Ai nghèo hơn?
Lê Nhi | Chat Online | |
19/08/2019 11:44:55 | |
Truyện ngắn | Truyện Sưu tầm | Truyện cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
- * NGƯỜI TRONG LÒNG - Chương 18: Ân oán (Truyện ngôn tình)
- * NGƯỜI TRONG LÒNG - Chương 19: Tay thế (Truyện ngôn tình)
- * Những mẩu ngắn trong ngày 27/7 (Truyện ngắn)
- * Cỗ quan tài đồng nghiệp và điều gây sốc cho 1500 nhân viên (Truyện ngắn)
- Hôm nay mình đi sớm thế? Đợi em luộc mấy củ sắn ăn lót dạ đã...
Mạt lúi húi lấy thêm sợi dây thừng buộc hai cái sọt lên chiếc xe thồ cũ kỹ của mình, mải làm nên không nghe thấy tiếng vợ, hắn chạy vào trong lấy cái thùng to được gò bằng tôn đặt vào trong cái sọt bên phải chiếc xe rồi lẩm bẩm chửi:
- Cái Đan Mạch nhà nó chứ! Một năm mà thay hai cái thùng thế này thì giết người à? Đã nghèo thì chớ, đời đen như con chó mực!
Nhà Mạt ở cuối thôn Hạ, có thể nói là nghèo nhất, cái nghề mà vợ chồng Mạt đang làm thì nhắc đến người ta phải bịt mũi, cái nghề đi lấy cứt và nước đái hay ngày xưa gọi là nghề gánh phân, cách gọi tục thì như vậy chứ thật ra có thể nói văn chương hơn một chút là nghề chăm sóc vườn ruộng thuê, một nghề đang khá phổ biến tại nơi đây! Các gia đình giàu có họ không dám ăn các loại rau mua ở chợ vì sợ thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng hoặc là những thứ thuốc khỉ gió chết tiệt nào đó mà không đảm bảo an toàn cho người ăn nên thuê những người như vợ chồng Mạt về trồng và chăm sóc các loại rau, cây ăn quả tại nhà cho người ta. Hàng ngày Mạt đi đến các gia đình khác trong ngoài thôn lấy phân về ủ và nước giải về làm nguyên liệu để bón và tưới vườn cây, ngày trước thì công việc này cũng giúp cho hai vợ chồng đủ hai bữa cơm, nhưng giữa thời buổi người khôn cứt hiếm như bây giờ thì nguồn phân và nước giải ngày càng khó kiếm vì những người có điều kiện họ xây hố xí tự hoại, những nhà còn lại thì họ không cho vì cũng muốn giữ lại để dùng cho vườn nhà mình, do vậy mà cuộc sống đã khó khăn lại càng trở nên túng thiếu hơn trước! Dân làng người ta hay gọi Mạt là Mạt sọt cũng bởi vì công việc đặc trưng của hắn.
- Hôm nay mình đi gom hàng ở đâu? hôm nay ông trưởng thôn đến kiểm tra tài sản để lên danh sách các hộ nghèo đấy ! Mình cố gắng về sớm còn có nhời với người ta...
Nghe vợ nói Mạt thở dài thườn thượt:
- Lại kiểm tra, nhà mình thì năm nào mà chả thế! Tài sản thì có cái quái gì đáng giá đâu! Mình cứ ở nhà tiếp ông ý, hoàn cảnh và thu nhập thế nào thì cứ nói như thế để tiếp tục được hưởng trợ cấp của xã, chứ trông vào hai cái sọt của tôi thì sống sao nổi!
Vợ Mạt tay gói củ sắn vào tờ báo cũ, nhét vào túi ni-lông treo lủng lẳng trên ghi-đông xe đạp cho chồng rồi than vãn:
- Hay mình xem có công việc nào khác thì làm vậy, ví dụ như đi làm thợ xây, thợ nề chẳng hạn, có khi lại đỡ vất vả hơn! Suốt ngày đi hót cứt cho thiên hạ thì làm sao mà thoát được nghèo...
Mạt trợn mắt trừng trừng nhìn vợ tỏ ý không hài lòng:
- Cô đừng có coi thường cái nghề này nhé! Chẳng qua xã hội bây giờ thay đổi nên nghề này mới mai một đi, ngày xưa ông nội tôi đi buôn cứt nổi tiếng khắp làng đấy. Tôi luôn đau đáu một giấc mơ khôi phục cái nghề truyền thống này, muốn làng mình lại mở ra cái Chợ phân như ngày xưa để những người như tôi giao dịch, buôn bán. Nếu bây giờ mà như ngày xưa thì cứt được lên sàn giao dịch chứng khoán rồi ý chứ!
Vợ Mạt cười sằng sặc rồi nói:
- Vâng! Nghề cao quý! Cứ động vào là mình lại giẫy nẩy lên! Em biết mình yêu nghề rồi. Thế hôm nay mình lại xuống xóm dưới lấy hàng à?
Mạt chưa vội trả lời vợ, hắn lấy cái đóm châm điếu thuốc lào để hút, trầm ngâm nhìn làn khói bay như nhớ lại thời huy hoàng của cái nghề gánh phân ngày xưa, hắn lấy cái ghế gỗ ra hiệu cho vợ ngồi xuống rồi nói:
- Chúng ta mới lấy nhau nên tôi chưa truyền được hết bí quyết gia truyền cho mình biết, tiện hôm nay mình ngồi đây để tôi chỉ bảo luôn...
Thấy vợ chăm chú lắng nghe, Mạt sọt bắt đầu truyền nghề:
- Nếu lần sau mà đắt hàng thì chúng ta phải chia địa bàn ra hoạt động, mình nhớ là không được đi lấy cứt ở xóm trên nghe chửa?! Chịu khó lên xã mà lấy...còn nếu hôm nào mưa gió ngại đi thì sang nhà ông Lực, ông Thân mà xin cũng được...
Mạt chưa nói hết ý thì vợ hắn đã ngơ ngác hỏi:
- Ô hay, cứt nào mà chả là cứt, lấy xa làm gì cho khổ ra, tiền công thì đáng bao nhiêu mà phải hành xác như vậy?
Mạt cười lắc lư cái đầu khoái chí rồi tiếp tục giảng giải:
- Tôi đã nói hết bí quyết nhà nghề đâu mà mình đã hỏi, nghe đây này: Cứt được chia ra làm nhiều loại chứ không phải giống nhau hết đâu! Cứt loại một là cứt trên xã, trên đó có nhiều quan chức, họ nhiều tiền lắm của, ăn uống ngon nên cứt thải ra chất lượng và nhiều đạm! Loại này dùng để bón vườn cà và tưới rau thì mới tốt, hiểu chửa? Còn cứt loại hai là cứt của một số nhà buôn bán kinh doanh, còn loại vét đĩa nhất và kém chất lượng nhất chính là cứt của những người dân nghèo như chúng mình, cái này chỉ để dùng tạm nếu không đi xin được thôi...
Vợ Mạt gật gù, mắt sáng lên như hiểu được bí quyết nhà nghề:
- À thì ra là vậy! hèn nào cái thùng nước giải mình lấy ở trên xã, em tưới luống Bắp Cải cho nhà bà Báu, ôi giời ơi! Nó lên tốt um mình ạ, Bắp nào bắp đấy vừa to vừa tròn như quả bóng...hóa ra đó là bí quyết nhà nghề cả!
Mạt cười khà khà:
- Chuyện! cái gì nó cũng có bí quyết của nó đấy! đừng có đùa! Ví như lấy nước giải hay cứt của những đứa nghèo như mình mà tưới thì chết mẹ nó cả cây vì làm chó có chất khỉ gì đâu...
Đang mải truyền kinh nghiệm cho vợ, Mạt sọt chợt nhớ ra phải lên xã lấy phân, hắn vội vàng đứng dậy leo lên cái xe thồ rồi quay lại dặn vợ:
- Mình ở nhà thì chạy ra ruộng xem cái hố phân chuồng ủ đã chín chưa để mai còn đi bón cho người ta, tôi đi luôn kẻo muộn, không nhanh thằng khác nó xin mất cứt thì có mà nhịn đói!
Lúc này mặt trời đã lấp ló sau rặng tre đầu làng, những tia nắng sớm làm sáng bừng lên con đường quê ngoằn nghèo, rẽ qua cái ngõ nhỏ dẫn vào nhà Lực đã được lát gạch phẳng lì, hai bên đường phủ xanh bởi những hàng chuối non cao gần đến vai người.
Trong căn nhà cấp bốn đã có hiện tượng xuống cấp, trần nhà nhiều chỗ bị bong tróc, bức tường bên trái cửa ra vào đôi chỗ đã rạn nứt, chỉ cần đụng nhẹ vào là vôi vữa sẽ rụng từng mảng xuống nền nhà...Lực đang nhăn mặt, cong mông đẩy cái Tủ lạnh vào buồng trong rồi lại moi trong tủ quần áo ra cái vỏ chăn cũ chùm kín lên, hắn hết tiến lại lùi, nhìn xung quanh cái Tủ lạnh xem có sơ hở gì không, cái Tivi tinh thể lỏng mới mua tháng trước đã được giấu kỹ dưới gầm giường... Hắn đứng im quan sát khung cảnh tồi tàn của gia đình mình rồi bất chợt bật cười vì tâm đắc, gã quay lại gọi vợ:
- Cô Lụa đâu rồi? đã xong chửa, nhanh tay nhanh chân lên hộ tôi ! Người ta sắp đến kiểm tra rồi kia kìa!
Lụa ngọng hớn hở chạy từ sân vào, tươi cười bảo chồng:
- Em xong từ nâu rồi, em nhét con bình bịch vào trong chuồng Nợn, bố nó cũng chả phát hiện ra được, mình thấy em có khôn không?
Lực ngó ra ngoài sân tỏ vẻ nghi ngờ:
- Thế còn cái xe đạp điện của con Mận nhà mình, cô cất đâu rồi, đừng có để tơ hơ ra ngoài kẻo nó nhìn thấy thì chết cả lũ...
Tháo cái khăn buộc trên đầu xuống lau mồ hôi, Lụa ngọng nguýt môi:
- Mình cứ phải no! Em có phải con ngu đâu, xe đạp điện em giấu vào trong chuồng xí rồi, có ai điên mà rúc vào đấy kiểm tra!
Lực cười khoái chí nhìn vợ:
- Được! Khá! không ngờ nhìn mặt cô chậm phát triển thế mà cũng khôn ra phết đấy chứ! Thế mà từ xưa đến giờ cả cái làng này đứa nào cũng bảo cô bị dở hơi...
Được chồng khen, Lụa ngọng cười rú lên như bị ma làm rồi khoe với chồng:
- Này mình! Em bẩu, em chuẩn bị sẵn đôi gà sống thiến với chai rượu nếp mới rồi, tí nữa não trưởng thôn vào thì mình đưa nuôn à?
Lực bỗng trầm ngâm một lúc rồi từ tốn bảo vợ:
- Năm nay nhà mình phấn đấu xin vào cái diện nghèo nên cũng phải có tí chút, chịu khó giả nghèo giả khổ một tí nhưng lại sướng! Theo như lão trưởng thôn phổ biến trong cuộc họp lần trước thì năm nay chỉ bổ sung một chỉ tiêu nghèo thôi, mà đối thủ cạnh tranh của nhà mình lại là nhà thằng Thân...Mình không bôi trơn bằng đôi gà với chai rượu thì tôi sợ hỏng việc! cứ theo kế hoạch tôi bàn với mẹ con cô hôm qua mà làm, cứ diễn làm sao cho thật lâm ly bi đát vào để lão ý biết!
Để chuẩn bị cho cuộc viếng thăm kiểm kê tài sản là một trong những phương thức để xác định các hộ nghèo của ông trưởng thôn, vợ chồng Lực, Lụa cùng nhau lên kế hoạch đối phó, ngoài những đồ đạc đắt tiền đã được đem giấu kỹ thì vợ chồng hắn còn chọn mặc những bộ quần áo cũ, vá chằng chịt để thêm phần nghèo khổ đáng thương. Năm ngoái đã cố gắng xin vào danh sách những hộ nghèo của thôn nhưng không được, rút kinh nghiệm nên năm nay vợ chồng Lực đã chuẩn bị khá kỹ...
Hai vợ chồng đang bàn bạc thì cái Mận đi vào, tay cầm điện thoại, miệng vẫn lẩm bẩm chửi gì đó, vừa nhìn thấy con gái, Lực quát lên:
- Con Mận! mày đi đâu giờ mới về, hôm qua tao dặn thế nào còn mò đi chơi, học không lo học suốt ngày điện thoại...
Thấy bố mắng, con bé Mận phụng phịu:
- Cái Ngát nhà ông Thân nó dám vào "Phây búc" của con chửi đểu, con đang chửi lại nó...
Lực chép miệng chửi mấy câu rồi nói:
- Con nhà mất dậy, bố nào con đấy! đợt này kiểu gì nhà mình cũng phải loại nhà nó ra để lọt vào danh sách hộ nghèo mới được, cay lắm rồi! Thế nó chửi gì mày?
Mận giơ điện thoại cho bố xem rồi trình bày:
- Đây bố xem này, con mới đổi "Ních" là Heo Mập Dễ Thương, thế mà nó nhảy vào chửi con là cái...cái Đan Mạch con Lợn béo! bố bẩu có tức không? Con chửi lại luôn cho bõ ghét!
Lụa ngọng cũng giằng điện thoại của con gái xem và chửi:
- Đúng nà cái noại con nhà vô học! người ta nà Heo mà nại chửi nà Nợn, ăn gì mà dốt thế không biết!
Nhà Lực với nhà Thân cạnh tranh nhau để được nghèo nên gia đình hai bên thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, ngay hai đứa con gái của họ là cái Mận với cái Ngát cũng đâm ra ghét nhau. Mận cũng như bao cô gái mới lớn khác rất thích nhận mình là Heo xinh hoặc Heo đáng yêu nhưng nếu ai gọi mình là Lợn thì sẽ tức điên lên và sẵn sàng chửi đáp trả đầy hận thù, mặc dù không hiểu Heo và Lợn thì khác nhau cái gì...
Từ ngày có chính sách ưu tiên dành cho người nghèo đến với Thôn Hạ, trong mắt của những người dân ở đây, ai cũng là đối thủ để cạnh tranh nghèo với mình. Ai cũng tìm cách nói xấu và bới móc ra những đồ đạc hiện có của hàng xóm nhằm loại họ ra khỏi diện nghèo để mình yên tâm bám trụ và hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước. Thôn Hạ càng ngày càng phức tạp vì mâu thuẫn, tình làng nghĩa xóm hầu như đã không còn, đến tối nhà nào cũng đóng chặt cửa sợ hàng xóm sang rình mò của cải của mình có để mách với trưởng thôn!
Lực ngó nghiêng nhìn ra ngoài ngõ rồi nói như quát:
- Tạm thời bỏ qua! Con Mận vào thay ngay bộ quần áo khác và cất ngay cái điện thoại đi cho tao! Lấy bộ nào cũ nhất ra mà mặc, nghèo mà diện thế này hả, nhanh lên!
Nhìn theo đứa con gái đang chạy vào trong nhà, Lực quay lại trách vợ:
- Nhẽ ra mà đón được bà cụ về đây mấy hôm thì yên tâm luôn, coi như nhà mình phải nuôi thêm một miệng ăn, càng dễ để được xét hộ nghèo...cô chậm chân quá để lão cả đón về trước...
Lụa ngọng thở dài thườn thượt rồi ngồi bệt xuống đất, tay cầm cái nón phe phẩy quạt rồi nói:
- Ai nghĩ nhà não ý nại nhanh thế! Bình thường có thấy não ngó ngàng gì đến bà cụ đâu, hóa ra bên Nàng đó cũng đang xét hộ nghèo nên...Mình cứ yên tâm! Đồ đạc đã giấu hết rồi, quả này chắc chắn nà được nghèo thôi...
Thấy cái Mận đi ra với bộ quần áo cũ rích, Lực khoái chí ngắm nghía nhưng bất chợt nhìn thấy mái tóc của nó, hắn lại quát:
- Giời ơi là đất! Tóc gì mà cứ vàng vàng, đỏ đỏ như lông bò bị bệnh thế kia, lấy cái khăn mỏ quạ của mẹ mày buộc vào mà che đi...
Lụa ngọng moi trong cạp quần ra tờ giấy nhỏ đã nhầu nát, miệng lẩm bẩm hát vài câu rồi hỏi chồng:
- Hát bài này sợ nạc hậu không mình?
Lực lắc đầu chán nản:
- Dốt lắm! cái bài Liên khúc Nghèo này nổi tiếng, tuy nó cũ nhưng nó đi vào lòng người hiểu chửa, nghe tôi dặn lại đây: bao giờ thấy lão trưởng thôn vào đến cổng thì cô phải giả vờ ngồi giặt quần áo, miệng cố gắng hát thật thảm thiết nhưng phải thật tự nhiên, đừng để người ta bảo mình làm trò, làm sao để lão ý nghĩ rằng mình dùng lời hát để bày tỏ sự nghèo khổ của mình. Giờ cô hát lại một câu tôi nghe thử xem nào...
Lụa ngọng hắng giọng rồi cất lên tiếng hát nhão nhoét, chua hơn dấm:
"Khi tôi sinh ra mang được ngay tiếng con nhà nghèo, qua bao nhiêu năm không đổi thay nhớn nên còn nghèo...Nuôn đi bên tôi như với người tình thân thiết...
Nghe vợ hát, Lực nhăn mặt rồi quát:
- Thôi! tập luyện từ hôm quá đến giờ mà giọng vẫn khắm lọ thế hử, nghe cô hát mà tôi có cảm giác bị đứa nào lấy nước mắm nguyên chất rót thẳng vào lỗ tai ý...Thế bài nào là bài tủ của cô, cô hát tôi xem có khá hơn không?!
Lụa ngọng thanh minh, tỏ vẻ hiểu biết:
- Căn bản sở trường của em nà nhạc trẻ, mình bắt em hát dòng nhạc này nó không phù hợp với chất giọng đậm nốt Na trưởng nên quãng 8 của em, mình nghe đây này, bài hát này đang mốt...
Nói rồi Lụa ngọng hắng giọng, ngân thử mấy nốt để bắt đầu cất cao tiếng hát:
"Ta quen nhau đã bao nâu rồi, hỡi đêm sao vẫn mãi đêm dài...Này mùa đông ơi xin hãy nàm tuyết rơi..."
Lực mặt nghệt ra lặng im như vừa nghe thấy điều gì đó thật kinh khủng, Lụa ngọng tiếp tục:
- Em mà đi thi chương trình "Sờ voi" có khi nại nọt vào mắt xanh của Huấn Nuyện Viên Mỹ Ninh ý chứ! Trông thế này thôi chứ em có tố chất nghệ sĩ nắm đấy!
Hai vợ chồng đang xì xào thì ông Tín trưởng thôn đã vào đến cửa ngõ, tay cầm quyển sổ ngó nghiêng rồi hắng giọng:
- Vợ chồng Lực Lụa yêu đời quá nhể! Chắc dạo này làm ăn khấm khá phỏng? thế này thì Thôn ta lại có thêm hộ thoát nghèo rồi đây!
Lụa ngọng chạy vội ra ngoài cửa, hai bàn tay cứ xoa mãi vào nhau nhìn ông trưởng thôn:
- Ấy chết! mời bác vào nhà xơi nước! Bác cứ đùa bọn em, nhà em còn phải trông chờ vào sự giúp đỡ của bác nhiều...
Lực lom khom bê cái ấm trà xanh đã ám màu đen vì khói bếp, miệng tươi cười đon đả:
- Bác trưởng thôn đến kiểm tra đấy ạ! Mời bác ngồi làm bát chè xanh cho mát ruột đã...
Ông Tín trưởng thôn tiến thẳng vào nhà, tay chắp sau mông, ngó nghiêng nhìn xung quanh rồi chép miệng:
- Đồ đạc đâu hết rồi mà nhà trống tếch trống toác ra thế này?!
Đã chuẩn bị trước câu trả lời, vợ chồng Lực Lụa nhìn nhau sụt sùi, Lụa ngọng nghẹn ngào:
- Hoàn cảnh gia đình em éo ne nắm bác ạ! ăn còn chả có thì nấy đâu ra mua sắm đồ đạc...
Ông trưởng thôn lại chép miệng, lắc đầu:
- Chết! chết thật! thế làm ăn thế nào mà ra nông nỗi này! Đói thì sức đâu mà lao động sản xuất?
Lực run run rót đầy bát nước chè xanh rồi nói:
- Nhịn đói là một trong những năng khiếu tiêu biểu của nhà em rồi! mấy năm trước cũng cố gắng xin bác xét cho cái diện nghèo để được hỗ trợ của nhà nước nhưng chưa được bác chiếu cố cho! Năm nay bác đến nhà xem xét thế này rồi thì bác thương cho vợ chồng em và các cháu...
Cái Mận từ trong buồng đi ra với bộ quần áo cũ nát, đầu chít khăn mỏ quạ, khuôn mặt thiểu não, ôm bụng gọi bố mẹ:
- Con đói quá bố mẹ ơi, nhà còn củ khoai nào nhét vào mồm không...
Lực xua tay cho con vào nhà rồi nhìn ông trưởng thôn thở dài:
- Đấy bác nom xem! Nhà thì dột nát, vợ con thì nheo nhóc như vậy đấy, chỉ mong các bác giúp đỡ tạo cho...
Lụa ngọng xách ra đôi gà và chai rượu đã được nhét kỹ vào cái làn nhựa to đưa cho chồng. Lực đón lấy rồi bắt đầu tìm cách hối lộ trưởng thôn:
- Gọi là có tí chút tình cảm...nhân dịp năm hết tết đến, bác nhận cho gia đình em phấn khởi! nhà em không bao giờ quên ơn bác!
Thấy ông trưởng thôn xua tay, Lụa ngọng tiếp lời chồng:
- Chỗ tình Nàng nghĩa xóm với nhau, chút ít quà gọi nà tấm cái tấm Nòng của nhà em...
Ông Trưởng thôn liếc qua cái làn rồi hắng giọng:
- Cô cậu cứ vẽ! tớ làm quan cũng chỉ là lo cho bà con! Đó cũng là trách nhiệm của mình...Gia đình làm thế này...tớ áy náy quá...Ai tớ cũng thương cũng muốn giúp đỡ, nhưng chỉ tiêu chỉ có hạn...
Nói đến đây ông dừng lại, vợ chồng Lực Lụa liên tục Vâng Dạ, miệng không ngừng nói cảm ơn. Ông nói tiếp:
- Thôn ta chỉ có thể thêm một chỉ tiêu nữa thôi, tôi đang phân vân giữa gia đình anh chị và gia đình nhà anh Thân!
Vừa nghe đến tên đối thủ của nhà mình, Lực nói luôn:
- Nhà thằng đấy thì nghèo cái gì? Giàu nứt đố đổ vách ra mà cứ làm trò, bác xem có ai được như nhà nó? Chẳng qua nó tham cái chính sách ưu đãi cho người nghèo thôi...Đúng là cái loại đã giàu còn tham, em đề nghị bác xét chọn cho thật sáng suốt, kẻo lọt mất người nghèo thật như nhà em mà lại nhầm những loại giàu như nó vào hưởng chính sách....
Ông Tín trưởng thôn ngồi im nghe Lực, Lụa kể vanh vách những đồ đạc hiện có trong gia đình nhà Thân mà họ đã mất thời gian theo dõi phát hiện được. Nhưng vợ chồng Lực cũng quên mất rằng vợ chồng Thân cũng đã mách y như vậy về nhà họ với ông Tín trưởng thôn...
Ông trầm ngâm một lúc rồi mới nói:
- Thôi được rồi! tôi ghi nhận những ý kiến của anh chị, tôi sẽ xem xét sao cho thật công bằng và vô tư. Mấy hôm nữa có danh sách chính thức tôi sẽ dán ở nhà trong cuộc họp sắp tới cho mọi người trong Thôn cùng biết!
Dõi theo bóng ông trưởng thôn đã khuất hẳn khỏi con ngõ nhỏ, vợ chồng Lụa Lực nhìn nhau cười sằng sặc vì khoái chí, cả hai thấp thỏm cho cuộc họp sắp tới dù biết chắc rằng lần này mình sẽ được lọt vào danh sách những hộ nghèo...
Một năm nhà ông Tín trưởng thôn tổ chức không biết bao nhiêu cuộc họp với những nội dung khác nhau, họp tuyên truyền để bà con trong thôn tự giác giữ vệ sinh chung, họp ủng hộ quyên góp giúp đỡ đồng bào khó khăn, họp tuyên truyền phương thức làm kinh tế...Nhưng chẳng cuộc họp nào mà đông đủ bà con tham dự cả, dù ông trưởng thôn đã ra sức đi thông báo, hô hào mọi người đến...
Ví dụ như tháng trước họp toàn thôn, kết hợp với ban dân số của xã để phổ biến các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, vận động các đôi vợ chồng trẻ đi triệt sản, đặt vòng tránh thai vì tình trạng sinh con thứ 3, thứ 4 đang có xu hướng gia tăng tại thôn của ông. Hai cái chiếu cũ trải ra sân mà số người tham dự để nghe tuyên truyền phổ biến và hướng dẫn sử dụng các biện pháp tránh thai chỉ đếm chưa hết đầu ngón tay, chủ yếu là mấy người già được con cháu cử đi họp hộ.
Cuối cuộc họp ban tổ chức đành phải phát bao cao su và thuốc tránh thai cho mấy ông bà già để mang về cho con cháu dùng và cũng không quên dặn họ hướng dẫn lại cách sử dụng nó sao cho đúng cách như cuộc họp vừa rồi đã phổ biến, làm các cụ ông cầm mấy cái hộp bao cao su trên tay cũng ngậm ngùi tiếc nuối thời trai trẻ, vì bây giờ có muốn thì cũng không dùng được nữa rồi...
Vậy mà hôm nay mới 6 giờ tối, nhà ông Bách trưởng thôn đã đông khách đến khác thường, khoảng sân rộng gần 40 mét vuông dường như đã không còn chỗ trống. Người đứng kẻ ngồi, tiếng rít thuốc lào, tiếng tranh luận của bà con làm xôn xao cả thôn Hạ vốn yên bình từ trước đến nay.
"Đấy các bác xem, gia đình em còn khó khăn lắm, chưa thể thoát nghèo được đâu..."
"Nhà tôi quanh năm chạy ăn từng bữa, mồ hôi khô thì gạo cũng hết, nhà tôi mới gọi là vất đây này"
- Đề nghị bà con trật tự... !!!
Ông Tín trưởng thôn cầm đôi guốc mộc gõ vào nhau thành từng tiếng "cốp cốp" ra hiệu cho mọi người trật tự, những tiếng tranh luận bỗng im bặt, mọi ánh mắt dồn hết về phía ông trưởng thôn. Thấy đám đông đã ổn định, ông Tín thả đôi guốc xuống, ông đứng nghiêm trang vừa hắng giọng vừa nói:
- Kính thưa toàn thể bà con thôn Hạ! Cứ vào dịp cuối năm, thôn chúng ta lại tiến hành rà soát đánh giá và bình xét lại các hộ nghèo, tất nhiên trong đó bao gồm các hộ sẽ nghèo, suýt nghèo, đang nghèo và đã thoát được nghèo...từ đó chúng tôi sẽ tổng hợp lại và trình lên trên xã để tiến hành phân loại...
Vừa nghe đến đây, bà con thôn Hạ lại lao xao bàn tán, tiếng Thân đang nói to nhất:
- Đấy! năm ngoái nhà em suýt nữa thì được nghèo, ai ngờ trượt mất! năm nay em phấn đấu kiểu gì cũng phải nghèo...
Vợ chồng Lực đang ngồi im nghe thấy Thân nói thì bĩu môi, Lực cũng nói oang oang cho mọi người nghe:
- Nghèo cái con khỉ! Sáng nào nhà tôi đi ra quán ăn phở cũng gặp vợ chồng nhà nó ở đấy, như nhà tôi đây mới gọi là nghèo...
Cái Lụa vợ Lực cùng hùa theo chồng bằng cái giọng ngọng nghịu:
- Đúng đấy bà con! Nghèo gì nhà đấy, chỉ được cái nươn nẹo!
Mạt sọt đi lấy cứt về muộn nhưng cũng kịp chen vào cuộc họp, hắn chào hỏi mọi người xung quanh rồi chăm chú lắng nghe ý kiến của mọi người...
Tiếng một người đàn ông lớn tuổi nói lớn:
- Này anh Thân! Trường hợp hộ gia đình anh không thể gọi là nghèo được, anh có 2 sào ruộng chưa kể vườn cây hoa quả, vợ chồng anh lại có thêm cái nghề thổi kèn đám ma. Thu nhập đều đặn như vậy là khá giả rồi, có nhiều hộ còn khó khăn hơn nhà anh nhiều, anh còn thắc mắc cái gì!
Thân đứng phắt dậy, hai tay phủi bụi ở mông làm bắn hết vào mặt những người ngồi đằng sau, rồi nhăn nhó giải thích:
- Dạ, báo cáo bác trưởng thôn! Báo cáo bà con! Đúng là nhà em có thêm cái nghề thổi kèn gia truyền, nhưng năm nay làm ăn kém lắm! Từ đầu năm em bị viêm họng hột chữa mãi chả khỏi nên không kèn sáo gì được nữa, giờ cứ có "Sô" đám ma nào thì toàn con vợ em nó đi, nhưng nó thổi yếu! khách người ta chê, tiền cát-xê chẳng được bao nhiêu! giờ thì mất hết khách rồi ạ! Hai đứa con đang tuổi ăn học, tốn kém lắm, năm nay bác cứ xét cho cái danh hiệu nghèo...
Ông Tín bần thần suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Thôi được rồi, các anh chị cứ trật tự để nghe tôi phổ biến tiếp đã, có gì thì lát chúng ta sẽ bàn luận tiếp...
Uống cạn bát nước trà xanh, ông nheo nheo mắt cầm tờ giấy và tiếp tục:
- Trước khi công bố danh sách các hộ nghèo và thoát nghèo năm nay mà chúng tôi đã hết sức công tâm, chí công vô tư để bình chọn, tôi xin phổ biến lại tiêu chí xét duyệt các hộ nghèo và các chính sách ở vùng nông thôn, năm nay có chút thay đổi so với mọi năm, cụ thể năm ngoái nếu hộ nào thu nhập dưới 400 nghìn/tháng thì được gọi là hộ nghèo nhưng năm nay thì có quy định là tháng 550 nghìn/tháng thì mới được xét duyệt. Ngoài ra chúng tôi còn xét theo điều kiện nhà ở, đồ đạc hiện có để xác định đối tượng nào nghèo thật...
Tiếng mọi người lại nhao nhao lên ở dưới:
- Bác Trưởng thôn bẩu luôn cả quyền lợi được hưởng cho chúng em biết luôn đi...
Ông Tín kéo cặp kính lão xuống đến quá mũi, mắt nhìn xuống dưới quát:
- Các anh, các chị hay nhể! Cái gì cũng phải có đầu có đuôi chứ, chưa nói xong đã kê gạch vào mồm người khác ngồi rồi...
Ông cầm tờ giấy rồi đọc tiếp:
- Sau đây là phần chính sách dành cho người nếu được xét là hộ nghèo, bà con im lặng nghe cho rõ, dài lắm nên tôi chỉ đọc một lần thôi: Được hỗ trợ bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh...
Vừa đọc xong thì dưới lại có tiếng mấy bà nhao nhao:
"Tốt quá, tôi bị bệnh trĩ mấy năm nay, quả này được chữa rồi bà ạ..."
"Răng của tôi cũng rụng gần hết rồi, định đi trồng lại để ăn tết cho ngon nhưng không có tiền, quả này có cái anh bảo hiểm kia giúp đỡ rồi tôi phải làm một bộ nhai cho nó sướng mồm mới được..."
Thấy ông Tín ngó xuống tất cả lại im bặt, ông lắc đầu chán nản rồi đọc tiếp:
- Miễn tiền học phí giáo dục cho con em các hộ nghèo, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ phương tiện sản xuất. Đặc biệt là được hỗ trợ tiền điện nếu giá điện tăng...
Ông dừng lại thấy mọi người ở dưới đang há hốc mồm ra ngạc nhiên, ông nói to:
- Bà con nghe rõ chửa!? còn ai thắc mắc gì không để tôi trả lời chất vất luôn một thể!
Tiếng mọi người lại xôn xao:
"Sướng thế nhể! Quả này không nghèo thì nó phí đi..."
"Đúng rồi, gia đình tôi được nghèo 3 năm rồi, sướng lắm..."
"Nhà bà có hai đứa con đi học miễn phí, trong khi đó con tôi thì phải đóng tiền, vậy tội gì mà tôi không nghèo, đúng không các ông các bà..."
Một bà quay sang nhìn Mạt sọt có vẻ thông cảm:
- Anh Mạt nhà nghèo gần như nhất Thôn, năm nay được hưởng chính sách tiếp thì chịu khó vay vốn mà nhà nước mà đầu tư sản xuất cho bớt khổ, cứ đi gánh phân thế này thì vất lắm
Mạt tủm tỉm cười:
- Năm ngoái nhà cháu cũng định vay ít tiền đầu tư mua hai cái thùng đựng cứt loại tốt mà chưa dám vay, dùng cái sọt cũ chở nó chảy ra ngoài, dân người ta chửi cháu suốt! năm nay cháu phải đầu tư lại cái cần câu cơm mới được.
Không thấy ai có ý kiến gì, ông Tín đi đi lại lại suy nghĩ rồi nói tiếp:
- Nếu không ai có thắc mắc gì thì tôi xin lấy tinh thần tự giác của bà con, có hộ nào xung phong thoát khỏi danh sách nghèo không? Nếu có xin giơ tay !!!
Những người có mặt tại cuộc họp bỗng im bặt, người này nhìn người kia thăm dò, 10 phút trôi qua nhưng không có một cánh tay nào giơ lên.
Trưởng thôn lại tiếp tục:
- Vậy những hộ nào cảm thấy mình vẫn còn khó khăn, cần được hưởng chính sách của người nghèo ?!
Chưa dứt lời thì tất cả cánh tay được giơ lên, tiếng ồn ào lại bắt đầu:
- Em! Em! Nhà em bác ơi, khó khăn lắm...
Thân lại đứng dậy, sợ trưởng thôn không nhìn rõ, hắn giơ cả 2 tay, mặt nhăn nhó miệng nói lớn:
- Báo cáo! Nhà cháu! Nhà cháu không phải nghèo mà là quá nghèo!
Gã chưa nói xong thì bỗng có tiếng chuông điện thoại reo lên, luống cuống thò tay vào túi tắt thì mọi người xung quanh đã chỉ trỏ bàn tán...
Lụa ngọng bĩu môi nói với người bên cạnh:
- Nghèo mà có điện thoại di động để niên nạc cơ đấy, Nại còn âm thanh Lổi! oách thế bà con nhể!
Thân luống cuống giải thích:
- Cái điện thoại này là đồ chơi của bọn trẻ con ở nhà đấy ạ, nhà em làm gì có tiền mà mua điện thoại...
Rồi hắn quay lại nhìn xung quanh và nghiến răng quát khẽ:
- Thằng ôn nào chơi đểu nháy máy cho ông đấy! cứ liệu hồn...
Ông Tín thở dài rồi trịnh trọng tuyên bố:
- Bà con lưu ý! Các phương tiện liên lạc như điện thoại, xe máy, ti vi, tủ lạnh...cũng là tài sản để đánh giá xét xem có thuộc diện nghèo hay không...bây giờ bà con tự thảo luận với nhau, tôi chuẩn bị lấy danh sách đã được xã duyệt những hộ thuộc diện nghèo và diện thoát nghèo!
Thân vừa nghe xong cũng tranh thủ đá đểu Dực:
- Cụ thể như cái nhà anh Dực này, vừa rồi có mua một chiếc xe máy, vậy năm nay sẽ không đủ điều kiện để xét nghèo nữa, mà sẽ thuộc diện gia đình tiên tiến thoát nghèo, vượt khó...Tôi nói vậy đúng không bà con?
Dực vội vàng đứng dậy, khuôn mặt ngơ ngác, hắn khua chân múa tay giải thích:
- Ơ! Sao lại thế, gia đình tôi chưa thể thoát nghèo được đâu! Các bác xem, người ta có cái tivi "phun hát dê", có xe ga, có điều hòa nhiệt độ...nhà em đã có đâu, như vậy chả là nghèo còn gì...đúng không bà con? Báo cáo bác trưởng thôn là bác cứ cho em được nghèo thêm mấy nhiệm kỳ nữa để yên tâm sản xuất ạ!
Lụa ngọng lại bĩu môi:
- Tham vừa thôi, ra khỏi danh sách nghèo để cho những nhà khác còn vào, bám trụ mấy lăm rồi còn gì, các bác thấy em bẩu thế đúng chửa...vợ chồng em đây mới gọi nà nghèo, hai đứa con đang tuổi ăn học...
Lực cũng hùa theo vợ, chỉ trỏ vào Dực:
- Các ông các bà xem kia kìa, nghèo mà đeo cái tai nghe nhạc oách chưa, ăn chơi có mấu đấy chứ, cứ thích làm choè...
Mọi ánh mắt đã tập trung vào Dực, gã luống cuống tháo cái tai nghe ra, giọng nói đầy vẻ oan ức:
- Khổ quá! Đây là cái máy nghe điếc của tôi chứ nghe nhạc mẹ gì đâu, đây các bác chứng giám cho! vợ chồng nhà thằng Lực này nó ghen ăn tức ở với nhà em nên nó tìm cách vu oan giáng hoạ cho em là giàu...bọn này nó điêu từ bé rồi!
Nói xong hắn chỉ vào mặt vợ chồng Lực:
- Nhà tao nghèo hơn nhà mày! Chúng mày là cái loại nhà giàu, giàu mà điêu!
Lụa ngọng đứng phắt dậy, trợn mắt quát:
- Ông bảo ai điêu! nhà ông bây giờ còn thiếu cái gì nữa...Tủ Nạnh nhé, Vô tuyến tinh thể nỏng nhé! À, Nại còn có hố xí tự hoại nữa...Đấy, bà con xem nãng phí chưa?
Mọi người ồ lên và nhìn nhau xôn xao bàn tán:
"Ôi giời! ăn chơi thế, tôi nghe nói cái hố xí đấy chỉ cần bật công tắc là nước nó phụt ra ào ào đấy, mát mông lắm..."
"Hiện đại thế nhể! Hôm nào tôi phải sang ỉa nhờ cái chuồng xí đấy xem thế nào..."
Động chạm đến nghề nghiệp của mình, Mạt sọt chép miệng liên tục rồi than vãn đầy tiếc nuối:
- Phí phạm! của một đống như thế mà cho nó trôi tuột đi à!, lãng phí quá, lãng phí quá! Hiện đại như thế thì lấy đâu ra phân với nước giải mà tưới rau...chết thật, chết thật!
Biết bị lộ cái hố xí tự hoại, Dực ngồi im không nói gì, cay cú nhìn vợ chồng Lực rồi đánh trống lảng nhìn quay về phía khác.
Lực ghé tai nói nhỏ với vợ:
- Quả này thằng Dực bị loại ra khỏi diện nghèo cho nhà mình vào là cái chắc! Còn thằng Thân thì hết cửa thi đấu với mình rồi...
Lụa ngọng cười rú lên:
- Chuẩn nuôn! Cái noại đấy mà dám thi đấu với nhà mình à! Quả này giá điện nước tăng cũng chả sợ mình nhể!
Thân nghe thấy chúng nó nói mình, hắn đứng phắt dậy và nói lớn để trả thù:
- Thưa bà con! Cái vợ chồng nhà Lực này thì nó giàu kém ai đâu, vậy mà cứ thích đóng cửa đi ăn mày. Tôi còn nhớ cuối năm ngoái nhà nó xây ngôi mộ cho ông cụ tổ to nhất làng, đã thế nó lại làm hẳn 30 mâm cỗ mà theo tục lệ ở làng mình từ xưa đến nay thì làm cỗ xây mộ cũng chỉ to nhất là 20 mâm, nó chơi trội như thế có phải nó phá luật lệ của cả làng mình không? Nó làm thế khác nào nó ném cứt vào mặt cả làng mình...
Bà con đang gật gù ủng hộ ý kiến của Thân thì Lực đứng dậy chửi:
- Cái...Cái Đan Mạch nhà thằng Thân! Tao động chạm gì đến mày mà mày cứ lôi đi lôi lại cái chuyện từ năm ngoái ra nói thế! Cả làng đã chửi tao cái vụ làm cỗ to đấy rồi, mày thích bới cứt ra cho thối thêm hả...
Mạt sọt đứng dậy kéo vợ chồng Lực ra rồi can:
- Thôi em xin các bác! Cứt thối lắm rồi đừng bới ra nữa! các bác chửi nhau mà toàn lôi nghề của em ra rủa nhau thế.
Mọi người vội vàng chạy vào lôi Thân với Lực ra để tránh cuộc ẩu đả, thấy đã yên chuyện Mạt sọt bỗng chạnh lòng, giọng buồn rầu tâm sự:
- Em hỏi các bác nhé?! Em từ xưa đến giờ ăn ở hiền lành có động chạm gì đến ai đâu, động một cái là lôi em ra chửi, tuần trước em đến lấy "hàng" ở nhà bác Lực, bác ấy lại bẩu con gái là: "Mày mà không chịu khó học thì sau này chỉ có đi hót cứt", các bác xem thế có nhục cho đời em không cơ chứ!
Thấy Mạt sọt nói như sắp khóc, mấy người đứng bên cạnh vỗ về an ủi:
- Thôi chú đừng buồn! mỗi người một nghề, hoàn cảnh nhà chú khó khăn thế nào thì cả làng đều biết...không việc gì phải tủi thân cả!
Ông Tín trưởng thôn khệ nệ bê cái bảng có dán sẵn mấy tờ danh sách những gia đình được xét nghèo và đã thoát nghèo lên và nói to:
- Danh sách đã được đánh máy vi tính rõ ràng và minh bạch rồi đây! Bà con xếp hàng theo thứ tự mà xem, nghiêm cấm chen lấn xô đẩy, có gì thắc mắc thì cứ hỏi, tôi giải đáp luôn!
Ông chưa kịp dứt lời thì mọi người đã tranh nhau chạy đến cái bảng xem có tên mình hay không, vợ chồng Lực Lụa nhảy cững lên sung sướng vì đã được lọt vào danh sách những hộ nghèo, đang chắc mẩm trong bụng là nhà thằng Thân sẽ bị loại thì đã thấy Thân reo lên:
- Nhà em cũng được nghèo rồi các bác ạ! Sướng quá đi mất!
Lực nhìn vợ thắc mắc:
- Sao lại thế nhỉ! Nó cũng được mà mình cũng được là thế chó nào nhỉ! Sao bảo chỉ bổ xung một chỉ tiêu nữa thôi mà? Hay là nhà thằng Dực bị loại rồi...
