Ghế Cô

195 lượt xem
Ghế Cô- cô Đôi thượng ngàn
Chap 1



Lan là một cô gái sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Quê Lan nằm ở bên bờ của con sông Luộc hiền hoà, khi xưa vẫn thường được gọi là sông Phú Nông. Đây là một con sông nhánh, nối liền giữa 2 con sông lớn của miền Bắc, đó là sông Hồng và sông Thái Bình...

Nói qua về ngôi nhà của Lan. Nhà nằm ở gần bến sông Luộc, giáp danh với địa phận tỉnh Thái Bình, chỉ cách mỗi một bờ sông... Đứng từ cổng nhà Lan, phóng hết tầm mắt về phía xa xa, băng qua con sông là một cánh đồng lúa chín vàng, cò bay thẳng cánh, trải dài tít tắp cho tới mãi tận chân trời của quê hương chị Hai năm tấn. Cũng giống như biết bao những miền quê ở cạnh các dòng sông khác. Sông của quê nhà Lan cũng có bãi bồi, có đường đê, có kè đá... có những con thuyền đánh cá, những xà lan hút cát, chở hàng, giao thông đường thuỷ qua lại tấp nập rộn rã tối ngày... và cũng có cả những câu truyện li kì, những câu truyện truyền miệng, truyện ma. Về những con thuỷ quái, những con ma da, ma nước.... tồn tại ở bên dưới lòng sông được người ta kể đi kể lại , truyền tai cho nhau nghe từ thế hệ này nối tiếp sang thế hệ kia....

Tuy nhiên thì đặc biệt ở chỗ. Ở quê nhà của Lan không chỉ có vậy. Ở vùng sông quê này, ngoài những câu truyện linh dị, ma mị kia ra thì còn tồn tại cả những câu truyện tâm linh, những câu truyện li kì khác. Những câu truyện đó kể về một vị thần sông, một vị thánh được thờ phụng trong tín ngưỡng, văn hoá của đạo mẫu tứ phủ. Đây là một vị thánh bảo hộ cho vùng sông nước nơi ngã ba sông Luộc giao thoa với con sông Tranh đầy huyền bí và lịch sử.

Cách cánh cổng sắt nhà Lan khoảng vài trăm mét về phía bên tay phải, hướng ra bờ sông Luộc có một ngôi đền nhỏ cũ kĩ, nằm liêu xiêu gần bên mép nước ngày đêm sóng vỗ ì oạp. Ngôi đền nhỏ này trước đây vốn là một cái miếu thờ, được xây dựng từ thời nhà Trần, thờ phụng một vị thuỷ thần cai quản cả một vùng ngã ba sông.... Sau này đến mãi những năm đầu của thế kỉ 20 (Khoảng năm 1935) , thời kì thực dân Pháp. Ngôi đền bị xuống cấp nghiêm trọng, bờ sông sạt lở nặng cho nên người ta xây dựng một ngôi đền mới, di dời ban thờ tự vị thần sông vào sâu phía trong khu vực làng Tranh Xuyên . Ngày nay là Thị Trấn Ninh Giang của Huyện Ninh Giang, cách bờ sông và ngôi đền cũ khoảng chừng 3km. Ngôi đền mới ở bên trong thị trấn đó bây giờ tên là đền Tranh. Còn vị thần sông được thờ phụng ở bên trong ngôi đền đó không ai khác ,chính là Quan Lớn Tuần Tranh, một trong Ngũ Vị Tôn Ông nổi tiếng của tứ phủ. Đây cũng là một địa điểm vang danh khắp xa gần trong hệ thống đền phủ, miếu mạo của đạo mẫu mà người dân ở tứ xứ thập phương ai ai cũng đều biết đến để mà hành hương tìm về.... Tuy nhiên thì ngôi đền cổ được xây dựng từ thời phong kiến nằm bên mép sông gần nhà của Lan vẫn còn ở đó. Chỉ có một số ít những người khách phương xa hoặc phải là những người có gốc gác ở trong vùng thì mới biết tới điều này. Ngôi đền cổ nhỏ đó tuy cũ kĩ , nhưng vẫn thường xuyên có người lui tới ra vào để mà cúng bái, lễ lạt, thờ phụng. Mặc dù lượng người tới đền không đông bằng đền chính hiện tại nằm ở trong thị trấn Ninh Giang.... ấy thế nhưng mà mặc dù cho thời gian di dời đền đã trôi qua được cả trăm năm rồi thì hương hoả ở bên trong ngôi đền cổ vẫn chưa bao giờ nguội lạnh... người dân sinh sống quanh ở khu vực bờ sông vẫn luôn tôn kính, coi ngôi đền này mới thực sự là nơi linh thiêng nhất để mà thờ phụng Quan Lớn Tuần Tranh... Ở xung quanh ngôi đền này, đã từng xảy ra không biết bao nhiêu là những chuyện tâm linh, linh thiêng, khó hiểu... phải nói là không ai có thể giải thích nổi... và câu chuyện xảy ra với Lan ngay sau đây tôi muốn kể, cũng là một trong những câu chuyện kì lạ , mang đầy mầu sắc tâm linh, huyền bí và khó hiểu ấy....

Năm đó đang là độ cuối năm 2008...cái Lan khi ấy còn đang là một cô bé học sinh lớp 10, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Nhà của nó có hai anh em, người anh trai thì đang là sinh viên theo học tại học viện báo chí ở trên Hà Nội. Cái Lan ở nhà vừa đi học, vừa phụ giúp bố mẹ, ông bà nội làm đồng, chăn thả con trâu, con bò và chăm sóc một cụ bà là mẹ của ông nội nó năm ấy cũng đã gần ngót 100 tuổi... tất thảy gia đình có 7 thành viên.

Dạo ấy đang là gần tết âm lịch , một đợt gió mùa đông bắc mạnh tràn về các tỉnh miền Bắc làm cho thời tiết bỗng dưng thay đổi đột ngột. Cụ bà nhà cái Lan sau một lần cảm gió, ốm đến thập tử nhất sinh thì sức khoẻ cũng theo đó mà suy yếu đi rõ rệt. Tuổi già thì như chuối chín cây, gió lay là rụng chứ còn biết phải làm sao?? Sinh mệnh của cụ bấy giờ cũng giống như một ngọn đèn cạn dầu đung đưa trước gió. Chỉ còn le lói, yếu ớt và đã suy kiệt lắm rồi.

Một buổi chiều nọ .. cái Lan đang ngồi thơ thẩn nhặt rau ở trên hiên nhà , chuẩn bị nấu bữa cơm tối cho cả gia đình. Cụ bà nhà nó như thường lệ vẫn hay ngồi ở trên chiếc xe lăn trước cửa buồng hông của ngôi nhà ngói ba gian nhìn nó lặng im.... Đã khá lâu rồi cụ bà không có nói năng gì, chẳng biết cụ có còn minh mẫn nữa hay không. Ai hỏi gì thì cụ cũng chỉ có gật với lắc. Đến giờ ăn thì con cháu thay nhau bón cơm cho cụ ăn, ăn xong thì đặt cụ lên giường trong buồng cho cụ nằm ngủ, ngủ dậy thì cụ lại chỉ tay ra phía bên ngoài cửa buồng. Ý là đẩy cụ ra ngoài hiên cửa ngồi, cho cụ ngắm trời, ngắm đất, ngắm mây... ngắm dòng sông Luộc quê hương của cụ từ xa yên bình, lững lờ chảy....

Hai cụ cháu đang ở trên hiên , hôm nay thì ông bà nội và bố mẹ của cái Lan đã đi công việc ở xa hết, có lẽ phải tối mới về tới nhà .... Cái Lan đang lúi hú vặt mấy ngọn rau cải cúc để tí nữa nấu canh. Có tiếng xe máy xình xịch đi từ phía bên ngoài cổng rẽ vào bên trong sân làm nó dừng tay lại

“Ôi dồi ôi.... con chào bà... vợ chồng con về thăm bà đây... ơ.. cái Lan... có mỗi hai cụ cháu ở nhà đấy hả...?”

Cái Lan ngẩng đầu lên nhìn. Giọng nói đó là cô Hiền , cháu nội của cụ bà nhà cái Lan. Cô Hiền là em họ của ông Luân, bố đẻ nó.... Bố của cô Hiền và ông Lương (ông nội của cái Lan) là hai anh em ruột..... Cái Lan nhìn thấy vợ chồng cô thì vui mừng khôn xiết. Cô Hiền lấy chồng ở xa, hôm nay trong chi họ bên nhà mẹ của cô có công việc cho nên cô mới về quê để mà cúng giỗ.

“Cháu chào cô ạ, cô về chơi...”

Cái Lan vui mừng chào lại rồi nhanh nhảu chạy vào trong nhà pha nước để rót mời vợ chồng cô chú. Cô Hiền tay cầm túi hoa quả đường sữa, cô bước lên trên bậc tam cấp nhìn bà nội của mình đang ngồi thẫn thờ, đôi mắt đục ngầu. Ánh mắt cụ xa xa nhìn về phía bờ sông trong cơn gió lạnh hiu hiu thổi của ngày cuối đông mà trong lòng cô không khỏi xót xa. Cô tiến lại nắm tay cụ nói

“Cụ ơi... cụ... con về rồi đây... con về thăm cụ đây...”

Cụ Bà nét mặt nhợt nhạt, đôi tai của cụ bây giờ đã nặng lắm rồi chẳng biết có nghe được những lời cô Hiền nói hay không. Cụ bà đang ngồi lặng lẽ, cụ đưa đôi tay yếu ớt run rẩy của mình lên sờ khuôn mặt đứa cháu gái mà bỗng nhiên thều thào. Cụ nói mà như sắp khóc

“Chúng mày... cái Hiền về thăm bà đấy à... khè... khè... chúng mày có biết... là cụ nhớ con nhớ cháu lắm hay không.... nốt tuần này thôi... nốt tuần này thôi là lần sau chúng mày về không còn thấy cụ ngồi ở nhà được nữa rồi....”

Cụ bà vừa nói vừa thở hắt ra khò khè yếu ớt. Vợ chồng cô Hiền phải khó khăn lắm mới lắng tai nghe câu được câu chăng. Cái Lan xách bưng ấm nước chè từ trong nhà đi ra ngoài cửa, trông thấy cô Hiền đang đứng nắm tay cụ mếu máo

“Dạ dạ... sao cụ lại nói thế... không thấy cụ ở đây nữa thì cụ đi đâu.? Cụ còn ở đây, ở nhà với con với cháu.. cụ ở nhà để tết này con cháu về còn mừng tuổi cụ nữa chứ, một lũ cháu chắt, chút chít ở xa còn đang chưa được về thăm cụ kia kìa.. bà nội của con khoẻ lắm, minh mẫn lắm ... bà nhỉ...”

Cụ bà khẽ lắc đầu thở dài. Có lẽ cô Hiền đã hiểu ra hàm ý trong câu nói của cụ cho nên mới vội vã tránh điềm gở mà lên tiếng động viên. Thần sắc của cụ bây giờ đã kém lắm, việc cụ ở lại với con cháu được thêm ngày nào, âu có lẽ cũng là nhờ cái phúc phần của cụ, của tổ tiên dòng họ ban cho được thêm ngày đó mà thôi. Cô Hiền nói chuyện với cụ bà mà mếu máo, khóc nức khóc nở. Đã lâu rồi cô không có về thăm cụ, bây giờ về đến quê ... trông thấy cụ đã gần đất xa trời như thế này rồi thì trong lòng không khỏi nhói đau. Cái Lan rót nước chè ra mời, nó ngồi ở bên cạnh nặn chân nặn tay cho cụ mà trả lời nói chuyện thay cụ với vợ chồng cô Hiền. Cụ chẳng nói được thêm điều gì cả, chỉ lắc với gật, mọi chuyện đều nhờ qua cái Lan hết. Được thêm một lúc lâu thì cụ bà giật giật tay của nó kéo vào phía bên trong buồng ra hiệu. Cái Lan đang nói chuyện thì hiểu ý cụ ngay, nó đẩy cái xe lăn đưa cụ vào bên trong , đặt cụ lên trên giường đắp chăn lại rồi nói với cô Hiền

“Cụ mệt rồi cô ạ. Lâu lắm rồi mới lại thấy cụ nói. Chắc là cô về quê, cụ mừng quá lên mới nói đấy thôi...”

Cô Hiền thở dài gật đầu, vợ chồng cô nhìn cụ thêm một hồi lâu rồi đi ra ngoài gian chính thắp hương lên trên bàn thờ tổ tiên rồi cũng xin phép ra về. Bởi vì nhà cô ở xa , bấy giờ cũng đã chiều muộn cho nên phải nhanh chóng ra về kẻo trời chẳng mấy mà tối mịt mất. Cái Lan tiễn vợ chồng cô ra bên ngoài cổng. Nó đưa mắt nhìn về phía xa xa, nơi dòng sông đang chảy lừ đừ và cánh đồng bát ngát ở phía bên kia mà trong lòng không khỏi nặng trĩu. Từ trong thâm tâm của nó, mặc dù chẳng bao giờ nó dám nói ra, hay dù chỉ là một ý nghĩ nhỏ thôi nó cũng chẳng dám nghĩ .... thì nó cũng hiểu được ra một điều... đó là ngày cụ bà rời xa gia đình nó đã không còn xa nữa rồi....

Cái Lan đứng thơ thẩn một lúc thì đóng cổng lại quay vào trong bếp tiếp tục nấu cơm. Lúc ông bà và bố mẹ nó trở về nhà thì cũng đã hơn 6 giờ. Cái Lan sửa soạn mâm cơm, kể rằng hôm nay có vợ chồng cô Hiền tới chơi rồi bưng một bát cơm vào trong buồng để mà bón cho cụ. Lúc nó đỡ cụ ngồi dậy, dựa lưng vào thành giường, bỗng dưng cụ bà chỉ tay vào cái xe lăn rồi lại chỉ ra phía ngoài cửa buồng. Ngỏ ý muốn ra bên ngoài hiên m. Cái Lan lắc đầu, nó vừa đưa cái thìa cơm lên nịnh cụ ăn mà vừa nói

“Cụ ơi... trời tối rồi... ra ngoài lạnh lắm. Cụ ăn ở trong này rồi nằm ngủ đi cho khoẻ. Ngày mai trời sáng con sẽ lại đưa cụ ra ngồi ngắm sông cụ nhé...”

Cái Lan vừa nói vừa đưa thìa cơm lên bón cho cụ nội ăn. Cụ bà lắc đầu, cụ cứ chỉ ra bên ngoài cửa buồng tỏ ý phải đưa cụ ra bên ngoài đó. Cái Lan nịnh cụ một lúc mà không có kết quả, nó cất tiếng gọi ông nội

“Ông ơi... cụ muốn ra hiên ngồi...”

Ông Lương, con trai của cụ, ông nội của con bé Lan đang bắt đầu ngồi vào mâm cơm, nghe thấy đứa cháu gái gọi thì lật đật chạy vào bên trong buồng. Ông Lương cầm lấy cái thìa cơm từ tay nó, ông lên tiếng nịnh cụ đưa thìa bón mà nói

“Mẹ ơi... tối rồi.. mẹ ở trong này cho khoẻ.. ra ngoài sương xuống độc lắm...”

Ông Lương năm nay cũng đã ngoài 70, ông tuy tuổi cũng khá cao nhưng mà vẫn còn khoẻ mạnh lắm. Ở trước mặt cụ thì ông vẫn luôn là một người con trai hiếu thảo, lễ phép, mặc cho ở trong dòng họ bây giờ họ ông cũng đã lên tới chức cụ. Ông Lương đưa thìa cơm lên bón thì cụ bà mím môi lại, cụ gạt gạt tay tỏ ý không ăn. Cụ chỉ tay ra bên ngoài cửa buồng rồi thều thào

“Đưa... đi ra ngoài...”

Ông Lương nghe vậy thì đặt cái thìa cơm xuống bát, thôi thì đành phải nghe theo lời của cụ vậy. Mẹ ông đã già yếu lắm rồi, bây giờ mà không chiều theo ý cụ. Ngộ nhỡ cụ khó chịu, cụ tăng xông, cụ xảy ra chuyện gì thì ai mà gánh vác tội này cho nổi. Ông đưa cái bát cơm cho cái Lan rồi đỡ cụ ngồi lên chiếc xe lăn. Ông quàng khăn, đội mũ len cho mẹ mình rồi từ từ mở cửa buồng, đẩy cụ ra bên ngoài hiên nhà. Bầu trời bên ngoài lúc này đã tối mịt, mặc dù mới có gần 7 giờ thôi nhưng mà đã chẳng còn nhìn thấy rõ được khung cảnh gì hết. Từng cơn gió phía ngoài bờ sông thổi vào vi vu, lạnh đến tê tái... ông Lương đưa cụ ra bên ngoài rồi ghé tai nói lớn...

“Mẹ ơi... được rồi... đi vào nhà nhá...”

Cụ bà lắc đầu, cụ đưa tay lên giật giật tay cái Lan tỏ ý bón cơm cho cụ ăn. Cái Lan hiểu ý ngồi xuống bên cạnh, nó xúc một thìa cơm đưa lên miệng cụ thì cụ tự nhuên lại mím chặt môi lại. Cụ lắc lắc đầu rồi run rẩy đưa bàn tay gầy guộc của mình lên cố gắng nắm lấy cái thìa. Cái Lan cau mày. Nó nói

“Cụ... để con bón cho cụ...”

Cụ bà cứ lắc đầu nguầy nguậy. Cụ cố gắng cầm lấy cái thìa cơm từ trên tay cai Lan rồi một tay kia chỉ chỉ ra phía ngoài sân nhà tối om. Ông Lương nhìn cụ khó hiểu, ông bảo cái Lan đưa thìa cho cụ , có lẽ cụ muốn tự ăn rồi lặng yên dõi theo. Cụ Bà cầm được cái thìa cơm, cụ run rẩy nhìn ra bên ngoài sân rồi bỗng dưng hất nhẹ... thìa cơm vãi ra, tung toé mấy hạt lăn tăn xuống dưới bậc sân nhà... cái Lan thấy vậy khẽ giật mình lên tiếng

“Kìa cụ...cụ ơi.. con có điều gì không phải với cụ.. con nấu cơm không vừa ý hay có gì cụ cứ mắng cứ chửi con... cụ hất cơm con nấu đi như thế... con ... con xin lỗi cụ... cụ ơi...”

Cái Lan hốt hoảng ngồi bệt xuống mà nắm lấy tay cụ bà. Cụ Bà rẩy thìa cơm kia xuống đất rồi nhìn nó lắc đầu. Trông cụ không có vẻ gì là đang trách mắng nó. Cụ đưa bàn tay kia vịn bát cơm nó đang cầm thấp xuống rồi một tay cầm thìa lại cố gắng xúc một thìa nữa, rẩy ra bên ngoài sân... cái Lan tự dưng khóc lớn, mặt nó xanh lét như tàu lá mà nghĩ rằng cụ giận mình nên hất cơm bỏ đi.... cụ Bà không tỏ thái độ gì cả, cụ cứ rẩy rồi lại xúc... xúc rồi lại rẩy... từng thìa .... từng thìa. Những hạt cơm và thức ăn rơi vãi tung toé xuống dưới thềm nhà và mặt sân gạch đỏ sẫm. Bà nội cái Lan cùng với bố mẹ nó đang ở trong nhà, nghe thấy có chuyện xảy ra ở bên ngoài thì vội chạy ra xem. Trông thấy cảnh con bé Lan ngồi khóc nức nở, cụ bà thì đang hất cơm ra sân ai nấy đều nhìn nhau tái mặt khó hiểu. Cụ Bà luôn tay rẩy cơm thêm một lúc nữa cho hết cả cái bát thì buông thìa xuống khẽ gật đầu. Ai hỏi gì cụ cũng không nói. Ông Lương con trai của cụ nãy giờ đứng lặng yên, ông bảo cái Lan đẩy cụ vào trong buồng, đơm cho cụ bát cơm khác rồi nói

“Cụ không giận gì đâu... đừng lo..”

Cả nhà nhìn nhau... ông Luân bố của cái Lan vội lên tiếng

“Thế này là sao hả bố?”

Ông Lương nhìn ra sân nhà, có một luồng hơi lạnh bất ngờ truyền đến làm cho ông khẽ rùng mình. Ông đáp

“Cụ cho ma đói ăn..!”

Bà Thoa, vợ ông Lương (bà nội của cái Lan) lắp bắp

“Sao lại cho... cho ma đói ăn..?”

Ông Lương khẽ gật đầu không nói thêm điều gì gì rồi theo cái Lan đi thẳng vào bên trong buồng.... Cái Lan đơm một bát cơm khác, nó ngồi bón cho cụ bà ăn theo lời ông nội thì lần này quả nhiên cụ ăn một mạch bằng hết. Mọi khi cụ chỉ ăn được vài thìa thôi, ấy thế nhưng mà bây giờ cụ ăn được hết cả một bát cơm đầy. Cái Lan mừng lắm, nó đi ra khỏi buồng hí hửng khoe với cả nhà vì hôm nay cụ ăn khoẻ thì ông nội nó không đáp lời. Ông Lương bỏ dở bữa cơm đi ra bên ngoài sân cửa, ông nhìn đống cơm cụ bà hất ra còn vương vãi ở trên mặt đất rồi ngẩng mặt nhìn lên trên bầu trời tối đen... ở trên cao... có một ngôi sao lẻ loi từ phía đằng xa khẽ nhấp nháy, lay động... trông ánh sáng của nó yếu ớt như muốn vụt tắt , chìm sâu vào trong mảng trời đêm mịt mù mênh mông... ông Lương cố nén một tiếng thở dài... đâu đó từ phía ngoài sông , có tiếng sóng vỗ vào bờ to nhỏ đều đặn vang lên...ì oạp...ì oạp... khẽ vọng về phía của ngôi nhà nhỏ

 
0
0 sao / 0 đánh giá
5 sao - 0 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 0 SAO trên tổng số 0 đánh giá
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Tags: Ghế Cô
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Gia sư Lazi Gia sư
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo