LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Tây Du Kí - Chương 47

68 lượt xem
Vua Xa Trì tạ ơn, đưa thầy trò lên đường.

Quan dân và các sãi đồng đưa khỏi thành mới trở lại.

Ngày kia đến mùa thu, thầy trò đi đến tối, Tam Tạng dừng ngựa hỏi rằng:

- Ðồ đệ, m bây giờ tính ngủ ở đâu? 

Tôn Hành Giả thưa rằng:

- Trời có trăng xin thầy đi rán một đồi nữa, hoặc may gặp nhà ngủ nhờ.

Tam Tạng y lời, đi gần hai dặm, ngó thấy sóng bủa trắng đằng trước, sông rộng minh mông.

Bát Giới nói:

- Thôi rồi còn đường đâu mà đi nữa.

Sa Tăng nói:

- Coi bộ cái sông cản ngang lớn lắm! 

Tam Tạng hỏi:

- Không biết sông lớn chừng mấy dặm? 

Bát Giới nói:

- Không biết, không biết, tôi coi bộ nó rộng lắm, ngó chẳng thấy bờ.

Hành Giả nói:

- Ðể ta thử coi thể nào.

Nói rồi nhảy lên mây ngó xuống, thấy minh mông như biển, liền nhảy xuống thưa rằng:

- Thầy ôi! Sông rộng lắm, con mắt tôi ban ngày coi xa tới một ngàn dặm, ban đêm coi thấu tám trăm. Mà bây giờ không thấy mé, nên chẳng biết lớn bao nhiêu.

Tam Tạng nói:

- Bây giờ biết tính sao?.

Khi ấy Sa Tăng nói rằng:

- Giống chi đen đen trước mặt coi giống người ta.

Hành Giả nói:

- Ấy là cái bia dựng mé sông cái, trên bia có ba chữ Thông thiên hà, dưới có hai hàng chữ rằng: - Kinh quá bát bá lý. Kim cô thiểu nhơn hành, xin thầy đi lại cho mau.

Tam Tạng thấy bia, càng thêm thảm thiết Bát Giới thưa rằng:

- Thầy ôi, tiếng chuông mõ gần đây, chắc là có đám chi đó? Thầy trò mình tìm vào lo bỏ bụng ba miếng, mai sẽ kiếm ghe qua sông xong hơn.

Tam Tạng giục ngựa đi tẽ qua bãi cát. Thấy xóm ấy gần năm trăm cái nhà.

Tam Tạng thấy ngoài cửa ngõ đàng kia dựng cây phướn trong nhà hương thắp đèn chong.

Tam Tạng lại gần có ông già mang xâu chuổi lần, miệng niệm phật, và đi đóng cửa. Tam Tạng chắp tay bái xuống, ông già ấy đáp lễ và nói rằng:

- Thầy đi trễ quá! Phải chi đi sớm một chút, thì đã đặng chia phần chai tăng. Mỗi phần: Ba tô cơm khô, một cây vải trắng, và mười đồng tiền điếu, lại ngồi mâm cao cổ đầy. Thầy để trể chia rồi mới tới.

Tam Tạng nói:

- Tôi không phải đi chai tăng. Thiệt là Hòa Thượng nước Ðại Ðường vưng chỉ đi thỉnh kinh, lỡ bước xin vào tá túc.

Ông già ấy khoát nói rằng:

- Thầy tu hành chẳng nên vọng ngữ! Từ Ðại Ðường qua đây năm muôn bốn ngàn dặm, thầy đơn thân độc mã, đi sao cho tới đây? 

Tam Tạng đáp rằng:

- Ông nói phải lắm, tôi nhờ có ba đứa đồ đệ bảo hộ đến đây.

Ông già nói rằng:

- Sao không biểu ba thầy ấy vào đây mà nghỉ! 

Tam Tạng ngó ngoái lại kêu lớn rằng:

- Bớ đồ đệ vào đây mà nghĩ! 

Ba người nghe kêu, đồng đi xốc vô vửa ngõ.

Ông già ấy bò càn và la lớn rằng:

- Có yêu tới, có yêu tới! 

Tam Tạng đỡ dậy nói rằng:

- Xin ông đừng sợ, không phải yêu quái, thiệt là học trò tôi.

Ông già ấy run và nói rằng:

- Thầy lịch sự như tiên, sao kiếm học trò như quỷ? 

Tam Tạng nói:

- Tuy là xấu mặt, mà có phép trừ tà.

Ông già ấy dắt thầy trò Tam Tạng vào nhà khách, thấy các sãi đương gõ mõ tụng kinh, mấy sãi ấy day ra thấy ba người xốc vô, thất kinh hồn vía.

Các sãi lăn ra lục cục, bò càn hết không còn một sãi.

Khi ấy ba anh em thấy chuyện dị kỳ, đồng cười hả hả.

Tam Tạng mắng rằng:

- Chúng bây vô lễ lắm, đi vào nhà không biết khuôn phép, làm cho ông chủ thất kinh, lại phá đám mấy thầy bỏ việc tụng kinh mà chạy hết. Phải là tội ấy về ta chăng, vì dạy học trò không nghiêm nghị.

Ba anh em biết lỗi làm thinh.

Ông già ấy mới tin thiệt là đệ tử, liền nói rằng:

- Không hề chi, việc cũng đã mãn rồi, còn tụng kinh thêm chút đỉnh.

Nói rồi bảo gia tướng thắp thêm đèn đuốc, gia tướng đem đèn ra, ngó thấy ba anh em dị tướng, chúng nó và chạy và la:

- Có yêu, có yêu!.

Khi ấy có một ông chủ nhà nữa, chống gậy ra hỏi rằng:

- Yêu ma ở đâu, nữa đêm dám tới nhà lương thiện? 

Ông già hồi nảy đứng dậy nói rằng:

- Thưa đại ca, ba ông ấy chẳng phải là ma, thiệt là đệ tử của Hòa Thượng nầy, ở Ðại Ðường đi thỉnh kinh bên Phật, tuy tướng dữ mà lòng lành.

Ông chủ nhà nghe nói buông gậy chào hỏi.

Lủ gia tướng thấy ba người ấy nói chuyện với chủ nhà, chúng nó mới hết sợ.

Chủ nhà truyền dọn cơm chay thết đải.

Khi cơm nước xong xả, Tam Tạng hỏi thăm ông chủ nhà họ chi?

Ông chủ nhà nói:

- Tôi họ Trần.

Tam Tạng nói:

- Ðồng tông với tôi đó.

Nói rồi hỏi rằng:

- Ông làm đám chi hồi nảy? 

Ông chủ nhà nói:

- Làm siêu độ trước mới rồi.

Bát Giới nghe nói cười rằng:

- Thuở nay tôi nghe nói tế sống mà chưa thấ, bây giờ mới gặp đám cầu siêu trước! Hai ông già ấy hỏi rằng:

- Bốn thầy thỉnh kinh sao không đi thẳng, ghé vào đây chẳng là tréo đường? 

Tôn Hành Giả nói:

- Thầy trò tôi đi đường ngay, bị sông cái cản ngang nên phải quẹo. Phần lại trời tối, nên kiếm chỗ ngũ nhớ.

Hai ông già hỏi rằng:

- Bốn thầy thấy giống chi dựa mé sông chăng? 

Tôn Hành Giả đáp rằng:

- Có thấy một cái bia đá mà thôi 

ng chủ nhà nói:

- Ði cách bia ấy qua phía bên kia chừng một dặm đàng có cái miểu Linh Cảm đại vương. Thầy không ngó thấy sao? 

Tôn Hành Giả nói:

- Tôi chưa ngó thấy. Chẳng hay làm sao mà gọi là Linh Cảm? 

Hai ông ấy khóc mà nói rằng:

- Ðể tôi nói chuyện ông thần ấy cho mà nghe:

Hiền hích một phương nên miểu vỡ,

Oai linh ngàn dặm hộ lê dân,

Thường năm mưa móc mùa màng nhuận,

Ðòi thuở mây lành làng xóm mừng. 

Tôn Hành Giả lấy làm lạ hỏi rằng:

- Như vậy là tử tế lắm, ông còn than thở làm sao? 

Ông ấy dặm chơn đấm ngực mà nói rằng:

Tuy có ơn mà oán cũng nhiều.

Bằng không ơn oán để cho người,

Mỗi năm cúng tê đồng Nam Nữ,

Chẳng phải thần linh, thiệt quỷ trời.

Tôn Hành Giả hỏi:

- Mỗi năm phải tế đồng nam và đồng nữ sao? 

