LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Em họ tôi

196 lượt xem
Một mùa nắng hè đẹp đẽ vào một ngày thứ bảy thoải mái. Ai cũng cùng cả gia đình đi chơi dã ngoại đâu đó ở công viên Tam Kiều mà lúc nào cũng có đùa giỡn nơi ấy. Tại sao tôi lại biết? Bởi vì nhà bà nội tôi nằm gần công viên ấy nên nhiều lúc cũng bắt được tiếng cười của những đứa trẻ cùng tuổi. Cứ mỗi thứ bảy, là rằng ba tôi sẽ dẫn tôi đến nhà thăm bà tôi. Bà tôi giờ chắc cũng trạc tám mươi rồi nên sức khỏe cũng đâu còn nữa, bệnh thì nhiều, nên bảy đứa con của bà ấy lúc nào cũng phải đến chăm sóc bà hết. Nói chăm sóc kĩ càng thế chứ bà tôi cũng khá là cô đơn, sống một mình không một hàng xóm để bắt chuyện ở con đường Vòm Cung (tên của con đường là do tôi đặt vì con đường lúc nào cũng méo mó, chưa được xây sửa lại). Đường phố nơi đây hàng xóm lúc nào cũng bận rộn, họ toàn là những cán bộ công tác đâu đó ở tận trạm tỉnh lận, chỉ còn lại một mình người phụ nữ già neo đơn nơi đây trong con phố heo hút và mờ tối.
Hôm nay là bữa ba tôi đi “trực”. Trong bảy đứa con ấy, ai cũng được chia ra mỗi ngày để chăm sóc bà cụ. Ba tôi làm việc cả tuần mà chỉ rảnh mình thứ bảy và chủ nhật, nhưng vì cô dì Lựu (cũng là tên tôi bịa đặt) lại chiếm luôn ngày chủ nhật nên ba tôi đành phải lấy phần còn lại.
Mỗi lần đi, chúng tôi thường khởi hành vào lúc bảy giờ sáng nên tôi lúc nào tôi cũng phải kéo bản thân ngủ sớm dậy sớm để đi, kể cả là vào một ngày thứ bảy. Sáng thì lúc nào cũng chỉ vỏn vẹn một tô cháo bên lề đường, nhưng ăn hoài rồi cũng quen nên tôi không hề cảm thấy phiền gì. Đôi lúc quán phở bà Tư ở đầu đường lại mở sớm, tôi lại được ba tôi dẫn đi ăn. Lâu lâu mới được đi ăn như vậy nên khi mỗi lần nhắc đến “Phở” là tôi thèm thuồng miệng chảy bọt mép luôn!
Đến trước nhà bà nội là một cánh cổng mới sơn lại một màu trắng bạc sau bao nhiêu năm rỉ mòn sắt, hộp đựng thư cũng được sơn lại. Vết sơn có vẻ như vẫn còn mới bởi vì trước khi đến đây, tôi đã có thể ngửi thấy được mùi sơn nồng đâu đó rồi. Tôi xuống xe bấm nút chuông cũ kĩ đang núp lùm trong đám hoa giấy mà không biết đã bấm bao nhiêu lần. Từ từ xuất hiện một cái bóng gầy thấp xuất hiện sau cánh của nhà đã rỉ sét một màu nâu trộn với xám nhôm với lọt cọt lét két đang đẩy cánh cửa ra. Đó là phục vụ nhà bà, Trúc. Gia cảnh thì chỉ nghe là mới từ miền quê Yên Thế trở lên, tuổi tác thì lớn hơn tôi đến sáu, bảy tuổi liền nên tôi thường hay gọi chị là chị gia Trúc. Chị đảm nhiệm mọi công việc dọn dẹp cũng như bếp núc nhưng lại không biết giao thuốc cho bà nên mấy người dì dượng phải đến làm thay chuyện ấy.
Bước vào trong nhà, vẫn là những hình ảnh mà chưa bao giờ thay đổi. Vẫn là cái bàn gỗ thảo luận lớn chưa được dọn đi, vẫn là cái điện thoại bàn quay số cùng với cái sổ danh bạ ở trên cái kệ tủ gỗ bị mối mọt bao nhiêu năm nay vẫn chưa có thay thế. Vẫn là chiếc ghế sô-pha đỏ cùng với nét họa vàng chói cho ngày Tết vẫn còn ở đó, bên cạnh là cái bể cá trang trí cùng với những con cá cảnh đẹp mắt như cá vàng, cá bảy màu, cá La Hán, cá đĩa, cá cỏ... mà tôi hay tự bịa tên cho nó như Hoàng, Tâm, Quân… theo tên mấy đứa trong lớp. Đối diện bể cá là một bức hình gia đình cực lớn thay cho cái ti vi to chùng chình hồi đó giờ đặt trên phòng bà nội tôi. Bức hình đó được chụp cách đây bốn năm trước, khi tôi chuẩn bị vào lớp Một, toàn những thành viên từ đời bà đến đời cháu chắt, đầm ấm và rộn nhịp. Vì tôi là “Cháu Đức Tôn”, đứa cháu trai nội cuối cùng nên được ưu tiên ra trước đứng chụp. Đôi lúc tôi lại cảm thấy nực cười vì cái khuôn mặt ngốc nghếch của tôi trong tấm hình lại khá là lộ liễu, nổi bật ngay giữa tấm hình ấy; ai cũng nói nụ cười ấy đẹp, nhưng tôi vẫn còn thấy có điều gì đó không đúng.
Ở bên góc bức hình ấy có một cô bé đeo mắt kính dày cộp cùng với cái áo côm-lê trắng và quần bó tím màu hoa oải hương là đứa em họ tôi, Hà. Mặc dù nói là em, nhưng bản thân Hà lại lớn hơn tôi tận hai năm lận, vì tự Hà lúc nào cũng xưng hô là bé và tôi là anh nên tôi cũng không thấy gì là ngại ngùng hết. Một khuôn mặt tròn trịa đang gầy đi từng chút, đôi mắt to mà tròn làm nổi bật tròng đen, cùng với đôi mí mắt cong dài, như mấy cô người mẫu trong mấy tờ tạp chí ở chỗ ông Ba hay đọc. Mắt đẹp nhưng cái tội cận nặng nên tự nhiên lại mang nguyên cả cặp kính gồng ghềnh chắn hết cái vẻ đẹp ấy, tiếc làm sao! Mũi hơi to nhưng cũng cao, hoàn toàn khác với tôi. Còn đôi môi thì mỏng, nhiều lúc lại khô. Đôi khi tôi có để ý đến một cái vết sẹo khâu bên trái phần môi nhưng lại chả dám hỏi tại sao vết sẹo ấy xuất hiện ngay từ đầu. Hà lúc nào cũng có cái mỉm cười răng khểnh nên lúc nào cũng bị cha mẹ bắt phải mang niềng răng khiến cho cái hình ảnh tự nhiên, đẹp đẽ của một cô bé dễ thương trở nên xấu xí, đáng thương và tội nghiệp. Chiều cao của Hà khá là khiêm tốn trong bức hình, hơn tôi hai tuổi nhưng lại lùn hơn tôi vài phân nửa, nhưng Hà nói đang tập thể dục với lại uống sữa rất nhiều nên giờ cũng đã cao lên khá nhiều rồi. Hà rất chăm học, kể cả cũng chỉ mới lớp năm. Lần nào gặp Hà thì sẽ có lúc có cơ hội bắt gặp đang làm bài tập hay cầm cuốn sách Toán ra ngồi coi. Mặc dù vậy nhưng Hà vẫn là một đứa trẻ háo chơi. Gặp được tôi là hay lôi kéo tôi vào chơi mấy trò chơi có lúc cũng thấy vô duyên và chọc đùa tôi xuyên suốt cả ngày, lúc nào cũng chê tôi là “hiền khô”, “ít nói” hay “con gái quá” vì tôi cực kì thụ động phản hồi khi có chuyện. Nói chung là tôi có khuyết điểm gì thì “bà chị” nhà tôi cũng lấy ra nói móc tôi được hết, mà tôi lại không dám phản đối gì nên miệng lúc nào cũng câm lại. Đang ngồi ngẫm nghĩ trước bức hình thì ba tôi kêu lên:
- Huy! Lên lầu thưa bà nội đi! - Nghe rồi tôi dạ cái rõ to rồi cởi dép chạy một mạch lên lầu.
*****
Trên lầu có hai căn phòng. Một căn phòng nằm bên trái là căn phòng thờ rộng mà tôi nghĩ là phòng ngủ của gia đình bà hồi đó. Trong phòng có một cái giường gỗ cũ, ghế sô pha nhỏ, và tất nhiên là cái bàn thờ to đùng thờ thần phật cũng như là hai ông bà cố ở trên đàng. Mấy ngày vào Tết là quả nhiên bàn thờ này lại rẫy đầy hoa quả, bánh kẹo cũng như là cái món truyền thống nhà tôi: Mì Quảng. Căn phòng bên phải là phòng ngủ bà nội tôi. Phòng của bà không có gì thật sự là quý giá cả. Bà có một cái giường lớn cỡ hai người, một cái tủ quần áo cọt kẹt, một cái ti vi to đùng trước diện và một cái kệ dùng để đựng thuốc cũng như vài vật dụng cũ của ông nội tôi. Bên ngoài cửa sổ thì không có đến một chút ánh nắng, bởi vì đối diện nhà bà tôi là một ngôi trường đại học lớn lúc nào cũng nghe thấy được tiếng người rộn nhịp cả ngày lẫn đêm, đinh tai bức óc. Vào phòng, một người phụ nữ già đang mặc áo ngủ màu trắng kia là bà nội tôi, đang nằm nghỉ. Tôi cứ thấy lạ rằng bà như đang bị tê liệt làm sao mà lúc nào, hầu như lúc nào cũng thấy bà nằm hết! Mặc kệ cái sự chăm chú lạ lùng này rồi tôi khoanh tay lại thốt lên một tiếng:
- Thưa bà nội con mới đến!
- Ai vậy? Ồ, Huy đấy hả? - Bà để ý, quay mặt nhìn tôi.
- Dạ. Bé Hà có ở đây không ạ?
- Hình như con bé ở ngay trên lầu ấy.
Tôi cảm ơn một tiếng rồi chạy phọc lên ngay. Tôi chạy như đang chạy thoát khỏi mấy con thây ma trong phim vậy, hãi hùng mà thật sự đáng sợ lắm! (tôi được trải nghiệm mấy loại bộ phim kinh dị này vì có lúc ba tôi hay mở ti vi trong phòng ngủ gia đình mấy bộ phim này vào lúc mười một giờ đêm. Tôi là một đứa trẻ hư khi lại thức đi coi mấy bộ phim đó). Tôi lúc nào cũng vật vã kiểu này khi đi gặp bé Hà, chả hiểu tại sao nhưng vẫn cứ cái thói quen đó, và buổi sáng là lúc tôi yếu đuối nhất nên thở hộc hộc người mồ hôi khắp nơi cũng là chuyện đương nhiên.
Căn phòng của chú tôi chia ra thành hai căn phòng nhỏ: một là phòng làm việc trưng bày đồ dùng cũng như đồ làm việc, sâu bên trong nữa là một căn phòng ngủ nho nhỏ tường trắng sàn gỗ bóng láng rất là sang trọng mà nhiều lúc Hà lại nằm ở trong đó. Mỗi tuần tôi lại dến đây chỉ đều chơi chung với Hà thôi. Ba của Hà là chú tôi sống ở đây, nên Hà cũng ở đây thường xuyên. Phải nói rằng trong cả họ hàng nhà nội tôi thì chỉ mình Hà là tôi cảm thấy dễ chịu nhất khi chơi chung thôi, chắc tại hai đứa hai thân với nhau từ hồi mẫu giáo rồi. Hai đứa trẻ đang chơi đùa đâu đó ở bãi biển Đà Nẵng, mặc đồ bơi chật ních, đang nghịch nước với nhau. Một cậu bé mập lùn dễ thương đang ôm chiếc phao cứu hộ cho thuê và một cô bé đang đội cái mũ bơi bông hoa hồng với tím cùng với cặp kính bơi cùng màu, cao cũng hơn cậu vài tất đang đứng bên đang mỉm cười trước ống kính. Đó là bức hình duy nhất của tôi với Hà cách đây bốn năm trước, vào mùa hè năm Nhâm Ngọ, cùng năm với bức hình đại gia đình được chụp dưới phòng khách, tôi vứt nó ở đâu trong cái album nhỏ tôi còn giữ cho những kỉ niệm đặc biệt nhất. Suy nghĩ qua lại thì cảm thấy năm tháng ngày ấy tôi với Hà sao lại trôi nhanh đến như vậy. Chị có biết không, bé Hà?
Vào căn phòng, tôi bắt gặp được Hà vẫn còn đang ngủ. Chắc tối hôm qua lại coi ti vi lúc mười một, mười hai giờ rồi. Cứ mỗi lần như vậy là tôi cứ mặc lờ mà đi qua bàn máy tính ngồi, kêu Hà dậy thì lại mất công vì “bà chị” này ngủ say như chết, kêu có to tiếng như thế nào thì cũng ăn thua. Lúc qua bàn máy tính, tôi để ý đến một vài cuốn sách về những thí nghiệm rồi cầm lên đọc thử. “Có vẻ thú vị nhỉ?” - Tôi thầm nghĩ. Chẳng lẽ nào Hà lại có hứng thú với mấy trò chơi thí nghiệm này? Phải nói “bà chị” này thiên về thể loại khoa học tự nhiên hơn là văn miêu tả. Tôi ngược lại thiên về thể loại văn hơn vì bài viết của tôi lúc nào cũng có điểm tốt hết, mà tôi lại thấy toán thì khá đơn giản nên chả có hứng thú, còn khoa học thì chưa thèm đụng tới một chữ.
Đang chăm chú đọc cái nội dung về bảng tuần hoàn hóa học thì một cái bóng gật gù đang trở ra. “Hình như Hà mới dậy đây à…” - Tôi tự thầm. Với khuôn mặt còn buồn ngủ ngáp ngơ một hơi ngắn dài đang chậm rãi bước ra khỏi phòng để đi vô nhà vệ sinh ở phòng đối diện. Không hề quan tâm đến sự hiện diện của tôi, Hà cứ lẫn lờ đi tiếp. Đến tận cửa mới để ý đến cái thằng mặt dáng cụ non, mắt thăm queo khép lại mà tóc thì cắt lủi sợi ngắn sợi dài trông mất thẩm mỹ, thốt lên một câu như rằng tôi từng xuất hiện mà mặt còn ngáp ngơ:
- Ủa, anh Huy! Anh Huy mới đến đây từ hồi nào vậy?
- Mới đến. - Tôi đáp lời với lời đầy cực kì khinh thường, mỉa mai.
- Huy có muốn chơi cầu lông không?
- Chắc để chiều quá. Bây giờ nắng chang chang không!
- Hay là mình đến nhà chú Năm khu phố đối diện chơi?
- Nhà của cái ông nuôi cả đống chó sủa suốt nhà ngoài cổng đó ư?
- Vô duyên quá! Bé Hà thấy mấy chú chó đó dễ thương mà. Dù sao thì, nghe nói con chú Năm, thằng Túc có cái máy điện tử mới hồi bữa sinh nhật với cả đống đồ chơi nữa. Anh Huy có muốn đi không? Hay anh Huy nhát gan không muốn đi, hả?
Không phải là người hay tự nhiên qua nhà người ta chơi, nhưng vì đang kiếm gì đó để khuây khỏa, với lại “bà chị” này đang móc chuyện để chọc nên tôi xùng lên mà đành phải chấp nhận đi thôi, kẻo lại bị kêu là con gà mái nữa thì nhục cả mặt.
- Đi thì đi! Không phải con chó mà sợ, mà chỉ là ghét nhìn cái bản mặt của thằng Túc đó! Nhìn nó y như cái tên ba nó đặt vậy!
- Huy vô duyên quá nha! Người ta lớn hơn anh Huy đến tận hai tuổi mà Huy cứ xưng mày-tao với Túc hoài à!
- Thích thì Huy cứ xưng thôi!
- Đúng là bó tay với ông già này luôn!
Thằng Túc lớn hơn Hà một tuổi. Nhưng vì học tệ quá nên bị rớt xuống lớp của Hà đang học, vì vậy mà bắt người ta đi kèm thêm hộ mỗi ngày. Nó thường hay đi trêu chọc, nói xấu mấy đứa con gái, mà cũng là thằng bắt nạt dị hợm vì nó có cái võ mà ba nó dạy nó hồi đó. Phải nói là đáng ghét, bị bọn trẻ ghét nhiều nhất trong cả khu luôn! Dù vậy nhưng Hà lại không để ý đến chút gì cái tật xấu của thằng này, mà lại còn cởi mở với nó nữa chứ! Có lẽ tại vì thằng Túc nó đang hối lộ Hà bằng mấy cái món đồ đắt tiền của nó, đặc biệt là mấy con búp bê giá đến gần nửa triệu. Ghét nó lắm mà lúc nào tôi cũng xưng với nó là mày với tao như người cùng tầng lớp một cách cực kì vô tư, bị “bà chị” la lối hoài à.
*****
Chuẩn bị đầy đủ, gọn gàng, chúng tôi xin phép bà nội và ba tôi ra ngoài qua nhà chú Năm chơi rồi xách dép ra chơi. Chạy một mạch bằng hai đôi chân nhỏ cỡ chỉ có nửa so với của người lớn, thở hộc cả người nhưng không lâu rồi cũng đến nơi. Thằng như tôi từ hồi nhỏ đã có tính sợ chó vì vậy mà lúc nào cũng nhờ Hà bấm chuông giùm. Sau tiếng chuông bé tí từ xa ấy là tiếng sủa lớn khắp khu từ bốn con chó của chú Năm nghe thật đáng sợ, như những con quỷ đang la ó vậy! Chả hiểu làm sao mà Hà lại thích mấy con chó này.
Cánh cổng vòm đen to lớn rồi từ từ cũng mở ra, người phía sau cánh cửa ấy là chị An, chị ruột của thằng Túc. Chị hiện giờ đang học lớp bảy, lớn hơn bọn tôi nên lúc nào cũng coi chị là chị cả của cái nhóm “trẻ em” ráo nhiệt này. Chị dẫn chúng tôi vào nhà, qua bọn chó dữ dằn, bỏ qua phần nước trà vì thằng Túc nó vội bay xuống kéo bọn tôi lên lầu, bỏ mặc chị An ở dưới đất. Lên tới phòng của thằng Túc, phải nói phòng nó không khác gì như một cái thiên đường chỉ đầy đồ chơi và nhiều thứ vui khác mà mấy đứa trẻ nhà tôi luôn mong muốn. Nào là bàn cờ tướng, cờ vua được tạc trên gỗ sồi cứng, nào là bộ cầu đá, cầu lông cùng nhiều quả bóng với kích thước khác nhau như bóng da, bóng ten-nít hay kể cả là bóng chày nữa! Môn thể thao cực kì mới lạ khắp châu lục mà khu phố chúng tôi đều muốn khám phá và chơi thử, vì vậy chiều ngày nào cũng ra công viên Tam Kiều để tập chơi. Mấy đứa trong khu này trai gái gì rất hào hứng khi chơi thử mấy cái món thể thao của thằng Túc, tôi thì không có hứng thú lắm nên chỉ xin mấy món đồ chơi cũ như xe hơi đồ chơi, hay một vài cuốn sách để nhòm ngó. Nhưng mỗi khi bọn chúng xúm vô mà kéo tôi đi, vì tôi không có sức đánh lại được hơn mười đứa trong khu, nên đành phải chung vui.
Hôm nay lại hoàn toàn khác thường, thằng Túc không thèm khoe mấy món đồ chơi điện tử đắt tiền hồi bữa sinh nhật được tặng mà lại chuyển qua cái không ngờ nhất: sách!
- Hôm nay tao có tủ sách mới nè Huy! - Túc to giọng
- Quào! Đúng to luôn! Của ai vậy mày?
- Của tao chứ của ai?
- Ủa tao tưởng mày không thích đọc sách mà?
- À ba tao tặng tao bữa sinh nhật. Ổng kêu tôi nên đọc sách thường xuyên, mà lại toàn sách tiểu thuyết gì của ổng không à, đọc chán lắm!
Chú Năm rất thích đọc tiểu thuyết và ngâm thơ, chú có một người bạn làm nhà văn cho nhiều cuốn sách này lắm mà chất đầy trên kệ tủ dưới phòng khách, cao gần bằng cái tủ lạnh. Lâu lâu chú lại cho tôi một hai quyển đọc thử, thể loại truyện như Dế mèn phiêu lưu kí cùa Tô Hoài, tập truyện ngắn của Lê Minh Khuê, Kim Lân, hay truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh vậy… Đọc dần rồi cũng có chút hứng thú gì với sách truyện càng ngày càng trở nên nhiều một cách nực cười. Năm nay tôi lên lớp bốn nên được trải nghiệm nhiều với truyện cổ tích Việt Nam trong sách giáo khoa, nhưng lâu lâu tôi lại được chiêm ngưỡng nhiều câu chuyện truyền thuyết cổ tích Tây Âu thành các bộ in ấn đàng hoàng trăm trang ở nhà chú Năm này. Bởi vậy lâu lâu tôi cũng quý chú, nhưng lại không có chút nhiều bè phái gì với thằng Túc hết, đối với tôi.
Cô bé Hà lại khác. “Bà chị” này lại thích thú hơn về mấy trò thí nghiệm mà cô lượm được trong mấy cuốn sách giáo khoa. Hà cũng có hứng thú về hóa học, có lẽ là vì một chị nào đó mới trình diễn thí nghiệm khoa học bằng mấy cái hóa chất có nhãn hiệu tên lăng nhăng chiếu trên ti vi mấy bữa mà tôi để ý Hà coi rất nhiều. Chú Năm cũng có mấy cuốn sách khoa học ấy, nhưng lại quá phức tạp để Hà có thể hiểu toàn bộ, nhưng không bao giờ lại thấy Hà đến việc bỏ chuyện đọc cuốn sách dày cộp cả trăm trang ấy. Con gái gì mà bướng bỉnh dữ vậy!
Nhưng hôm nay, nó lại có nguyên cả kệ tủ sách, có nghĩa là tôi được quyền mượn sách của nó thoải mái và trả bất cứ khi nào cũng được! “Quá mừng rồi!” - tôi thì thầm mà gần như lên lời. Nhìn qua thằng Túc mà không thể ngừng được cái khuôn mặt còn đang mỉm cười như một con khỉ già:
- Này, mày có muốn tao giới thiệu một vài cuốn để đọc không? Có lẽ mày sẽ thích đấy!
- Làm sao mày nghĩ tao sẽ thích?
- Tin tao đi. Chọn đọc một hai quyển đầu phù hợp sẽ giúp cho mày đọc tiếp nữa đấy! Nó sẽ giúp mày tưởng tượng được nhiều thế giới riêng ngoài cái thực tại này. Nghe nhàm chán nhưng thật sự rất hay đấy, cứ tin tao đi! - Tôi thốt lên như đang ngôn luận chuyên nghiệp cho hai người xem trẻ tuổi mà làm sao mặt vẫn cứ thấy e ngại, bâng khuâng như vậy.
- Chắc không?
- Tao khẳng định! - Nói xong rồi liền lấy cuốn truyện về người khổng lồ Gulliver đưa cho thằng Túc, rồi lấy cuốn Harry Potter đưa cho em họ tôi.
- Đọc thử đi! Có lẽ bé Hà sẽ thích đấy! Câu chuyện đầy những phép thuật diệu kỳ thú vị lắm đó! - Hà nhìn tôi bằng ánh mắt ngạc nhiên như đang hỏi tại sao tôi lại biết Hà thích mấy cái trò thí nghiệm “phép thuật” màu nhiệm. Tôi thì cứ dùi hai người vào căn phòng đọc sách nho nhỏ của chú Năm khi chú đang đi vắng, dù nhỏ nhưng lại khá là ấm cúng.
Có lẽ những đứa trẻ thành phố chúng tôi không được lăn nhào trong đất, không được bắt cá bên dòng suối, mò ốc trong lầy ruộng hay cưỡi trâu trong cơn mưa xuân như ở miền Trung. Nhưng không phải như vậy là chúng tôi nhàm chán, không có gì để chơi. Ngoài hoạt động thể thao ra. Khu phố tôi và khu phố chỗ nhà Túc bây giờ có món mới để chơi: sân chơi hư cấu! Mỗi đứa trẻ chúng tôi lấy một nhân vật từ những cuốn sách truyện cổ tích mới đọc đem ra “thử tài cán sức” của nhau ở công viên Tam Kiều gần đây chỉ có vài ba bước chân, như một đấu trường thật sự vậy! Đứa này có phù thủy, đứa kia có quỷ lùn, đứa nọ có siêu nhân… Có thể đấu trường là giả, nhưng tinh thần vui chơi là thật! Điều này giúp cải thiện việc đọc của mấy đứa học dở cũng như khích động mọi người đọc nhiều sách hơn.
Ý kiến này là ý kiến của Hà, nhưng tôi lại là người đầu tiên khởi kiến nó. Từ ngày đó, mỗi lúc vào sáu giờ chiều. Trước khi ra về, tôi với em họ tôi hô lên cái câu khẩu hiệu mà bản thân đứa em họ tôi đặt, nghe thật nực cười:
“Chữ sách cho ta năng lực,
Không biết xài chỉ có sức đập chuột”
…rồi đi về. Sau những ngày thứ bảy đi “trực”, tôi lại cảm thấy vui hơn phần nào. Có lẽ đứa em họ lớn tuổi của tôi rồi cũng đâu có tệ lắm đâu!
0
0 sao / 0 đánh giá
5 sao - 0 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 0 SAO trên tổng số 0 đánh giá
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư