Đốm nắng cuối cùng - Truyện ngắn của Vũ Ngọc Giao
Tzu | Chat Online | |
11/05/2022 11:07:49 | |
Truyện ngắn | Truyện Sưu tầm | Truyện cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
- * Ghế Cô (Truyện ma - Truyện kinh dị)
- * Xin đừng làm mẹ khóc (Truyện ngụ ngôn)
- * NHẤT NIỆM VĨNH HẰNG CHAP4 (Truyện tiên hiệp)
- * Căn nhà đất (Truyện ma - Truyện kinh dị)
Anh ngoái lại nhìn Tím lần nữa, bên cánh cổng gỗ tróc sơn loang màu cỏ úa mắt cô vẫn đăm đắm dõi theo anh đến cuối con dốc.
“Anh sẽ trở lại chứ?”, tiếng cô chấp chới lẫn vào tiếng gió ràn rạt thổi qua con đường đất cuốn tung bụi mù. “Ừ, sẽ trở lại!” - anh hét to, vội vàng đi như chạy, tay quệt giọt nước vừa ứa ra bên khóe mắt. Sau lưng anh đốm nắng cuối cùng của buổi chiều còn sót lại rượt đuổi nhau trên đám cây ngải bên đường, loang ra rồi biến mất.
* * *
Tiếng lập cập của cánh cổng mở ra cùng tiếng sủa ăng ẳng của con Cốm dưới sân, anh ra ban công nhìn xuống vườn. Trên lối đi vào một cô gái còn khá trẻ, gương mặt lạ hoắc đứng bên giàn thiên lý, chiếc váy hoa xòe rộng rực lên trong nắng chiều, chiếc mũ rộng vành gắn chùm hoa cỏ trên mái tóc đen dài thắt bím. Thoạt nhìn trông như cô gái digan đang nghỉ mệt sau một hồi chạy nhảy ngoài đồng cỏ. Anh ngẩn người nhìn, dưới sân con Cốm cũng thôi sủa, quẩn quanh bên chân cô gái khịt mũi đánh hơi vẻ thăm dò. Cô cúi xuống xoa đầu nó, hai ngón tay búng tanh tách, Cốm thích thú ve vẩy đuôi tít mù như đã quen nhau từ lâu lắm rồi.
Ông cụ cắt cỏ vườn đi ra sập cánh cổng, quay vào hỏi giọng cáu bẳn: “Cô ngồi tạm đây, có việc gì để tôi còn vào nói với chủ nhà?”. “Cháu đã nói cháu cần gặp chủ nhà mà!”, cô gái ngước nhìn ông, vẻ mặt bướng bỉnh. “Thế cô tên gì, để tôi vào còn bảo?”. “Oải Hương ạ!”. “Tên với chả tuổi!” - ông cụ quay đi còn lẩm bẩm vẻ bực bội. Đứng trên này nghe đoạn đối thoại giữa ông cụ và cô gái, anh bật cười quay vào khoác chiếc áo, ra đến cửa đã thấy ông cụ hồng hộc đi lên. “Vâng, cháu xuống đây!”, không đợi ông lên tiếng, anh đã nhanh nhẹn xuống sân. Ngoài vườn chiếc ghế trống trơn, cô gái đã đến bên hồ cá từ lúc nào, đôi chân trần thõng xuống dầm trong nước, chốc chốc cô đập hai bàn chân vào mặt hồ làm nước bắn lên tung tóe. Anh khựng lại, bất ngờ trước hình ảnh này, một vị khách không mời lần đầu đến nhà người ta mà thật quá ư tự tiện, chân thõng cả xuống lòng hồ mới hôm qua anh vừa dọn dẹp. Cô gái tỏ ra chẳng quan tâm gì đến xung quanh, mặt ngửa lên cao, mắt lim dim như đang tận hưởng cái điều thích thú lần đầu mới gặp.
Ông cụ cắt cỏ đi tới, vẫn gương mặt cắm cảu: “Này cô! Cô xin vào gặp chủ nhà, mà chủ nhà thì đang đợi cô ở kia!”, cụ chỉ tay về phía anh. Cô gái sực tỉnh, rút vội chân ra khỏi hồ đứng lên: “Chào anh! Anh là chủ nhà phải không ạ?”. “Không, là bố mẹ tôi nhưng ông bà đi vắng cả rồi”, anh tỏ ra khó chịu. “Không sao! Vậy lúc này anh đang là chủ nhà”, cô gái nghiêng đầu duyên dáng, bím tóc lúc lắc trên vai. Trong một thoáng, anh nghe nỗi bực bội nhè nhẹ tan ra trong đôi mắt mở to khẽ chớp. Anh chỉ chiếc ghế mây đối diện: “Cô ngồi đi!”. Cô gái ngồi nghiêm ngắn, hai bàn tay đan vào nhau yên lặng, hình ảnh thật ngoan hiền ngược hẳn lúc cô thõng chân đập vào mặt hồ. “Xin lỗi cô tên gì?”, anh hỏi khi cô lơ đãng nhìn những cánh mộc lan lả tả trong vườn. “Oải Hương ạ, nhưng anh cứ gọi là Tím cho tiện”. “Tím?”. “Vâng, là màu oải hương ạ!”. “Thì ra vậy!”, anh bật cười, lắc đầu. Cô gái yên lặng, tỏ ra chẳng mấy quan tâm đến kiểu cười nhạo của anh, đôi bàn tay nổi những đường gân mờ nhạt đan vào nhau, vài sợi tóc lòa xòa rũ xuống bên cái gáy hõm một rãnh sâu. Anh chợt nhận ra ở cô vẻ mong manh đến đáng thương. “Tôi có thể giúp được gì, Tím cứ nói?”. Yên lặng. Chỉ nghe tiếng nước róc rách trong hồ, tiếng con Cốm ăng ẳng cào cánh cổng sắt. Cô gái ngồi bất động, ánh mắt mông lung dõi ra xa.
“Là tôi muốn…”, cô ngắc ngứ “thỉnh thoảng được vào đây ngồi dưới cội mộc lan kia, được dầm chân trong hồ cá kia, được nằm trên bãi cỏ kia…”, cô ngước nhìn anh, không giấu được vẻ e ngại. “Là sao? Tôi chưa hiểu?”. Yên lặng hồi lâu, đôi vai cô khẽ rung lên. “Hãy cho tôi biết tại sao cô muốn như vậy?”, anh chăm chú nhìn cô. Đôi tay cô bấu chặt vào thành ghế run rẩy, anh hốt hoảng không hiểu đã nói gì khiến cô phải tổn thương đến thế. Bất ngờ cô đứng lên vụt chạy ra cổng, anh còn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, bóng cô đã khuất sau ngã rẽ cuối đường.
* * *
Thật ra chưa bao giờ anh thôi nghĩ về Tím kể từ buổi chiều nhìn thấy cô đứng bên giàn thiên lý. Bao nhiêu năm anh vẫn đợi những buổi chiều như thế, cô xuất hiện bất ngờ dưới sân, cái dáng gầy gò mong manh, đôi tay vốc nước hồ rải lên những cọng cỏ lá gừng. Anh đã đợi bao nhiêu chiều như thế…
Mưa đầu mùa sầm sập đổ xuống sau một cơn lanh lảnh nắng. Nước từ ngoài ngõ len vào men theo lối đi thành dòng. Anh khép cánh cửa ngả lưng xuống sofa, với tay ấn nút chiếc máy ở góc phòng. Đêm qua anh thức trắng để hoàn thiện bản vẽ thiết kế. Tiếng piano dạo đầu một giai điệu thật buồn, bản Mysterious Forest lẫn vào những giọt mưa tí tách rơi xuống mái hiên nghe như những gót chân trần bước thật khẽ về giữa vườn khuya. Hình như anh đã nghe những bước chân này ở góc một cánh rừng trụi lá, bên một con suối nhỏ… Ngoài cửa tiếng chuông ding dong, anh uể oải ngồi dậy nhìn xuống đường. Sau cánh cổng song sắt bóng một người co ro trong tấm áo mưa. Anh quơ vội chùm chìa khóa xuống nhà. Sau tiếng then cài loảng xoảng, gương mặt trắng xanh hiện ra trong tấm áo mưa. “Em vào có tiện không?”. “Là Tím sao?”. “Vâng!”. Anh lẹ làng dắt xe cho cô. Vào đến hiên anh giúp cô treo áo mưa lên móc, chỉ tấm thảm: “Tím lau chân cho đỡ lạnh!”.
Cô đón ly trà từ tay anh, mắt vơ vất nhìn quanh: “Bố mẹ anh lại đi vắng à?”. “Ừ, hai cụ sang thăm chị gái tôi ở Đức, cuối năm mới về”. Cô ngồi yên, mắt đăm đắm nhìn ra ô cửa, đột ngột cô quay sang hỏi giọng tiếc rẻ: “Giàn hồng leo bên cửa sổ sao anh phá nó đi?”. “Tại mấy tháng nay nó cứ lụi dần, vừa ra nụ chưa kịp nở đã héo, tôi phá đi mai kia trồng vào đấy giàn sử quân tử”, nói đến đây anh sực nhớ: “Ơ… mà sao cô biết bên cửa sổ phòng tôi có giàn hồng leo?”. Tỏ ra chẳng bận tâm đến câu hỏi của anh, cô nhón chân đến bên cửa sổ ngước nhìn lên: “Ổ tò vò trên này anh cũng phá luôn sao?”, nói rồi cô cúi mặt thẫn thờ: “Tò vò giờ ở đâu… nhà mất rồi”. Loáng thoáng nghe tiếng được tiếng mất, anh hỏi: “Thế cô là ai? Sao đến cái tổ tò vò trong phòng của tôi cô cũng biết?”. “Em là Tím, và đây cũng là căn phòng của em!”, cô gái nhìn vào mắt anh chậm rãi trả lời rồi yên lặng nhìn những giọt mưa lộp bộp rơi trên bậu cửa. Anh ngơ ngác một lúc mới hiểu ra: “Vậy mà Tím không nói với tôi từ đầu”.
Chiều chủ nhật. Anh ngồi trong vườn, bên ly cà phê đã cạn. Tím dầm chân trong hồ nước, tiếng cô rì rầm: “Khu vườn này gắn với tuổi thơ em, ngày gia đình dọn về đây em lên sáu tuổi, em trai mới lên ba”. “Em cứ về thăm khi nào nhớ”, anh nhìn vào đôi mắt nâu tĩnh lặng của cô. Từ bao giờ anh bị mê hoặc bởi giọng nói, cả cái cách cô tư lự nhìn ra ngoài ô cửa. Chông chênh. Ma mị. “Ngồi đây em nghe ký ức dội về, như tiếng thở của sông, tiếng gió của vườn khuya. Mọi thứ cứ dậy lên mùi hương xưa cũ, những ngày gia đình em còn quây quần bên nhau”, giọng cô chầm chậm, mắt cô trôi theo dòng nước. Bao nhiêu năm anh vẫn nhớ câu nói đó, tiếng cô thoảng như gió với vẻ mặt buồn rượi da diết khói sương. “Công việc của bố, mẹ không hay biết gì sao?”. Cô lắc đầu: “Mẹ là người đàn bà cổ xưa, chỉ biết tôn thờ chồng và quẩn quanh trong nhà giặt giũ khâu vá, cho đến ngày bố bị tù tội”, lời cô dịu dàng nhưng anh nghe váng vất nỗi xót xa. Kể đến đây, lặng lẽ gục xuống bàn. Cô khóc.
Năm ấy cô ra đi. Anh không biết cô đã ra đi như thế nào. Bên ô cửa này anh âm thầm đợi cô. Những buổi chiều cứ đăng đẳng dài ra cho đến khi đêm sập xuống, chốc chốc anh ngóng ra đợi tiếng ăng ẳng của con Cốm, đợi cái dáng gầy gò mong manh xuất hiện. Cô không đến, từ bao giờ cô lặng lẽ rời thành phố này không một lời từ biệt.
Anh chúi mũi vào bản vẽ. Ngoài kia tiếng chuông cửa ding dong. Trong chiếc váy trắng rộng thênh trông cô gầy đi, vài sợi tóc mai lòa xòa phủ xuống vành tai phất phơ. Anh ngây người nhìn. Cô đẹp quá, vẻ đẹp kín đáo và gợi cảm. Cô vào nhà, đến bên bậu cửa miên man nhìn ra vườn. Anh mang cho cô ly nước cam, cô giật mình quay lại đón lấy, ánh mắt dại đi. “Em sao vậy?”. “Em không biết, tự dưng chỉ thấy buồn muốn khóc”. Chợt cô quay sang anh giọng ráo hoảnh: “Trong nhà em nhớ nhất góc này, em thường ngồi đợi bố về, vừa được ngửi mùi hoa móng rồng từ vườn sau đưa tới”. “Anh sẽ giữ mãi bụi móng rồng cho em”, anh cười, đuôi mắt nheo lại. “Ngày em tròn mười lăm tuổi, bố tặng em sợi dây chuyền mặt hình quả quít, mở nắp ra bên trong là bức hình ngày em tròn năm tuổi”. “Sao em không đeo nó?”. “Em đeo từ ngày đó, rồi một lần chạy nhảy trong vườn em sờ lên cổ thấy trống, không biết em đã đánh rơi nó ở đâu”. Cô đứng lên kéo tay anh: “Vào nhà kho cùng em đi, em muốn tìm những bức tranh ngày cũ, em vẽ nó lâu rồi, lúc chuyển nhà chẳng kịp mang theo”.
Trong khi anh loay hoay phủi bụi bám trên những bức tranh sơn dầu được cuộn tròn cẩn thận để trong góc nhà kho, cô lại rì rầm: “Cái kho này hồi còn nhỏ em thường chui vào đây chơi trốn tìm, có lần em chui vào rồi ngủ quên, báo hại bố mẹ đi tìm”, cô khúc khích cười. Ôm mớ tranh phủ đầy bụi, anh và cô ra khỏi nhà kho. Nhìn mặt mũi cô lấm lem anh phì cười: “Trông em như con mèo mới đi ăn vụng về”.
Chiếc máy đĩa ở góc phòng ngân lên một giai điệu du dương, bản Mysterious Forest. Đột nhiên cô yên lặng, mắt chấp chới ra hiên. Anh chơi vơi trong tiếng nhạc day dứt và sự im lặng đến khó hiểu của cô. Anh chợt nhận ra, sự im lặng của cô đã cứu anh, vào những lúc anh thấy mình như đang rơi nhè nhẹ. “Em về đây! Tạm biệt anh!”, cô nhìn vào mắt anh cho đến khi cánh cổng khép lại. Anh quay vào hoàn thiện nốt bản vẽ. Bao nhiêu năm sau anh vẫn giận mình đã bỏ rơi buổi chiều hôm đó. Cô đến để chào anh, rồi cùng mẹ và em trai dọn đến một miền đất khác, họ không thể trụ lại ở cái thành phố đắt đỏ này.
* * *
Đêm dăng dài ngoài cửa, anh nắm chặt sợi dây chuyền, chốc chốc xòe bàn tay ngắm gương mặt xinh như thiên thần, cô bé năm tuổi ngày đó có nụ cười và ánh mắt trong veo. Mỗi khi nhớ cô đến quặn thắt, anh lại lấy sợi dây chuyền ra ngắm nghía. Anh đếm thời gian trôi, hơn mười năm cô rời thành phố, chừng đó thời gian anh tìm kiếm, chờ đợi cô đến mỏi mòn. Cô trôi tuột khỏi đời anh không một vết tích nhưng lại khiến anh đau đến quặn thắt. Những giấc mơ chợt về trong đêm cũng mang bóng dáng cô buồn rượi. Ba năm kể từ ngày cô lặng lẽ rời đi, anh dọn dẹp căn nhà kho bụi bặm, lúc gom rác đổ đi anh chợt nhìn thấy sợi dây chuyền lấp lánh giữa đống đồ cũ. Anh run run cầm lên mở ra, là gương mặt và nụ cười ngày xưa của cô, nỗi nhớ lại ùa về đến nghẹt thở. Những chuyến công tác của anh cứ dài ra, xong việc anh lại lang thang về những miền quê heo hút tìm cô.
Vài tiếng gà nhói lên xa xa, bên cái bàu nước âm u mấy bông lục bình lơ phơ trôi, con đường đất đỏ sẫm lại dưới cái nắng hanh hao. Một cụ bà ngồi bên vệ đường vun lá khô lại thành đống, châm lửa đốt, ngước đôi mắt mờ đục: “Ba mẹ con từ thành phố lên đây a? Để tôi nhớ xem”, cụ nhíu mày: “Hình như tôi có gặp họ một lần cũng khá lâu rồi”. “Cụ cố nhớ lại xem!”. Bà cụ dừng tay vun lá: “Giờ anh đi đến cuối con đường này sẽ gặp lán trại của công nhân cạo mủ cao su, anh hỏi thăm xem sao. Tôi nhớ bà mẹ có cô con gái xinh đẹp”. Anh cảm ơn bà cụ, vội vàng rảo bước trên con đường đất đỏ bụi mù.
Đến trước cánh cổng gỗ khép hờ bằng sợi xích khóa bị che rợp bởi giàn hoa ti gôn hồng rực, gọi không có tiếng trả lời, anh đẩy cánh cổng. Tiếng lập cập mở ra, theo sau là tiếng võng kèn kẹt, tiếng ru hời buồn bã cất lên. Trên cái sân gạch đầy rêu những bông nắng lưa thưa, vườn sau vài cây vú sữa lơ thơ lá, trái chín rụng đầy, bên nhà một vạt đất trũng sâu ngoi lên toàn cỏ dại. Anh lặng nhìn căn nhà đầy những vệt vôi tróc loang lổ. Có tiếng chân đi ra. Thiếu phụ xuất hiện. Trong chiếc áo hoa màu tím nhạt, mái tóc vấn cao, anh vẫn nhận ra vóc dáng quen thuộc ngày nào. Bờ vai gầy run lên, cô đưa tay ôm mặt nghẹn ngào. Bao nhiêu câu hỏi đợi đến hôm nay biến đâu hết cả.
Nghe cô kể, anh hình dung ra quãng thời gian cô rời xa thành phố, lên nơi này lập nghiệp. Anh yên lặng, xót xa, không hỏi thêm gì, anh sợ lại chạm vào ký ức xa xưa. “Ở lại đây ăn với em bữa cơm!”, miệng nói, cô tíu tít vào bếp. Bàn tay với những đường gân xanh mờ nhạt ngày xưa giờ đã rám đi nhiều. Đứa con gái lên ba lăng xăng quanh mẹ, anh ngắm nó, chợt nhận ra đó là gương mặt trên sợi dây chuyền. Bữa cơm đạm bạc chỉ có mẹ con cô và anh. “Mọi người vào ca đến tối mới về, lúc đó đến ca em”, cô xới cơm ra bát, gắp thức ăn cho anh. Đĩa tôm rang, rau rừng xào tỏi và bát canh khoai. Anh ăn ngon lành, khen cô nấu ăn ngon, xào rau rừng thật tuyệt.
Giờ tạm biệt, anh đặt sợi chuyền vào tay cô. Cô lặng đi, run run mở nắp. Một tiếng nấc nghẹn, bờ vai cô rung lên. “Anh đi đây, theo xe lên thành phố cho kịp chuyến bay tối nay”, anh nắm bàn tay nổi những đường gân xanh. Cô cúi mặt, những giọt nước mắt lã chã rơi thấm vào ngực áo nóng hổi. “Bao nhiêu năm anh vẫn không thôi tìm em”, anh thầm thì: “Ngày anh nhặt được sợi dây chuyền ở nhà kho cũng là ngày anh bắt đầu một chuyến đi xa để tìm em. Vậy mà anh đã muộn mất rồi”, nghẹn ngào quay đi, những lời sau cùng của anh tan vào gió.
Bên cánh cổng gỗ loang màu cỏ úa cô vẫn đứng trông theo bóng anh xa dần trên con dốc bụi mù. Sợi dây chuyền trong tay cô lóng lánh dưới đốm nắng cuối cùng của buổi chiều sắp tàn, những đốm nắng trong trẻo dịu dàng như gương mặt cô bé con ngày xưa ngước lên, dõi theo bóng người đàn ông đang mờ dần rồi mất hút…
Tác giả : Vũ Ngọc Giao ( Truyện ngắn được sưu tầm )
Truyện mới nhất:
- Đi đêm (Truyện ma - Truyện kinh dị)
- Rùa Và Thỏ (Truyện ngụ ngôn)
- Yêu Anh Nhiều Đến Như Vậy Sao, Cô Gái Nhỏ Đáng Yêu? (Truyện ngôn tình)
- BẠN ĐẦU TIÊN (Truyện ngắn)
- Ánh Trăng và bánh quy Nàng Tiên Biển (Truyện tổng hợp)
- MÃN CẤP TRÀ XANH XUYÊN KHÔNG THÀNH TIỂU ĐÁNG THƯƠNG ( CHƯƠNG 4 : HÓA RA CHỈ LÀ NHÓC TRẺ TRÂU ) (Truyện xuyên không)
- MÃN CẤP TRÀ XANH XUYÊN KHÔNG THÀNH TIỂU ĐÁNG THƯƠNG ( CHƯƠNG 3 : CÔNG LƯỢC CON TRAI HOÀNG ĐẾ TRƯỚC VẬY ) (Truyện xuyên không)
- MÃN CẤP TRÀ XANH XUYÊN KHÔNG THÀNH TIỂU ĐÁNG THƯƠNG ( CHƯƠNG 2 ) (Truyện xuyên không)
- MÃN CẤP TRÀ XANH XUYÊN KHÔNG THÀNH TIỂU ĐÁNG THƯƠNG ( CHƯƠNG 1 : LÂM PHI LỘC CẢM THẤY CÁI HẬU CUNG NÀY CŨNG THÚ VỊ RA PHẾT ) (Truyện xuyên không)
- Thiếu nữ bên chiếc đàn tranh (Truyện tiểu thuyết)
- Xem tất cả truyện >>
|
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!