Ông già ấy nói:

- Phải.

Tôn Hành Giả nói:

- Ăn con người ta như vậy, sao gọi là thần. Trong thế năm nay tới phiên ông tế, nên mới khóc than? 

Ông già ấy nói:

- Tôi ở đây tuy xa, song còn thuộc nước Xa Trì, chốn này gọi xóm Trần gia, năm nay tới phiên tôi cúng. Phàm phiên ai thì phải dùng đồng nam đồng nữ, và dê heo lễ vật tế thần, thì thần phò hộ đặng mùa màng, bằng không chắc phải bị bão lụt chết hết.

Tôn Hành Giả hỏi:

- Ông đặng mấy người con trai? 

Ông già ấy ôm bụng mà nói rằng:

- Tôi có con trai ở đâu! Tôi là Trần Trừng, sáu mươi ba tuổi, có một đứa con gái nên tám, gọi là Nhứt xứng Kim. Còn người nầy là em ruột tôi, tên Thanh, năm mươi tám tuổi, có một đứa con trai lên bảy, gọi là Trần Quang Bảo. Anh em tôi có một trai và một gái, đến lệ năm nay phải đem hai đứa nó mà tế thần. Bởi thương con nên làm siêu độ trước.

Tam Tạng nghe nói, cảm động khóc rằng:

- Lời xưa nói không lầm! Mai vàng chưa rụng, mai xanh rụng, trời khuấy làm chi kẻ ít con.

Tôn Hành Giả cười rằng:

- Xin thầy đừng than thở làm chi, để tôi hỏi thăm chủ nhà một chuyện.

Nói rồi hỏi rằng:

- Chẳng hay sự nghiệp của ông lớn hay nhỏ? 

Hai ông ấy đáp rằng:

- Anh em tôi cũng có chút đỉnh vài trăm khoảnh ruộng, chín chục miếng thổ cư, lúa trử năm nầy qua năm kia, ăn không hết để thành trầm mể, đồ y phục chẳng thiếu chi. Còn bạc vàng cũng dư dã.

Tôn Hành Giả cười rằng:

- Hai ông nhờ có một phép hà tiện trên đời, nên mới đặng giàu như vậy! 

Hai ông ấy hỏi:

- Sao thầy biết anh em chúng tôi hà tiện? 

Hành Giả nói:

- Nếu hai ông không hà tiện, thì liều vài trăm lượng bạc, mua đồng nam đồng nữ mà thế mạng cho con. Nghĩ nào tiếc bạc tiếc tiền, mà chịu liều con liều cháu.

Hai ông ấy nghe nói, đồng khóc mà than rằng:

- Thầy ôi! Bởi thầy chưa rõ, chớ chúng tôi không phải lấy thân mà che của đâu! Vì Linh Cảm đại vương hay đến xóm tôi lắm, nên làm dối không đặng, mới chịu phép như vầy! 

Tôn Hành Giả hỏi:

- Hai ông thấy hình dạng ra thể nào? 

Hai ông ấy nói:

- Thiệt không thấy hình, hễ nghe một trận gió thơm, thì biết đại vương tới, nội nhà đồng hương đèn mà lạy mừng. Ngài biết tới ngày sanh tháng đẻ từ đứa con, trong nhà có mấy cái chén, mấy cái muỗng, ngài cũng biết hết! Huống chi có hai đứa nhỏ, mà tráo đặng hay sao? Ðừng nói dối ba trăm lượng là nhiều, dầu mấy muôn mấy ngàn lượng mua cũng không đặng đứa giống diện mạo con mình, và hiệp ngày sanh tháng đẻ.

Tôn Hành Giả nói:

- Như vậy thì đem lịnh lang ra đây xem thử!.

Khi ấy Trần Thanh vào đem con là Trần Quang Bảo ra, thằng nhỏ còn khờ không biết sự sống thác, bọc trái cây trong hai tay áo rộng, nhảy múa trước đèn, và lấy trái cây ra miệng nhai ngổm ngỏam!

Tôn Hành Giả niệm chú, biến ra Trần Quang Bảo, như một không sai.

Coi như hai đứa song thai, nắm tay nhau giởn múa.

Còn Trần Thanh xem thấy như vậy, thì kinh hãi quỳ lạy thưa rằng:

- Lão gia biến thành con tôi, tôi sợ mất phước xin hiện lại nguyên hình.

Tôn Hành Giả lấy tay vuốt mặt mình, rồi hiện hình lại.

Trần Thanh lạy và khen rằng:

- Thiệt lão gia thần thông quãng đại! 

Tôn Hành Giả cười mà hỏi rằng:

- Thiệt là giống in, không sai một mãy! 

Tôn Hành Giả hỏi:

- Ước như hình hồi nảy đem tế đặng hay không? 

Trần Thanh thưa rằng:

- Nếu có người như vậy, bán bạc ngàn tôi cũng mua, lo chi thế không đặng? 

Tôn Hành Giả nói:

- Vậy thì ta thế cho Trần Quang Bảo, đem tế đại vương, để lịnh lang ở đời mà nối việc hương lửa.

Trần Thanh lạy tạ ơn và thưa rằng:

- Nếu lão gia từ bi mà cứu con tôi đặng. Tôi xin dựng một ngàn lượng bạc cho đại lão gia làm phí lộ đi thỉnh kinh Tây Phương.

Tôn Hành Giả hỏi:

- Sao không đền ơn cho ta? 

Trần Thanh thưa rằng:

- Lão gia đã bị thế mất rồi còn đâu mà đền ơn.

Tôn Hành Giả nói:

- Làm sao mà mất? 

Trần Thanh thưa rằng:

- Nếu lão gia đi tế thế cho con tôi, thì bị đại vương ăn rồi, làm sao mà còn đặng? Tôn Hành Giả nói:

- Nó dám ăn ta ở đâu 

Trần Thanh thưa rằng:

- Có lẽ nào chê tanh mà không dụng! 

Tôn Hành Giả cười rằng:

- Ðâu đều có số mạng đó. Nếu ta vô phước bị nó ăn thịt thì thôi. Bằng còn sống trở về thì ông đền ơn riêng bao nhiêu phải nói trước? 

Trần Thanh lạy tạ thưa rằng:

- Như lão gia biến hóa về đặng, thì tôi đền ơn riêng năm trăm lượng.

Còn Trần Trừng không lạy tạ chi hết, cứ ngồi dựa bình phong mà khóc ròng.

Tôn Hành Giả thấy vậy, lại nắm tay hỏi rằng:

- Hay là ông tiếc lĩnh ái lắm sao? 

Trần Trừng quỳ lạy thưa rằng:

- Tôi có một đứa con gái nên thương quá! Tuy nhờ ơn lão gia cứu cháu tôi. Còn tôi nghĩ đến con nhỏ tôi, càng thêm chua xót; ước như nó khôn lớn, tôi mản phần nó cũng khóc mùi, nghĩ đến cũng mũi lòng, nên đau ruột lắm! 

Tôn Hành Giả nói:

- Không hệ gì đâu, ông bảo gia tướng nấu một chảo đụng cơm, và dọn đồ chay cho tử tế, đãi thầy mỏ dài một bữa cho xứng đáng, tôi sẽ bảo biến làm lịnh ái, đem đi tế đại vương, cũng làm phước như tôi luôn thể.

Bát Giới nghe nói kinh hãi, ré lớn rằng:

- Anh đừng ỷ tài mà kéo tôi vô cửa tử. Thôi, thà tôi nhịn đói, chớ ăn no một bữa mà chết thì ích gì.

Tôn Hành Giả nói:

- Lời ngạn ngữ rằng: Kê nhi bất ngật vô công chi thực. Rất đỗi con gà còn chẳng chịu ăn không thay, nên đứng trên đống lúa, đống gạo cũng phải bươi cho nó công khó. Huống chi bốn thầy trò ta khi mới vào, ông chủ nhà thiết đãi cơm nước, lẽ nào không ra sức mà cứu sự hoạn nạn của người! 

Bát Giới nói:

- Anh ôi! Tôi biến hóa như anh không đặng!

Tôn Hành Giả nói:

- Sư đệ biến hóa ba mươi sáu cách, sao gọi rằng không? 

Tam Tạng nghe nói liền bảo rằng:

- Ngộ Năng, sư huynh ngươi nói phải lắm, cứu người một mạng sống, hơn lập bảy cảnh chùa. Một là tạ ơn đãi đàng, hai là làm phước luôn thể. Anh em ra sức một phen.

Bát Giới thưa rằng:

- Tôi biến ra núi, ra cây, ra đá, hoặc là người thô tục, hoặc trâu nước, tượng, tây mà thôi, chớ biến làm con gái nhỏ không giống.

Tôn Hành Giả nói:

- Ông hãy đem lịnh ái ra đây xem thử.

Trần Trừng mừng rỡ, vào bồng Nhứt Xứng Kim đem ra. Nội nhà đồng lạy Hòa Thượng mỏ dài, xin cứu làm phước.

Khi ấy Bát Giới thấy con nhỏ dung nhan xinh tốt, mặc đồ huê mỹ, ngồi ăn trái cây. Bát Giới nói:

- Khó quá! Khó quá! 

Tôn Hành Giả nói:

- Thôi, sư đệ biến làm con nhỏ ấy, mà đi tế cho rồi! 

Bát Giới nói:

- Nhỏ nhít như vầy, tôi biến làm sao cho giống! 

Tôn Hành Giả hối rằng:

- Biến cho in lập tức, nếu để lâu thì phải đòn! 

Bát Giới hoảng kinh, dùn mình biến đại, coi giống mặt mày hết thảy, song mập bằng hai!

Tôn Hành Giả cười rằng:

- Biến nữa cho in, nếu lôi thôi thì bị đánh! 

Bát Giới nói:

- Thôi, anh đánh mấy roi thì tôi chịu, chớ biến không đặng nữa, biết rán làm sao? Tôn Hành Giả cười rằng:

- Mặt con gái mà vóc vạc đờn ông, coi làmsao cho đặng! Thôi, ngươi niệm chú biến nữa ta giúp sức cho.

Nói rồi thôi trên mình Bát Giái, coi nhỏ thò như Nhứt Xưng Kim.

Ai nấy đồng khen phép lạ.

Tôn Hành Giả bảo rằng:

- Hai ông truyền cho hữu quyến: Hãy đem lịnh lang, lịnh ái giấu đi. Phải dỗ đừng cho khóc, sợ đại vương hay đặng khó lòng! Còn việc cúng tế làm sao, cắt nghĩa cho chúng ta rõ. Ðể sống trói lại mà tế, hay là luộc, hoặc quay, thì phải nói trước.

Bát Giới nói:

- Anh đừng bày đặt hại tôi chết ra nhiều kiếp! Cái lời ấy Tôn Hành Giả hỏi thiệt, mà Bát Giới tưởng nói ngạo mình.

Trần Thành thưa rằng:

- Không động phạm chi hết, để hai vị khiêng vào miểu mà thôi. 

Tôn Hành Giả khen rằng:

- Phải thế lắm, phải thế lắm! Vậy thì khiêng thử một hồi.

Trần Trừng y lời, truyền tám đứa gia tướng đem bàn độc và mâm sơn ra, bốn đứa khiêng một ghế, đi giáp vòng nhà rồi để xuống. Tôn Hành Giả cười rằng: - Như vậy thì anh em ta có phước lắm! 

Bát Giới nói:

- Nếu khiêng đi chỗ nầy qua chỗ kia rồi thĩnh về, dầu sáng đêm cũng vô sự. Sợ chúng nó khiêng ngay vào miểu thì bị ăn tươi nuốt sống chớ chẳng phải chơi đâu! Tôn Hành Giả nói:

- Nếu như nhát gan, hễ thấy nó nhai ta thì ngươi chạy trước.

Bát Giới nói:

- Như nó ăn đồng nam trước, anh không dặn tôi cũng chạy ngay. Sợ nó ăn đồng nữ trước, thì chạy đâu cho khỏi.

Trần Trừng nói:

- Thường năm đi tế, có người dạn gan rình sau miểu mà coi, lần nào cũng ăn đồng nam trước.

Bát Giới mừng rỡ nói rằng:

- Như vậy thì may cho tôi lắm!.

Xãy nghe tiếng mã la gióng trước cửa inh ỏi, ngó ra đèn đuốc sáng lòa. Có tiếng kêu rằng:

- Khiêng đồng nam, đồng nữ ra đây, đi tế thần cho mau! Ấy là mấy người ở xứ đó. Trần Trừng, Trần Thanh cất tiếng khóc vang, lữ gia tướng khiêng hai bàn độc ra trước.
0
0 sao / 0 đánh giá
5 sao - 0 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 0 SAO trên tổng số 0 đánh giá
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư