũ Hùng trở lại đơn vị. Trước khi có quyết định phục viên, anh nhận được thư của bố. Đại để trong thư bố anh đề nghị khi anh về thì tham gia công tác địa phương và ông cũng đã "liệt kê" con trai thuộc danh sách cán bộ chủ chốt đi xây dựng kinh tế mới. Vũ Hùng chấp thuận, đây là điều kiện để anh trở lại Lâm Đồng thực hiện nguyện vọng của mình. Anh thầm hứa sẽ cùng bố, Thu Loan và mọi người quyết tâm xây dựng quê hương mới giàu đẹp, vững vàng trên cao nguyên nơi Long và đồng đội ngã xuống. Và từ đây, trên vùng quê mới, Vũ Hùng hy vọng sẽ tìm gặp Long thằng bạn thân vui tính nhưng lại nhát gái. Tấm ảnh Long và anh chụp chung khi bước vào lính, Vũ Hùng còn giữ, anh phóng to treo ở nhà mình.

***

Tháng bảy dính mấy cơn mưa lớn, đường đất sụt sùi nước. Đêm ri ri tiếng bò toọc, ểnh ương kêu nghe đến nao lòng. Ánh đèn dầu từ những nhà dân hắt vào không gian tĩnh mịch, vài chiếc đèn măng song sáng xanh vùng đồi giữ được phần nào nỗi ấm áp trên miền quê mới. Lại thêm mấy gia đình bỏ về Hà Nội. Đáng buồn hơn trong số đó có một đảng viên và một giáo viên. Vũ Hùng thất vọng xót xa, như chính anh là người có lỗi.

Cẩm Duyên bỏ về thành phố Hà Nội trong lần Vũ Hùng đi công tác. Đã mấy lần Cẩm Duyên khuyên anh nên bỏ tất cả, quay về Hà Nội:

- Về Thủ đô, việc làm, nhà cửa sẽ có bố mẹ em lo hết. Anh không phải bận tâm. Nếu không đi dạy, em sẽ buôn bán cùng mẹ. Chúng ta vẫn sống đàng hoàng mà!.

Vũ Hùng thấy cay cay ở sống mũi, anh đỏ mặt nhìn vào mắt vợ trả lời:

- Anh là đảng viên, là bộ đội Cụ Hồ. Chạy trốn thì ra thể thống gì? Bao nhiêu người chịu đựng được. Em là giáo viên, sao không nhìn vào đó để mà nêu gương.

Cẩm Duyên sụt sùi:

- Anh chả có biết thương mẹ con em. Bám gì cái vùng đất này. Anh không mở to mắt ra nhìn họ sốt rét đầy đó sao? Anh muốn giết con bé à?

Nói rồi Cẩm Duyên bỏ ra sau nhà ngồi khóc một mình.

***

- Trạm xá xã không đủ giường để bệnh nhân nằm anh ạ. Hôm qua có thêm mấy người sốt rét ở thôn trên chuyển đến. - Thu Loan, Bí thư xã đoàn nói với Vũ Hùng.

- Bên Xã đoàn em cố gắng sắp xếp nói anh chị em phụ giúp dân. Số gia đình có người bệnh, tuyên truyền động viên họ vượt qua thử thách. Dân thành phố vào đây mới đầu còn lạ nước lạ cái. Hồi anh đi lính cũng vậy, vào đây mấy tháng đầu sốt liên tục. Thời gian đầu không tránh khỏi khó khăn trước mắt. Anh tin mình sẽ chiến thắng. Đất nước còn nghèo, hậu quả chiến tranh để lại không chỉ một tháng, một năm, vài năm hàn gắn hết. Ta khuyên nhủ bà con ổn định, bám đất, bám làng, để tăng gia, chăn nuôi, cải thiện đời sống. Khó khăn chỉ là tạm thời.

Thu Loan ý tứ nhìn Vũ Hùng, cô gái hai mươi tư tuổi chưa chồng giấu điều gì đó như muốn nói với anh.

- Chị Cẩm Duyên và bé Cẩm Tú đâu anh? Mấy ngày nay em không thấy.

Nghe Thu Loan hỏi, Vũ Hùng im lặng. Anh ngờ đâu rời tay súng trở về, mọi việc trở nên phức tạp. Chuyện gia đình ở vùng quê mới cứ rối tung. Áp lực từ phía Cẩm Duyên và gia đình cô ấy cứ một hai bảo hai vợ chồng bỏ hết về Hà Nội sống. Rồi chuyện nàng dâu không đồng tình với bố chồng chọn con trai mình đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng. Mọi công việc ở xã dù khó khăn thách thức đến mấy cũng lần vượt qua. Vũ Hùng thầm cảm ơn Thu Loan, cô gái Bí thư đoàn xã đẹp người đẹp nết. Trong giai đoạn đầu Thu Loan luôn sát cánh anh. Hình như trong công việc có cả tình yêu thương chia sẻ và trân trọng. Hễ có thời gian rãnh là cô đạp xe qua nhà Vũ Hùng. Thu Loan dọn dẹp bắc cho anh ấm nước sôi. Dẫu sao nhà vẫn có hơi ấm của lửa khói và bóng dáng phụ nữ đỡ hiu hắt hơn.

Thời gian đầu khó khăn không lường hết. Một số gia đình cho rằng bố Vũ Hùng đưa dân đến vùng đất "chết". Vừa rồi, có hai thanh niên bị sốt ác tính qua đời, do theo các nhóm thợ rừng và đào vàng.

Thu Loan chưa biết chuyện gia đình anh. Cẩm Duyên mang theo con nửa đêm bỏ trốn, nhân chuyến anh đi công tác không về kịp. Từ huyện Lâm Hà, cô bắt xe về Hà Nội. Cùng đi với Cẩm Duyên có người đàn ông ở cách Vũ Hùng mấy căn nhà. Nghe đâu anh ta đã có một tiền án "chiếm đoạt tài sản công dân" và đã chịu ba tháng ở trại cải tạo...

***

Sáng nay, Vũ Hùng không đến Ủy ban xã làm việc. Mọi hôm anh đến từ mờ sớm, ghé vào mấy nhà dân thăm hỏi. Ngồi ở phòng làm việc, Thu Loan bồn chồn lo lắng, chưa biết chuyện gì xảy ra. Mấy ngày nay, cô thấy Vũ Hùng gầy đi nhiều. Nhìn nước da sạm tái của anh, Thu Loan e ngại. Trong một lần phụ lợp nhà dân, ở trên mái Vũ Hùng lên cơn sốt. Toàn thân anh run bần bật suýt rơi xuống, nếu anh em không phát hiện sớm.

Cửa nhà hé mở, Thu Loan dựng xe trước cửa. Từ trong hơi thở hắt ra nặng nhọc và tiếng hừ hừ cố gằn giữ trong cổ họng.

- Trời! Anh bị sốt rét rồi! Để em đưa đến trạm xá. Thu Loan ngồi vào giường toan đỡ Vũ Hùng dậy.

- Không cần đến trạm xá em ạ. Uống vào vài lần thuốc sẽ khỏi. Em mở ba lô lấy anh lọ thuốc ký ninh. Viên thuốc to màu trắng đó, điều trị sốt rét rất hay, ở bộ đội bọn anh thường dùng.

- Để em nấu cho anh tô cháo.

Thu Loan bốc mấy nắm gạo cho vào soong. Cô xuống bếp gạt tro nhóm lửa. Vũ Hùng đứng dậy, anh lấy sổ tay ghi những ý nghĩ vừa thoáng trong đầu...

***

Năm năm trôi qua, cảnh vật, đời sống của người dân huyện Lâm Hà khác hẳn. Mô hình nhiều hợp tác xã sản xuất, chăn nuôi giỏi được ra đời. Trường học, trạm xá, Ủy ban các xã được xây mới trên những vùng đồi. Nhiều nhà dân xây dựng khang trang. Những vườn cây ăn trái, xen lẫn những thửa hoa màu. Đường đất liên xã đến từng thôn, từng ngõ rộng mở ô vuông bàn cờ, cao ráo rợp bóng cây xanh. Vũ Hùng được bầu làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Gia Lâm, Thu Loan làm Phó chủ tịch xã. Cuộc sống người dân khá lên nhiều so với những năm về trước.

Vũ Hùng không ngờ, vợ anh lại chung sống với người đàn ông đi cùng đêm đó. Về Hà Nội, ngựa quen đường cũ, hắn sống lêu lỏng, biếng nhác lao động, trộm cắp tài sản người khác đem bán mua ma túy hít nghiện. Đứa con trai èo uột là thành quả mới giữa Cẩm Duyên và người chồng nghiện ngập. Cô ấy "dính" HIV. Tin như sét đánh bên tai. Vũ Hùng xin phép trở về Hà Nội đưa đứa con gái đầu lòng của anh vào Lâm Đồng. Vợ anh nhìn Vũ Hùng ân hận, mắt cô lõm sâu. Cô khóc. Vũ Hùng ngùi ngùi xúc động, nước mắt anh nhòe ra chảy xuống mặn đắng ở đầu môi. Cẩm Duyên bước lại cầm tay con gái. Nước mắt cô giàn nhụa trên khuôn mặt gầy trắng xanh.

- Mẹ! Mẹ hết bệnh vào với bố con nhé!

Tiếng con gái cất lên. Lòng Vũ Hùng và Cẩm Duyên thắt lại, đau đớn.

***

Vũ Hùng và Thu Loan đang chăm chú nhìn bản vẽ sơ đồ lò gạch. Có một thanh niên bước vào:

- Báo cáo anh, tổ đào móng xây dựng công trình trường học cấp II, đụng phải hài cốt của một liệt sỹ.

- Vậy à! Ta đi...

Vũ Hùng gấp bản sơ đồ lại.

- Anh đèo em xuống đó với. Xe đạp em bị xẹp bánh lúc sáng...

Vũ Hùng lấy xe đạp chở Thu Loan đến nơi công trình. Như có ai mách bảo, anh vội vàng bước xuống hố moi lớp đất mỏng. Tấm ảnh anh cùng Long chụp chung hồi mới bước vào lính đã phai phần góc. Long hy sinh trong tư thế nằm sấp, khẩu B40 nằm cạnh. Quả bom nổ gần bên hất anh qua chỗ khác vùi sâu. Tiếng Vũ Hùng nghẹn lại:

- Mấy em đưa Long về tạm thời để gần nhà anh, sau này đưa vào nghĩa trang liệt sỹ huyện.

Quay qua Thu Loan, Vũ Hùng nói:

- Em trực thay anh mấy ngày. Xong việc an táng Long, anh xin phép lãnh đạo về Bắc Giang để thông báo cho mẹ và hai em gái biết.

- Mai anh sắp xếp đón xe đi sớm công việc ở Ủy ban xã anh cứ yên tâm.

- Cảm ơn em nhiều. Vũ Hùng nhìn Thu Loan với ánh mắt thân tình nhưng không dấu được nỗi ái ngại lo lắng mọi công việc phải làm trên vùng quê mới.

***

Hai cô em gái Long nhận ra Vũ Hùng từ ngoài ngõ. Cô gái lớn đỡ ba lô anh xuống giành mang vào.

- Vũ Hùng đó phải không con? Con Ba xuống bếp rót nước chè gừng cho anh con uống. Vào đây con.

Mẹ Long ngồi ở chõng tre nghe tiếng hai con gái nói chuyện với khách như giọng của Vũ Hùng thì vội vàng đứng dậy. Bà bước ra cửa vừa lúc Vũ Hùng và hai em gái Long bước vào. Anh đỡ bà ngồi xuống chõng tre rồi ôn tồn hỏi:

- U có được khỏe không?

- U vẫn bình thường có điều tuổi trên sáu mươi rồi nên thường đau nhức mình mẩy chân tay thôi. Thế vợ con và con có khỏe không? Vợ con vẫn đang dạy học ở vùng quê mới..?

Vũ Hùng chỉ gật đầu không nói cho bà biết về tình hình của Cẩm Duyên khi đã theo người đàn ông khác về Hà Nội và đã dính HIV. Nói ra đây anh sợ bà buồn thêm. Từ ngày Long hy sinh, bà xem Vũ Hùng như con đẻ của mình. Và anh cũng thế. Dù công việc bận rộn đến mấy, năm cũng một, hai lần Vũ Hùng lại lên Bắc Giang thăm mẹ và hai em gái Long. Cứ mỗi lần có anh, bà cảm thấy bớt cô đơn trống trải, khoảng trống đau đớn mất con ấy gần như được an ủi, bù đắp của tình thâm mẫu tử. Mẹ Vũ Hùng qua đời trong đợt mười hai ngày đêm máy bay Mĩ mang bom bắn phá Hà Nội. Bà không nói ra ước nguyện của mình nhưng lương tâm bà rất muốn Vũ Hùng kết duyên cùng cô con gái lớn em kế của Long. Con gái bà cũng mấy lần thể hiện tình cảm tuy vẫn con e dè vì Vũ Hùng đã có vợ con. Cô không biết hoàn cảnh gia đình của anh đã ra nông nỗi này. Vũ Hùng rất quý gia đình và thương hai cô em gái. Không có Long, anh chẳng khác là người anh cả. Vũ Hùng chợt nghĩ đến Cẩm Duyên và Thu Loan, lòng anh rối như tơ vò.

Sắp ít trái cây và mấy thẻ hương trầm lên bàn thờ. Vũ Hùng đốt hương cắm lên hai lọ sáu cây hương cháy đỏ. Anh chắp hai bàn tay đưa lên ngang miệng và như đang nói chuyện với Long. Xong, xuống ngồi cạnh mẹ Long, hớp ngụm nước chè gừng của em gái Long đưa. Vũ Hùng chậm rãi nói:

- U và hai em... Đội công trình đào móng xây trường cấp II ở xã phát hiện có hài cốt của một liệt sĩ. Họ báo cho con hay và con có trực tiếp đến đó. Liệt sĩ đó chính là Long đấy u và hai em ạ. Trong túi áo của Long còn có một cuốn sổ tay nhỏ trong có tấm ảnh chụp chung với con lúc nhập ngũ. Chúng con đã đưa anh ấy về an táng tạm thời trong đất vườn con rồi sau đưa vào nghĩa trang liệt sĩ huyện.

Nghe Vũ Hùng thưa chuyện gặp được hài cốt con trai. Bà xúc động rơi nước mắt. Bà đứng dậy đi lại bàn thờ, Vũ Hùng đi theo bên cạnh. Đứng bên bàn thờ bàn tay bà run run sờ lên di ảnh của con trai. Lắng mấy phút quay lại chỗ ngồi, bà nói:

- U để thằng Long ở lại trong đó với con anh em sống chết đã có nhau. Con thay u và hai em chăm coi hương khói cho nó. Con Hai theo anh con vào trong đó để cùng lo mọi chuyện với anh con. Ở vùng đất mới u xem được đấy. Không chừng con cho nó ở lại rồi lấy chồng lập nghiệp trên đó luôn.

Từ giã mẹ và em gái út của Long, Vũ Hùng và cô gái thứ hai lên đường quay vào Lâm Đồng. Cẩm Duyên đã được đưa vào bệnh viện chăm sóc điều trị bệnh HIV, con gái Vũ Hùng tạm thời ở với ông bà ngoại, anh sẽ đón lên sau...

0
0 sao / 0 đánh giá
5 sao - 0 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 0 SAO trên tổng số 0 đánh giá
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×