Đông cung - Chương 13

174 lượt xem
Tỷ ấy thấy sau lưng A Độ là Bùi Chiếu, không kìm được liếc hắn 1 cái, Mễ La có đôi mắt xanh biếc, người ngoài lần đầu thấy tỷ ấy luôn tỏ vẻ kinh sợ. Nhưng hình như Bùi Chiếu lại chẳng hề xê dịch gì, sau này tôi nghĩ, Bùi gia được xem là thế gia vọng tộc ở Thượng Kinh, quen gặp những chuyện lớn rồi. Thượng Kinh phồn hoa, trên phố cũng có con gáingười Hồ bán rượu, Bùi Chiếu ắt hẳn có thấy cũng không lấy làm lạ.
Quán rượu này ngoại trừ rượu ngon ra, món thịt bò cũng rất đậm đà. Mễ La sai người thái 1 cân thịt bò cho chúng tôi nhắm rượu, vừa mới ổn định chỗ ngồi, bất chợt trời đổ cơn mưa.
Mưa thu không to nhưng dai dẳng, giọt mưa gõ vào ngói trúc trên mái nhà vọng tiếng boong boong. Bàn kế bên có vài người khách là thương nhân Ba Tư, lúc ấy móc ra 1 ống sáo bằng sắt, nức nở thổi, giai điệu thì kiểu cổ quái đáng yêu vô cùng. Hòa cùng tiếng mưa leng keng trên rìa mái hiên, hóa ra lại có nhịp thướt tha khó nói thành lời
Mễ La nghe tiếng sáo, đặt phịch hũ rượu xuống, vọt lên bàn, nhón chân trần nhảy múa. Dáng dấp tỷ ấy mềm mại khêu gợi, buông mình trong khúc nhạc như thể toàn thân không xương, lại vô cùng yêu kiều. Tiếng chuông vàng trên cổ tay cổ chân sàn sạt như cơn mưa rào, đắm chìm trong âm điệu của sáo, lại như con rắn vàng mặc sức nhảy múa. Đám thương nhân Ba Tư ấy đều vỗ tay tán thưởng, Mễ La nhẹ nhàng chườn xuống bên bàn, bắt đầu những điệu múa quay mòng mọng, vây lấy 3 người chúng tôi,.
Từ lúc rời Tây Lương, tôi chưa từng được tùy ý buông tiếng cười sảng khoái như thế. Động tác của Mễ La thanh tao linh động lại mềm dẻo, tựa một dải lụa tơ tằm, xoắn chặt lấy toàn thân tôi, rồi lại tung tăng dập dờn như cánh bướm. Tôi học theo dáng dấp của tỷ ấy, dùng tay phối hợp với nhạc đệm múa máy kiểu này kiểu nọ, chỉ có thân người là không được nửa phần nhẹ nhàng khéo léo như thế. Mễ La xoay vài vòng, A Độ rút từ trong áo ra một cây khèn tất lật đưa tôi, lúc ấy tôi đột nhiên mừng rỡ, cũng thổi vài điệu hùa theo.
Thương nhân người Hồ nọ thấy tôi thổi khèn tất lật, liền ra sức vỗ tay bắt nhịp. Tôi thổi một bài, ngửi mùi thịt bò trên đĩa thơm phưng phức cuộn dậy, liền nhét cây khèn vào tay Bùi Chiếu: “Ngươi thổi đi! Thổi đi!” Thế rồi nhấc đũa, mau chóng ngốn đồ ăn.
Chẳng ngờ Bùi Chiếu biết thổi khèn tất lật thật, mà còn thổi rất hay. Âm thanh của khèn vốn dĩ dịu dàng mà có nét đau thương, tiếc sáo kia lại lanh lảnh mãnh liệt, 2 loại nhạc khí phối với nhau hóa ra vô cùng ăn khớp. Thoạt đầu là tiếng khèn buồn man mác lại uyển chuyển của Bùi Chiếu đệm với tiếng sáo, sau tiếng sáo của thương nhân người Hồ mới dần dần hòa vào tiếng khèn. Giai điệu từ man mác đã chuyển sang sục sôi hùng dũng, như thể ngoài Ngọc Môn Quan, chỉ thấy khói sương mù mịt trên sa mạc rộng lớn, xa xăm thấp thoáng có tiếng lục lạc vọng lại, một đoàn lạc đà xuất hiện trên cồn cát. Tiếng lục lạc đong đưa càng lúc càng gần kề, gần kề đến mãnh liệt, thế rồi cửa ải hiểm yếu đột nhiên rộng mở, thiên binh vạn mã phất cờ dàn trận, tiếng gào thét, tiếng vó ngựa, khiên giáp va chạm bật thành tiếng, tiếng gió, tiếng thở ra hít vào…vô số âm thành hòa thành chương nhạc ngùn ngụt khắp trời mà cuồn cuộn kéo đến, cùng với nhịp điệu mỗi lúc một tăng, Mễ La cũng múa mỗi lúc một nhanh, lượn vòng tựa cánh thiêu thân, lách qua khiến tôi choáng váng mặt mũi.
Những âm điệu ấy càng thê lương, lại càng giống như cánh diều hâu chao lượn đã 9 ngày 9 đêm, nhìn xuống thiên binh vạn mã trên sa mạc, càng bay càng cao, bay mãi cao mãi, gió lớn xoay vần cát bụi áo ào kéo đến……Cho đến khi tôi ăn no căng cả bụng, đoán chừng con diều hâu ấy cũng đã bay tít đến tận đỉnh núi tuyết rồi, tuyết liên trên đỉnh núi bung nở, diều hâu sải rộng đôi cánh vút qua, có chiếc lông vũ bứt khỏi thân chim, phiêu bồng, tung bay theo chiều gió, một chiếc đáp hạ bên bông tuyết liên. Nhánh lông vũ ấy lạc xuống tuyết, bụi tuyết vần vũ đốm lông ấy trong gió vùi, cánh hoa tuyết liên mơn mởn khẽ rung rinh, gió bụi vạn dặm, cuối cùng tĩnh tại ngay trên chóp núi ấy…..tiếng sáo tiếng khèn bỗng dưng im bặt, trong quán trầm lắng đến nỗi tiếng giọt ranh ngoài hiên vọng vào nghe rõ mồn một. Mễ La nằm mọp trên bàn thở dốc, đôi mắt xanh biêng biếc tụ tích nước dường như sắp chực trào, bảo: “Không thể cố được nữa rồi.” Những thương nhân Ba Tư kia ồ cười, có người rót 1 chén rượu đưa cho Mễ La, lồng ngực Mễ La vẫn phập phồng lên xuống, một hơi uống cạn chén rượu, lại quay ra, nở nụ cười xinh tươi với Bùi Chiếu: “Huynh thổi rất hay!”
Bùi Chiếu không đáp lời, chỉ chậm rãi dùng rượu lau sạch cây khèn, sau đó giao lại cho tôi.
Tôi nói: “Quả là khó tin, hóa ra người cũng biết thổi khèn, những người Thượng Kinh biết thổi khèn cũng không nhiều lắm.”
Bùi Chiếu đáp: “Phụ thân thần từng đi sứ đến Tây Vực, trong số nhạc khí đem về có khèn tất lật, thời gian rảnh rỗi lúc còn nhỏ, thần từng tự mình học thổi kèn sáo.”
Tôi vỗ tay cười nói: “Ta biết rồi, cha người là tướng quân Bùi Huống dũng mãnh. Cha ta và ông ấy từng có lần giao đấu với nhau, cha ta khen ông ấy là người rất có tài dụng binh.”
Bùi Chiếu nói: “Là do Khả Hãn quá khen rồi.”
Tôi bảo: ‘Cha ta không tùy tiện khen người khác đâu, cha ta khen phụ thân ngươi, cũng bởi ông ấy là người có tài thật sự.”
Bùi Chiếu nói: “Vâng.”
Hắn vừa nói “vâng”, tôi đã cảm nhận thấy cơn nhàm chán. Được cái nhóm người Ba Tư lại bắt đầu ca hát, giai điệu du dương mang nỗi buồn thăm thẳm rung động lòng người. Mễ La uống thêm một chén rượu, biết chúng tôi nghe không hiểu ca từ, tỷ ấy dùng chất giọng phổ thông ngọng ngịu, khẽ hát cho chúng tôi nghe. Thì ra, những người thương nhân ấy đang hát rằng:
“Quê tôi có con trăng sáng
trăng tròn rồi khuyết, sao cố hương vẫn khuất bóng.
Đất mẹ tôi có dòng sông sao
sông sao xán lạn, sao đất mẹ khó về.
Gió kia cũng ôn hòa, gió thổi trên đất quê tôi.
Ngày kia vẫn đẹp tươi, ngày chiếu rọi quê nhà tôi.
Rồi đây biết non sông nào chôn cất tôi.
Rồi đây biết phương trời nào gửi tôi về….”
Tôi cất lời hát vài câu theo Mễ La, không nhịn được ủ ê, nghe những người Hồ ấy hát đến âu sầu, bất giác lại uống cạn một chén rượu. Bùi Chiếu khẽ gật đầu, nói rằng: “Nỗi niềm nhớ quê hương ai mà chẳng có. Những thương nhân người Hồ này nhớ cố hương đến thế, vì sao không quay trở về đi?”
Tôi thờ dài: “Trên đời này không phải ai ai cũng giống như ngươi, từ lúc sinh ra đến giờ chưa từng phải rời xa đất nước mình, bọn họ xa xứ, âu cũng là bất đắc dĩ thôi.”
Bùi Chiếu trầm ngâm một lúc lâu, thấy tôi lại đổ đầy chén rượu, không kìm được nói: “Công tử uống nhiều rồi.”
Tôi hùng hồn nói: “Lấy gì giải sầu? Chỉ có rượu thôi!”
Thấy Bùi Chiếu nhìn tôi dường như rất đỗi kinh ngạc, tôi chìa 3 ngón tay ra, nói: “Đừng cho rằng ta tài giỏi gì, thực ra ta thuộc tổng cộng có 3 câu thơ, câu vừa nãy là 1 trong 3 đấy.”
Cuối cùng hắn bật cười.
Rượu Mễ La bán quả nhiên lợi hại, tôi uống có phần quá đà, lúc ra khỏi quán, mặt đất dưới chân nhũn mềm, như thể đang giẫm lên đụn tuyết trên sa mạc. Mưa vẫn đang rơi, sắc trời đổ xuống chạng vạng, nơi mông lung xa xăm có làn mưa đang xoay vần trắng xóa, đem tất thảy thành quách chứa dầy đặc gần 10 vạn hộ dân, đem cả phồn hoa mỹ lệ 2 bên bờ kênh đào, tất thảy đều ấp ủ trong chiếc lồng của ngày mưa. Gió rắc hạt mưa bụi lất phất lên gò má nóng hầm hập, chợt gặp được cơn mát lạnh thân thương, tôi chìa tay đón những bụi nước lấm tấm dường như là bụi lưu ly, có giọt mưa đọng lại trong lòng bàn tay, mưa khẽ khàng va vào da thịt dậy lên cơn ngứa ngáy. Nơi xa xăm thấp thoáng có đốm lửa từ nhà dân, dập dờn đan xen mà lóe sáng, tửu lầu quán trà nơi lề đường phố thị đã sớm chong đèn sáng trưng. Mà thân đò trên con kênh kia cũng khoác lên mình một chuỗi những đèn lồng đỏ, sợi khói vấn vương toát ra từ bếp nhà nào, quẩn quanh trên mui đò trong làn mưa rả rích.
Thượng Kinh đẹp nhất trong cơn mưa phùn, nét đẹp tựa tranh vẽ ấy dù cho họa sư ở Tây Lương chúng tôi có tài năng đến mấy, cũng không thể mường tượng ra được cảnh sắc này, phồn hoa này, ấm nhuần này, nơi đây tựa như thành đô của thiên hạ, tựa như cảnh tiên nơi mà các vị thần trên trời đã đặc cách chiếu cố tạo nên. Thiên triều của Thượng Kinh chính là đây, đô thị náo nhiệt nhất hưng thịnh nhất thiên hạ cũng chính là đây, vạn nước bái kiến, vạn dân cảm mến, nhưng mà tôi biết, tôi không quên được Tây Lương, dẫu cho Thượng Kinh có đẹp đẽ dường nào, nó đâu có phải là Tây Lương của tôi.
Bùi Chiếu tiễn tôi về đến tận cửa bên hông của Đông Cung, thấy chúng tôi lẩn vào xong xuôi, hắn mới quay gót bước đi. Tôi cảm giác mình đã chếnh choáng say, lúc ấy men rượu đã dâng đầy, nhịn không nổi lờm lợm buồn nôn. A Độ vỗ nhẹ lưng tôi, chúng tôi ngồi chồm hỗm trong hoa viên được một lúc lâu, gió thổi cho tỉnh táo hắn rồi mới rón rén mò về trong cung.
Vừa bước qua cửa điện, tôi đã choáng váng cả người, bởi lẽ Vĩnh Nương đang đợi tôi ở trong phòng. Bà ấy vừa nhìn thấy tôi, chẳng chỉ trích chuyện tôi lại lẻn ra ngoài đi chơi, mà cũng không trách móc chuyện cả người tôi xộc mùi rượu, càng không phê bình tôi vận đồ nam, chỉ sa sầm nét mặt, hỏi: “Thái tử phi có biết trong cung xảy ra chuyện rồi không?”
Tôi không thể không hỏi: “Xảy ra chuyện gì thế?”
“Đứa con của Tự Nương…không còn nữa rồi.”
0
0 sao / 0 đánh giá
5 sao - 0 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 0 SAO trên tổng số 0 đánh giá
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
Gửi câu hỏi
×