Vật liệu polyme với sự phong phú về chủng loại và đa dạng về tính chất đã có mặt khắp mọi lĩnh vực của cuộc sống. Theo số liệu năm 1996, mức tiêu thụ vật liệu polyme bình quân tính theo đầu người tại các nước công nghiệp phát triển khoảng gần 100 kg/năm và tại các nước đang phát triển từ 1 đến 10 kg/năm. Sự phát triển mạnh mẽ của vật liệu polyme cũng kèm theo những vấn đề liên quan đến môi trường cần phải giải quyết. Lượng phế thải từ vật liệu polyme càng ngày càng tăng, ước tính từ 20 đến 30 triệu tấn/năm trên toàn thế giới. Những dạng phế thải từ nhựa nhiệt dẻo như polyetylen, polypropylen, polystyren, polyvinyl clorua, polymetylmetacrylat hay các sản phẩm từ nhựa nhiệt rắn như epoxi, polyeste không no, polyuretan và các chế phẩm từ cao su khi bị thải ra ảnh hưởng nặng nề đến môi trường do chúng tồn tại trong đất thời gian khá lâu rất khó phân hủy. Nếu đem chôn lấp vừa tốn diện tích đất vừa gây ô nhiễm cho nguồn nước và đất. Nếu dùng phương pháp đốt cũng tốn kém và còn gây ô nhiễm môi trường do khói bụi, làm suy giảm tầng ozon và sinh ra các chất độc hại hữu cơ khó phân hủy (Persistent Organic Pollutant - POP). Nếu dùng phương pháp tái sinh thì cũng thu được sản phẩm có chất lượng không cao, mà giá thành lại không phải là thấp. Chính vì thế trong những năm gần đây, các nhà khoa học trên thế giới đã tập trung nghiên cứu điều chế và ứng dụng vật liệu polyme phân hủy do môi trường, nhằm mục đích ngăn ngừa sự ô nhiễm môi trường.
Có nhiều cách phân loại polyme phân hủy do môi trường, tuy nhiên cách phân loại phổ biến nhất hiện nay là chia polyme phân hủy do môi trường thành các loại polyme phân hủy do vi sinh vật và do các tác động hóa lý như quang hóa hay do các phản ứng hóa học. Sở dĩ trên thế giới có sự phát triển mạnh mẽ về nghiên cứu cũng như sử dụng polyme phân hủy do môi trường là do những yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày càng nghiêm ngặt. Mặt khác do sự tíến bộ của khoa học kỹ thuật người ta có khả năng nghiên cứu biến tính, tổ hợp để chế tạo ra những sản phẩm, vật liệu mới ưu việt hơn, trong tính năng phục vụ đời sống con người và ít hoặc không gây ô nhiễm môi trường (environment- friendly technology).
Trong thời gian gần đây tại một số quốc gia Châu âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ việc nghiên cứu và sử dụng polyme phân hủy do môi trường phát triển rất mạnh mẽ. Năm 1992, tại Mỹ người ta đã tiêu thụ 550.000 tấn chất dẻo tự hủy, năm 1997 là 1.193.000 tấn và năm 2000 theo ước đoán, khoảng chừng 3.000.000 tấn chất dẻo tự hủy sẽ được sử dụng. Tốc độ sử dụng chất dẻo tự hủy do môi trường ở Châu âu cũng tăng với mức trung bình khoảng 9%/năm trong thập kỷ 90. Tại Nhật Bản, mức tiêu thụ sản phẩm polyme phân hủy do môi trường chiếm khoảng 11% tổng toàn bộ lượng chất dẻo sử dụng. Người ta dự báo trong những năm tới, Nhật Bản sẽ tăng mức sử dụng chất dẻo tự hủy lên 15 %, giá trị sản lượng nhựa tự hủy đạt đến 7 tỷ Yên.
Tại Việt Nam, nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành hàng loạt biện pháp nhằm bảo vệ môi trường. Tháng 6 năm 1991, Kế hoạch quốc gia về môi trường và phát triển bền vững giai đoạn 1991 - 2000 đã được Chính phủ thông qua. Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đã ban hành chỉ thị 36-CT/ TƯ vào tháng 6 năm 1998 nhằm bảo vệ môi trường Luật môi trường đã được ban hành vào năm 1994. Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia hàng loạt các Công ước quốc tế về môi trường. Liên quan đến việc sử dụng vật liệu polyme, các cơ quan hữu quan đã phát động phong trào giảm dùng túi đựng hàng bằng chất dẻo. Tuy nhiên vấn đề nghiên cứu và sử dụng polyme phân hủy do môi trường mới được đặt ra trong thời gian rất gần đây, hiện nay đã có một số cơ sở nghiên cứu ở Việt Nam như Viện Hóa học Công nghiệp. (Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam, Bộ Công nghiệp), Trung tâm nghiên cứu polyme (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), đã tiến hành nghiên cứu polyme phân hủy do môi trường và đã thu được một số kết quả ban đầu.
Polyme phân hủy do môi trường được dùng chủ yếu để sản xuất các vật dụng như bao bì, túi đựng, màng mỏng che phủ đất, bầu ươm cây giống... các vật dụng này sau khi không sử dụng sẽ bị phân hủy không gây ô nhiễm môi trường sống. Polyme phân hủy do môi trường cũng được dùng trong lĩnh vực bảo quản thực phẩm kể cả ở điều kiện tự nhiên cũng như làm lớp bao phủ thực phẩm bảo quản ở nhiệt độ thấp (trong tủ lạnh). Ngoài ra polyme phân hủy do môi trường còn được sử dụng trong một số lĩnh vực khác như y tế (chất mang thuốc) hay trong lĩnh vực sơn chống hầu hà.
Do nhu cầu bảo vệ môi trường trước việc phát sinh ngày càng nhiều chất thải polyme khó phân hủy, lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng polyme phân hủy do môi trường ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên cũng cần phải thừa nhận rằng còn rất nhiều thách thức trong lĩnh vực này, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ. Tại Việt Nam, với sự quan tâm của Nhà nước, với sự cố gắng và sự hợp tác của các nhà nghiên cứu, kỹ thuật, công nghệ, hy vọng chúng ta sẽ đạt được nhiều kết quả trong lĩnh vực nghiên cứu và sử dụng polyme phân hủy do môi trường.