Lụa ngọng cũng đang ngơ ngác không hiểu, thì nghe tiếng Mạt sọt gào thét:
- Giời ơi là giời! sao tự nhiên tôi lại bị vào danh sách đã thoát nghèo thế này hả giời! bác trưởng thôn, sao bác lại đối xử như thế, cả làng này ai chả biết nhà em nghèo nhất...hay là nhà em không có gì để đút lót nên bị loại thế này?
Ông Trưởng thôn lớn giọng quát:
- Anh đừng có láo! Năm ngoái xã đã hỗ trợ anh sửa lại cái nhà dột rồi, vậy có nhà tử tế để ở coi như là thoát nghèo rồi, thắc mắc gì nữa! Tôi làm cán bộ thì tôi phải thanh liêm, đề cử những gia đình thực sự khó khăn vào danh sách...Anh nên tu chí vào mà làm ăn, hay ho gì mà cứ thích được nghèo?
Mạt sọt tức tưởi giải thích:
- Một tuần tôi kiếm được hai sọt cứt cũng không đủ cho một bữa ăn nhậu của các ông cán bộ đâu...Được rồi đã thế thì tôi đếch cần, tôi chửi cái Đan Mạch bọn tham của đót lót đấy...cứ chờ đấy!
Nói xong Mạt bỏ về trước ánh mắt thương xót của những người trong thôn vì ai cũng hiểu hoàn cảnh nhà hắn rất khó khăn. Lụa ngọng kéo chồng ra rồi thủ thỉ:
- Em hiểu rồi mình ơi! Nhà thằng Thân nó hối nộ não trưởng thôn thùng bia với mấy cây giò bò! còn nhà thằng Dực thì đút nót cái phong bì, nghe đâu tiền triệu cơ đấy, vừa thấy nó nói với mọi người thế!
Tất cả mọi người lục đục kéo nhau về, ông Tín trưởng thôn đóng cửa ngõ lại rồi vào nhà ăn cơm. Hôm nay nhà ông thịt một con gà mà vợ chồng Lực hối lộ hôm trước, đang nhâm nhi chén rượu thì bà vợ ông nói:
- Hết năm nay thì ông cũng nghỉ đi, chức trưởng thôn giao lại cho người khác làm cho đỡ mệt, tôi thấy phức tạp quá! Bà con người ta nói ra nói vào tôi cũng ngại...
Ông Tín đặt mạnh chén rượu xuống rồi trợn mắt:
- Bà nói hay chửa! nghỉ là nghỉ thế nào, tôi còn phải "chạy" ở trên xã cho làm vài nhiệm kỳ nữa! người ta muốn có chức quyền chả được, mình đang có trong tay tự nhiên lại nghỉ, nó tưởng mình bị chập cheeng! Tôi không làm thì mẹ con nhà bà được như bây giờ hả, thử hỏi xem nhà có thiếu gì không?
Bà vợ thở dài:
- Nhưng tôi thấy ông cứ nhận bao nhiêu đồ hối lộ thế này thì mang tiếng với làng xóm lắm! toàn người làng với nhau, rồi chuyện nhà cậu Mạt nữa...tôi thấy áy náy quá ông ạ!
Ông Tín gắp miếng thịt gà vào mồm vừa nhai vừa nói:
- Bà nên có cái nhìn rõ ràng thế nào là hối lộ! ngày xưa Thầy trò Đường Tăng đến đất Phật lấy kinh còn phải mất cái bát vàng, đúng chửa? Đấy! thế nên chúng ta phải có cái nhìn nhận cho nó chuẩn giữa hối lộ và quà nhé!
Ông bà nào ăn hối lộ cũng đều vin vào cái cớ thầy trò Đường tăng mất cái bát vàng để bao biện cho hành động của mình! Bà con trong thôn thì theo trào lưu biếu quà để được trưởng thôn xét duyệt cho mình vào danh sách nghèo để hưởng trợ cấp từ nhà nước, mới đầu ông Tín cũng ngại nhưng sau nhận nhiều quà biếu quá thành ra cũng quen và ông cảm thấy đó là chuyện bình thường...Nó như trở thành một nghĩa vụ đối với những người muốn nhờ ông giúp đỡ!
Đang ăn thì ông trưởng thôn khịt khịt mũi như ngửi thấy mùi gì đó rất kinh khủng, ông bảo vợ:
- Bà thấy cái mùi gì không nhỉ? Sao tự nhiên thối thế không biết...
Bà vợ cũng khụt khịt mũi rồi nói:
- Hình như mùi từ ngoài cổng nhà mình hay sao ý, đúng rồi, nó bay từ ngoài cổng vào...
Ông Tín buông đũa xuống rồi chạy vội ra cổng, ông vừa mở cửa ra thì bỗng ngã ngửa ra đằng sau vì trước cổng nhà ông toàn cứt là cứt, như hiểu được ai là thủ phạm, ông vừa bịt mũi vừa chửi:
- Mẹ cha nhà thằng Mạt sọt nhé! Mày cứ liệu hồn đấy! đời mày còn phải hót cứt nhiều, chừng nào tao còn làm trưởng thôn thì mày sẽ nghèo mãi thôi con ạ...
Truyện mới nhất:
- Cận vệ của bóng tối (Chương 2) (Truyện tổng hợp)
- Sổ Tay Ngự Thú Của Nữ Phụ Trong Mạt Thế (chap 1) (Truyện xuyên không)
- Xuyên Thành Hắc Liên Hoa Hoàng Đế Chi Sư (giới thiệu) (Truyện Đam mỹ)
- Định Mệnh Sắp Đặt (chap 1) (Truyện ngôn tình)
- Cảm Xúc Chưa Lời (Truyện ngôn tình)
- Ba Con Đường, Một Trái Tim (chap2) (Truyện ngôn tình)
- Cận vệ của bóng tối (Truyện tổng hợp)
- Sổ Tay Ngự Thú Của Nữ Phụ Trong Mạt Thế (giới thiệu) (Truyện xuyên không)
- Bị Năm Người Anh Đọc Trộm Tiếng Lòng, Hình Tượng Tôi Sụp Đổ (chap 1) (Truyện xuyên không)
- Trà xanh max level xuyên vào tiểu thuyết kinh dị (4/4) (Truyện xuyên không)
- Xem tất cả truyện >>
|
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!